Vài ý nghĩ lan man về Việt Ngữ

(minh họa: Alexander Grey/Unsplash)

Truyện kể rằng, hồi nẫm, (trong khoảng mười năm 1950- 1960) ở làng Lương Quới, quận Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre có người tên Nguyễn Văn Miêu-Hay Miêu-còn trẻ, khá đẹp trai, ít học, nhưng lẻo mép, nói năng dễ làm người khác nghe theo.Nhà Hai Miêu nghèo.Ở làng, Hai Miêu đi làm mướn không đủ sống, bèn xin làm lơ xe đò chạy đường Bến Tre-Ba Tri. Máy Móc xe đò cũ kỹ, cứ chạy hơn mươi cây số xe nóng máy, phun hơi nước phải ngừng lại đổ nước lạnh múc ở ruộng.

Một hôm, trong lúc quét dọn sàn xe đò, Hai Miêu lượm được một cuốn sách dạy làm thầy bói. Mới đầu bói bậy bạ cho mấy bà, mấy cô bạn hàng đi xe. Sau thấy mấy người đó khen đoán trúng. Từ đó Hai Hiêu biết tâm lý các bà, các cô-nhứt là các cô gái làng còn trẻ hay thích đoán chuyện tình duyên…(người ta nói rằng cuốn sách mà Hay Miêu lượm được là của Ông Đại Lục Tiên, nổi tiếng coi bói ở BaTri. Họ nói,  có lần, Đại Lục Tiên đoán cho Ba Truyện- một đồn trưởng-rằng quan đi “ruồng” ra bên ngoài đồn đừng bao giờ về đường cũ, nếu không sẽ chết. Ba Truyện cãi lời nên bị Việt Minh phục kích, giết!) Nghe nói Đại lục Tiên về sau có lên Chợ Lớn.

Khi coi “có mòi” khấm khá, Hai Miêu bỏ nghề lơ xe đò, lên Chợ Bến Tre mướn một cái bàn nhỏ trong một tiệm bánh để thử thời vận. Hơn mấy tháng sau, tiếng đồn khắp chợ, Hai Miêu liền mướn nguyên căn phố, trương bảng hiệu: Thuyết Lan Đình, chuyên khoa Chiêm Tinh, Tử vi. Nhưng sau đó, Hai Miêu “rờ mó” một người đàn bà trẻ đẹp. Câu chuyện vỡ lở. Tòa án Bến Tre kêu ba tháng tù. Sau khi ra tù, khoảng năm 1963, Hai Miêu dọn nhà lên Sài Gòn, mướn một căn phố nhỏ ở đường Cô Giang, khu chợ Cầu Ông Lãnh. Đây là địa bàn tốt vì có nhiều bạn hàng buôn gánh bán bưng. Chẳng mấy chốc, nhà tiên tri Trí Nhân nổi tiếng…

Những năm đó, tôi cũng hay gặp anh Hai Miêu tại nhà, thường giỡn: Anh Hai sủ tui một quẻ coi có cô bồ nào “bảnh” hông? Ảnh trả lời: Thôi mầy ơi, để cho tao làm ăn. Còn gặp Ba Má tôi, ảnh im re, chỉ hỏi thăm Chú Thím Bảy có khoẻ không, có gì con giúp; và nói chuyện chòm xóm ở quê nhà. Ba Má tôi thường nói thằng đó gặp thời. Cái thời của một xã hội sắp đảo điên hông tin chính mình nên ùn ùn mê tín dị đoan. Người con trai lớn của ảnh, sau nầy theo nghiệp cha, cũng trương bảng hiệu gần đó với tên Trí Nhơn.

Câu chuyện trên kích thích sự tò mò của tôi. Tôi đi lùng các tiệm sách ở Sài Gòn tìm những cuốn sách viết về bói toán .Và, sau nhiều lựa chọn, tôi bắt đầu nghiên cứu Tử Vi. Từ Tử Vi rồi đến Chu Dịch hông xa. Nhưng số lượng sách dịch hông nhiều, tôi bắt buộc phải học thêm một số ít chữ Nho (Trung Hoa) để tìm hiểu thêm…

Nhưng càng tìm hiểu thêm, tôi càng lún sâu vô vũng lầy của một mớ hổ độn. Đó không phải là một khoa học. Đó chỉ là một sự suy diễn tùy theo cảm quan của một người có tài đoán lỏn ý của người khác. Mười ba cung số trên lá số Tử Vi chỉ là một mớ sắp xếp hông xác thực. Nó chưa phải là một khoa học thực nghiệm chớ đừng nói chính xác như Toán Học…(tôi chỉ nói đến bói toán, không đề cập đến Dịch- một hệ thống triết học của Trung Quốc)

Một sự việc xảy ra làm tôi nghi ngờ  Tử Vi. Người con rể của nhà tiên tri nổi tiếng ở Sài Gòn lúc đó- Huỳnh Liên-đã chết cháy đột ngột một cách thê thảm trong chiếc xe Jeep trên đường trở về căn cứ sau buổi ăn sáng. Nếu là nhà bói toán nổi tiếng, sao ông già vợ không báo trước cho con rể mình tránh tai nạn đó. Người ta thường biện luận cho rằng nghiệp lớn quá hay là như lời đoán mò của các nhà bói toán khác là phải làm phước, cúng sao giải hạn… Hơn nữa khó lấy được chánh xác ngày giờ sanh vì, một phần chiến tranh triền miên, làng mạc bị đốt cháy, khó có ai còn nhớ ngày giờ sanh của mình.Chúng ta biết rằng khoa Tử Vi chỉ áp dụng cho những người sanh ở vùng ảnh hưởng văn minh của Trung Quốc. Còn các người khác sanh ra ở những múi giờ khác thì như thế nào? Và còn nhiều vấn đề rắc rối khác nữa…Sau cùng, những quyển sách đó ngủ quên trong tủ sách của tôi; và, sau ngày 30-4-1975 bị mấy ông ôn dịch con cờ đỏ tới nhà lục soát rồi cúng cho bà hỏa!!…(khoảng năm 1975, tôi gặp thầy Phạm Kế Viêm ở trại tù Suối Máu. Không biết thầy có phải là người giỏi bói toán hay không mà ngày nào tôi cũng thấy một số người bu quanh thầy, đưa tay cho thầy coi. Và, những người đó, nếu còn sống, có nghĩ rằng thầy Viêm đã đoán trúng hay sai; hay là họ đã chết ở một trại tù nào đó hoặc bỏ thây nơi biển Đông làm mồi cho cá. Đâu có ai mà biết ngày sau ra tù rồi đi Mỹ? 

Nhưng tôi hướng đến một bước đi khác. Vì học chữ Hán nên tôi tò mò chú ý đến chữ Nôm rồi đến chữ abc (latinh) của Việt Ngữ. Chữ viết của Việt Nam có từ bao giờ? Có thể có từ thời Hùng Vương? Nếu hông, với hơn một nghìn năm Bắc Thuộc, chúng ta không có chữ viết , tiếng nói của chúng ta chắc  biến mất.Với sự cai trị tàn độc của Tô Định và Sĩ Nhiếp thời Đông Hán, có thể các Lạc Tướng, Lạc Hầu rút lui vào rừng sâu còn cố gắng giữ gìn Việt Ngữ? Với hơn ngàn năm Bắc Thuộc, mọi sự tưởng chừng như mất hẳn, nhưng tầng lớp sĩ\phu Việt đã biết kết hợp nhuần nhuyễn chữ Hán đọc thành âm Việt.

Một sự kết hợp tài tình giữa  chữ Hán thành âm tiếng Việt:

1-Trong những bài thơ Đường Luật- tám câu bảy chữ: Tạo hoá gây chi cuộc hí trường.Đến nay thấm thoát mấy tinh sương…

2-Hay song thất lục bát: Thuở trời đất nổi cơn gió bụi, Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên…)

3-Hay lục bát: Cảo thơm lần giở trước đèn, Phong Tình cổ lục còn truyền sử xanh..

4-Và lan dần đến ca dao: Trâu ơi! ta bảo trâu này, Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta. Cấy cày vốn nghiệp nông gia…

Toàn là những chữ Hán âm tiếng Việt. Chúng ta đọc lên hông có vẻ gì là tiếng Hán-mà ta hiểu liền- thì tội tình chi chúng ta bày đặt gọi đó là chữ Hán Việt cho rắc rối. Cái gì của  người khác, ta “ăn cắp,” ta biến thành của ta là của ta (!) Người Nhựt cũng dùng chữ Hán đọc thành âm Nhựt thì là tiếng Nhựt. Người Trung Hoa cóp một lô chữ Nhựt (điện thoại, kinh tế, xã hội…) đọc thành chữ Trung, ta sao lại từ tiếng Trung đọc thành âm Việt rồi nói đó là tiếng Hán Việt. Thế có “tréo cẳng ngỗng” hông? Lại còn “chua” chữ Hán kế bên!

Năm 1975, tôi có gặp thầy Nguyễn Văn Khôn-tác giả nhiều cuốn từ điển-ở trại tù Suối Máu. Tôi hỏi thầy ơi sao từ điển của thầy có nhiều chữ “Hán Việt” quá vây? Thầy cười cười…Từ điển Hán Việt của Thiều Chửu và của Trần Trọng San là cả rừng chữ Hán Việt không biết đâu mà mò.

Rồi tiếng nói đã kết hợp với chữ viết abc (latinh ghi âm) nằm hơn ba trăm năm trong giáo hội Thiên Chúa Giáo Việt Nam. Sau cùng, nhờ TruongVinh Ký nên khoảng cuối thế kỷ 19, thứ chữ Việt ghi âm abc tiện lợi đã nhanh chóng phát triển mãnh liệt. Chỉ cần khoảng ba tháng là người Việt có thể đọc và viết Việt Ngữ. (cách đây gần hơn 10 năm, tôi có dạy Việt Ngữ ở một trung tâm gần nhà. Các cháu đều sanh ra ở Mỹ và cha mẹ đem con cái đến học chỉ yêu cầu con họ nói được “tiếng Việt” để sau nầy có thể trò chuyện cùng cha mẹ. Họ hông phân biệt được giữa chữ viết và tiếng nói(Việt Ngữ gồm có: tiếng Việt và chữ Việt). Hông có chữ thì rất mau quên tiếng. Hồi tôi còn nhỏ, tôi thắc mắc sao đêm đêm cô tôi đọc vanh vách truyện Tàu cho nội tôi?

Quí vị cho cháu đọc thử một bài viết chữ Việt ngắn gọn như: Nhà em có nuôi hai con thú cưng (pets): một con chó và một con mèo. Em thích con nào nhiều hơn.Tại sao?Tôi tin rằng các cháu sẽ đọc được-vì cùng chữ latinh, nhưng không đúng giọng và không hiểu nghĩa. Quý vị đọc đi đọc lại nhiều lần, các cháu sẽ nghe và đọc đúng; và, có thể hiểu, viết được. Và, tôi đã dạy Việt Ngữ bằng cách đó.Nếu các cháu thích thì tìm hiểu thêm. Và, về sau nầy, cũng có được một vài cháu đã đọc, hiểu, viết giỏi, còn nói ron rót; và lạ chưa, còn khoái nghe vọng cổ và tân nhạc! Các cháu sanh ra ở Mỹ là người Mỹ chánh cống.Dạy theo hiểu “hàn lâm” các cháu sẽ lạc vô rừng dấu chỉ thanh thì biết đâu mà mò: “ô thời đội mũ , ơ thì có râu.” Hơn nữa, đâu có phải cháu nào cũng thích học ngoại ngữ đâu)

Như vậy, chúng ta biết chữ viết góp phần gìn giữ quan trọng cho tiếng nói. Một số các nước trên thế giới, hông có chữ viết đã dần dần mất hẳn ngôn ngữ của mình…

Hơn những ngàn năm về trước, người Phoenician vùng Tiểu Á đã nghĩ ra cách ghi âm tiếng nói.Rồi sau đó, sau nhiều biến đổi, chữ ghi âm nầy đã trở nên thành chữ latinh (abc) rất tiện lợi lan tỏa cùng khắp nơi trên thế giới.       

Chúng ta đã có chữ latinh ghi âm tiện lợi nầy. Trong lúc đó, chữ Hán là thứ chữ ghi ý nên vô cùng bất tiện.Chữ Hán nhiều nét lại khó học.Một thời gian lâu không sử dụng sẽ quên rất nhiều. Những người có đầu óc tiến bộ bấy lâu nay kêu gọi thay bằng chữ latinh (Pinyin), nhưng thành phần thủ cựu cho chữ Hán là tinh hoa của mấy ngàn năm văn minh.

Người Triều Tiên cũng đã tạo cho mình một thứ chữ ghi âm riêng biệt (Hangul), nhưng cũng còn thiếu sót nên vẫn phải dùng thêm một ít chữ Hán (Hanja). Người Nhựt trong lúc sơ khai cũng đã xài chữ Hán, nhưng sau đó họ đọc theo âm tiếng Nhựt, rồi ghi thành một số chữ Nhựt.

Hiện nay, phần đông các nước trên thế giới đã dùng chữ latinh. Một phần Đông Âu, một vài nước Trung Á, Trung Phi và Nam Phi đã hoàn toàn đổi qua chữ abc. Ở khu vực Châu Á, Việt Nam là nước chuyển qua chữ abc sớm nhứt, rồi sau nầy có Malaysia, Indonesia, The Philippines và….

Chữ Việt từ thời Trương Vĩnh Ký cho đến nay hông có thay đổi nhiều (?) Chỉ có thay đổi lối hành văn. Có một vài ý kiến cải cách chữ viết khoảng đầu thế kỷ 20, nhưng không thành công như Phạm Xuân Thái (1948) và một vài người khác nữa như Nguyễn Ngu Í khoảng 1960…. Cách nay một vài năm có Bùi Hiền trình bày cách viết chữ Việt không dấu và bỏ mất nguyên âm, bị phản đối mãnh liệt nên mọi việc rồi cũng đi qua.

Chữ Việt là chữ ghi âm. Chữ Việt là một thứ chữ có nhiều nguyên âm (12 nguyên âm, nhiều hơn các nước khác). Ngoài nguyên âm đơn, còn có hai nguyên âm (ie, oa, oă….) và ba nguyên âm (uyê, uỷu…)… Ngoài ra, còn vần (vô số kể) kết hợp với thanh làm nên một thứ  chữ Việt vô cùng riêng biệt.

Các giáo sĩ truyền giáo quả là những nghệ sĩ tài ba mới cảm nhận được gần hơn 164 tiếng nguyên âm trong chữ Việt.

Trở lại năm 1631, với thứ chữ Borri của giáo sĩ Christopher Borri (Italia) hông có dấu chỉ thanh( thí dụ: Tui ciam biet- Tôi chẳng biết). Về sau, để ghi dấu chỉ thanh các giáo sĩ đã dùng đến một vài dấu trong tiếng Portugal, Spanish,…như huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng. Làm sao để bỏ đi các dấu chỉ thanh đó để cho chữ viết nhẹ nhàng hơn. Đó là một điều không dễ dàng. Chúng ta thử giữ nguyên nguyên âm rồi bỏ bớt dấu chỉ thanh đi có được hông-như:

Trăm năm trong coix ngươif ta. Chưx taif chưx mênhj kheos laf ghets nhau.

Có ích lợi hôn? Cũng chẳng có gì là tốt đẹp hơn. Vì sao?

Mất dấu chỉ thanh ở chữ nguyên âm, sẽ đọc sai Thí dụ: Cũng sẽ là cungx. Hiện nay, một số nước vẫn còn dùng dấu chỉ thanh nầy trên nguyên âm, như: António, Modríc.Tôi cũng thắc mắc là tại sao chữ Việt của chúng ta có dấu chỉ thanh mà khi giao thiệp với bên ngoài chúng ta lại bỏ mất dấu chỉ thanh đi, để tránh lầm lẫn như trường hợp một Tổng Thống Mỹ cười cợt khi đọc âm Phúc hổng dấu thành Fu..k. Chúng ta cứ viết Nguyễn Xuân Thành. Trên phương diện ngoại giao và văn hóa người nước ngoài vẫn cố gắng đọc được. Cũng như hiện nay tên tất cả người MyVi ( người Mỹ gốc Việt) đều hổng có dấu chỉ thanh dẫn đến những trường hợp tréo cẳng ngỗng: Thanh, Thánh Thành Thảnh Thạnh đều cùng là một âm Thanh và họ Nguyễn đều thành họ Nguyen!!

Với nguyên âm đơn đã mất dấu chỉ thanh như thế.Còn chữ hai nguyên âm, ba nguyên âm càng gây thêm rắc rối: ngoằn ngoèo…

Vì mỗi chữ vẫn là một âmtiết.Chữ Việt là thứ chữ đơn âmtiết.Chỉ viết ra một cách duy nhứt và đọc một cách duy nhứt. (Có một chữ ngoại lệ: QUỐC đáng lẽ phải viết là QUẤC, tôi không hiểu vì sao.Vì lúc đầu trong các quyển tự vị trong Nam đều viết là QUẤC.) Chúng ta chưa nói đến vần, còn rắc rối thêm. 

Với QWER keyboard hiện nay, sử dụng chữ đơn âm tiết, chúng ta phải thao tác nhiều hơn chữ đa âm \tiết.Thí dụ khi đánh chữ đa âm tiết “government” mau hơn khi chúng ta đánh chữ đơn âm tiết “chính phủ.” Vậy làm sao cho chữ viết chúng ta trở thành đa âm tiết hơn? Chữ đa âm tiết dễ tạo ra được nhiều chữ khác hơn Thí dụ: Chính Phủ có thể tạo ra unchínhphủ=vô chính phủ, và…

Hiện nay, tôi nhận thấy chữ ghi âm abc đã tràn lan trong mọi lĩnh vực, nhứt là trong công nghệ thông tin đang tiến ào ào như vũ bão. Quý vị có bao giờ để ý những tên người, nơi chốn… toàn là chữ latinh. Tổng Thống Ấn Độ là Moodi, Thủ Tướng Nhựt là Kishida, Tổng Thống Nam Hàn là Moon, Chủ Tịch nước Trung Quốc là Xi Yinpeng, Tổng Thống Ukraine là Zelenskiy…;  và Hanoi, Danang, Hochiminh (cẩn thận với tên Hochiminh khi quý vị đi về Việt Nam, nếu quý vị vô tình ghi mã số phi trường Tân Sơn Nhất là HCM. Quý vị sẽ được đưa đến một nước nào đó ở vùng sừng Africa để uống cà phê Arabica. Sài Gòn sẽ vẫn mãi mãi là Sài Gòn với mã số SGN-cho đến khi nào khánh thành phi trường Long Thành??!!. Sau năm 1975, chính quyền mới cố gắng xin đổi HCM mà hổng có được!!)

Hơn nữa trong khoa học, toán học… chúng ta đã dùng nhiều chữ đa âm tiết thì tại sao chúng ta không thể dùng chữ đa âm tiết như: chính phủ, công nghệ, non nước, ngã lòng… Chúng ta vẫn đọc và hiểu được. Ngày nay, trong nước một vài chữ đa âm tiết xuất hiện: homestay, karaoke, video… (đó không phải là chữ Anh, chữ Nhựt mà đó là chữ Việt vì khi viết ra mọi người vẫn hiểu mà không thắc mắc chữ đó đến từ đâu. Tôi nghĩ khi viết: mua một ly Starbuck, mua một cái big Mac chắc mọi người đều hiểu)… Thực ra Việt Ngữ chưa hoàn chỉnh, nhứt là trong lĩnh vực tiếng nói. Học nói tiếng miền nào cho đúng: Hà Nội cũng sai, Huế cũng trật, Sài Gòn cũng đớt đã. Điều cần nhứt là cần có IPA hoàn chỉnh. Đâu phải hát lên với giọng Hà Nội là hay hơn giọng Huế và Sài Gòn?….

Sau năm 1975, tôi như con kiến nhỏ bám theo bầy kiến trôi theo dòng thác lũ. Hơn gần 10 năm không viết được một bài chữ Việt. Những người trẻ hơn tôi quen dần với Anh Ngữ và họ sử dụng Anh Ngữ còn thông thạo hơn Việt Ngữ. Còn tôi , vẫn bám víu vô mớ Việt Ngữ xa dần, xa dần cội nguồn. Thế hệ F1, F2 còn quẹt quẹt một chút Việt Ngữ. Và, F3, F4… hòa nhập vào xã hội mới: Việt ngữ sẽ xa, xa,.. xa mất rồi, xa mất biệt rồi!!! Lý Thừa Vãn (tên latinh là Syngman Rhee), Tổng Thống đầu tiên của Nam Hàn-con cháu đời thứ 25 của Lý Long Tường (theo Trần Đại Sỹ) đâu có còn biết một chút Việt ngữ nào!!

Sau đại dịch COVID-19, các trung tâm Việt Ngữ trên thế giới gần như tan tác. Đến nay chưa phục hồi được.

Chúng ta hãnh diện với Việt Ngữ chúng ta đã mang theo. Nhưng thời gian gần nửa thế kỷ rồi, Việt Ngữ chúng ta cùn nhụt. Than ôi! “Tiếng Việt trong sáng” của Nguyễn Đình Hoà có còn không? Bộ Từ Điển đồ sộ “Từ Điển nguồn gốc Tiếng Việt” của Nguyễn Hy Vọng có giúp ích gì cho chúng ta không? Việt Ngữ hải ngoại cũng lần lần bắt chước trong nước.

Và, lẽ tất nhiên, chúng ta-người Mỹ không thể định đoạt Việt Ngữ. Việt Ngữ sẽ do những thế hệ trẻ trong nước muốn thay đổi thế nào là tùy họ. Ngày nay, tôi nhận thấy nhiều nhà văn chân chính trong nước cũng viết lách vững chãi lắm rồi…

-Thêm một ý kiến: muốn thoát Trung, chúng ta nên thay đổi hoàn toàn tên người, địa danh của Trung Quốc bằng chữ latinh như hiện nay. Thí dụ Tập Cận Bình bằng Xi yinpeng, Bắc Kinh bằng Beijing, Thượng Hải bằng Shanghai… Mới đầu có thể một số người không biết, nhưng với mạng truyền thông toàn cầu rồi mọi người không còn thắc mắc nữa. Từ lâu rồi, ta đã không dùng Hung Gia Lợi mà Hungary, Lỗ Ma Ni mà Rumani, Bá Lê mà Paris… Hơn ngàn năm oằn vai với thứ chữ “thánh hiền” cuối thế kỷ 19, đã thoát được rồi nhờ chữ latinh, sao lại đeo đẳng thêm chi gánh nặng “hán việt”! Thay đổi nhanh đi, nhanh đi… để mai đây, Trung Quốc không xài chữ Hán trong ô vuông nữa mà dùng chữ Pinyin thì khốn đốn cho ta…

-Thêm một ý kiến nữa: khi chúng ta dùng chữ Pinyin viết tên người và địa danh Trung Quốc, chúng ta không lầm lẫn với tên người và địa danh Việt Nam. Thí dụ: Khi viết Vương văn Bân, chúng ta biết chắc là tên người Việt Nam, còn Wang Wenbin là tên người Trung Quốc. Henan là một tỉnh ở Trung Quốc, còn Hà Nam là một tỉnh của Việt Nam.     

Hy vọng: một, hai thập niên nữa, QWER keyboard sẽ không còn.Thay vào đó, chúng ta chỉ ngồi trước màn hình AI, ý nghĩ chúng ta sẽ hiện lên chữ viết trên màn hình, sau đó chuyển đi khắp toàn cầu… Tới chừng đó, chữ viết của Việt Ngữ sẽ thay đổi; và, với sự thay đổi đó kéo theo sự sụp đổ của chế độ tôn sùng văn hóa ngoại lai.

Cuối cùng, thank you (quái lạ, thứ chữ gì đây đáng yêu quá vậy!) quý vị đã bỏ chút thời giờ đọc bài viết lan man nầy của ông già nhà quê, già “khú đế, cúp thùng thiếc” còn đèo bồng viết tầm bậy tầm bạ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: