“Gái Paris” – một thời tượng trưng cho vẻ đẹp hoàn hảo, nhìn “cưng gần chết”, “sang gần chết”, “quý phái gần chết”, nay đang lùi vào dĩ vãng.
Viết trên Wall Street Journal (ngày 27 Tháng Mười Một 2021), cây bút Rory Satran nói rằng “một tầm nhìn toàn diện hơn về phong cách Pháp đang đến gần, bằng chứng là Vogue Paris đổi tên thành Vogue France”. Không chỉ vậy, giới thiết kế thời trang có tư duy tiến bộ đang tạo ra hình ảnh mới, thay cho “người em gái xinh Paris truyền thống” với khuôn mẫu quen thuộc: Mình hạc xương mai trong cái áo khoác lông xù.
Trong loạt sách ấn hành những năm 2000, từ “Làm thế nào để trở thành người Paris ở bất cứ đâu”, “Bài học từ Madame Chic: 20 Bí mật sành điệu mà tôi học được khi sống ở Paris”, đến “Trường phái quyến rũ Paris”…, tất cả đều miêu tả một cách “đúc kết” rằng một người đẹp Paris phải là một “em” gầy gầy, da trắng, sành điệu sang chảnh, trong chiếc sơ mi kẻ sọc, áo khoác lông “treo” hờ hững trên bờ vai và nhất định phải quấn thêm cái khăn Hermès.
Sự rập khuôn trong hình ảnh “người đẹp Ba Lê hoa lệ” tồn tại trong nhiều thập niên, được hóa thân bởi những người nổi tiếng như ca sĩ Jane Birkin, diễn viên Brigitte Bardot, và người mẫu kiêm nhà thiết kế Inès de la Fressange. Mặc dù bà Birkin là người Anh, bà Bardot sống ở miền Nam nước Pháp trong nhiều thập niên chứ không phải ở Paris và bà de la Fressange là người gốc Argentina-Colombia.
Tuy nhiên, cái gì cũng có một thời và cũng đến lúc hết thời… Một thế hệ mới gồm những người nổi tiếng, ngôi sao mạng xã hội và nhà thiết kế đang làm bùng nổ sự thay đổi các quy tắc thẩm mỹ của người Paris nói riêng và dân Tây nói chung. 101 năm sau ngày thành lập, tạp chí Vogue Paris thuộc tập đoàn Condé Nast đã đổi tên thành Vogue France dưới sự điều hành mới của người phụ trách nội dung biên tập Eugénie Trochu. Số đầu tiên của Vogue France phản ánh sự thay đổi “lột xác” này, với ảnh bìa ngôi sao nhạc pop Aya Nakamura.
Olivier Rousteing, Giám đốc sáng tạo của Balmain, một trong những thương hiệu xa xỉ nổi tiếng thế giới, nói rằng thời trang không chỉ về quần áo và những thay đổi của nó còn cho thấy sự thay đổi góc nhìn của thời trang về xã hội. Rousteing giải thích rằng từ lâu, làng thời trang Pháp được mặc định đồng nghĩa là sự thể hiện của “một loại con gái”, với việc dùng từ “La Parisienne” [số ít]. Như vậy không đúng, vì người ta không chỉ có một cô gái ở Paris mà có rất nhiều. Trong lịch sử, thông thường thiên hạ tạo ra một cách nhìn lặp đi lặp lại về vẻ đẹp, làm như rằng chỉ “thế này” mới đẹp, còn “thế kia” thì không. Với cá nhân mình, Olivier Rousteing vẫn yêu những phụ nữ đẹp đại diện cho nước Pháp như Charlotte Gainsbourg và Vanessa Paradis nhưng ông thấy rằng chẳng có lý do gì để nói những phụ nữ như Aya Nakamura, ca sĩ nhạc pop người Pháp gốc Mali, là không đẹp (người xuất hiện trên trang bìa Vogue France số Tháng Mười Một 2021); hoặc Yseult, ca sĩ người Pháp gốc Cameroon, hay ngôi sao YouTube nổi tiếng Léna Situations, người gốc Algeria.
Vấn đề của người Pháp nói chung là họ khá bảo thủ. Với không ít người Pháp, cho đến giờ, cái “cô gái đó” – người đẹp kiểu mẫu – phải mảnh mai, đang… dắt chó đi dạo trong khu phố sang trọng Saint-Germain-des-Prés, như được miêu tả trên Vogue Paris suốt những năm 1990 và 2000. Những người mẫu trên Vogue Paris trong một thời gian dài đều giống nhau y chang ở điểm, mặt em phải lạnh lạnh, mắt em phải liếc liếc, môi em phải bĩu bĩu, ánh nhìn phải khinh khinh; với chiếc quần jean bó, mái tóc rối “một cách nghệ thuật” và “chơi” áo khoác da.
Việc đổi tên tạp chí từ Vogue Paris thành Vogue France được khởi xướng bởi Eugénie Trochu, 33 tuổi, dân Normandy (chứ không phải Paris). Ở một đất nước mà dân bảo thủ thường ca thán về sự xâm lược của văn hóa Mỹ, sự thay đổi mà Eugénie Trochu đề xướng đã vấp ngay phản ứng chống đối. Tờ Le Figaro trong ấn bản Tháng Mười 2021 đã đập ngay với bài báo ghi tít “Làm thế nào mà Vogue xóa Paris khỏi bản đồ”!
Lindsey Tramuta, nhà báo người Mỹ sống ở Paris và là tác giả The New Paris và The New Parisienne: the Women & Ideas Shaping Paris, nói rằng ở xứ Phú Lãng Sa này, cái gọi là “huyền thoại” về “cô gái Pháp” với vẻ đẹp truyền thống như miêu tả ở trên đã ăn sâu vào tiềm thức. Các công ty, thương hiệu, thậm chí các hội đồng quản trị du lịch đều thấy việc quảng bá hình ảnh “cô gái yêu kiều Paris” theo “format” quen thuộc vẫn còn “ăn tiền”; và vì vậy, việc quái gì phải “làm khác” đi. Phần mình, Trochu nói rằng sứ mệnh của cô tại Vogue France rất rõ ràng: “Tôi muốn thay đổi tầm nhìn của hình ảnh phụ nữ Pháp”, từ tuổi tác, sắc tộc, giới tính, đến ngoại hình. Mập ốm gì bây giờ cũng cần được thể hiện. Cần biết rằng, việc miêu tả phụ nữ Pháp mập đối với giới thời trang thường không được chấp nhận. Gái mập chỉ có ở Mỹ chứ không có ở “nước Pháp chúng tôi”.
Vậy thì “em gái Paris mới” với “vẻ đẹp mới” sẽ trông như thế nào? Trochu nói, có thể là người phụ nữ mà bạn thấy trên sân thượng một quán cà phê; cô ấy có thể đang hút thuốc; tay cầm một miếng pho mát hoặc cái bánh mì; cô ấy đang nói chuyện phiếm… Bất luận thế nào, cô ấy là con người tự do. Cô ấy hài lòng về bản thân. Cô ấy không xấu hổ về bất cứ điều gì và cô ấy không cố gắng trở thành người khác hoặc sao chép những “biểu tượng” thời trang.