Gia đình hắn đông lắm. Bố mẹ hắn có tới 11 đứa con. Hắn là đứa thứ ba. Chị hắn chết sớm, tự động hắn nhảy lên làm “bà chị lớn” của cả gia đình gồm tám đứa em, bởi ông anh lớn đã đổi cái quyền trưởng nam cho hắn bằng một tô cháo gà ngày còn trẻ.
Phải mất năm chuyến đi khác nhau, khác nơi chốn và khác thời điểm, qua gần ba năm trời, thì gia đình hắn mới đi vượt biên hết được. Tuy vậy, người ở lại để lo cho mọi người ra đi êm xuôi trước, lại chính là người đàn bà nhỏ nhắn và nhút nhát: mẹ hắn. Sau khi cả nhà đã vượt thoát cả rồi thì bà bị bắt trong lần ra đi đầu tiên. Thân cô thế cô, chịu giam trong tù ròng rã hơn ba năm trời, không người thân chăm sóc hay thăm viếng. Hồi đó Việt Mỹ chưa bang giao để người Việt tỵ nạn được phép đi đi về về như bây giờ.
Cuối cùng thì hơn sáu năm sau, mẹ hắn mới thoát đi được. Năm đó đã là cuối năm 1986. Mấy tháng sau, đầu năm 1987 thì mẹ hắn được đi định cư đoàn tụ với gia đình ở Mỹ. Chỉ chưa tới chục năm mà mẹ hắn đã già hẳn và lọm khọm đi thấy rõ. Bữa ra phi trường, mẹ hắn tay xách nách mang, hàng hóa mang theo còn nhiều hơn người đi định cư bằng máy bay sau này. Vừa ra khỏi phi trường, mẹ hắn đã vội vàng nhất định đòi lôi “quà” từ trong những chiếc bao đóng rất chặt chẽ ra để… chia của.
Món quà cho mấy ông con trai là mỗi đứa một cái võng mà chính tay mẹ hắn đan khi đang còn tạm cư bên đảo. Bà chỉ nói đi nói lại một điệp khúc duy nhất: “Thời giờ nhiều, biết làm gì cho hết ngày?”. Mẹ hắn không bao giờ kể lại quãng thời gian sáu năm kẹt lại một mình. Chẳng đứa con nào biết được sự cô đơn, trông chờ của bà nó cay đắng ra sao cả. Vì lý do nào, chỉ có mình bà biết, bà chẳng kể cùng ai. Hơn 30 năm sau, mẹ hắn vẫn giữ kín điều đó trong lòng, chưa một lần thố lộ. Ngày xưa không thì thôi, bây giờ thì lại càng không… kể!
Trải qua thời gian dài đăng đẳng hơn 30 năm, cái võng đó, thực ra chẳng phải là bị bỏ quên, nhưng những ngôi nhà mà hắn và gia đình hắn ở tiểu bang California đất chật người đông, không có đủ chỗ để giăng được cái võng, mà có giăng thì ai nằm? Thế là cái võng chưa một lần được lôi ra khỏi bao.
Bởi thế, cái võng đó luôn nằm ở trong một cái xó xỉnh nào đó rất kỹ ở trong nhà hắn. Vợ hắn lại là một người đàn bà chu đáo, đã 7-8 lần dọn nhà, nhưng không bao giờ vợ hắn quăng đi, hoặc cho ai, hay để lại đâu cả. Món quà chứa đựng tràn ngập yêu thương mà. Người đi đến đâu, cái võng nằm chặt trong một cái bao cũng được lê đi theo tới đó. Sau này, cả gia đình hắn tụ tập trong một mùa lễ, mọi người mới khám phá ra được một điều, hắn là người duy nhất trong gia đình, vẫn còn ôm theo “cái võng hồi môn” mà mẹ hắn đã tặng mấy chục năm trước.
Mấy năm trước, khi còn tỉnh táo, mẹ hắn lâu lâu còn nhắc khéo “Vợ chồng bác Năm (vai thứ của vợ hắn theo người miền Nam) qua bên đó (North Carolina), đất rộng mênh mông, thế đã giăng cái võng ra nằm chưa?”. Đấy, cái tình cho đi dễ gì quên. Hắn chỉ nhe răng ra cười. Mà kỳ cục nha, hắn thứ ba mà bên nhà hắn cũng kêu hắn bằng anh Năm, bên vợ hắn thì đương nhiên rồi. Làm như hắn phải đi ở rể cả đời hay gì? Hắn cù nhây “Ôi, ba cái võng dù đan đó giờ bên Việt Nam bán thiếu gì, chục bạc là có”. Bà già nhấm nhẳn: “Tổ cụ mày!”
*****
Lần đó, hai vợ chồng hắn về thăm, mẹ hắn còn tỉnh táo lắm, nấu nướng đãi hai vợ chồng. Sau khi dọn dẹp ngồi vào bàn, hắn chọc phá bà cụ: “Vợ con kho cá ngon bá cháy, mấy bà Bắc Kỳ kho cá ăn chán bỏ mẹ, vừa mặn vừa khô, lại hôi mùi gừng”. Mẹ hắn chưa giận: “Tiên sư bố anh, hồi đó ai nấu cho anh có cái bỏ vào mồm? Ai nuôi anh khôn lớn đằng đẵng bao năm trường?”. Hắn châm chọc thêm: “Ôi, cụ có nuôi con thì cũng chỉ có 16-17 năm, vợ con nuôi con gần bốn chục năm nay rồi đấy cụ ạ!”.
Hắn còn ngáo ngổ, bồi thêm: “Cụ nuôi con được hai năm chứ mấy, rồi thằng A, con B, thằng D, thằng E, con Tám, con Chín… cụ chăm nuôi chúng nó chứ cụ có lo cho con đâu? Mà có nhiều lắm thì chỉ được bốn năm, thằng cu của cụ vừa mới biết tự lấy lá chuối chùi đít thì cụ đã bỏ, chứ có ngó ngàng gì đến nó nữa!”
Bà cụ lúc này đã nổi nóng: “Tiên sư bố ông tam đại nhà anh, tôi không đẻ ra anh thì bây giờ vợ anh có… chó… để mà chăm sóc, để mà lo lắng, để mà kho cá cho ăn…”. Mãi đến lúc ấy, hắn mới giả lả, vuốt ve làm lành với bà cụ: “Ô, cái này thì cụ nói đúng rồi”. Tánh hắn như thế, lúc nào cũng bông đùa, à mà mẹ hắn biết điều đó mà… Hắn là thằng bị chửi “Cụ Tổ Nhà Anh và Tiên Sư Bố Anh” nhiều nhất trong nhà mà.
Mới đấy mà mẹ hắn đã ngơ ngơ ngáo ngáo có hơn hai năm rồi còn gì. Lúc nhớ lúc không, lúc cười, lúc ngồi đăm chiêu tư lự. Có khi mẹ hắn đánh vào ngực hắn bôm bốp mà chẳng có lý do gì. Chắc là đánh để trả nợ… núi sông đây mà. Mấy tháng trước hắn về thăm mẹ, sà vào hỏi mẹ: “Mẹ nhớ thằng nào đây không?”. Mẹ hắn ngước mắt nhìn lên ngơ ngác: “Thằng T?” Hắn lắc đầu. Vẫn cái nét mặt ngơ ngơ: “Thằng B?”
Và sau hai ba thằng như thế, mẹ hắn và hắn cùng chịu thua bỏ qua. Người hỏi thôi hỏi, để người trả lời chẳng phải nặn óc suy nghĩ. Vợ hắn vừa chào một tiếng, thì mẹ hắn đã cười vui vẻ: “Bác Năm đây mà!” Thằng con trai, mới nhào đến: “Con chào bà nội!” là mẹ hắn nhận ra ngay: “Thằng Tí James”. Hắn quanh quẩn bên mẹ mấy bữa, hầu như đứa nào mẹ hắn cũng nhận ra, trừ ra mỗi mình hắn.
*****
Tự nhiên hôm qua, vợ hắn nhỏ nhẹ: “Giờ mình có cái sunroom rộng như thế, hay anh đóng cái khung võng nằm?”. Hắn lui cui đo đạc, phác họa rồi ghi ghi chép chép. Xong cái, hắn xách xe ra Home Depot mua gỗ. Rị mọ, đo đo, cưa cưa, đóng đóng hơn nửa ngày trời, hắn đã hoàn tất cái tác phẩm mà đáng lẽ ra đã phải hoàn tất 31 năm trước. Cái võng được lôi ra vẫn còn nguyên, mới tinh, ráp vào vừa vặn cái khung như một thiết kế hoàn hảo đã được dự định từ trước.
*****
Sáng nay, ở nhà một mình, nhớ đến mẹ, hắn lặng lẽ ra sau nhà, leo lên chiếc võng đung đưa… rồi khóc tấm tức như một đứa trẻ. “Mẹ ơi, mẹ có nhớ cái võng của 31 năm trước này không? Hai tháng nữa, con về thăm mẹ, con sẽ mang mấy tấm hình về khoe, mẹ nhá!”…