Lạm phát lên 6.8%, cao nhất bốn mươi năm

Người tiêu dùng hiện nay phải tính toán kỹ chi tiêu gia đình do giá thực phẩm ngày càng cao – Minh họa: Imants Kaziļuns/Unsplash

Giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng liên tục trong Tháng Mười Một, dẫn tới mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ năm 1982; người dân Mỹ phải trả nhiều tiền hơn khi mua thực phẩm và hàng hóa, gây ra cơn ác mộng chính trị cho chính quyền của Tổng thống Joe Biden và củng cố kỳ vọng Ngân hàng Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ phải tăng lãi suất.

Hôm Thứ Sáu 10 Tháng Mười Hai, Bộ Lao động công bố Chỉ số Giá Tiêu dùng (Consumer Price Index -CPI) hằng tháng; theo đó CPI Tháng Mười Một đã tăng 0.8% so với tháng trước và tăng 6.8% so với một năm trước, mức tăng mạnh nhất kể từ Tháng Sáu năm 1982. Chỉ số lạm phát lõi (core inflation), tức không kể giá thực phẩm và nhiên liệu vốn lên xuống thất thường, đã tăng 0.5% so với tháng trước và tăng 4.9% so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát đã tác động đến giá cả của tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ, từ thực phẩm, nhà ở, xe hơi mới cũ, xăng dầu… So với cùng kỳ năm trước, giá năng lượng (xăng dầu, điện, gaz) tăng 33%, giá thực phẩm tăng 6%, còn giá xe hơi và xe tải đã sử dụng tăng tới 31%.

Với những người dưới 40 tuổi thì đà tăng giá hiện nay là đợt lạm phát nặng nề nhất mà họ chứng kiến. Nước Mỹ bị lạm phát nặng nhất vào thập niên 1970, mức lạm phát hằng năm tăng từ 3% năm 1972 lên 13% năm 1979 trong thời gian nước Mỹ bị khủng hoảng năng lượng do các quốc gia Trung Đông cấm vận việc buôn bán dầu mỏ, buộc Fed phải tăng lãi suất lên 20%. Năm 1982 lạm phát giảm dần xuống mức một con số và kéo dài từ đó đến nay.

Đợt lạm phát hiện nay gây bất ngờ cho các nhà hoạch định chính sách kinh tế Mỹ. Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, nhiều tháng qua vẫn cho rằng giá cả hàng hóa gia tăng đột ngột chỉ là “tạm thời”, “thoáng qua” do chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu bị gián đoạn, nhưng nay ông phải thừa nhận lạm phát cao sẽ kéo dài hơn dự đoán và là kết quả của hàng loạt yếu tố như kinh tế phục hồi nhanh sau đại dịch, lượng tiền khổng lồ nhằm cứu nguy và kích thích do chính phủ tung ra, lãi suất cực thấp mà Fed duy trì nhiều năm qua và chuỗi cung ứng hàng hóa bị gián đoạn ở Mỹ và trên toàn thế giới. Các chuyên gia dự đoán trong cuộc họp chính sách vào tuần tới, Fed sẽ quyết định giảm quy mô tung tiền mua trái phiếu để giảm lượng cung tiền ra thị trường.

Thứ Sáu tuần trước, Bộ Lao động cũng báo cáo thị trường lao động đang hồi phục mạnh, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống mức 4.2% lực lượng lao động, mức thấp nhất trong 21 tháng qua và số đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp mới trong Tháng Mười Một cũng là mức thấp nhất trong 52 năm qua. Tính đến cuối Tháng Mười, thị trường lao động đã tạo thêm được 11 triệu việc làm mới.

Do thiếu hụt lao động, nhiều công ty, tập đoàn lớn đã tăng tiền lương, tiền thưởng cho công nhân với mức tăng trong năm nay là cao nhất so với nhiều năm trước, nhưng dù vậy đà tăng lương đã không theo kịp đà tăng giá. Hơn một nửa số gia đình Mỹ được các chuyên gia Viện Gallup hỏi ý kiến vào tuần trước cho rằng lạm phát đang gây cho họ nhiều khó khăn về tài chính; cứ 10 gia đình có thu nhập dưới $40,000 mỗi năm thì có ba gia đình nói mức sống của họ đã suy giảm do lạm phát. Phân tích của Ngân hàng Bank of America cho biết lạm phát gây khó khăn lớn nhất cho các gia đình sinh sống ở nông thôn và người lao động chưa có trình độ đại học.

Một số chuyên gia kinh tế hy vọng lạm phát sẽ dễ thở hơn trong những tháng tới do giá xăng dầu dự kiến sẽ giảm vì tác động của các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại ở nhiều nước để phòng ngừa biến thể Omicron của coronavirus. Giá xăng dầu giảm sẽ kéo giá nhiều mặt hàng khác giảm theo. Trong thực tế, giá xăng dầu đã bắt đầu xu hướng giảm từ cuối Tháng Mười Một.

Lạm phát là một trong những yếu tố làm người dân Mỹ thất vọng với việc điều hành kinh tế của chính phủ; tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Joe Biden của đảng Dân chủ đang xuống thấp. Ông Biden thừa nhận gánh nặng của lạm phát cao đè lên ngân sách của mọi gia đình, đồng thời cố gắng trấn an người Mỹ rằng đất nước đang đẩy mạnh nỗ lực giảm bớt tắc nghẽn nguồn cung cấp hàng hóa. “Chúng tôi đang đạt được tiến bộ trong việc khắc phục những thách thức liên quan đến đại dịch đối với chuỗi cung ứng hàng hóa và tôi hy vọng sẽ có nhiều tiến bộ hơn về vấn đề đó trong những tuần tới”, ông Biden cho biết trong một tuyên bố, theo Reuters.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: