Jay Shetty – người có các video thu hút hơn tám tỷ lượt xem và được cả các ngôi sao như Arianna Huffington, Will Smith và Oprah hâm mộ – đang tìm cách mang sự thông thái (wisdom) đến với mọi người trên thế giới.
Làm thế nào để điều chỉnh cách sống
Cho đến nay, tác giả sinh tại Anh này có các thành công nối tiếp nhau: Xuất bản cuốn sách bán chạy Think Like A Monk: Train Your Mind for Peace and Purpose Every Day; tạo ra hơn 400 video với tổng cộng tám tỷ lượt xem; hướng dẫn về lối sống và mục đích sống với hơn 48 triệu người theo dõi trên mạng xã hội, là người dẫn chương trình podcast về sức khỏe và sống lành mạnh (health and wellness) nổi tiếng có tên On Purpose với Jay Shetty, trong đó có những podcast là nhân vật của công chúng, từ tay vợt Novak Djokovic đến “nữ hoàng” dẫn chương trình Oprah Winfrey…
Shetty, mới 34 tuổi, sống ở Beachwood Canyon, Los Angeles, nói: “Tôi lớn lên trong một gia đình nơi tôi có cảm giác tôi chỉ được ba lựa chọn: Trở thành bác sĩ, luật sư hoặc… thất bại!”. Ông nhớ mình từng bị quấy rối vì thừa cân và là một trong số ít học sinh gốc Ấn Độ trong trường. Nhưng đến năm 14 tuổi, mọi chuyện bắt đầu thay đổi. Shetty tìm cách giảm cân bằng chơi thể thao, chọc cho bạn bè cười trong lớp học và suy nghĩ về việc mình sẽ trở thành ai trong tương lai.
“Cha mẹ tôi bắt đầu nhận ra tôi đang tìm con đường của chính mình, họ không can thiệp mà còn thầm khuyến khích: Hãy để nó tự khám phá và trải nghiệm với những dự định xem nó có thể chọn con đường nào”.
Điều đáng ngạc nhiên nhất đối với những người hiểu Shetty là niềm đam mê tâm linh bất ngờ của chàng trai này. Shetty lớn lên trong một gia đình đạo Hindu nhưng không sùng đạo, sống tại phía Bắc London, Anh Quốc. Ở tuổi thiếu niên, anh mê đọc sách và thường tham gia các buổi trò chuyện của những người từng vượt qua nghịch cảnh theo kiểu “bạn giúp bạn”.
Rồi ngày kia, một tu sĩ tên Gauranga Das đến thuyết giảng tại trường đại học, nơi Shetty đang học ngành quản lý. “Tôi thực sự không quan tâm nghe một nhà sư nói chuyện, bởi vì tôi chỉ quan tâm đến những người đi từ con số không để trở thành cái gì đó, chứ không phải người đi từ số không đến… số không, và kết cục là… chẳng có gì cả! Tôi sẽ học được gì từ họ? Ông ấy định dạy tôi điều gì? – Shetty nhớ lại – Nhưng khi nhà sư bắt đầu nói trong chiếc áo choàng giọng Ấn Độ, trông ông không hề “khó ưa và dữ dằn” như tôi tưởng. Từng chút một, tôi bị thu hút và chăm chú lắng nghe buổi thuyết giáo càng lúc càng hấp dẫn. Nhà sư nói về những điều tôi chưa từng nghe trước đây, đặc biệt là cách sử dụng tài năng và thiên phú được ban cho để phục vụ người khác”.
Đi tu và trở lại đời thường
Sau đó, Shetty, 18 tuổi, tự giới thiệu mình với Gauranga Das. Nhà sư mời anh dự các buổi nói chuyện khác của ông ở London. Shetty trở thành “fan ruột” của nhà sư và được mời quay lại với đạo tràng (ashram) Hindu ở Ấn Độ. Shetty nhớ lại: “Tôi sử dụng kỳ nghỉ Giáng sinh và mùa Hè của sinh viên để về Ấn Độ tham gia với người thầy mà mình hâm mộ”. Sau khi tiếp cận với đạo tràng Hindu vài lần, Shetty thấy rằng đã đến lúc nên đi theo con đường tu hành toàn thời gian.
“Không phải ai cũng có được ơn kêu gọi đó. Vì vậy, năm cuối đại học, tôi nói với bạn bè rằng mình từ chối lời mời làm việc của một công ty để đi tu. Họ rất kinh ngạc, hỏi tôi: Bạn làm sao vậy? Và tại sao bạn lại từ bỏ tất cả những gì phải mất nhiều công sức mới đạt được. Tôi trả lời, tôi đã học được rất nhiều điều từ nhà sư. Cứ thử dành ít thời gian trò chuyện với ông ấy, tôi tin chắc các bạn sẽ nhận được những lời khuyên tuyệt vời!”. Nhưng cuộc sống tại một đạo tràng ở Ấn Độ không giống những gì Shetty mong đợi, từ chuyện nhỏ (như phòng riêng dành cho người ngủ ngáy và phòng dành cho người không ngủ ngáy) đến những gì sâu xa hơn. Anh thức dậy hàng ngày lúc 4 giờ sáng và phải tự chia thời gian giữa phát triển bản thân và giúp đỡ người khác.
“Ngày đầu tiên tham gia đạo tràng, chúng tôi đã được cảnh báo ‘đây không phải là thiên đường, thiên đường hoàn hảo lại càng không, mà đây là một… bệnh viện!’. Điều đó có nghĩa là mỗi người chúng ta đều bị bệnh, đều có tạp chất trong người – Shetty nhớ lại – Dù chúng tôi không mang căn bệnh đó, không phải là kẻ ô uế đó, nhưng bạn sẽ tìm thấy những giáo viên hành động như bệnh nhân và những bác sĩ gặp cùng thách thức giống bạn”.
Sau ba năm sống với đạo tràng, những người già nói với Shetty là đã đến lúc anh phải rời đi. Shetty nói: “Tôi nghĩ đó là cách nói khéo của họ thay vì nói thẳng “Chúng tôi không nghĩ bạn có thể trở thành một nhà sư”. Shetty tin họ nói đúng. Để vào đây, anh đã từ bỏ mọi thứ, từ chiếc áo bóng đá quí giá cho đến thói quen ăn chocolate. Shetty quyết định trở về nhà cha mẹ ở Anh như một chàng trai lạc hậu không biết ai là vô địch World Cup mới nhất hay ai đang là thủ tướng.
Anh hành động như một người vừa bị vất bỏ, nay được ăn lại chocolate Cadbury, lắng nghe lại nhạc Drake và say sưa xem bộ phim How I Met Your Mother. Sau một tháng, Shetty buộc mình phải kết hợp một số thói quen tâm linh cũ với cuộc sống thế tục: Thức dậy sớm để thiền, mặc quần áo đầy đủ để đến thư viện; rồi đọc và suy nghĩ về những gì anh muốn làm tiếp theo. Cuối cùng, anh ấy đã nhận được một chỗ làm trong trong công ty tư vấn toàn cầu Accenture.
Rao giảng thuyết “Sống có mục đích”
Khi Shetty hướng dẫn buổi tập thiền trong một cuộc họp bên ngoài công ty, nhiều người bị ấn tượng và công ty nhờ anh dạy chánh niệm cho toàn thể nhân viên. Năm 2015, Ellyn Shook, phụ trách nguồn nhân lực thuộc ban lãnh đạo Accenture, giới thiệu Shetty với Arianna Huffington, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành công ty Thrive Global.
“Nói thật là lúc đó chúng tôi chưa có mục tiêu rõ ràng nào cả. Khi gặp Jay, tôi biết mình đã tìm đúng người đồng hành và quyết định tham gia sứ mệnh của anh ấy: Lan truyền sự thông thái. Chúng tôi phấn chấn đến nỗi hợp tác sản xuất ba video để đánh giá sức thu hút của chúng trước khi có các bước đi tiếp theo – Huffington nhớ lại – Video đầu có hai triệu lượt xem, video thứ hai 10 triệu lượt xem. Và video thứ ba thêm năm triệu. Rõ ràng, đối với chúng tôi, với khán giả và thế giới, Jay Shetty có cái gì đó rất đặc biệt”.
Một người hâm mộ khác là rapper Big Sean, khách mời gần đây trên podcast của Shetty nói: “Tôi đã tham gia vào cộng đồng của nhiều nhà tâm linh nổi tiếng, từ Ram Dass đến Deepak Chopra, từ Abraham-Hicks đến Marianne Williamson… rồi bất ngờ phát hiện ra Jay Shetty trên tần số của mình! Tôi học được nhiều thứ từ Shetty”.
Shetty chuyển đến New York, Mỹ vào năm 2016, và năm 2018 đến Los Angeles. Ông nói: “Khát vọng trong công việc của tôi là muốn mọi người khám phá ra mục đích sống. Theo tôi, thiếu sót lớn nhất trên thế giới chúng ta là sống không mục đích. Chúng ta chỉ có thể trở thành người tốt hơn, đối tác làm ăn tốt hơn, chuyên gia tốt hơn, cha mẹ tốt hơn nếu biết mục đích của mình để sống có mục đích”.