Hoàng Ngọc Tuệ – Người anh cả trong sinh hoạt thanh niên

Ông Hoàng Ngọc Tuệ (ảnh: Uyên Nguyên)

Tin anh Hoàng Ngọc Tuệ ra đi, truyền đi từ California làm lòng tôi chùng xuống, xúc động. Dù biết anh đã chiến đấu với bệnh tật từ lâu, sức khỏe ngày càng kém, nhưng vẫn không thể tin anh sẽ bỏ gia đình, bỏ anh em ra đi.

Tôi mở gói thuốc lấy một điếu và bật quẹt. Khói thuốc bay lờ lững trong phòng. Sực nhớ, anh Tuệ không hút thuốc nhưng vẫn chịu đựng anh em. Những đêm tĩnh tâm chung tại đất nước Hoa Kỳ, đa số anh em đều hút thuốc và uống nước trà. Chúng tôi, những anh em thuộc nhiều đoàn thể thanh niên Việt Nam trước năm 1975, ơi ới gọi nhau như bầy chim vỡ tổ tìm đến nhau để lập lại “bầy”.

Chúng tôi nhen nhúm bước vào lĩnh vực truyền thông bằng tờ báo Người Việt và thành lập công ty Người Việt. Anh Tuệ được giao cho chức vụ Chủ Tịch công ty và là người luôn đưa ra kế hoạch cho từng thời kỳ phát triển. Dù là một công ty thương mãi nhưng Người Việt vẫn hoạt động trong tinh thần thanh niên vốn đã ăn sâu vào tâm thức mỗi người.

Là một sinh viên gốc từ Mỹ Tho lên Sài Gòn trọ học, tôi không giao du nhiều. Ngoài giờ học, tôi chỉ ở trong nhà. Tôi cũng không tham gia vào sinh hoạt thanh niên sinh viên thời bấy giờ. Mãi cho tới Tết Mậu Thân năm 1968, chiến tranh vẫn là những tin tức trên báo chí Sài Gòn mà thỉnh thoảng tôi được đọc.

Tin tức cũng được tiếp nhận qua đài phát thanh mà thỉnh thoảng tôi được nghe. Biến cố Mậu Thân mở tung cánh cổng cho người trẻ chúng tôi thấy chiến tranh ác liệt như thế nào. Tổn thất chiến tranh không chỉ là những con số mà là những mất mát không thể bù đắp, là xương máu của người dân vô tội, là những rệu rã của toàn xã hội. Những người trẻ như tôi bàng hoàng trước những sự thật, trước những chọn lựa.

Anh Hoàng Ngọc Tuệ, lúc ấy làm ở Nha Kế Hoạch thuộc Bộ Thanh Niên, đã cùng với những huynh trưởng trẻ hơn anh, khuyến khích lập các đoàn thể xã hội dân sự để hướng giới trẻ đến những sinh hoạt lành mạnh thay vì “nguyền rủa bóng tối”. Các đoàn thể này có thể kể: Nghĩa Sinh, Hướng Đạo, CPS (Chương Trình Phát Triển Sinh Hoạt Học Đường), Phong trào Học Đường Phục Vụ Xã Hội, Nguồn Sống, Tiên Rồng, Phong trào Du Ca Việt Nam…

Tinh thần phục vụ xã hội lên rất cao trong giới sinh viên, những viên gạch của nền dân chủ. Các bạn sinh viên thời đó đã từng đi cứu trợ đồng bào chiến nạn, xây dựng nhà, khám bệnh phát thuốc, kể cả các sân khấu văn nghệ dã chiến để ủy lạo đồng bào và các thương bệnh binh.

Nhật báo Người Việt là thành quả của những anh em lớn lên trong chiến chinh và trưởng thành từ những học hỏi. Không ai qua được mệnh trời, anh Hoàng Ngọc Tuệ cũng thế. Cầu chúc anh được nghỉ yên trong cõi Vĩnh Hằng.

__________

Ông Hoàng Ngọc Tuệ (trái) phát biểu trong buổi kỷ niệm 10 năm ngày mất nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang năm 2011 – Ảnh: Nguyễn Thiện Cơ cung cấp

Mời đọc lại một bài phát biểu của ông Hoàng Ngọc Tuệ về nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang (tư liệu của ông Nguyễn Thiện Cơ cung cấp)

Phát biểu của Trưởng Hoàng Ngọc Tuệ trong Lễ Tưởng Niệm nhân Ngày Giỗ thứ 10 của Trưởng Nguyễn Đức Quang 27 tháng 3, 2021 (tại Nam California)

Thưa Quý Anh Chị Du Ca thân mến

Thân chào Anh Tuấn và Cháu Tường

Cám ơn sự có mặt của Anh Tuấn, Cháu Tường, cùng các bạn Du Ca đã có mặt trong Lễ giỗ của anh Nguyễn Đức Quang chiều nay.

Cách nay đúng 10 năm, ngày 27 tháng 3 năm 2011 anh đã vĩnh viễn rời bỏ chúng ta để lại thương tiếc cho người thân, bạn bè, người hâm mộ và toàn thể đoàn viên Du Ca.

Nói về đóng góp của anh Quang cho xã hội, giới trẻ miền Nam và cho Phong Trào Du Ca, chúng ta nghĩ đến ảnh hưởng của nhiều ca khúc do anh sáng tác trong mười năm từ 1965 đến Tháng Tư 1975 thật là lớn lao và sâu rộng tại các tỉnh thành, trong lớp học cũng như ngoài sân cỏ tại các trường trung học.

Miền Nam lúc bấy giờ

Tất cả chúng ta phải đồng ý một điều là nếu không có anh Nguyễn Đức Quang thì đã không có Du Ca. Và phải công bình mà nói nhạc Du Ca do anh Quang và các trưởng Du Ca khác sáng tác đã đem đến cho xã hội miền Nam một làn gió văn nghệ mới lạ, trong sáng, đầy nhân bản không ai chối cãi.

Chúng ta thử tìm hiểu các bài hát Du ca, của anh Quang và các Trưởng khác sáng tác đã tác động đến tâm tư người hát cũng như người nghe, từ ngày đó đến nay lớn lao đến mức nào.

Rất sớm, khi nhận biết sự chia cắt đất nước Việt Nam thành hai phần với cầu Bến Hải, anh Quang đã sáng tác bài “Lìa Nhau” (năm 1964) với câu mở đầu “Lìa nhau cho tim bốc cháy thù sâu…”, báo hiệu sự thù hận giữa hai miền Bắc Nam, không hàn gắn được, báo hiệu sự xâm lăng của miền Bắc vào chiếm miền Nam 11 năm sau đó… Đây là một bài hát có nội dung tiên tri.

Nhưng quan trọng hơn cả, đối với anh Quang là vấn đề Con Người, con người Việt Nam và lịch sử dã nung đúc lòng dũng cảm để bảo vệ quê hương đất nước do tổ tiên để lại.

Thưa Quý Anh Chị, trở lại với người Huynh Trưởng Du Ca của chúng ta, tôi xin mượn lối phân tích của nhà báo Nguyễn Xuân Hoàng phải nói về cả hai mặt nhân cách và tài năng của Nguyễn Đức Quang.

Nhân Cách: Anh Nguyễn Đức Quang là một Huynh Trưởng Hướng Đạo, một Huynh Trưởng Du Ca đầy nhân cách. Còn lập trường chính-trị thì anh là một người ôn hòa, khiêm tốn rất đáng mến.

Nói về Tài Năng thì cứ nhìn vào hàng trăm sáng tác, đủ thể loại mà anh đã để lại cho chúng ta đủ biết anh Quang là một nhạc sĩ đầy tài năng. Muốn phân loại các bài do anh sáng tác phải cần nhiều thời gian để phân tích và tìm hiểu.

Nhạc phẩm anh Nguyễn Đức Quang sáng tác rất đa dạng. Tạm chia thành sáu thể loại dưới đây:

1./  Nghi Thức Ca:  Đoàn Ta Ra Đi (Đoàn ca); Từ Nay Gánh Vác (Bài ca Tuyên hứa); Lời Nguyện Cầu Hạnh Phúc (Mừng Đám cưới): Là phút vui đôi bạn hiền. Chúng tôi xin góp ít lời vui duyên…

2./ Nhi Đồng Ca: Đầu Bếp Kỳ Tài, (Trời, mùi gì khen khét chị (ông, anh) đầu bếp của tôi ơi /. Sao chị cho chúng tôi xực món chi lạ đời…)

3./ Dân Ca:

Dân Ca Việt Nam, ví dụ: Lý Con Sáo: Ai đem con sáo sang sông cho sáo sổ lồng…

Dân Ca quốc tế lời Việt: Bầu Trời Quê Hương Ta (tộc Di, Trung Hoa, thế kỷ 13). Ta đi lang thang trên bờ ruộng nghèo. Lời nguyền trong tim vẫn còn khắc sâu. Lời nguyền đưa nhau đến bờ tươi sáng. Những bước chân đầu chưa hề nhạt màu. Một ngày nào ta sẽ quay về Đem theo vinh quang bốn bề… Về Miền Gian Nan: Ngàn bước chân tiến trên đường xa triền miên, ta cùng tìm về miền đất gian nan. Vượt thác nguy biến chui luồn qua rừng thiêng ta cùng tìm về miền đất gian nan… Nào cùng nhau vun xới chấm dứt cơn đói dài…

4./ Sinh Hoạt Ca : Hy Vọng Đã Vươn Lên, Dưới Ánh Mặt Trời…

5./ Tình Ca

a/ Tình Ca Quê Hương: Chiều Qua Tuy Hòa, Người Yêu Tôi Bệnh

b/ Tình Ca Làm Người: Như Mây Trên Cao: Anh sẽ lên trên ngọn Hồng Lĩnh, hái cho em một cánh hoa rừng…

6./ Nhận Thức ca (Tác động ca khác với Động tác ca, chưa có)

Những Bài Ca Khai Phá, những bài Trầm Ca với giá trị tác động cao độ mà chúng ta thường gọi chung là Nhận Thức Ca.

Nhận Thức Ca của anh Quang thúc đẩy người nghe cũng như người hát này sinh lòng yêu thương quê hương, xóm làng, yêu thương người đau yếu già nua. Nhạc của anh đi vào tim hay qua khối óc để đưa đến những hành động đầy tình yêu thương và sự can trường. Ví dụ bài Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ: Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn. Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang… 

Nhạc Nhận thức đã có giá trị và ảnh hưởng lớn lao vào một giai đoạn lịch sử đầy biến động của VNCH, thời kỳ 1965-1975, và cho đến nay vẫn còn có giá trị và ảnh hưởng tại hải ngoại. Nhạc của anh đã vang dậy khắp các tỉnh thành miền Nam, trong lớp học và trên sân cỏ ở các trường Trung Học thời bấy giờ.

a/ Đặc tính Khai Phá ấy là gì trong giai đoạn các ca khúc này ra đời? Đó là lời ca cùng âm điệu mới lạ, vui tươi, rất dễ hát, dễ nhớ.

b/ Đặc tính Nhận Thức đã làm cho người Du Ca trở thành con người sống với trách nhiệm và đầy lòng nhân ái.

Ngày nay chúng ta đã xa lìa quê cũ và đang sống trong xã hội Hoa Kỳ. Các tệ trạng và hoàn cảnh không còn giống ngày xưa, cả về mặt xã hội, chính trị và văn hóa nhưng xin đừng quên: Xóm làng ngày xưa vẫn còn ở nơi đây vì chúng ta có láng giềng là những gia đình bên cạnh nhà, là cộng đồng, là những người vô gia cư, đang khổ đau và đang cần sự giúp đỡ của chúng ta…

Để kết luận: Mỗi chúng ta sẽ tiếp tục say sưa hát các bài Du Ca do anh Quang để lại và xin hứa cùng anh Quang là mỗi chúng ta sẽ nỗ lực gánh vác, không từ nan khổ nhọc để thực hiện tốt nhiệm vụ của mỗi người trong xã hội này và cũng không bao giờ quên nghĩ và tưởng nhớ về Quê Hương cũ. Xin Vong Linh anh Nguyễn Đức Quang phù hộ cho chúng tôi hôm nay và mãi mãi.

Tôi xin cám ơn các bạn đã chú ý lắng nghe.

Hoàng Ngọc Tuệ

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: