Phái đẹp và lông – tẩy hay không tẩy?

Minh họa: Pixabay

Tại sao phụ nữ phải tẩy lông? Câu trả lời đã có từ nhiều thế kỷ trước. Việc tẩy lông được xem là để phân biệt giới tính nam-nữ, thể hiện đẳng cấp, làm rõ nữ tính và để có một cơ thể sạch sẽ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, lông trên cơ thể ngày càng được nhiều phụ nữ trẻ chấp nhận, và họ đang biến “nguồn gốc” của sự xấu hổ xã hội, của “phi nữ tính” thành biểu tượng của sức mạnh cá nhân. 

Từ Ai Cập cổ đại  và châu Á

Khi khái niệm về giới tính ngày càng lỏng lẻo, cả ngoài cuộc sống lẫn nơi làm việc, bình đẳng nam nữ được xiển dương, phong trào “yêu” cơ thể mình và những quan niệm mới, cấp tiến trong lĩnh vực làm đẹp đã góp phần tạo nên làn sóng… “rậm lông” mới. 

Lông không còn được cạo mà ở đâu cứ ở yên đó, kể cả…lông nách! Heather Widdows, Giáo sư đạo đức tại Đại học Birmingham của Vương quốc Anh, tác giả của cuốn sách “Perfect Me: Beauty as a Ethical Ideal”, nhận định về xu hướng mới trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại: “Việc loại bỏ lông trên cơ thể phụ nữ là một trong số ít truyền thống thẩm mỹ được chuyển từ thói quen làm đẹp sang vệ sinh cơ thể. Vì lông là nơi tích luỹ chất bẩn và mồ hôi. Ngày nay, hầu hết phụ nữ vẫn cảm thấy phải cạo râu mép vì họ không có lựa chọn nào khác, nhưng nhận thức về lông đang dần thay đổi”. 

Cho đến đầu Thế kỷ 20, việc cạo lông không được coi là “chuẩn mực xã hội” mà phụ nữ nào cũng thấy có trách nhiệm phải làm. Trước đó, từ thời kỳ đồ đá, rồi đến Ai Cập cổ đại, Hy Lạp và Đế chế La Mã, việc loại bỏ lông trên cơ thể không chỉ có phụ nữ làm mà nam giới cũng thế, bằng cách sử dụng vỏ sò, sáp ong và nhiều chất tẩy lông khác. 

Trong những thời đại trước đó (như Victoria Sherrow viết trong “Encyclopedia of Hair: A Cultural History” – Bách khoa toàn thư về lông tóc: Lịch sử văn hóa), không có lông chỉ là để giữ cho cơ thể sạch sẽ. Người La Mã cổ đại cũng gắn lông với đẳng cấp: Da càng mịn càng thuần khiết và đẳng cấp cao hơn. Ở Trung Đông, cũng như Đông Á và Nam Á, sự thanh mảnh được dùng cho toàn bộ khuôn mặt. Nhưng lông mày kỳ lân lại được xem là quyến rũ đối với cả hai giới và thường được làm đậm thêm. Ở Iran tẩy lông và tạo hình chân mày là “nghi thức” đánh dấu bước sang tuổi trưởng thành và phụ nữ thường lấy chồng vào dịp này.  

Trong khi ở Trung Quốc, lông trên cơ thể từ lâu được xem là… bình thường, và phụ nữ ít bị áp lực tẩy lông trên mặt hơn. Tại các quốc gia châu Á khác cũng thế: Trong khi tẩy lông đã trở thành thói quen của nhiều phụ nữ trẻ châu Á, thì tẩy lông (hoặc cắt tỉa lông mu) không phổ biến như ở phương Tây. Thậm chí, ở Hàn Quốc, từ lâu lông mu được xem là dấu hiệu có hệ sinh sản tốt và tình dục mạnh mẽ. Niềm tin này phổ biến đến nỗi, giữa thập niên 2010, một nghiên cứu cho thấy một số phụ nữ Hàn Quốc đã cấy thêm lông mu cho rậm! 

 

Minh họa: Billie/Unsplash

Đến châu Âu

Tuy nhiên, người châu Âu không phải lúc nào cũng bị ám ảnh bởi làn da không có lông. Vào thời Trung cổ, những phụ nữ Công giáo tốt được cho là có mái tóc dài, một biểu hiện của nữ tính, nhưng phải giấu kín nó trước công chúng! Khuôn mặt là nơi duy nhất không nên để lông của phụ nữ phương Tây thế kỷ 14 nên họ sẽ nhổ hết tóc ở trán để làm cho khuôn mặt bầu bĩnh hơn. 

Khi Nữ hoàng Elizabeth I lên ngôi vào năm 1558, bà đã làm cho việc tẩy lông trở thành “mốt”. Đến cuối Thế kỷ 18, việc tẩy lông vẫn không được phụ nữ Âu Mỹ xem là quan trọng, kể cả khi chiếc dao cạo an toàn đầu tiên được thợ cắt tóc người Pháp Jacques Perret phát minh năm 1760 và một số phụ nữ dùng thử. Cho đến cuối thập niên 1800, phụ nữ ở cả hai bờ Đại Tây Dương mới xem tẩy lông là phần không thể thiếu trong việc làm đẹp. 

Quan niệm thời hiện đại về tẩy lông cơ thể có thể bắt nguồn từ cuốn sách “Descent of a Man” (Hậu duệ của đàn ông) xuất bản năm 1871 của nhà tự nhiên học Anh Charles Darwin (theo cuốn “Plucked: A History of Hair Removal” (Nhổ lông: Lịch sử tẩy lông của Rebecca Herzig, giáo sư nghiên cứu về giới tính và tình dục tại Đại học Bates ở Maine). 

Herzig nhận định: “Lý thuyết của Darwin về chọn lọc tự nhiên liên quan đến tổ tiên nguyên thủy và sự trở lại của các dạng kém phát triển khác. Theo ông, có ít lông trên cơ thể là dấu hiệu của tiến hóa và hấp dẫn giới tính. Khi những ý tưởng của Darwin phổ biến rộng rãi, các chuyên gia y tế và khoa học thế kỷ 19 bắt đầu liên kết chứng rậm lông với sự nghịch đảo tình dục (sexual inversion), bệnh lý, cuồng dâm và bạo lực’. 

Điều thú vị là liên kết này chủ yếu chỉ dùng cho lông trên cơ thể phụ nữ, không cho nam giới và nó không chỉ đến từ các lập luận tiến hóa mà còn từ ý đồ “kiểm soát xã hội theo giới tính” nhằm kéo giảm vai trò ngày càng tăng của phụ nữ trong xã hội”. “Để phụ nữ nghĩ rằng họ không có lông mới được chú ý và không xấu hổ là một cách để kiểm soát cơ thể họ, thậm chí bản thân họ” – Widdows nói. 

“Vào đầu thập niên 1900, nhiều người Mỹ da trắng thuộc tầng lớp thượng lưu và trung lưu xem làn da mịn màng là dấu hiệu của nữ tính, lông trên cơ thể phụ nữ là “ghê tởm”. Và tẩy lông là một cách để tách khỏi đám thô thiển, tầng lớp thấp hơn và người nhập cư” – Herzig viết. 

Minh họa: Mathilde Langevin/Unsplash

Bước sang Thế kỷ 20

Trong những năm đầu Thế kỷ 20, khi loại váy tay trần để lộ da trở thành mốt, triệt lông cơ thể bắt đầu phổ biến ở Mỹ. Năm 1915, Harper’s Bazaar, tạp chí đầu tiên dành cho phụ nữ, phát động chiến dịch “Việc phải làm” là loại bỏ lông dưới cánh tay. Cùng năm đó, công ty dao cạo râu Gillette  tung ra thị trường loại dao cạo đầu tiên dành cho phụ nữ có tên Milady Décolletée kèm dòng quảng cáo: “Một trợ thủ vệ sinh tuyệt vời để giải quyết một vấn đề cá nhân đáng xấu hổ”. 

Váy, tay áo ngắn hơn của những năm 1930, 40, và nạn khan hiếm tất nylon trong Thế chiến thứ II đồng nghĩa với việc phụ nữ Mỹ cạo lông chân nhiều hơn. Sự ra đời của bikini năm 1946 ở Mỹ cũng khiến các công ty cạo râu và nữ giới tập trung vào việc “trau chuốt và tạo dáng các vùng nhạy cảm”. 

Đến 1953, khi tạp chí Playboy xuất hiện trên sạp báo, hình những phụ nữ cạo lông sạch sẽ, mặc nội y chụp ảnh đã đặt ra một tiêu chuẩn mới về sự gợi cảm. Hệ quả: Đến năm 1964, 98% phụ nữ Mỹ từ 15 đến 44 tuổi thường xuyên cạo lông chân. Dùng sáp và tẩy lông bằng laser cũng bắt đầu trong thời gian đó, dù phương pháp sau nhanh chóng bị loại bỏ vì gây hại cho da (rồi được giới thiệu trở lại nhiều năm sau đó). “Nhưng việc cạo lông không cực đoan như ngày nay” – Widdows nói. 

Tẩy lông lên cao trào khi sự phổ biến ngày càng tăng của các loại sáp tẩy lông, sách báo phim ảnh khiêu dâm và văn hóa đại chúng. Năm 1987, bảy chị em đến từ Brazil (được gọi là J Sisters) đã mở một thẩm mỹ viện tại thành phố New York để giới thiệu phương pháp tẩy lông “Brazil” hoàn toàn dùng sáp ở vùng sinh dục với những khách hàng nổi tiếng như Gwyneth Paltrow và Naomi Campbell đi tiên phong để công chúng làm theo. 

“Khi đó, việc loại lông trên cơ thể đã trở thành bình thường nhanh hơn mong đợi – Widdows giải thích – Không có lông là cách duy nhất để làm sạch cơ thể một cách tự nhiên và sạch sẽ dù không hẳn như thế”. Với các quảng cáo và truyền thông ra rả về “cơ thể phụ nữ lý tưởng là không có lông, chỉ cần mái tóc xù là đủ” đã tạo cơ hội cho các phương pháp tẩy lông hiệu quả hơn ra đời. 

Minh họa: Sereja Ris/Unsplash

Phong trào “không cạo lông” sống lại!

Bốn thập kỷ qua đã chứng kiến ​​sự phát triển của điện phân, ánh sáng xung, công nghệ laser tiên tiến (electrolysis, pulsed light, advanced laser technology) trong thị trường tẩy lông phát đạt. 

Herzig nhận định: “Bất cứ cái gì phải dùng đến tẩy đều khơi gợi sự ghê tởm, xấu hổ, thù địch nên cần phải loại bỏ chúng ra khỏi thế giới văn hóa của chúng ta. Lông trên cơ thể phụ nữ bị xem là tồi tệ. Nhưng tiếc thay, cái đem lại sự sạch sẽ, đáp ứng “chuẩn mực xã hội và vệ sinh” có lúc lại làm mài mòn da và gây nhiễm trùng!”. 

Phong trào “không cạo lông” sống lại lần thứ nhất vào cuối thập niên 1970 khi để lông không còn là chuyện hiếm, cả trên tờ Playboy, lúc chiến tranh Việt Nam đã kết thúc và làn sóng nữ quyền thứ hai nổ ra ở Mỹ với sự lan rộng của văn hóa hippie (cả hai đều từ chối một cơ thể không có lông!). 

Đối với nhiều phụ nữ, lông trở thành biểu tượng của cuộc chiến giành sự bình đẳng và được xem là “của tự nhiên”. Năm 2008, bà Breanne Fahs, Giáo sư nghiên cứu về phụ nữ và giới tính tại Đại học tiểu bang Arizona, âm thầm đề nghị một số sinh viên nữ cứ để lông chân mọc bình thường và bảo một nam sinh viên hãy cạo lông chân. 

“Thử nghiệm cho thấy tính tất yếu của việc tẩy lông ở phụ nữ và để lông chân ở nam giới. Làm ngược lại, các sinh viên sẽ rơi vào cảm giác xấu hổ sâu sắc, thiếu tự tin và thậm chí bị tẩy chay – bà nói – Còn có ý kiến ​​cho rằng nam giới cạo râu là người đồng tính!”. 

Nhưng Fahs cũng nhìn thấy xuất hiện của tâm lý nổi loạn, ủng hộ quyền chọn lựa của những sinh viên tham gia cuộc thử nghiệm. Phong trào “không cạo lông” đã ngóc đầu dậy trong hai năm qua, sau cuộc bầu cử Mỹ và phong trào phụ nữ tố cáo bị xâm hại #MeToo, nhiều phụ nữ đã nhận thức sâu sắc hơn về những bó buộc trên cơ thể mình, về nữ quyền, giới tính và tình dục nên họ sẵn sàng đẩy lùi tất cả những quy tắc ảnh hưởng đến sự tự do. 

Một tổ chức mới được thành lập gồm những phụ nữ trẻ để phát động phong trào “không cạo lông cơ thể” và đưa hình ảnh lên Instagram. Trong số Tháng Chín của tờ Harper’s Bazaar, nữ diễn viên Emily Ratajkowski đã tạo dáng với bộ lông nách không cạo (tạp chí đã xoay ngược 360 độ kể từ khi truyền thông điệp chống lông nách). 

YouTuber Ingrid Nilsen và nhạc sĩ Halsey cũng khoe lông. Các nhãn hiệu máy cạo râu dành cho phụ nữ chuyển sang khuyến khích thảo luận tích cực về vấn đề và đề cao quyền chọn lựa. Công ty dao cạo Flamingo khi tung ra loại dao mới Harry’s cũng nhấn mạnh “quyền lựa cá nhân”. Nhiếp ảnh gia Ashley Armitage đưa lên Instagram thông điệp: “Tẩy lông hoặc để nó lại là chọn lựa của mỗi người. Cái nào cũng tốt!”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: