Chúng tôi muốn sống, chúng tôi muốn về nhà!

Dân nghèo về quê, bị chặn lại ở cửa ngõ quốc lộ

Không phải là Tháng Tư 1975 mà bây giờ là Tháng Tám năm thứ 46 của tháng ngày người Sài Gòn và miền Nam vượt biên, đứt ruột rời bỏ quê hương.

Bây giờ là Tháng Tám của năm Sài Gòn phong thành vì dịch coronavirus; và người dân phải “tháo chạy lần thứ hai”. Đó là cụm từ cộng đồng mạng đang sử dụng, để mô tả thảm cảnh người lao động nhập cư Sài Gòn tuyệt vọng rời thành phố.

Mọi câu hỏi quanh nội dung vì sao họ phải tháo chạy lúc này đều chung một ý nghĩa. Đất Sài Gòn dẫu vẫn là đất lành, dẫu là nơi người cũ người mới đều chia sẻ hàng trăm năm văn minh, nhưng hiện tại dịch bệnh và hệ thống chống dịch không hề lành.

Khác với những người lần đầu vốn làm nghề tự do, mua gánh bán bưng hay dịch vụ bình dân, việc tháo chạy lần hai lại là những người nhập cư có thu nhập ổn định, khấm khá nhưng nay đã hết sức chịu đựng.

“Ai ở đâu ở đó”. Lệnh từ hệ thống chống dịch sắt lạnh ban ra; nhưng hàng triệu người nhập cư Sài Gòn chỉ muốn cất tiếng kêu lên: Chúng tôi muốn sống, chúng muốn tôi về nhà!

Ảnh: MXH

“Sẽ không để ai phải thiếu đói”. Hệ thống tuyên truyền hứa hẹn. Nhưng từng người trong hàng triệu người đang tiêu xài đến đồng tiền cuối cùng cho thực phẩm sinh tồn. Họ chỉ muốn kêu lên: Chúng tôi muốn sống, chúng tôi muốn về nhà!

“Chống dịch như chống giặc, sẽ chiến thắng dịch bệnh”. Các lãnh tụ, giới giai cấp đỏ, đám tư bản thân hữu… đang hò hét hiệu lệnh, nhưng hàng triệu người trong cửa nhà tạm trú tối tăm, trong khu phong tỏa đang thấy rõ cái chết rình rập từng giây, từng phút. Và họ chỉ còn muốn kêu lên: Chúng tôi muốn sống, chúng tôi muốn về nhà!

Ai đang nghe thấu tiếng kêu của từng những góc khuất đô thị nghèo khó, từ dây rào phong thành dịch bệnh, từ những hẻm sâu, chung cư kín cửa, nơi người chết vì dịch bệnh được vội mang đi không được người thân thuộc vuốt cho nhắm mắt – và từ đủ loại thủ tục cửa quyền kiểm soát cực đoan của cán bộ thừa hành…

Ai đang nghe thấy thảm cảnh nếu họ bị ở lại? Rất nhiều người Sài Gòn tốt bụng đã nghe, đã xả thân trợ giúp bất kể tính mạng. Rất nhiều người Sài Gòn chân chính đã đem tài lực trong khả năng của họ chia sẻ. Nhưng không ai, không một ai có thể sống thay người khác, dù họ có yêu thương mấy đi nữa. Nên dù không thốt ra lời, những người tử tế đó cũng đang tức giận, cũng muốn góp chung tiếng kêu với dòng người nhập cư: Hãy để dân lành về nhà!

Dòng người đau khổ tháo chạy dài theo đường cái quan, theo lối mòn, trong nắng cháy da, trong mưa giá lạnh, nằm nghỉ trên cầu, ăn tạm bên đường. Giữa ngày hay đêm, dẫu nhà gần hay xa thì vẫn là các nẻo đường đầy nguy cơ: Có thể có người nhập cư nào đó sẽ không bao giờ đến được ngôi nhà thân thiết, miền quê yêu dấu của mình. Đường về nhà lại có thể là con đường đi không đến. Nhưng họ vẫn ôm hy vọng sinh tồn; ngay cả với trường hợp bị bắt, bị đuổi trở lại với đô thị tuyệt vọng; họ vẫn sẽ mãi kêu lên: Chúng tôi muốn sống, chúng tôi muốn về nhà!

Ảnh: MXH

Và có khi chính tiếng kêu đó trở thành ánh sáng hy vọng vuốt mắt cho cái chết, nếu họ chẳng may lìa đời trong cảnh cô độc tột cùng.

Sài Gòn sẽ phong thành thêm 30 ngày nữa, lệnh vô cảm, thiếu cân nhắc được ban ra. Vấn đề không phải là bao nhiêu tháng, vấn đề không phải là bất tài, bất lực, hay khoe khoang thành tích giả dối phòng chống dịch từ các con số bị thao túng về ca bệnh, người chết; mà chính là lúc này, đô thị lớn nhất nước sẽ bám víu, nương tựa, trông cậy vào niềm tin, hy vọng vốn có, từng có ra sao?

Liệu có còn gì để tin? Để chờ? Và làm sao để biết cội nguồn hy vọng ở đâu?

Xin thưa, một khi còn có hàng triệu tiếng kêu của người Sài Gòn: Chúng tôi muốn sống! Một khi có tiếng kêu từ dòng người rời đô thị: Chúng tôi muốn về nhà! Khi tiếng kêu bộc lộ ý thức sinh tồn ấy còn vang lên, thì niềm tin hy vọng vào sức mạnh vượt qua đại dịch để sinh tồn luôn hiện hữu.

Nhưng biết mong vào ai nghe thấy, trông cậy vào ai để có các hành động kịp thời hữu hiệu? Không, không phải là hệ thống cai trị này, dẫu họ còn lực hay bất lực, cho dù họ có nghe cũng không muốn thấy. Chẳng phải nhiều người bệnh nặng gọi cửa nhiều bệnh viện mong được cấp cứu, nhưng đến chết cũng chẳng được hệ thống chống dịch nghe thấy đó sao! Chẳng phải họ vẫn ngăn dòng người thiếu đói trở về nhà đó sao? Họ chỉ nghe thấy sự an toàn của chế độ họ!

Vậy đó, họ chỉ nghe thấy sự an toàn của chế độ họ mà thôi!

Vậy ai sẽ nghe thấy? Sự thật là chỉ còn mỗi cộng đồng dân lành nghe thấy tiếng tha thiết vì lẽ sinh tồn của nhau: Chúng tôi muốn sống!

Trong số chúng tôi, sẽ có rất nhiều người sẽ không sống sót qua đại dịch này, nhưng tiếng kêu: Chúng tôi vẫn muốn sống, muốn về nhà, để từ quê nhà trở lại Sài Gòn, để được là người Sài Gòn với khao khát, là những mơ ước đẹp nhất.

Và đó không chỉ là niềm hy vọng của hàng triệu người nhập cư, mà còn là niềm tin và hy vọng rất thật của cả Sài Gòn.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: