Sau hàng loạt việc xảy ra: chơi lễ 30 Tháng Tư, bầu cử, thi tốt nghiệp, xét nghiệm tập trung, đòi giấy test âm tính, di biến động dân cư…, ngày 23 Tháng Tám tới đây, Sài Gòn lại tiếp tục “ai ở đâu ở yên đó”. Và thời gian như sợi dây thòng lọng đang ngày một thít chặt hơn vào cổ của dân nghèo đang thoi thóp…
Sát chung cư cao cấp Lexington (phường An Phú, quận 2) là xóm Vườn Ổi nằm lọt thỏm trong đám cây, cỏ dại um tùm. Đây là xóm trọ nghèo của dân thợ hồ, lượm ve chai… Dịch tới, việc mất người cũng đi tứ tán. Còn trụ lại 15 gia đình đều ở đây gần chục năm nên thân thiết như người nhà.
Phòng trọ vách và mái chỉ là những tấm bạt, tôn, ván vụn ghép tạm bợ, tiền thuê 1.2 triệu /tháng (khoảng $52). Từ đầu giãn cách 31 Tháng Năm tới nay, phường hỗ trợ mỗi hộ 10 kg gạo, có nhà hảo tâm tặng mỗi nhà 5 kg gạo và chút rau muống, thanh long. Còn lại bà con tự đi mò ốc, giăng cá ngoài ao đìa gần đó để cầm cự.
Vợ chồng anh Phạm Hoà Bình, 47 tuổi, thợ hồ cho biết: “Mấy tháng nay mọi người ở đây đều thất nghiệp, không có đồng bạc nào. Bà chủ trọ cho thiếu, nhưng tiền điện nước phải trả chứ không sẽ bị cắt. Mới chạy đi mượn được 500 ngàn, trả tiền điện nước hai tháng là 200 ngàn, đổi bình gas 390 ngàn, thiếu lại 90 ngàn”.
Kế đống ve chai ngổn ngang, thằng nhóc Thành, 5 tuổi, đang ngồi vọc cái xe đồ chơi cũ. “Ba mẹ đâu rồi con?” “Cha con bị xe đụng chết rồi. Mẹ cũng bỏ con đi luôn”, thằng nhỏ trả lời giọng ngọng nghịu rồi nhìn tôi cười toe. Có lẽ nó còn nhỏ quá để cảm nhận được sự mất mát này.
Bà Tư Hà, 64 tuổi, bà nội của Thành giải thích: “Má nó bỏ nó từ hồi bốn tháng rồi”. Bà Hà đi lượm ve chai, dịch, vựa không thu nên để chất đống “chờ thời”. Trong cái phòng vách tôn chỉ có tấm phản ván ép là chỗ sinh hoạt ăn, ngủ của ông bà cháu. Ông nội đi đặt lươn kiếm ăn. Gạo được mấy người trong khu trọ thấy tội chia cho, cũng nghèo với nhau nên chỉ chia nhau từng bịch nhỏ xíu.
Chúng tôi tặng gạo, tiền cho bà con và có đề nghị đại diện mỗi hộ ghi, ký tên (để minh bạch tài chính với nhà hảo tâm). Cả nhóm người bỗng đùn đẩy cho một người đại diện. Họ ngập ngừng: “Nói thiệt với chú, tụi tui… không biết chữ”.
***
Sáng 21 Tháng Tám, trên đường Xóm Chiếu, quận 4, một ông già chừng 60 tuổi, ở trần bận xà lỏn, một tay bị liệt thả lủng lẳng trước người, tay kia cầm cái rổ nhỏ chừng hơn bàn tay, trong đó có một trái ổi, hai gói mì. Đi chừng chục bước lại ngồi thụp xuống đường thở.
“Ông đi đâu đây?” “Tui đi xin ăn”. “Ông bị bệnh gì mà sao cứ đi chút rồi ngồi xuống vậy?” Người đàn ông nhìn tôi, mắt không rõ cảm xúc, trả lời đứt quãng: “Bị hai viên đạn bắn vô đầu… đau lắm… tâm thần”.
Hỏi tên, rằng: Lý Tiểu Long
Hỏi quê, rằng: Ở khu 3 (?), rất gần.
Rồi không trả lời nữa, ngồi thở. Rồi lại đứng dậy đi tiếp. Cứ thế, thụp thò mà đi…
***
Gần 12 giờ trưa, nắng nổ đầu. Ngay đèn đỏ đường Hoàng Diệu (dưới chân cầu Ông Lãnh), có thằng nhỏ quỳ mọp xuống chắp tay vái. Nó tên Kiệt, 5 tuổi, khá hồn nhiên.
“Nắng vầy sao không về nhà hả con?”, “Con phải kiếm tiền cho mẹ mua sữa cho em con uống”. “Mẹ con đâu?”, thằng nhỏ chỉ bên kia đường.
“Sao con phải quỳ lạy vậy?” “Mẹ nói, phải quỳ lạy vậy người ta mới cho tiền”.
“Con ở đây xin tới khi nào mới về?”, “Khi nào vắng hoe con mới về”.
“Con ăn gì chưa?” “Dạ chưa, nhưng mà con khát”. “Con muốn uống gì?” “Dạ nước cam, ở đó có bán kìa”, nói rồi thằng nhỏ chỉ tay vào tiệm tạp hóa gần đó. (Thiệt tình thằng quỷ!). Tôi mua ba chai, mới đưa nó một chai, nó đã nèo thêm: “Chú cho em con nữa nha”.
Tôi vừa định qua bên kia đường tìm mẹ thằng nhỏ, thì mẹ nó – Võ Thị Ngọc Lan (30 tuổi, cắp nách một đứa khác chừng 3 tuổi) – đã chạy tới. Lan bán vé số, dịch không được bán, được hỗ trợ 1.5 triệu. Chồng làm hồ cũng thất nghiệp nhưng không được hỗ trợ. Nhà thuê ở chung với gia đình chồng và hai đứa con, tổng cộng tám người.
Lan phân trần: “Khu nhà bị phong tỏa, ở trỏng đói quá nên sáng sớm mấy mẹ con lén chui ra rồi tối thì lén chui vô. Em cũng đâu muốn đi xin, nhưng giờ đói quá. Em xin ở bên đường, thằng nhỏ xin ở đây, ráng xin được nhiêu hay nhiêu chứ thứ hai cấm hết rồi”…
***
Tối, trời đổ mưa, tôi vẫn khoác áo mưa ra đường, lỉnh kỉnh chở theo hai thùng đồ ăn. Chạy gần Bệnh viện Ung bướu thì thấy một ông già chạy chiếc xe máy rách nát chở theo một bà tàn tật và một con chó.
Bà Phùng Thị Ngọc Thu, 53 tuổi, bị ung thư tuyến giáp. Bà có nhà ở Gò Vấp nhưng phải bán để chữa bệnh, sau cũng hết luôn tiền nên trốn viện. Ông Đỗ Minh Tân, 66 tuổi, chạy xe ôm, dịch tới cũng “treo mỏ”. Con chó Lucky, 8 tuổi, được lượm về nuôi khi mới đẻ. Hai người và con chó ở nhà thuê 2.5 triệu/tháng, không có tiền đóng nên cả ba ra đường.
“Ban ngày tụi tui ngồi dọc đường xin ăn, tối ngủ vạ vật ở chợ Bà Chiểu. Mấy nay bị công an đuổi quá, chạy miết”, ông Tân than.
Trời vẫn mưa lâm râm, chiếc xe Angel 80 năm “một chín hồi đó” khục khặc một hồi mới nổ. Hai ông bà già và con chó rời đi. Chẳng biết có bị công an đuổi nữa không…
***
Lên đoạn gần Trường Chinh – Đồng Đen, tôi gặp Nhân (34 tuổi, quê Tây Ninh) vừa bị công an đuổi. Nhân lên Sài Gòn lượm ve chai gần 20 năm, ăn bờ ngủ bụi. Trên xe đạp có cái thùng xốp là gia tài của anh: bịch cơm cháy, vài gói mì, mấy ký gạo (được nhà hảo tâm cho) và vài bộ quần áo. “Hết tiền thì lấy gạo bán cho mấy tiệm tạp hóa”. Lộn hết túi trái, túi phải còn được… 39 ngàn.
Ba bị tai biến nằm một chỗ, mẹ lột củ hành 2,500 đồng/kg; ngày lột được 10, 15 kg. Cũng may có nhà hảo tâm mỗi tháng cho 10kg gạo và một thùng mì và 200 ngàn mua tã. Nhà có sáu anh em, mất hai.
“Anh cả chạy xe ben, về rửa xe, trời mưa lâm râm, điện giựt chết. Em gái út bỏ nhà theo bạn chơi xì ke. Vào trại cai nghiện bị “ma cũ” đánh chết. Mấy người còn lại có gia đình nhưng cũng khó khăn nên không giúp gì được cho ba mẹ nhiều. Đi lượm ve chai lâu lâu gom được mấy trăm, một triệu em chạy về quê thăm, gởi chút tiền cho ba”, giọng nghẹn ngào, vừa kể Nhân vừa quẹt nước mắt.
Tôi tặng Nhân chút đồ ăn, tiền, hỏi địa chỉ gia đình ở Tây Ninh để tìm cách giúp đỡ rồi chào tạm biệt. Nhân chợt hỏi với theo: “Anh ơi, sắp tới cấm hai tuần, nhà hảo tâm không được ra đường, đồ ăn không có, người lang thang tụi em sống làm sao đây?”. Tôi im lặng, biết trả lời thế nào bây giờ?
Những ngày này, rút vội mớ tiền, cầm ra ngoài đường một chút là hết veo. Trước đây, hầu như tặng quà, tiền cho ai tôi đều dừng lại, hỏi chuyện thật kỹ, thật lâu. Vậy mà bây giờ, đôi khi tôi chỉ kịp chụp một tấm hình, gởi chút tiền rồi chạy đi. Chạy nhanh. Chạy để đi được nhiều hơn, cho được nhiều hơn. Thời gian tới giờ G đang cạn dần…
Bài và ảnh: nhà báo Nguyễn Tập (người điều hành quán cơm từ thiện Nụ Cười cùng gia đình mình)