Tôi không muốn kể chuyện mang tính chính trị, chính em như có bạn lầm tưởng. Tôi chỉ muốn kể chuyện mình như tâm tư suy nghĩ. Tôi học Michelangelo, khi ông trả lời câu hỏi ông làm thế nào để tạc tượng đẹp thế. Ông nói: Cái đẹp tự có trong đất, trong đá… tôi chỉ là người đẽo bỏ những cái xấu khỏi tuyệt tác thôi.
Tôi muốn chỉ ra cái xấu để bỏ xấu đi, còn để lại toàn cái đẹp, sao khó quá. Hôm nay tôi kể lại câu chuyện này, chuyện nguyên nhân tại sao con tôi phải đi du học rồi định cư tại nước Úc. Tại sao nếu cần thì tôi sẽ trở thành một Aussie mà ở lại Việt Nam mãi làm gì.
Như mọi người cho con đi du học, tôi mong muốn cho các cháu được hưởng một nền giáo dục tiên tiến hơn, hiện đại và không bị chịu các áp lực trong cuộc sống hiện tại ở đất nước mình.
Tôi không muốn nói nhiều về lợi và hại của việc cho con đi du học. Điều đó để mọi người tự tìm hiểu, tôi chỉ nói lý do tại sao tôi đồng ý cho con đi du học.
Khi đứa lớn nhà tôi thi đại học xong, tôi biết con tôi đã được mẹ nó làm xong các thủ tục để cháu đi học ở nước ngoài, điều mà tôi không thể thực hiện được. Năm đó, cháu đạt 23.5 điểm, đủ để đỗ tất cả các trường cháu đăng ký khi thi đại học. Đủ cả vào hệ B của một trường Y danh tiếng, nhưng cháu không thích làm bác sỹ như bố. Lý do, bác sỹ như bố khổ quá, mấy chục năm làm nghề không có tiền, nghèo quá, con không thích.
Đúng thôi, tôi không làm phòng mạch, không kê toa để ăn hoa hồng, không bán thuốc, không tìm cách thu thêm tiền của những người bệnh thập tử nhất sinh, nghèo là đúng rồi. Nhưng con nhìn bố như một người nghèo khổ, thì buồn quá. Bố nghèo nhưng không khổ, không bần cùng, con à.
Cho con đi, nhìn mặt nó rạng rỡ mà tôi buồn muốn khóc. Nhớ lại năm ấy, mình cũng thi đại học như nó, được hai chục ngày đã vác ba lô làm lính. Những ngày quân trường ập vào đầu, không còn chỗ để mong ước, mộng mơ.
Ngày báo điểm về, tôi được 21 điểm, Toán Lý Hóa là 7-8,5-5,5 dù Hóa là môn tôi học rất giỏi, thi học sinh giỏi thành phố. Số điểm đó thiếu đúng nửa điểm định mệnh đủ để được đi du học bằng kinh phí quân đội chi trả.
Nửa điểm đó quyết định cuộc đời tôi nhiều lắm, lái cuộc đời tôi đi theo hướng kỳ lạ lắm lắm. Nhưng tôi không tiếc nuối, hay tìm cách phúc tra làm gì, có nói bố tôi giúp cũng chẳng được. Một người cộng sản như ông, câu xin xỏ là thừa, không bao giờ mở miệng xin xỏ, chạy vạy hay quỵ lụy hèn hạ.
Ước mơ được học ở một nền giáo dục tiên tiến luôn là một ước mơ đẹp, ai cũng mong muốn như thế. Bố không đạt, nay con cái được đi học là bố mãn nguyện lắm rồi, con hơn cha, nhà ta có phúc.
Nhưng,
Con đi, buồn ở lại
Bố nằm, ngơ ngẩn cười
Có hạt bụi đi lạc
Chảy giọt nước mắt rơi.
Con đi, buồn lắm. Bố nhớ các con đến từng chi tiết, con ăn, con ở, con quậy, con nghịch, con học, con chạy, con nhẩy… nhớ các con lắm.
Rồi con cũng học thành tài, con ở lại và nhập tịch Úc quốc, bố mừng cho con. Một đất nước chấp nhận con, con sẽ vất vả lắm, nhưng chắc chắn sẽ không có cuộc đời đầy dông bão như bố, kẻ đầu tiên chui ra khỏi hang sâu tăm tối để đi tìm cuộc đời của mình. Để trả lời câu hỏi của con, của bố: Ta được sinh ra để làm gì hay chỉ là nô lệ của nghị quyết, nô lệ của đồng tiền, nô lệ của danh lợi cá nhân, bố đã trải qua hàng thập kỷ sống trong sự ghẻ lạnh của cộng đồng riêng bản thân. Con chiên trắng bao giờ chả là là con ghẻ trong bầy cừu nô lệ.
Được tin con ở lại, thành người úc, bố lại nhớ thầy Lê Hải Chi, giáo sư bảo bố: Thắng ơi, con sinh ra ở nước khác thì con còn có ích cho dân nhiều lắm, con ở môi trường này, rồi cũng chỉ thế thôi. Người thầy của chúng tôi tiên đoán: Với cái thẳng thắn thật thà này, con khó sống trong môi trường kinh viện chỉn chu lắm. Họ thà dùng một cây cảnh còn hơn trồng đại thụ, con ạ. Khi nào bay được, con về với đại ngàn, Thắng nhé.
Lời thầy không vận vào tôi, dù năm đó tôi mới hơn 20 tuổi mà lại vận vào con tôi. Sống ở đâu cũng được, sống để cống hiến cho cộng đồng chứ không phải sống như một con vật chỉ biết thu vén cho cái tổ của mình, lúc nào, tôi cũng nghĩ như vậy.
Đến thằng em, ý thức của con trai đã rõ hơn, chị trường chuyên Nguyễn Thượng Hiền thì con cũng phải tự đỗ chuyên Gia Định, chả nhờ ai, con tự thi, tự đỗ.
Năm học thứ nhất, những chuyện liên tiếp đến, cháu buồn. Bạn bè đứa đi đứa ở, trường lớp gây áp lực học thêm, học nếm, những trò đời thực đen bẩn vấy vào tâm trí cháu. Bà xã bảo, chắc phải cho Xị đi học sớm thôi anh ạ.
Tôi buồn se sắt, đã một đứa cho nước Úc rồi, giờ nốt ư, còn ra sao nữa.
Mình yêu đất nước mình đến thế, ước mơ con cái giỏi giang dựng xây cuộc sống, đất nước đến thế! Làm sao chẳng đứa con nào tiếp bước, sao chẳng đứa nào tiếp đoạn đường dang dở bố đang đi ư…
Nhưng điểm quyết định nhất, nhát búa ác đòn nhất giáng vào đầu tôi là những câu nói của vợ.
Nàng bảo, anh không biết chứ, ngày anh đi làm dự án, tối nào cũng có đứa gọi điện thoại đến chửi bới em, có đứa tìm đến nhà chửi bới anh là đồ khốn nạn, cầm tiền của bạn bè đi đánh bạc, bán dự án lấy năm triệu đô la, mua nhà bên Singapore, có vợ nhí á hậu, đẻ được thằng con trai đẹp lắm… Chuyện đó, em tin anh, anh không phải loại đốn mạt ấy. Nhưng nói mãi cũng thành ác cảm, và cũng thấy anh khác khác mất rồi.
Nhưng chúng nó còn bắn tin dọa em, thằng Thắng không buông dự án cho chúng tao thì sẽ đẩy thằng Xị vào gầm ô tô… Nếu thằng Xị bị thế thì em đoạn tuyệt với anh, không tình nghĩa gì nữa.
Tôi hộc lên u uất, lũ người kia, chúng mày táng tận lương tâm đến thế ư?
Lũ khốn kia… Nghe tao nói đây, nếu chúng mày làm thế, tao thề tìm chém chết từng thằng một.
Gầm lên như hổ độc, nhưng biết làm gì đây, thôi thì đành thế chấp tất cả cho con đi du học, tôi rũ xuống bất lực. Những lựa chọn cuộc đời lấy mất của tôi nhiều thứ quá.
Bố chẳng định hướng tương lai cho con được nữa rồi, con trai.
Bố không được đỡ con khi con nhỡ vấp ngã nữa rồi, con trai.
Bố không được chỉ bảo con đối nhân xử thế nữa rồi, con trai.
Bố không được dạy dỗ con chơi, con học, con làm từng việc nhỏ xíu nữa rồi, con trai.
Bố không được làm bạn của con nữa rồi, con trai.
Hết lớp mười, con trai tôi đi du học, đi tỵ nạn giáo dục.
Vẫn biết, và rất biết nhưng góc khuất của giáo dục Việt nam, một nền giáo dục đang loay hoay đổi mình, để tìm tầm cao mới.
Vẫn biết, và rất biết cách để cho con được học những trường nào tốt nhất mà con trai thích, nhưng con phải đi du học dù bố chẳng thích.
Con sẽ được hưởng nền hòa bình yên ả.
Con tránh được ô nhiễm.
Ô nhiễm môi trường sống.
Ô nhiễm đồ ăn thức uống, thuốc chữa bệnh.
Ô nhiễm văn hóa lai căng mất bản chất.
Ô nhiễm suy nghĩ bị áp đặt.
Ô nhiễm cơ hội phát triển.
Con đi đi, cầu mong con sẽ cứng cỏi chịu đựng được áp lực của cuộc đời mới.
Bố cười khan: Nước Úc ơi, sao khôn thế.
Vợ chồng tao chăm bẵm con cái, chi tiền ăn tiền thuốc tiền học cho con cái. Giờ chúng mày hưởng cả, lại đòi chúng nó phải giỏi nữa… Sao khôn thế!
Con đi du học, bố chỉ thấy buồn khổ không tả.
Ai cũng muốn đất nước vươn lên, mà nhà nào có điều kiện, những người có điều kiện hạng nhất của đất nước lại tìm mọi cách cho con đi học và đi hẳn. Còn lấy ai dựng xây đất nước tương lai.
Hay là lấy bọn sửa điểm, chuyên tu tại chức học hành lòng vòng mua bằng mua chức làm chủ nhân ông trong tương lai.
Thế thì còn khổ đến bao giờ nữa đây.
Chỉ thấy các con đi, rồi đi mãi.
Chưa thấy trào lưu về cội như người Hoa. Chính những trí tuệ Hoa kiều hồi hương, cùng cơ chế thuận lợi đã đưa được Trung Hoa thành đại cường quốc từ một nước đói nghèo.
Giặc mà xâm chiếm bờ cõi, mà thôn tính nội địa thì phải đánh.
Nhưng cái gì họ giỏi, thì phải học.
Chuyện tỵ nạn giáo dục, chỉ có thế thôi!
…
Mỗi một Quốc gia đều có nguồn nguyên khí riêng của nó; hiền tài là nguyên khí quốc gia.
Đất nước nào trọng hiền tài, đất nước ấy sẽ phát triển.
Tiêu diệt hiền tài, với khẩu hiệu:
Trí, Phú, Địa, Hào
Đào tận gốc, trốc tận rễ…
Thì hậu họa là ngày hôm nay.
Thế thôi.