Trở về với chính mình

Iva Rajović/Unsplash

Mục đích sau cùng của những khó khăn và thử thách trong cuộc đời này dạy cho ta về một bài học quan trọng, ấy là hãy trở lại với chính mình để thấy mình. Những người mà ta nghĩ rằng họ mang khổ đau cho ta đơn thuần đóng vai trò là nhân duyên. Về bản chất, họ không thể mang đến khổ não cho ta. Họ tương tác với ta, và thông qua trải nghiệm tương tác ấy với họ, thái độ của ta được biểu hiện như thế nào. Và thấy nội tâm như nó đang là tức là buông xả hay chánh niệm.

Có thể trong quá khứ hay chính trong hiện tại này, bạn vẫn đang thầm trách móc hay thậm chí sân hận một ai đó vì tin rằng họ đã gieo rắc tổn thương và đau khổ cho bạn. Khổ não ấy cứ âm ỉ trong bạn như một vết dao cứa thật sâu vào tim, để mỗi khi nghĩ về, nó lại rỉ máu. Nhưng về bản chất, không một ai trong cuộc đời này là lý do chính yếu cho sự tổn thương của chúng ta. Họ đến với ta đơn thuần là nhân duyên, vì một sợi dây gắn kết nào đó từ những đời trước, nay cả hai gặp lại để tiếp tục trải nghiệm và học hỏi cùng nhau. Tất cả nhân duyên đã và đang có mặt với ta chỉ để ta nhận ra một sự thật tối hậu rằng thái độ của chúng ta trước mọi sự việc mới là nguyên nhân cốt lõi cho mọi trạng thái mà ta đã và đang trải qua.

Có một người phụ nữ góa chồng, dù đã đầu hai thứ tóc nhưng trên khuôn mặt bà tỏa ra nguồn năng lượng thanh thản và tự tại thật khó lý giải. Nhưng, người ta kể rằng trong một thời gian dài, bà sống cùng cậu con trai cả suốt ngày phàn nàn và hay nổi giận. Anh có thể mắng nhiếc bà và đập đồ bất cứ lúc nào mà không mảy may một chút nghĩ suy. Bởi anh ta luôn đổ lỗi cho bà vì bà đã sinh ra anh với đôi chân tật nguyền, vì bà, mà cuộc đời của anh thật khốn khổ. Nhưng đổi lại, người phụ nữ ấy vẫn suốt ngày chăm lo và quan tâm anh hết mực. Không một ai từng chứng kiến người phụ nữ than vãn, kêu ca. Người ta thán phục trước thái độ bình tĩnh và bao dung của bà. Rồi một vị khách đi ngang qua làng biết chuyện, ghé thăm nhà bà và hỏi tại sao bà có thể chịu đựng giỏi đến thế, bà đáp:

“Con trai và tôi có nhân duyên từ nhiều kiếp trước, và kiếp này gặp gỡ để tiếp tục trải nghiệm và học hỏi cùng nhau. Người ta thường nghĩ rằng tôi bất hạnh, nhưng tôi lại cảm thấy vô cùng may mắn. Nhờ gặp gỡ con trai, tôi biết nhẫn nại, biết bao dung, biết quan tâm, chăm lo, cho đi với một thái độ hoàn toàn sáng suốt. Nếu không có cuộc gặp gỡ này, làm sao tôi có thể học sâu sắc bài học ấy. Làm sao tôi có thể ung dung tự tại giữa những khổ đau mà người đời gán cho. Cuộc đời luôn có sóng gió, và hãy là người lướt trên sóng gió ấy, cậu sẽ cảm thấy đau khổ cũng như hạnh phúc, chúng hoàn toàn giống nhau. Chúng luân phiên nhau trong cuộc đời ta để dạy cho ta bài học rằng tất cả chỉ là một sự ảo tưởng. Chỉ có cái tâm rỗng lặng, thanh tịnh mới hoàn toàn chân thật mà thôi.”

Có lẽ trong cuộc đời, bạn đã từng nhìn vào một ai đó sung sướng hạnh phúc để rồi ghen tỵ và quay ra chán ghét cuộc đời mình. Thế nhưng, bạn có biết rằng đau khổ mới là bài học hoàn hảo cho sự giác ngộ. Và chính vậy, đau khổ là món quà tuyệt vời hơn hạnh phúc nhiều lần. Nói vậy không phải để ám chỉ hay khuyến khích ta hãy tìm đến đau khổ, mà để ta nhận ra một thông điệp quý giá rằng đau khổ thực sự mới là chất xúc tác hiệu quả để mỗi người tìm về chính mình, và nhận ra chân lý.

Tìm về chính mình có nghĩa là biết sống trong thực tại, biết nhận diện những cảm xúc của chính mình mà không một oán trách hay phê phán. Chỉ đơn thuần là có mặt với trạng thái ấy mà thôi, dù trạng thái có khó chịu đến đâu đi chăng nữa. Như người phụ nữ già trên, bà luôn hiện diện với chính mình trong khi chăm sóc cậu con trai. Bà hiện diện với chính mình để không đánh mất chính mình, và bà có mặt với thực tại để không trốn tránh những trách nhiệm và nghĩa vụ của một người mẹ. Bà không chịu đựng bất cứ điều gì như ai đó nghĩ, bà đơn thuần làm mọi thứ tự nhiên với cái tâm trong sáng.

Cuộc đời là hoàn hảo. Hạnh phúc cũng hoàn hảo. Mà khổ đau cũng hoàn hảo. Chỉ bản ngã là luôn thích phán xét đúng sai, so sánh được hơn, hay yêu cái này ghét cái kia… Bản ngã tự chính nó tạo ra đau khổ, chứ không phải một ai mang đến đau khổ cho ta. Khi bản ngã được tháo gỡ, thì không một đau khổ nào có thể phát sinh, không một phiền não nào trong tâm nữa. Lúc này, đơn thuần chỉ có một cái tâm rỗng lặng mà thôi. Nó vượt qua tất cả mọi cặp nhị nguyên của cuộc đời rộng lớn này.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: