Yêu thời Covid

Truyện ngắn
Minh họa: Daniel Tafjord/Unsplash

Cô với tay đẩy nhẹ cánh cửa sổ nhìn xuống phố – Anh vẫn chưa đến!

Hình bóng chàng trai cứ lởn vởn trong đầu khi ngoài kia đầy sự rối loạn đang diễn ra. Đã 20 ngày rồi từ khi dịch Coronavirus hoành hành được công khai với dư luận. Trước đó, sự đồn thổi cho thấy nguy cơ này là sự thật trong khi chính quyền cố chứng minh quyền năng vô hạn khi định hướng mọi thông tin theo con đường đã định sẵn. Đây là một quy luật an toàn cộng đồng khi mọi ước đoán có thể đưa đến khủng hoảng không thể kiểm soát được. Cô biết điều này từ một tác phẩm văn học đã đọc thời trẻ nhưng để lại ấn tượng lâu dài…

Tiếng còi hú xe cứu thương vang liên tục trên phố và đổ về hướng các bệnh viện mỗi lúc một đông. Người ta đang lo sợ cơn đại dịch có thể kéo cả nhà đi về nơi vĩnh hằng bắt đầu từ một thành viên nào đó! Điều này đồng nghĩa với sự nghi kỵ cho dù là tình thân. Huống hồ ngoài kia, cộng đồng bao la đang hốt hoảng vì một đại dịch chưa từng có. Tìm một nơi an toàn trong cảnh cháy rừng xem ra dễ dàng hơn những gì đang diễn ra bởi cơn dịch bệnh. Ai cũng đáng nghi ngại trong suy luận, phân tích, đồ đoán… Sự hốt hoảng từ đó dâng cao.

Cho dù các nhà chính trị có to mồm phát biểu những câu trấn an đầy thuyết phục nhưng bản thân họ đang yên chỗ trong cảnh bất khả xâm phạm cùng lũ con cháu được bảo vệ bởi các vị bác sĩ danh tiếng. “Tội đồ” của đại dịch chính là bọn dân đen khốn khổ, lo cái ăn từng ngày, chật chội trong những căn hộ mà mọi phương tiện xa hoa chỉ có trong mơ…

Những triệu chứng báo hiệu lây nhiễm như: Ho, sốt, khó thở… hầu như ai cũng biết, và có thể mọi người phải tự kỷ ám thị rằng đó là hiện tượng thoáng qua chứ không phải bản thân đang chứa loại virus kinh khủng hiện hoành hành…

Người đi khám bệnh trở về hoặc không, có nhiều lý do: Quá tải tại nơi khám, không chờ đến lượt được. Một số nhập viện khi kết quả dương tính. Còn lại là bị cách ly theo dõi (nghi ngờ).

“Cách ly” thuộc từ y học. Phương diện ngôn ngữ học nó đồng nghĩa “Biệt giam”, còn chút ít tự do ở giai đoạn nào đó. Điều gì xảy ra nếu cơn dịch bệnh biến thành bão lớn và từ “Cách ly” sẽ tiêu hóa cái khóa từ bên trong! Sự kinh khủng bắt đầu từ đây…

Minh họa: Pierre Borthiry/Unsplash

Thành phố cô ở đã có lệnh “Cô lập”. Một nhà tù lớn nhan nhản bóng quân đội với bộ đồ chống nhiễm liền áo, lạnh lẽo đến kinh hoàng. Trái đất vốn rộng. Cộng đồng thật to lớn. Vì vậy cô lập nơi có dịch nhằm hạn chế lây lan là điều cần phải làm! Cô tự vấn: Tại sao những người không có bệnh nhất định phải ở trong tâm dịch!? Và câu trả lời là: Không ai biết thời gian ủ bệnh và bộc phát sẽ đến từ lúc nào, và nếu bước ra cộng đồng chỉ tăng thêm sự kỳ thị. Thật kinh khủng. Ai sẽ giúp những con người khốn khổ dù có chết cũng muốn thấy tự do?

Ba ngày rồi sức khỏe cô không tốt. Những triệu chứng ban đầu mang đậm nét Coronavirus và cô tự cách ly với gia đình, giam mình trong phòng kín. Cô có thể cách ly toàn thiên hạ, nhưng với anh thì không! Cô và anh quen nhau đã hai năm. Tình cảm đang ở chót đỉnh. Sự thiết tha mong mỏi gặp nhau như cơn nghiện bất chấp ngoài kia đại dịch đang đắc chí. Cô nói cho anh biết, có thể bản thân đã nhiễm, hy vọng anh tránh xa cô. Chàng trai không hề biết sợ là gì vẫn tìm đến với cô trước tình cảnh gần như tuyệt vọng. Có thể anh là chiếc phao cứu sinh cuối cùng, khi nghe tiếng cô gào thét từ bên trong, một sự “giúp đỡ” rơi vào khoảng không mênh mông!

Tình yêu có lẽ mạnh hơn tất cả mọi thứ. Coronavirus có thể giết chết con người nhưng không ngăn chặn được trái tim. Thế là hằng ngày, đúng giờ anh lại đến, cùng cô đi loanh quanh mua thực phẩm, ra bờ sông hóng mát… Có quá nhiều chuyện để nói về tương lai, khi cô ao ước trong thinh lặng. Anh vô tư đồng hành cùng cô cho dù chuyến đi có thể không khứ hồi. Cô thật sự ngưỡng mộ anh bởi sự cương quyết đến ngu ngốc. Cô đang tự cách ly, còn anh thì không! Có vẻ giữa chết và sống, anh đã chọn cô! Phó mặc sinh mệnh trong trò chơi may rủi…

Bờ sông nơi cô và anh ngồi, tách biệt hai thành phố lớn. Đó là một cái bến để lấy nước hoặc có thể tắm khi hứng thú dâng cao. Hai bên những nấc thang có bờ kè lát gạch rất sạch sẽ. Ở chỗ này, cả hai thích ngồi dựa lưng vào bờ gạch, đối diện nhau… Con sông trở nên buồn thảm khi ngày càng nhiều người cố dùng mọi phương tiện có được bơi sang bờ kia. Họ muốn thoát khỏi tâm dịch trong vô vọng khi tuần tra đường thủy cứ 15 phút lại cho ca-nô chạy qua! Khó mà thoát.

Đường xá vắng lặng đáng sợ. Bờ sông lác đác vài bóng người lẻ loi tản bộ với sắc mặt lo lắng. Đang có khuyến cáo tránh tụ tập chỗ đông người, thành phố chết bằng sự cô độc. Có vẻ cô và anh là đôi uyên ương duy nhất tham gia trò chơi số phận khi sự hoảng hốt ngày một nhân rộng. Khủng hoảng dịch bệnh đang thoát ra bằng nhiều hướng và toàn cầu đón nhận thông tin đầy lo âu khi số người lây nhiễm vẫn tăng một cách đáng sợ. Quá sớm khi nói về “Ngày tận thế”, vì cái chết bắt đầu từ sự khốn cùng. Người nghèo thường bất cần, mà cô và anh có vẻ “vô sản” nhất!

Vài cuộc điện thoại hỏi thăm từ bạn bè khiến cô vui hơn, nhưng khi mọi thông tin cắt đứt, sự lo ngại lại bắt đầu. Chưa có phản hồi nào từ người bị nhiễm hoặc kẻ bị cách ly! Kỳ lạ…

Có khi nào cô nghĩ đến việc giam mình trong phòng kín hoặc tản bộ nơi bờ sông khi ngôn ngữ chẳng còn cơ hội phát ra? Anh có vẻ là cứu cánh cho tình yêu, tình bạn, cõi vĩnh hằng cô đang trao gửi. Anh luôn bên cạnh cô mặc dù bản thân bắt đầu ho, sốt. Khi cơn bệnh bắt đầu trầm trọng, tính khí ngông cuồng lại nổi lên. Cả hai quyết định đem theo những thứ làm ấm, kem chống muỗi… để ngủ ngoài bến sông. Thật điên rồ! Sự chọn lựa này thật sự đúng đắn hay nên đi khám bệnh, để rồi bị “Cách ly” không còn thấy mặt nhau?

Quyền con người với ước muốn “Tự do” bao hàm cả ý nghĩa được lựa chọn giữa sống và chết. Nếu một người thật sự muốn chết, không thế lực nào ngăn cấm được. Cô và anh thích nghi nhanh với ý nghĩ này. Và… dịch bệnh không còn đáng sợ như cách nhìn của nhiều người!

Đêm lung linh bởi những vì sao. Rét vẫn còn nên hai người cuộn mình vào chăn ấm. Cô và anh nói rất nhiều với nhau về tình yêu, mưu sinh, mơ ước… Khi mòn mỏi lại ngủ trong cơn gió se sắt lạnh, lôi những cánh anh đào vướng vít sót lại trên cành trải nhẹ xuống dòng nước. Sự lãng mạn khi thức giấc thật đáng tiếc, nếu như không có loại virus chết tiệt ngăn cản niềm hạnh phúc. Nhưng cô chưa từng hối tiếc vì điều này, bởi nếu không nhiễm bệnh làm sao hai người được thưởng thức những giấc ngủ thiên thai…

Cô và anh vẫn uống thuốc kháng virus theo những thông tin cập nhật từ internet. Tự làm bác sĩ cho bản thân để tránh xa những thứ kinh khủng hơn cái chết. Khó chịu duy nhất hai người phải chịu đựng là ánh sáng từ ca-nô soi quét trên mặt sông về đêm luôn gây mất giấc.

Đâu đó còn một hy vọng! Biết đâu kháng thể từng cá nhân chứng tỏ quyền năng? Ngay lập tức cô phủ nhận điều này khi bản thân tự biết: hai người đang yếu đi từng ngày, từng giờ.

Vòng dịch bệnh đang biến hóa ra nhiều vòng dịch chưa biết giới hạn sẽ về đâu. Những vòng xoay tử thần nở rộng khiến các giác quan con người sai lệch, ngôn ngữ diễn đạt không còn chính xác trong cơn sợ hãi. Vấn bệnh là một trong những khâu quan trọng của y học trở nên thứ yếu khi con người tràn về các bệnh viện như đàn kiến… Thật tội cho những ai lắp bắp khi khai bệnh trước những vị bác sĩ đang mỏi mệt bởi thời gian làm việc vượt khung, chưa biết lúc nào được ngã lưng, thế là cánh cửa “Cách ly” mở vội… Những vị bác sĩ cũng là con người, mang nỗi sợ con người, và vẫn có sự sai sót của con người khi vượt giới hạn chịu đựng… Công việc đầy áp lực. Những người tham gia y tế chúi mũi vào khối công việc trong khi tâm trạng hướng về ngôi nhà thân yêu.

Từ smartphone cô nhận được nhiều thông tin, rồi khi điện thoại rơi vào im lặng lại cho cô một thông tin khác. Mọi cái đã bị cô lập hoặc cái chết.

Anh đã rất mệt vì suy giảm hô hấp, nhưng thỉnh thoảng vẫn nhúng nước khăn từ dưới sông lau lên gương mặt đỏ ửng của cô. Cô lại giành lấy cái khăn phủ lên gương mặt yêu thương với sự nhẹ nhàng. Cả hai đang cố làm gì đó cho nhau khi còn nghe tiếng đồng hồ tích tắc báo thời gian – Chiếc đồng hồ của hai trái tim. Yêu. Vô vọng.

Anh đào sắc trắng đang vui cơn gió lộng. Những vòng quay xoắn xuýt cuộn những xác hoa bay vào lòng sông viễn du cùng con nước. Cô và anh hóa tượng ngồi nhìn. Anh nói với cô “Nếu buổi sáng thức dậy! Em không còn thấy anh, tức dòng sông kia là nơi anh về…” Cô muốn khóc nhưng mắt khô hoảnh “Em không biết! Nhưng biết đâu là em chứ không phải anh?”

Cả hai nhìn dòng nước, chôn vội những ý nghĩ còn lại. Mọi cái trở nên thừa thãi khi còn ở bên nhau.

Thành phố buổi sáng vốn đông vui bởi những người tham gia dưỡng sinh hoặc dẫn thú cưng đi dạo, nhưng từ lúc dịch bệnh vắng lặng đến rợn người, kiếm tìm một âm thanh cũng không. Bờ sông chen chúc sắc hoa, hồng trắng đều có, đua nhau khoe nụ rồi cười cho đến khi rã cánh theo gió rơi trên mặt sông. Buổi sáng mặt sông mờ sương, nhìn không thấy bờ đối diện. Đêm thứ mấy cô không còn nhớ! Khi mở mắt nhìn kè đá đối diện trống trải khác thường. Trên nấc thang những cánh anh đào đang lay động trong gió cùng sóng nước thét gào. “Anh đi rồi sao?” Cô hướng ánh mặt mệt mỏi nhìn dòng nước và chờ đợi.

Người công nhân vệ sinh theo thói thường bắt gặp một đôi tình nhân ngồi bên bến nước. Họ bên nhau bao lâu anh không còn nhớ, nhưng nét yêu thương quấn quýt khiến hồi tưởng anh quay về thuở còn trẻ. Thời trao nhau tất cả. Hôm nay họ đã đi rồi! Hai bên kè đá mờ sương chỉ sót lại cái chăn đơn, trên đó còn một nhúm nhỏ hoa anh đào đang lẻ tẻ tách bầy theo gió bay ra sông…

Vừa làm công việc anh công nhân vệ sinh vừa lẩm bẩm “Họ đã đi rồi! Vậy cũng tốt, khi dịch Coronavirus vẫn đang hoành hành”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: