Nâng giá bộ kit test covid tại Việt Nam: Quan chức y tế chia nhau hàng trăm tỉ đồng

Đồng loạt trong ngày 18 Tháng Mười Hai, báo chí trong nước đưa tin chuyện công an bắt tạm giam ông Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Việt Á, để điều tra về những sai phạm trong việc nâng khống giá bộ xét nghiệm COVID-19. Đây là điều mà giới bác sĩ, chuyên gia y tế độc lập vẫn đặt câu hỏi nhưng không ai trả lời.

Ngoài nhiều nhân vật trong Công ty công nghệ Việt Á bị tạm giam để điều tra, các cán bộ y tế ở nhiều địa phương khác cũng bị thẩm tra. Tổng cộng cho đến nay có hơn 30 người liên quan đến vụ nâng giá các bộ xét nghiệm Covid, vốn được đưa vào chương trình xét nghiệm bắt buộc với hàng triệu người dân trong giai đoạn dịch bùng phát thứ tư ở Việt Nam, kể từ Tháng Tư, năm 2021.

Vào Tháng Tư, năm 2020, Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm kit xét nghiệm COVID-19. Đến nay, Công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm cho trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu gần 4,000 tỉ đồng.

Trong cuộc họp báo về vụ bắt giữ này, phía Bộ Công An cho biết “Kết quả điều tra bước đầu cho thấy, lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu test COVID-19 của các địa phương trên cả nước, sản phẩm này thuộc danh mục được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn nên Phan Quốc Việt đã chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố sử dụng. Sau đó, Việt thông đồng với lãnh đạo các đơn vị này hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách sử dụng các pháp nhân trong hệ thống lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá… cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất. Đồng thời, để được giao cung ứng trước thiết bị, vật tư y tế, tiêu thụ với số lượng lớn, thanh quyết toán theo giá do Công ty Việt Á đề nghị, Phan Quốc Việt còn thỏa thuận, thống nhất, chi cho cán bộ, lãnh đạo các đơn vị mua hàng với số tiền rất lớn”.

Đặc biệt, nổi cộm trong vụ này, Công ty Việt Á đã bán kit xét nghiệm COVID-19 cho CDC Hải Dương thông qua năm hợp đồng với tổng giá trị 151 tỉ đồng. Giám đốc Phan Quốc Việt thú nhận đã đã chi tiền phần trăm ngoài hợp đồng cho Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương, số tiền gần 30 tỉ đồng. Nhưng danh sách các quan chức y tế ở các tỉnh, thành vẫn còn dài, dự kiến sẽ lộ diện trong thời gian tới.

Giám đốc Công ty Việt Á là ai?

Phan Quốc Việt, Giám đốc đường dây nâng giá kit test Covid-19 ở Việt Nam, năm nay 41 tuổi, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á – từng chia sẻ với báo chí ông là một người con ngành y, lại may mắn đi vào chuyên ngành đang được quan tâm, chính là sinh học phân tử trường Đại học Quốc gia Hà Nội.

Và “may mắn hơn” khi công ty của ông được Học viện Quân y lựa chọn đối tác hơn chục năm qua, đáng kể như việc hợp tác với Học viện Quân y sản xuất thành công kit xét nghiệm “made in Vietnam” vào Tháng Ba 2020, báo Tuổi Trẻ cho chi tiết.

Trước khi sản xuất thành công bộ kit xét nghiệm COVID-19 “made in Vietnam”, Công ty Việt Á cũng được Bộ Y tế cấp phép sản xuất 15 bộ kit thử, trong đó có nhiều tác nhân gây bệnh lao, viêm gan A, viêm gan B, tay – chân – miệng, HPV…

Ngoài kit test, Công ty Việt Á cũng trúng nhiều gói thầu tại các bệnh viện lớn trên cả nước. Một số gói thầu công ty đã trúng bao gồm: Gói thầu cung ứng hóa chất năm 2016 – 2017 (thuốc, hóa chất, vật tư y tế) cho Bệnh viện Quân y 175; gói thầu cung cấp hóa chất dung dịch khử khuẩn, dụng cụ xét nghiệm và sinh phẩm xét nghiệm năm 2018 – 2019 cho Bệnh viện Da liễu trung ương.

Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, công ty này trúng gói thầu cung cấp hóa chất sinh phẩm xét nghiệm chuyên khoa và dung dịch khử khuẩn. Gần đây, Công ty Việt Á trúng gói thầu cung cấp hóa chất vật tư tiêu hao theo máy và vật tư tiêu hao phục vụ hoạt động xét nghiệm tại Bệnh viện Bạch Mai.

Dĩ nhiên, ở Việt Nam, các công ty kết nối được với các hệ thống công, thường là có người đỡ lưng hoặc gia thế “cách mạng” từ đầu. Và nhờ những việc bắt tay trong hệ thống mà nhiều công ty đang sản xuất hay buôn bán kit test ở nước ngoài cũng đề nghị giao sản phẩm với mức giá thấp hơn nhiều lần, vẫn bị làm ngơ. Chẳng hạn như một lời chào hàng từ Đại Hàn, với giá 56,000 VNĐ/bộ từ năm 2020, vẫn bị làm ngơ nhưng với thỏa thuận của Phan Quốc Việt với thỏa thuận riêng và chi tiền phần trăm hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm, đã ký được giá bán là 470,000 VNĐ/bộ.

Ăn trên nỗi đau của người dân Việt Nam

Hốt hoảng trước sự việc đang dần bị phanh phui, Bộ Y tế CSVN đã nhanh chóng phủi tay bằng việc ra thông cáo báo chí, từ ngày 28 Tháng Chín đến ngày 29 Tháng Chín, Bộ Y tế đã gửi đi hai thông cáo báo chí, giải thích xung quanh các ý kiến về giá kit xét nghiệm đang được cho là có bất thường. Bộ Y tế khẳng định chưa mua test nhanh, việc đấu thầu do đơn vị, địa phương tự làm.

Vào Tháng Năm, 2021, khi lời đồn về chuyện có những điều bất thường trong việc xét nghiệm và bán các bộ xét nghiệm, Bộ Y tế vội vã lên tiếng các nơi cung cấp phải có giá thành hợp lý đối với hành triệu người đang bị buộc phải xét nghiệm hàng ngày như giới giao hàng (shipper), tài xế vận tải đường dài, nhân viên công ty, nhân viên các khu lao động tập trung… Bộ giải thích một cách nhanh chóng về việc giá kit test đã đột ngột giảm từ 300,000 VNĐ/bộ, xuống có nơi chỉ còn 160,000 VNĐ/bộ.  “Hiện nay giá kit xét nghiệm đang có xu hướng giảm, bên cạnh nguyên nhân khách quan do tình hình dịch trên thế giới giảm, nhiều doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng, một phần rất lớn từ nguyên nhân chủ quan từ sự điều hành của cơ quan chức năng”, Bộ Y tế nói vậy.

Vì sao Bộ Y tế CSVN, một cơ não chính thức của nhà nước độc tài mọi vấn đề, lại không thể kiểm soát giá kit test giữa lúc đất nước và người dân rơi vào tình trạng nguy nan, mà thả nổi cho các doanh nghiệp, con buôn… tự tung hoành trong đất nước suốt gần cả năm trường, mà thiệt hại đau đớn thuộc về người dân. Đó là câu hỏi không có lời đáp, và cả Bộ Y tế CSVN cũng tránh không nhắc đến.

Hồi Tháng 11, năm 2021, có tin Bộ Y tế bị chất vấn trước Quốc hội CSVN về chuyện loạn giá các bộ xét nghiệm, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã nói loanh quanh rằng “các đơn vị quá bận phòng chống dịch nên yêu cầu “thực thanh thực chi” cũng có phần chưa được quan tâm”.

Theo thông báo về tình hình dịch bệnh của Bộ Y tế, đến ngày 19 Tháng Mười Hai năm 2021, đã có gần 29 triệu người Việt Nam đã được xét nghiệm từ phía nhà nước. Còn số người dân phải tự xét nghiệm cho công việc của mình thì chưa tính được.

Cho đến giữa Tháng Mười Hai, tình hình hỗn loạn về việc phải tự bỏ tiền xét nghiệm vẫn diễn ra ở nhiều nơi, cho dù người dân đã có đóng bảo hiểm y tế hay chưa. Báo Lao Động dẫn tin mới đây công an đang điều tra chuyện công ty Công ty TNHH Uchiyama Việt Nam, Bình Dương về chuyện cho xét nghiệm với công nhân, nhưng lại trừ tiền thẳng vào lương. Có người bị trừ 1.9 triệu VNĐ, có người bị trừ đến 4.5 triệu VNĐ, trong khi lương tháng chỉ có hơn 6 triệu đồng/tháng. Nhưng Công ty Uchiyama Việt Nam chỉ là một trong hàng ngàn sự kiện bất thường đang diễn ra, mà chỉ người dân là chịu thiệt mà thôi.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: