Sài Gòn, “Em đang nghĩ gì?”

Minh họa: Trần Trung Toàn Thiện/Unsplash

“Những người đang lâm cảnh đói khát ở Việt Nam. Bây giờ ngửa tay nhận quà từ thiện để sống sót qua ngày. Một lúc nào đó sau khi dịch đã qua, người ta nhớ lại đã có lúc phải xin của người để sống, họ có cảm thấy tủi hổ không?”

“Vì sao họ sẽ cảm thấy tủi hổ?”

“Thì lý do bình thường. Không tự nuôi thân được, phải nhờ người khác thì như ăn xin. Mọi người đều thấy là điều nhục mà?”

“Anh không thấy ý tưởng đó là cần thiết, và nó cũng không đúng chỗ nào hết.”

“Sai chỗ nào?”

“Theo em thì ý tưởng ăn xin là nỗi nhục có dính líu gì đến lòng tự trọng không?”

“Tức nhiên là có. Vì tự trọng thì việc xin xỏ, hạ mình với người khác là không nên.”

“Ngay cả khi tối cần, không có không được, mà mình thì đang không có?”

“Thì lúc đó bắt buộc phải xin rồi, nhưng mà sau đó cảm thấy hành động xin làm mình giảm giá trị cũng là bình thường chứ? Sao anh nói sai?”

“Em hỏi thì chịu khó kiên nhẫn nghe câu trả lời. Đầu tiên người nào đánh đồng việc xin với hạ mình là không đúng. Thứ nữa, họ đánh đồng tự trọng với tự ngã hay tự tôn lại cũng sai. Muốn thấy chuyện này, phải lấy một bối cảnh rộng hơn lớn hơn thông thường mà nhìn. Anh nói bối cảnh tâm linh chẳng hạn. Tâm linh đây không phải tôn giáo, vì ngày nay người ta hiểu chữ “tổ chức tôn giáo” rất khác với nghĩa nguyên thủy. Và họ có lý do chính đáng để nghi ngại vì tôn giáo tổ chức đã sai lạc rất nhiều. Thí dụ như trong Phật Giáo từ khởi thủy đã có việc khất thực mỗi ngày. Một tu sĩ xin ăn là chuyện bình thường.

Minh họa: Đức Mạnh/Unsplash

Như vậy những khất sĩ, trong đó có cả Đức Phật, có cảm thấy nhục không? Nếu không thì vì sao? Vì họ chỉ tu suốt ngày, không thể bận việc mưu sinh. Nhưng họ không ăn hại, vì một là họ tu để lợi lạc cho mọi người, không phải riêng họ, và hai là bá tánh có dịp nuôi cơm họ thì bá tánh tự động được phước theo nhân quả. Như vậy thì họ xin có lợi cho cả hai bên. Họ không lợi dụng hay lạm dụng, họ công bằng và sòng phẳng, nên cái xin của họ không phải điều để mang nhục.”

Gần như mọi hệ thống tâm linh đều nhấn mạnh ba đức tính, là lòng nhân, lòng trân trọng, và lòng biết ơn. Trong trường hợp khất thực, lòng biết ơn quay tròn bánh xe tương sinh khiến cho cả kẻ nhận và người cho hỗ trợ nhau trong cuộc sống: người cho nhận cuộc sống tinh thần, và người nhận được cuộc sống thân xác. Giãi bày này không phải đặt điều ngụy biện, cũng không ra ngoài sự thật. Nếu ấn định rằng xin xỏ là hạ mình, là mất danh dự, không được làm, thì không ai sống sót nổi. Bởi con người từ lúc sanh ra đến khi chết đi vẫn phải ăn xin trời đất mới sống.

Em có thể tự hào rằng con người tự nuôi mình bằng cách tự trồng lúa gạo hoa quả, nhưng đó là tự hào sai chỗ, vì con người chỉ biết áp dụng quy luật thiên nhiên để trồng trọt, chứ từ nguyên thủy, không tạo ra hạt lúa, đất cát, ánh nắng, hay nước được. Hay nói gần hơn, con người không tạo ra dưỡng khí được, mà không có nó thì chết ngay trong vài phút. Dưỡng khí có sẵn trong trời đất, coi như cho không. Con người dùng nó là một cách xin xỏ, ăn mày trời đất để sống, nhưng không phải là điều nhục. Chỉ cần có lòng biết ơn là đủ. Khi không có mà cần, xin nơi chỗ có để cho thì không có gì là nhục, chỉ coi như món nợ. Khi có thì đừng quên trả bằng cách này hay cách khác, có vậy thôi. Có xin mà có trả thì lòng tự trọng nguyên vẹn.

Minh họa: min foto/Unsplash

Không có chuyện chỉ vì xin mà nó sứt mẻ. Ngược lại, người nào nói rằng tôi không cần ai để sống, không phải xin xỏ ai bao giờ, thì chỉ tự ngã tự tôn, do thiếu hiểu biết. Kể em nghe lời một cha bạn vong niên mà bọn trẻ thời nay có thể rẻ rúng là hủ nho hủ táo, nói với anh Việt Nam từ thời vua Lê Thánh Tôn có bộ luật Hồng Đức ghi tội hình sự gọi là “Bất ưng vi”, nghĩa là “kẻ nào thấy việc đáng làm mà không làm, nhẹ thì phạt 40 roi, nặng thì 80 trượng, nặng nữa thì tội đồ, tức phải đi đày.” Trong đó, thấy người nào cần giúp, mình giúp được mà không làm, thì phải tội.

Chờ gì đến thế giới ngày nay Việt Nam mới văn minh? Điều khó khăn ở Sài Gòn ngay bây giờ là nó đã thuộc về một xã hội mà trong đó điều bình thường nhất – như quan tâm cho người hoạn nạn – lại là một hành động ngoại lệ, hay thậm chí được tôn vinh như hành vi anh hùng. Vì vậy mới có người đặt ra vấn đề là từ cái cho của kẻ có đến cái nhận của người thiếu, là vinh hay nhục.

Trước đây người Sài Gòn có thì cho chỗ đang cần không chờ báo đáp, đợi cảm ơn lễ mễ, không kể ơn nghĩa. Một chuyện gần như đương nhiên trong cách đối xử với nhau trước đây bây giờ lại được coi là điều cao cả khác thường. Người ta mất thói quen đó, anh mới phải đem chuyện trời đất ra giải thích với em.

Còn nó thì em đã không thắc mắc, và anh cũng không phải lải nhải từ nãy giờ. Em lớn lên ở Sài Gòn mà vẫn giữ được nét hào sảng này của Sài Gòn thì anh dẫn em đi ăn gelato bên bờ sông. Em đã quên nó mà đặt ra vấn đề vinh nhục ở chỗ cho-nhận trong cơn khó hiện nay thì anh có chiều em cách mấy cũng chỉ cho em ăn cà lem cây xoàng. Còn lâu mới được ăn gelato autentico, nghe hông!”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: