Trong một cuộc khảo sát gần đây của Pew Research, 93% người Mỹ từ 30 tuổi trở lên cho biết họ có thể nhớ chính xác họ đang ở đâu hoặc đang làm gì khi biết tin về vụ khủng bố vào ngày 11 tháng Chín năm 2001. Cách đây năm năm, vào năm 2016, khảo sát của Pew ghi nhận hơn 3/4 số người Mỹ trưởng thành coi vụ 11 Tháng Chín là sự kiện lịch sử quan trọng nhất trong cuộc đời họ.
Không có bằng chứng nào cho thấy cảm xúc này đã phai nhạt trong suốt năm năm qua. Một cuộc khảo sát của Gallup được công bố vào đầu tháng này cho thấy 64% người Mỹ – tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay – nói rằng sự kiện 11/9 đã thay đổi vĩnh viễn cách chúng ta sống. Một nhóm khác cho biết họ ít muốn đi máy bay, đi vào các tòa nhà chọc trời, tham dự các sự kiện đông người hoặc đi du lịch nước ngoài so với trước ngày 11/9.
Cái nhìn về Hồi giáo
Quan điểm của người Mỹ về đạo Hồi cũng đã có nhiều thay đổi. Vào Tháng Ba năm 2002, nửa năm sau biến cố 11 Tháng Chín, có 25% người Mỹ, bao gồm 23% đảng viên Dân Chủ và 32% đảng viên đảng Cộng Hòa, tin rằng Hồi giáo có nhiều khả năng khuyến khích bạo lực giữa các tín đồ hơn là các tôn giáo khác. Ngày nay, tỷ lệ người Mỹ tán thành quan điểm này đã tăng gấp đôi lên 50%, nhưng không giống như hai thập kỷ trước, đã có sự chia rẽ rõ rệt: 72% đảng viên Cộng Hòa hiện nhận thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa Hồi giáo và bạo lực, so với 32% đảng viên Dân Chủ. Đây cũng là một trong những lý do giải thích tại sao Tổng thống Donald Trump không tin vào người Hồi giáo; và quan điểm đó của ông Trump lại có tác dụng rất tốt trong số những người ủng hộ ông — và tại sao rất nhiều đảng viên Dân Chủ phản đối những hạn chế mà ông Trump đặt ra cho việc nhập cảnh từ các quốc gia Hồi giáo trong thời kỳ đầu cầm quyền của ông.
Cuộc chiến chống khủng bố
Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống George W. Bush, Hoa Kỳ đã đối phó với vụ tấn công 11/9 bằng cách phát động “cuộc chiến chống khủng bố”, bắt đầu ở Afghanistan, nơi âm mưu của al-Qaeda được hình thành và tổ chức. Cuộc tấn công Afghanistan ban đầu nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của công chúng Mỹ. Nhưng sự ủng hộ đó đã bị xói mòn khi các cuộc chiến trên bộ diễn ra lâu hơn dự kiến. Sau vụ tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden Tháng Năm năm 2011, 56% người Mỹ cho biết giờ đây họ ủng hộ việc rút quân khỏi Afghanistan.
Tuy nhiên, phải mất một thập niên nữa, trải qua ba đời tổng thống, quan điểm đó của đa số người Mỹ mới được thực hiện. Và cách mà cuộc chiến ở Afghanistan kết thúc đã làm gia tăng sự bất bình của công chúng. Cứ 10 người Mỹ thì có 7 người tin rằng chúng ta đã không đạt được mục tiêu ở Afghanistan – một đa số nhỏ hơn cũng nói như vậy về cuộc xâm lược Iraq. Chỉ 8% người Mỹ nói rằng việc rút khỏi Afghanistan giúp chúng ta an toàn hơn trước khủng bố, so với 44% nói rằng điều đó khiến chúng ta kém an toàn hơn.
Tốt hơn hay xấu hơn?
Những nhận định tiêu cực về cuộc xâm lược Afghanistan là một phần của việc đánh giá lại rộng rãi hơn về tác động của vụ 11/9 trong hai thập niên qua. Năm 2002, vào dịp kỷ niệm một năm ngày xảy ra vụ khủng bố, hai phần ba số người Mỹ được hỏi ý kiến nghĩ rằng, những sự kiện này đã thay đổi nước Mỹ theo hướng tốt đẹp hơn. Vào kỷ niệm 10 năm ngày 11 Tháng Chín, sự đánh giá đã trở nên tiêu cực hơn, và vào kỷ niệm 20 năm hôm nay, mức tiêu cực thậm chí còn cao hơn thế. Tháng Chín 2021, có 33% người Mỹ nói những sự kiện năm 2001 đã thay đổi nước Mỹ theo hướng tốt hơn trong khi có tới 46% nói rằng nước Mỹ thay đổi theo hướng tệ hơn, theo khảo sát của Washington Post-ABC News Poll.
An toàn hay kém an toàn hơn?
Tương tự, số người Mỹ cảm thấy đất nước ngày nay kém an toàn hơn so với thời kỳ trước khủng bố 11 Tháng Chín cũng tăng lên đáng kể. Tháng Chín 2021, có 49% cho rằng bây giờ an toàn hơn và 41% nói kém an toàn hơn; những con số này vào năm 2011 là 64% và 25%, cũng theo khảo sát của Washington Post-ABC News Poll.
Hiện tại, ít nhất, các cuộc tấn công 11/9 và hậu quả của chúng đã khiến người Mỹ sợ hãi hơn khi ở trong nước, đánh giá tiêu cực hơn về tác động của các quyết định của các nhà lãnh đạo trong hai thập niên qua và ít sẵn sàng chấp nhận đưa các lực lượng vũ trang của Mỹ tham gia các cuộc chiến kéo dài ở nước ngoài. Vài năm tới sẽ cho biết liệu những tình cảm này có làm trầm trọng thêm sự bất bình của công chúng trong nước và thúc đẩy nước Mỹ rút lui khỏi thế giới như đã xảy ra trong những năm sau khi Mỹ rút khỏi Việt Nam hay không.
Đọc thêm: