Sau khi chiếm được thủ đô Kabul và cả nước Afghanistan, lực lượng Taliban bắt đầu đổi giọng, tỏ ra mềm mỏng (dovish) hơn, cam kết duy trì hòa bình, bao dung và quyền của phụ nữ, nhằm trấn an các mối lo ngại cả trong nước và cộng đồng quốc tế.
Tại cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi chiếm được Kabul hôm nay Thứ Ba 17 Tháng Tám, đại diện của Taliban Afghanistan (phân biệt với Taliban Pakistan) cho biết họ muốn quan hệ hòa bình hữu hảo với các nước khác và sẽ tôn trọng quyền của phụ nữ trong khuôn khổ luật Hồi giáo.
Điểm nóng nhân quyền
Người phát ngôn chính của Taliban, Zabihullah Mujahid, cho biết: “Chúng tôi không muốn có bất kỳ kẻ thù nào bên trong hay bên ngoài Afghanistan”; “Phụ nữ sẽ được phép làm việc và học tập và sẽ rất tích cực trong xã hội nhưng trong khuôn khổ của đạo Hồi”, ông Mujahid nói thêm.
Các thông báo của Taliban không có nhiều chi tiết nhưng gợi ý một đường lối mềm mại hơn so với thời kỳ họ thống trị Afghanistan 20 năm trước. Trong giai đoạn 1996-2001 Taliban cũng cai trị bằng luật Hồi giáo Sharia, theo đó phụ nữ bị cấm làm việc ngoài xã hội, bị áp dụng các hình phạt khắc nghiệt như bị ném đá nơi công cộng; các bé gái không được đến trường và phụ nữ phải mặc những bộ đồ kín mít (burqa) để ra ngoài và chỉ được ra ngoài khi đi cùng một người nam là chồng hoặc anh em trai trong gia đình.
Đáp lại tuyên bố của Taliban, Phát ngôn viên của Liên Hiệp Quốc Stephane Dujarric nói với các phóng viên ở New York: “Chúng tôi sẽ cần xem xét những gì thực sự xảy ra ở Afghanistan và tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ cần phải chứng kiến những hành động trên thực tế xem họ có giữ lời hứa hay không.” Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc sẽ tổ chức một phiên họp đặc biệt tại Geneva vào tuần tới để giải quyết “những lo ngại nghiêm trọng về nhân quyền” sau khi Taliban chiếm được Afghanistan, một tuyên bố của Liên Hiệp Quốc cho biết.
Liên minh châu Âu (EU) cho biết họ sẽ chỉ hợp tác với chính phủ mới ở Afghanistan sau khi Taliban trở lại nắm quyền nếu họ tôn trọng các quyền cơ bản, bao gồm cả quyền của phụ nữ. “EU kêu gọi Taliban tôn trọng các nghĩa vụ của họ theo luật nhân đạo quốc tế trong mọi trường hợp”, ông Josep Borrell, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU cho biết.
Tại Afghanistan, một số phụ nữ đã được lệnh rời bỏ công việc; một số lo sợ rằng, bất cứ điều gì mà Taliban nói thực tế có thể khác. Nhà vận động giáo dục cho trẻ em gái, cô Afghanistan Pashtana Durrani, 23 tuổi, nói mọi người hãy cảnh giác với những lời hứa của Taliban. “Họ nói một đường làm một nẻo. Ngay bây giờ họ đã không làm theo lời hứa”, cô nói với Reuters.
Số phận binh lính của chế độ cũ
Người phát ngôn của Taliban Mujahid cho biết Taliban sẽ không tìm cách trừng phạt các cựu binh sĩ và các thành viên của chính phủ Afghanistan do phương Tây hậu thuẫn, đồng thời sẽ ân xá cho các cựu binh sĩ chính phủ Afghanistan cũng như các nhà thầu và phiên dịch viên làm việc cho các lực lượng quốc tế.
“Không ai có thể làm hại bạn, không ai sẽ gõ cửa của bạn”, ông nói với những người này và thêm rằng có một “sự khác biệt rất lớn” giữa Taliban bây giờ và Taliban 20 năm trước.
Mujahid nói rằng truyền thông tư nhân có thể tiếp tục được tự do và độc lập ở Afghanistan và Taliban đã cam kết duy trì các phương tiện truyền thông trong khuôn khổ văn hóa của họ.
Ông Mujahid cũng cho biết các gia đình đang cố gắng đào thoát khỏi đất nước tại sân bay nên trở về nhà và sẽ không có chuyện gì xảy ra với họ. Tuy nhiên, nhiều hình ảnh và video mà các phóng viên quốc tế ghi được tại cổng vào cũng như tại các con đường dẫn tới phi trường Hamid Karzai của Kabul, các chiến binh Taliban đã dùng roi, gậy và cả nổ súng để kiểm soát đám đông hàng ngàn người Afghanistan đang chờ được vào phi trường để di tản ra nước ngoài; nhiều người – cả phụ nữ và trẻ em, bị thương.
Tổng Thư Ký NATO Jens Stoltenberg nói Taliban nên cho phép tất cả những người Afghanistan muốn rời khỏi đất nước được ra đi theo ý nguyện, đồng thời nói thêm rằng mục đích của NATO là giúp xây dựng một nhà nước ổn định ở Afghanistan.
Liên minh NATO cũng cho biết Taliban không được biến Afghanistan thành nơi sinh sản các tổ chức khủng bố một lần nữa, đồng thời cảnh báo rằng NATO vẫn duy trì sức mạnh quân sự để tấn công bất kỳ nhóm khủng bố nào từ xa.
Theo hiệp ước rút quân ký kết với Hoa Kỳ được ký vào năm ngoái, Taliban đồng ý không tấn công các lực lượng nước ngoài khi họ rút đi.
Quyết định của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thuộc đảng Dân Chủ thực hiện thỏa thuận rút quân do người tiền nhiệm đảng Cộng Hòa Donald Trump ký kết đã gây ra những lời chỉ trích lan rộng trong nước và cả trong các đồng minh của Hoa Kỳ.
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier nói “những hình ảnh tuyệt vọng tại sân bay Kabul khiến phương Tây xấu hổ”.
Nối lại cuộc di tản
Lực lượng quân đội Hoa Kỳ vẫn đang phụ trách Phi trường quốc tế Kabul – cửa ngõ duy nhất để bay ra khỏi Afghanistan – sau khi các chiến binh Taliban chiếm được Kabul hôm Chủ Nhật mà không gặp sự kháng cự nào.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết vào hôm nay Thứ Ba rằng Washington đã hoàn tất việc giảm bớt nhân viên tại Đại sứ quán Mỹ ở Kabul, và những nhân viên ngoại giao còn lại đang hỗ trợ việc di tản công dân Mỹ và các đồng minh Afghanistan.
Các chuyến bay quân sự của Hoa Kỳ di tản các nhà ngoại giao và dân thường bắt đầu trở lại sau một ngày bị gián đoạn vì sự hỗn loạn do người Afghanistan tràn ra đường băng. Quân đội Hoa Kỳ đã bắn những phát súng cảnh cáo để giải tán đám đông và những người bu bám vào một máy bay vận tải quân sự của Hoa Kỳ khi nó cất cánh.
Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan cho biết Taliban đã nói với Hoa Kỳ rằng họ sẽ cung cấp một hành lang an toàn cho dân thường đến sân bay Kabul.
Khi được hỏi làm thế nào Washington sẽ giữ chân Taliban với cam kết tôn trọng quyền của phụ nữ và nhân quyền nói chung, ông Sullivan cho biết các lựa chọn sẽ bao gồm các biện pháp trừng phạt và khiến quốc tế lên án và cô lập.
(theo Reuters)
ĐỌC THÊM:
Quân đội Mỹ đã “đi lạc” trong cuộc chiến Afghanistan như thế nào?
Tổng thống Biden bảo vệ quyết định rút quân khỏi Afghanistan