Lịch sử đã ghi nhận nhiều câu nhận định bất hủ về Champagne phát đi từ những nhân vật lẫy lừng ở đủ mọi lãnh vực, từ Hoàng đế Pháp Napoléon (Champagne! In victory one deserves it, in defeat one needs it), qua nhà văn Mỹ Mark Twain (Too much of anything is bad, but too much Champagne is just right) đến nữ nghệ sĩ thời trang Pháp Coco Chanel (I only drink Champagne on two occasions, when I am in love and when I am not). Còn trong thời hiện đại ngày nay, thế giới nhạc pop (hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm đủ mọi thể loại nhạc) cũng “nghiện” thức uống có cồn sủi tăm duy nhất được mang tên Champagne.
Ngày Thứ sáu 22 Tháng Mười năm 2021 này, chắc có nhiều bạn hân hoan vui thú khui mừng Ngày quốc tế Champagne lần thứ 12. Và chắc cũng có không ít bạn nhớ rằng đã có khá nhiều nghệ sĩ, ban nhạc – nhất là những nghệ sĩ rap, hip-hop ngày nay – đã đem chất vang sủi tăm trứ danh này vào những sáng tác của họ. Đó không chỉ là nhóm rock Anh Oasis với Champagne Supernova; là nữ ca sĩ trẻ Meghan Trenor với Champagne problem; là nhóm jazz tân kỳ Hot Sardines với French fries and Champagne. Oái oăm thế, nghèo túng đến độ chỉ có khoai chiên để nhậu với Champagne, nhưng cũng đủ để truyền tải thông điệp quan trọng, đại loại có Champagne là vui rồi, mồi miếc là chuyện phụ. Và dù sao cũng đỡ khổ hơn phải uống bia để mua vui trong đêm Champagne như nhóm country Lady Antebellum đã hát trong Champagne Night.
Các ca khúc mọi thể loại có nhắc đến Champagne nhiều đến độ vài ngày trước khi diễn ra International Champagne Day 2021, Ủy Ban Champagne, một tổ chức ngành nghề rất có uy lực chuyên về Champagne tại Champagne bên Pháp cũng đã quảng bá một collection “nhạc và Champagne” trên Spotify. Trong đó nổi bật có That’s what I like của Bruno Mars; Poppin’ Champagne của All Time Low; Champagne life của Ne Yo; Champagne showers của LMFAO với sự góp giọng của cô nàng Natalia Kills… và đáng kể có cả Drinking Champagne với tiếng đàn, hát của cây cổ thụ dòng country Mỹ là Willie Nelson.
Ngược dòng thời gian trở về thập niên 1970 khi tôi còn trẻ và chưa hề biết mùi vị Champagne là gì thì đã rất thắc mắc nghe một nhóm country rock Mỹ trứ danh đàn hát một tuyệt tác mà trong đó có nhắc đến “… Pink champagne on ice”. Hồi ấy, tôi không hình dung ra Champagne hồng vì khi lớn lên chỉ thấy bố mẹ và bạn bè của họ uống Champagne bình thường màu vàng lợt. Bạn có biết nhóm ấy và tên ca khúc ấy? Chắc chắn bạn biết! Đó là nhóm The Eagles và ca khúc Hotel California!
Qua đến những năm 1980 lại có một chàng ca sĩ hát hay và rất giỏi tưởng tượng khi ăn bắp rang và uống Coca-Cola dưới ánh trăng cùng với người yêu mà lại cứ cho rằng mình đăng thưởng thức “… Caviar and Champagne”. Bạn có biết tên chàng ca sĩ và tựa ca khúc ấy? Cũng chắc chắn bạn biết luôn. Đó là Bertie Higgings với ca khúc trữ tình ai ai cũng thích Casablanca!
Khoảng 10 năm trở lại đây, Talor Swift – “cục cưng” của thế giới nhạc Pop Mỹ và nữ nghệ sĩ trẻ mà rất tài giỏi – cũng có đàn hát về loại vang sủi trứ danh. Đó là bài Champagne problems. Người nào chưa khá thì không thể tránh khỏi những poverty problems, financial problems… nhưng người khá giả thì cũng không thoát khỏi những khó khăn, thử thách mà chỉ những ai nhà giàu mới biết, gọi chung những vấn đề ấy là… Champagne problems.
Vậy khá giả như cô nàng Taylor Swift cũng không tránh khỏi những khó khăn, mà có thể đó là khó khăn trong tình duyên, như cô ta trình bày trong bài Champagne problems ghi âm trong album Evermore phát hành hồi Tháng Mười Hai 2020. Trước Taylor Swift đã có 3-4 nữ nghệ sĩ trẻ có ca khúc cũng có tựa Champagne problems nhưng bài mới của Taylor Swift dạt dào tình cảm nhất, hay nhất!
Quả thật, giới nghệ sĩ mê Champagne lắm lắm, đúng như Jimmy Buffett từng khẳng định trong bài ca vui nhộn Champagne Si, aqua no (Champagne thì uống, nước thì không)!