Trung Quốc: Chớ dại lên mạng khoe giàu!

Tiểu thư Dao An Na (Annabel Yao) – con gái út của người sáng lập tập đoàn Huawei Nhậm Chính Phi Ảnh minh họa từ MXH

Những ai đăng lên mạng xã hội những hình ảnh hóa đơn trả tiền nhậu nhẹt, mua sắm, những món nữ trang, túi xách đắt tiền … đều có rủi ro bị nhà cầm quyền Bắc Kinh coi là  kẻ “đồi trụy”, “gây hại cho tinh thần của lớp trẻ”, và các mạng xã hội sẽ bị phạt nếu đăng những bài khoe giàu, phô trương của cải như vậy.

Một người làm phim video để đăng lên mạng xã hội Trung Quốc mới đây đã đăng những hình ảnh hấp dẫn về sự sang trọng của cái khách sạn mà anh ta quảng cáo, từ phòng tắm hơi (sauna) trong khu nhà tắm rộng rãi của loại phòng tổng thống (presidential suite), đến phòng ăn nơi có người bồi bàn đứng chờ với đĩa thịt bò beefsteak bốc khói. Sáng hôm sau, anh ta thức giấc và được phục vụ tận giường món tôm hùm… 

“Hóa đơn hôm nay: 108,876 tệ, [$17,000]  Mình đã ngủ hết nhiều điện thoại iPhone,” anh ta tuyên bố khi trả phòng một khách sạn ở Thành Đô (Chengdu) miền Tây Trung Quốc, vừa nói vừa vẫy vẫy tờ hóa đơn trước ống kính máy quay phim.

Đoạn phim chắc chắn là phô trương, chắc chắn là rởm đời. Nhưng từ nay, loại phim như thế cũng bị coi là vi phạm các quy định về internet của Trung Quốc.

***

Nhà cầm quyền Trung Quốc đã tuyên chiến với các nội dung bị coi là “phô trương của cải” ngay sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi chiến đấu chống lại sự bất bình đẳng trong xã hội. Ông Tập đang tự thể hiện là “một nhà lãnh đạo của nhân dân”, dẫn dắt chiến dịch chống lại các nhóm lợi ích – một chiến thuật sẽ giúp ông được ủng hộ để tiếp tục làm tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc (CSTQ) khi đảng này tổ chức đại hội vào cuối năm 2022.

Gần đây, ông Tập đã ra đòn với những người giàu có nhất Trung Quốc. Các cơ quan tài chính của đảng CSTQ đã truy sổ sách các công ty công nghệ khổng lồ, buộc những ông chủ của chúng phải tuyên bố trung thành và đóng góp nhiều khoản tiền lớn vào các chương trình xã hội của đảng. Các nhà tài phiệt bị bắt giam, bị buộc tội tham nhũng. Trên mạng, những nghệ sĩ có tên tuổi và giàu có bị truy thu thuế; các mạng xã hội phải tìm kiếm và gỡ hết những video có hàng triệu người theo dõi nhưng phơi bày khoảng cách giữa người giàu và người nghèo.

Anh chàng quay video khách sạn nói ở đầu bài là một v-blogger có tới 28 triệu người theo dõi trên mạng Douyin – mạng chia sẻ video chị em với TikTok ở Trung Quốc. Tài khoản của anh ta thường quảng bá cho các khách sạn hạng sang và những nhà hàng có tên tuổi. Nhưng sau khi đoạn video về khách sạn ở Thành Đô nói ở đầu bài bị nhà chức trách sờ tới, anh ta đã xóa hết những hình ảnh đó. Những bài đăng gần đây chỉ chiếu cảnh anh ta mua đồ ăn vặt ở các cửa hàng tiện lợi.

Zhang Yongjun, quan chức cao cấp cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc nói: “Chúng tôi sẽ tăng cường quản lý, gia tăng trấn áp để các mạng xã hội hiểu rằng có một lưỡi gươm đang treo trên đầu họ”.

Và lưỡi gươm đã bắt đầu chém xuống. Mạng chia sẻ video Douyin cho biết trong hai tháng qua họ đã xóa khoảng 4,000 tài khoản người dùng; trong đó có những tài khoản đăng hình ảnh “rải tiền”. Mạng Xiaohongshu – một mạng chia sẻ hình ảnh mô phỏng mạng Instagram của Mỹ, nói họ đã cảnh báo hơn 9,000 bài đăng phô trương giàu sang, khoe của cải từ Tháng Năm đến Tháng Mười vừa qua.

Từ Tháng Bảy năm ngoái, cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc đã công bố một kế hoạch “quét sạch hoàn toàn những thông tin cổ xúy cho các giá trị đồi bại như so sánh hoặc phô trương sự giàu có, những trò chơi quái đản, v.v…” Chiến dịch quét sạch không gian mạng được báo chí chính thống của nhà nước Trung Quốc đưa tin và bình luận rộng rãi sau khi hãng tin Tân Hoa Xã khẳng định khoe giàu “làm hôi thối bầu không khí của xã hội”.

Hồi Tháng Mười, các mạng xã hội Douyin và Kuaishou bị phạt mỗi mạng $31,000 vì đã cho đăng một mẩu quảng cáo mà chính quyền cho rằng khuyến khích “tiêu dùng quá đáng”. Nhiều mạng xã hội khác phải chỉnh sửa thuật toán để phát hiện và ngăn chặn các bài đăng “khoe giàu” của người dùng. Nhưng dựa vào tiêu chuẩn gì để đánh giá “tiêu dùng quá đáng” hoặc “khoe giàu” thì không thấy chính quyền Bắc Kinh đề cập tới. 

Thật ra, việc đăng hình ảnh, video có nội dung khoe khoang trên các mạng xã hội không phải là chuyện gì mới, có ở khắp nơi chứ không riêng ở Trung Quốc, nhưng chỉ có chính quyền Trung Quốc mới có cách hành xử độc đoán như vậy.

***

Có người giải thích sở dĩ đảng Cộng sản Trung Quốc có biện pháp cứng rắn như vậy với thói khoe khoang của cải của tầng lớp trọc phú mới nổi có phần do tình trạng chênh lệch giàu nghèo, bất bình đẳng ở nước này hiện đã quá lớn. Theo viện nghiên cứu của Ngân hàng Credit Suisse, 1% dân số giàu nhất Trung Quốc sở hữu 31% tài sản quốc gia. Đại dịch COVID-19 càng phơi bày sự bất xứng giữa các tầng lớp xã hội; người giàu tiếp tục tiêu pha hoang phí trong khi người nghèo phải vật vã kiếm sống do những biện pháp phong tỏa để phòng dịch.

Tình trạng bất bình đẳng nếu không được xử lý thì có thể đặt ra mối đe dọa cho quyền kiểm soát toàn diện xã hội của nhà cầm quyền; đe dọa tính chính danh cầm quyền của đảng Cộng sản, vốn đặt trên một thỏa thuận ngầm: người dân ngầm chấp nhận sự cai trị của đảng, đổi lại đảng phải đem lại cuộc sống no ấm và kinh tế phát triển. Hiện nay, với giá nhà đất lên cao chóng mặt, cuộc chạy đua giành những công việc thu nhập cao ở các đô thị đang làm cho giới trẻ Trung Quốc nhận ra rằng “giấc mộng Trung Hoa” đã ra khỏi tầm tay. Chính ông Tập Cận Bình cũng phải thừa nhận rằng hố ngăn cách giàu nghèo ở Trung Quốc là “một vấn đề chính trị nghiêm trọng”. 

Nhưng chiến dịch trấn áp mạng xã hội của Bắc Kinh chỉ nhắm mục tiêu vào hành vi “khoe giàu, phô trương của cải” mà không hề đụng tới hố ngăn cách giàu nghèo hoặc tìm cách thu hẹp khoảng cách giàu nghèo đó; nghĩa là đánh vào biểu hiện bề ngoài mà không đụng tới cái căn bản bên trong. Ông Tập nhiều lần nói tới “thịnh vượng chung” (common prosperity) như là chính sách chủ yếu của ông trong những năm sắp tới, nhưng những biện pháp thực sự mang lại sự thịnh vượng chung, thì ông không muốn thực hiện. Các biện pháp như đánh thuế nhà đất căn cứ vào giá trị của bất động sản, đánh thuế thừa kế vào những gia đình giàu có, mở rộng quyền của người lao động v.v… đã nhiều lần được đề nghị nhưng đều bị ông Tập bỏ lơ vì ông không muốn mất sự ủng hộ của tầng lớp thượng lưu và trung lưu Trung Quốc – những người có quan hệ và làm giàu nhờ quan hệ với tổ chức đảng CSTQ.

Giáo sư Zhang Jun, chuyên nghiên cứu chính trị Trung Quốc của Đại học Thành Thị Hồng Kông, nhận xét, chiến dịch trấn áp mạng xã hội hiện thời chỉ cố xoa dịu nỗi bất mãn của công chúng đối với một số kẻ nhà giàu mới nổi mà không thật sự đụng chạm đến quyền lợi của bất kỳ ai”.

Các mạng xã hội đang nỗ lực cảnh báo, treo, xóa những hình ảnh mà nhà cầm quyền cho là phản cảm, nhưng theo giáo sư Zhang, cho dù tất cả các tài khoản người dùng như vậy có bị xóa hết thì điều đó cũng chẳng làm thay đổi gì sự phân phối của cải trong xã hội. “Chúng ta đều biết, khi người ta không đăng lên mạng hình ảnh về của cải của họ, xe hơi của họ, túi xách và nữ trang của họ thì điều đó không có nghĩa là họ không có tiền. Nhắm mục tiêu vào sự khoe khoang thì chẳng giải quyết được gì”, bà Trương nói.

Tham khảo The New York Times

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Động lực
Về cơ bản, có hai điểm định nghĩa động lực là một quá trình quan trọng và phức tạp nhằm đạt được các mục tiêu, kích thích mong muốn trong…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: