Cây Bút & Đôi Giày

Truyện ngắn
Ảnh: nathan-fertig-unsplash
Văn Hóa - Văn Nghệ
Văn Hóa – Văn Nghệ
Cây Bút & Đôi Giày
Loading
/

Đôi Giày đang rầu rĩ, vì mấy hôm nay thân thể nó rách bươm do phải phục dịch cho những chuyến đi dài hạn. Nó nghĩ tủi tấm thân khi thấy đời mình sao thấp hèn, cứ ở mãi dưới chân người, mặc cho ai tha hồ chà lết. Quay đi ngoảnh lại đâu có ai như nó? Quần Áo được chải chuốt. Mũ Nón lại ở trên cao. Anh Cặp thì con người kè kè bên cạnh. Cứ nhìn anh Bút đã phát thèm. Lúc thì được nâng niu gìn giữ trong cặp. Lúc lại được cầm trên tay. Có khi lại được con người trân trọng treo lên túi áo mới sướng cơ chứ!…

Từ hôm phát hiện ra ai ai cũng chiếm phần tiện nghi, Đôi Giày ngày đêm than thở không biết đến khi nào cuộc đời mình mới khá hơn. Lắm hôm nó quá buồn tình đâm ra rầy rà với lũ chuột. Mà lũ chuột với nó có khi nào trở nên hòa thuận. Cứ thấy lúc giày dơ bọn chúng liền xâu vào như bắt được của. Con nọ nhảy vào, con kia nhảy ra, thi nhau chìa răng ra càm cạp, Đôi Giày đang tiều tụy bởi lâu nay chưa được tắm rửa, chải chuốt bằng dầu. Bao nhiêu nỗi uất hận Đôi Giày đành đem ra trút lên lũ chuột. Nó nhiều lần cố giẫm đạp cho bọn chúng biết tay, nhưng vẫn chưa thực hiện được do động tác bản thân quá thô kệch và chậm trì. Quá thất vọng nó quay sang cau có với Cây Bút.

– Này anh Bút! Lâu nay anh cứ mãi ở trên cao nên không hiểu gì chuyện bàn dân thiên hạ phía dưới. Người ta sống khổ, anh dửng dưng như không biết gì, sao gọi là tình người. Nếu hôm nào cao hứng, anh nên xuống đây hòa nhập với chúng tôi để nâng cao kiến thức.

Cây Bút đang ở trong miệng túi nghe thấy vậy liền nói:

– Không phải tôi không muốn xuống, nhưng thân phận mỗi người mỗi khác. Cái số anh là nằm dưới đấy, còn tôi dù muốn dù không phải ở trên cao. Người Ấn Độ có một câu nói rất hay: Nếu ai cũng lên kiệu thì ai là người khiêng kiệu. Vì lẽ đó sinh hoạt của chúng ta khác nhau cũng không có gì ngạc nhiên.

Đôi Giày nghe thấy thế lấy làm bực mình. Không lẽ chỉ có Bút mới được ở trên cao, còn như nó cứ suốt đời phải ở dưới đất.

– Anh nói đến phân công xã hội, mỗi người mỗi việc là đúng! Nhưng sự phân chia đó do công việc chứ không phải nhân cách. Đâu phải ai ai khi được chút ít danh phận rồi lại nhìn người bằng nửa con mắt. Tôi không tin việc, Đôi Giày thì không thể nào ở trên cao được…

Cây Bút cười nói:

– Anh không thể nào thay đổi được việc ấy đâu. Đừng phí công vô ích!

Lời Cây Bút khiến Đôi Giày càng tức giận thêm. Nó nghĩ trước sau cũng có cách chứng minh số phận con người luôn luôn thay đổi, và giày đôi khi cũng ở trên cao được vậy!

Thế là từ hôm đó, lúc vắng người nó lại cố sức trèo lên cái bàn ở giữa nhà. Nếu lên được trên đấy, không phải Đôi Giày đã đúng hay sao…

Nhưng dù Đôi Giày rất cố gắng cũng khó thực hiện được mong muốn. Điều này cũng không có gì ngạc nhiên, bởi đã là giày thì đâu có chân để trèo lên bàn!

Thất vọng, nhưng Đôi Giày không nản chí. Nó ngày đêm suy nghĩ xem có cách nào trèo lên cao được không. Rồi một hôm nó trông thấy bác Mèo, liền nghĩ ra một cách. Không tự leo lên bàn được thì nhờ bác Mèo vậy! 

Thế là Đôi Giày năn nỉ ỉ ôi với con mèo già mà ngay cả chuột cũng lờn mặt.

– Bác Mèo ơi! Trông bác thì khỏe lắm, nhưng chắc không đủ sức đem cháu lên bàn đâu.

Con Mèo nghe nói liền nổi tính tự ái:

– Không lẽ ta lại chẳng chiều được một tí ước muốn của cháu sao. Nào để ta bế cháu lên nhé!

Con Mèo đã già nên sức chẳng còn bao lăm. Nó cố mãi mới kéo được Đôi Giày lên cạnh rìa bàn. Nhưng Đôi Giày chưa kịp đắc ý, khoe khoang với Cây Bút thì có người đi vào. Người đàn bà vừa bước vào, thấy đôi giày trên bàn liền quát tháo luôn:

– Mấy đứa trẻ thật là quá quắt. Giày dép như thế này lại đem để trên bàn mới chết chứ!

Nói xong người đàn bà đem Đôi Giày đến kệ dép bỏ vào. Hành động này khiến Đôi Giày buồn xo. Ôi! Nó sắp thành công lại có kẻ phá bĩnh mất rồi. Đành phải nghĩ cách khác vậy!

Loay hoay mất hết mấy hôm, cuối cùng Đôi Giày lại nghĩ ra cách. Trong nhà có nuôi một chú Chó săn, đây là giống chó hay hiếu động. Con Chó thường hay đùa giỡn với những vật dụng linh tinh, có khi chú ta cũng thích đùa nghịch với Đôi Giày. Thế là Đôi Giày nghĩ ra trò khêu gợi tính hiếu kỳ của con Chó. Đang nằm dưới đất, nó cố lắc mình mấy lượt gây sự tò mò ở con vật. Sau đó thấy không có hiệu quả, nó lại nhảy cẫng lên như mắc phong. Chú Chó thấy việc lạ, bắt đầu chú ý đến Đôi Giày. Nó bước đến gần ngửi ngửi lên đôi giày không được mấy sạch. Rồi như bị kích thích bởi cái mùi đặc biệt ấy, con vật lên cơn cuồng nộ, giằng xé và vật nhau với Đôi Giày. Con Chó rất hăng, nó hết vật Đôi Giày sang bên này, lại sang bên kia. Cuối cùng quá hăng tiết nó ném Đôi Giày văng lên cái bàn được đặt kề bên cửa sổ. Đến đây thì mục đích Đôi Giày đã đạt, nó không muốn dây dưa với con Chó nên quay sang nói chuyện với Cây Bút.

– Nào! Bây giờ thì chúng ta nói chuyện công bằng hơn. Người ở trên cao, kẻ ở dưới đất, đấu khẩu với nhau chẳng thích tí nào. 

Cây Bút bình thản nói:

– Số anh là ở dưới đất, có cố trèo lên đây cũng chẳng được bao lăm. Con người khi phát hiện ra, lại ném anh về chỗ cũ cho xem.

Đôi Giày tỏ ra nghĩ ngợi. “Cây Bút nói đúng đó! Xưa nay mình ở dưới đất, bây giờ trèo lên cao, người ta trông thật chướng lắm. Nếu con người trông thấy, đời nào chịu để cho yên…” 

Nhưng nếu không thử qua, Đôi Giày thật không cam tâm. Cuộc đời xoay chuyển, vật gì có lúc phải đổi thay chứ!

– Anh xem! Bây giờ tôi được ở cao. Dù cho cuộc đời có ngắn ngủi tôi cũng muốn nở mày, nở mặt một chút với mọi người.

Cây Bút lại cười khúc khích:

– Anh quả là người có nghị lực, cố sức vượt lên trên số phận, nhưng tôi nghĩ chẳng lợi ích gì. Một chút nữa đây, cô bé con ông chủ vào lại ném anh xuống sàn cho xem.

Quả nhiên đúng như lời Cây Bút nói. Cô bé gái vừa trông thấy Đôi Giày liền xuýt xoa luôn miệng:

– Eo ơi! Đôi Giày sao lại nằm ở đây!

Nói xong cô ta lại đem Đôi Giày để xuống sàn nhà…

Tối đêm ấy Đôi Giày buồn bã không sao ngủ được. Nó nghĩ số mình suốt đời không còn cơ hội vươn lên được. Đi đâu, ở đâu, Đôi Giày vẫn phải ở dưới đất. Nếu giày mà ở trên cao đúng là việc lạ đời…

Nhưng… những lúc đối thoại với Cây Bút nó lại thấy tức anh ách. Cây Bút luôn tự hào là vật cao quý, lúc nào cũng ở trên cao, luôn luôn sạch sẽ với nét “tri thức” vốn có của mình. Vậy còn giày để làm gì cơ chứ? Người ta mang nó dưới chân, lê gót khắp nẻo đường, khiến thân thể nó tàn tạ mà chẳng mấy ai tỏ ra thương tiếc. So ra hai thứ: Rõ ràng Cây Bút hơn đứt Đôi Giày!

Một buổi sáng, vừa mở mắt ra Đôi Giày thấy Cây Bút đang nằm cạnh mình. Nó kinh ngạc la lên:

– Sao hôm nay anh lại nằm đây? Không phải chỗ của anh là ở trên cao sao?

Cây Bút bây giờ không còn vẻ kênh kiệu như trước. Nó mệt nhọc nói:

– Không hiểu sao người tôi lâu nay càng lúc càng cứng ra, máu huyết như không chịu chảy, khiến toàn thân khó chịu vô cùng. Ông chủ đêm qua dùng tôi mà không hài lòng chút nào, sau cùng ném tôi ra đây với một lời trách móc: “Bút mà để lâu ngày cũng hư!”

Đôi Giày nghe thấy thế liền cười:

– Cái gì không sử dụng, lâu ngày cũng hư, không riêng gì Cây Bút. Ông ta nói thế thật chưa công bằng…

Tiếng thút thít của Cây Bút lại vang lên:

– Lỗi không phải tại tôi. Đã là bút thì phải thường xuyên được sử dụng. Riêng tôi lại được ông ta mang trên người như một vật trang trí cấp cao, đến lúc cần thì mực khô mất, làm sao dùng được!

Đôi Giày kinh ngạc:

– Thế ông ta mang theo bút làm gì với những chuyến công tác liên miên?

– Anh không hiểu đâu! Nhiều người mang bút như cái mác của “tri thức”, thật ra họ chỉ toàn nói, nói và nói, chứ mấy khi đụng đến bút. Đã vậy mỗi khi cần đến bút, họ lại mắng mỏ: “Đúng là đồ vô tích sự”…!

Đôi Giày nghe xong mới vỡ lẽ ra một việc. Ở đời vật gì đắc dụng thì được sử dụng thường xuyên, không cần phân biệt cao hay thấp. Giày không thể ở trên cao, vì cái số là như vậy. Nhưng bút ở trên cao có khi lại xuống đất vì không còn hữu dụng cho con người. Ở dưới trèo lên không được, nhưng ở trên rơi xuống nằm cùng Đôi Giày là được đấy nhé…!

Và Đôi Giày chợt nghĩ đến một việc nữa. Sở dĩ ông chủ ít khi sử dụng bút, vì biết đâu ông ta nói giỏi hơn viết. Không phải lúc nãy Đôi Giày nghĩ ra rằng: “Cái gì đắc dụng thì được sử dụng thường xuyên” hay sao!?…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Hình như là…
Người bạn nàng, bạn thời trung học, tha thiết rủ rê nàng sang Mỹ chơi một chuyến. Hắn bảo, nhà cửa hắn rộng rãi thoải mái, không việc gì phải…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: