LTS: Đây là bài viết của nhà báo Phạm Lan Phương (Khải Đơn). Cô từng có nhiều năm làm báo ở Sài Gòn. Hiện cô đang ở Mỹ, theo học chương trình Fulbright chuyên về sáng tác văn học. Tác phẩm thơ “My sinking town” (tiếng Anh) của cô viết về Sài Gòn vừa được Academy of American Poets trao giải, ở hạng mục “University & College Poetry Prize”…
Vài năm về trước, tòa soạn giao cho tôi đi viết một loạt bài khi đọc thấy số trẻ em bị xâm hại tăng nhanh từ một báo cáo. Tôi tìm cách liên hệ với nhiều nơi, từ trường học, hội phụ nữ xã huyện, các tổ chức tên tuổi đầy trên internet để hỏi một câu: Hãy dắt tôi đến gặp một nạn nhân.
Câu trả lời rất lạnh. Vài tổ chức gửi cho tôi báo cáo chung chung, không cách gì chạm vào được thực tế. Một số trường từ chối nói ở đây không có hoàn cảnh nào bị vậy. Hội phụ nữ hay các cơ quan địa phương về trẻ em tôi cố tìm thì không bắt điện thoại hay trả lời email. Lúc đó, một người bạn bảo tôi hãy liên hệ gặp một chị, chị ấy làm về giáo dục và giúp đỡ kinh tế đời sống phụ nữ. Suốt hai tuần, chị dắt tôi đến từng nhà, gặp từng đứa bé và cha mẹ với hoàn cảnh éo le không thể tưởng nổi.
Một cô bé bị khuyết tật và trí não ít phát triển bị chính giám đốc ngôi trường khuyết tật mò vào giường mỗi đêm. Em gặp khó khăn khi phát âm, không nhớ và hình thành được câu chuyện để nói thành lời, nhưng em nhớ ông giám đốc làm gì với em. Đáp lại điều em tả: Bạn bè ở ngôi trường nói em vu cáo “thầy”, thầy đi khắp nơi nói em vô ơn. Ba mẹ em đau khổ tột cùng vì họ không thể tin ngôi trường khuyết tật họ đưa con đến học lại là nơi xâm hại con. Họ đi kiện khắp nơi. Mọi nơi đều coi họ là cặp vợ chồng nghèo rách nát và ngu ngơ. Chỉ có mình chị nhớ như in chuyện của họ để dắt nhà báo đến gặp vì chị nghĩ biết đâu giúp gì được họ.
Rồi chị dắt tôi đến nhà một cô bé 15 tuổi, nhiều lần bị xâm hại bởi con của chủ tịch xã. Bé mách mẹ và báo công an. Công an dắt chủ tịch xã tới thương lượng trả chị hơn 40 triệu. Chị không nhận tiền. Chị bảo chị sẽ kiện tới nơi. Con chủ tịch xã đi kể khắp làng là tự con bé đó “dụ” cậu ta. Và nếu con bé còn dám ra đường nó sẽ còn… hiếp nữa. Mẹ của cô bé cầm đơn đi kiện khắp nơi. Vụ kiện bị coi như một trò đùa, cô nộp đơn, cơ quan trả đơn. Đống giấy tờ cô cho tôi xem là thư phúc đáp “đã nhận được đơn” đầy vô cảm của không biết bao nhiêu cơ quan nhà nước.
Sau loạt bài đó, tôi ngấm ngầm hiểu ra, thì ra ở Việt Nam, người ta có thể huy động toàn bộ lực lượng nòng cốt lên internet để phỉ nhổ một nhà hoạt động chính trị, hoặc sắm sửa năm anh an ninh ngồi trước cổng nhà một đứa đi biểu tình suốt 10 ngày, nhưng không bao giờ có thời giờ để giải cứu hay giúp đỡ một đứa trẻ con gặp nạn. Nếu nó bị cưỡng hiếp, chắc chắn là nó “dụ” thằng gây án. Nếu nó bị đánh chết, thì “tại nó” không biết kêu cứu thôi. Nếu nhà người ta đánh con gào thét khóc, thì đó là “chuyện của người ta”, chả liên quan gì tới chính quyền.
Từ đó, tôi luôn từ chối đóng góp mỗi khi hội bảo vệ bà mẹ trẻ em hay hội phụ nữ đi mời gọi đóng góp hay ủng hộ campaign gì đó. Nhưng cùng lúc, tôi biết ở những hẻm khu phố, xóm làng luôn có những phụ nữ biết lo cho trẻ con và phụ nữ khác. Những bà giáo già dạy học cho đám trẻ con không có hộ khẩu đi học. Những lớp tình thương nơi cô giáo biết tường tận sau lưng đứa bé đến lớp mình đang dạy là ông bố nghiện rượu và bà mẹ bị đánh đập. Những cô giáo, người làm chăm sóc giáo dục, những người làm công tác xã hội ở từng xóm làng, huyện thị thường chú tâm và tìm mọi nguồn lực có thể để những thói lệ tàn bạo không thể tiếp tục uy hiếp trẻ nhỏ.
Tuy nhiên, nỗ lực của họ thường ít được biết đến. Mỗi khi lên báo, các nhà báo sẽ tìm tới hội bảo vệ bà mẹ trẻ em để phát biểu, tìm tới chủ tịch huyện để trả lời, tìm tới ủy ban thành phố để ghi nhận công lao. Những người vô hình và cũng là bàn tay tìm cách chạm vào vết thương và hoàn cảnh của trẻ em, phụ nữ yếu thế thường hiếm khi được đại diện hay gọi tên để xã hội biết nhiều hơn về sự tồn tại của họ.
Chúng ta đối mặt với những câu hỏi gay gắt sau bi kịch của em bé thiệt mạng vừa qua: Tôi sẽ phải tìm đến ai nếu tôi nghe một đứa trẻ khóc vì bị hành hạ ở kế bên nhà? Tôi phải làm gì nếu thấy một thằng nhỏ bị bố đánh đập giữa đường? Tôi phải hành động ra sao nếu biết trong xóm của tôi có một đứa trẻ bị cưỡng hiếp? Tôi… làm gì để bảo vệ những người xung quanh không liên quan gì đến tôi?
Trả lời câu hỏi đó không dễ như đi xuống cầu thang và châm một ngọn nến ngoài đường. Trả lời câu hỏi đó khó hơn rất nhiều việc ta cảm thấy phẫn nộ. Bởi mỗi chúng ta có nhiều nỗi sợ. Tôi sợ can dự vào nhà người khác. Tôi sợ bị người bố xông ra đánh lại. Tôi sợ kẻ cưỡng hiếp sẽ đe dọa cả nhà tôi nếu tôi dám giúp nạn nhân đi kiện. Nỗi sợ đó hoàn toàn bình thường và có thể hiểu được.
Vì vậy, ta có thể hành động ngay từ những chuyện bình thường trước khi điều bi kịch xảy ra. Như chị nhân viên xã hội mà tôi làm quen, chị ghi nhớ những hoàn cảnh mà chị biết qua công việc, rồi tìm đủ cách riêng để trao cho họ nguồn lực. Chị kể về họ cho nhà báo. Chị đi tìm một cô chuyên giúp phụ nữ bị bạo hành để giúp bà mẹ trú ẩn mỗi khi bị đánh. Chị tìm cách xin việc làm cho mẹ đứa trẻ bị xâm hại, để cô không bị đe dọa bởi những kẻ hung hãn đe dọa cô ở địa phương.
Tôi học được rằng: Ta có thể không thể thay đổi những thiết chế quan liêu luôn quay đầu từ chối bảo vệ những đứa bé bị hành hạ, nhưng chính ta có thể trở thành bàn tay để giúp nạn nhân vượt qua bi kịch của họ – từ cuộc sống mỗi ngày đến những khoảnh khắc sống chết mà họ không được quyền chọn lựa.
Những nhân viên xã hội chuyên lo chuyện bao đồng, những bà giáo nhà quê, những thầy cô chật vật duy trì các không gian học hành ở nơi tri thức chả ai cần đến nhất: Họ chính là các bàn tay cần đến cộng đồng – để kéo nạn nhân ra khỏi mạng nhện của những kẻ bạo hành.
Chúng ta có bao giờ làm bạn với họ chưa?
ĐỌC THÊM: