Khui chai Champagne hảo hạng, rót vào chiếc giày cao gót rồi ngửa cổ uống cạn, bạn có dám chơi không? Ghê quá, làm gì có chuyện ấy! Thưa không, chuyện có thật đấy.
Có ai còn nhớ không, năm 1999, chuẩn bị bước sang thiên niên kỷ mới, Piper-Heidsieck, một nhà Champagne nổi tiếng thế giới, đã hợp tác với nghệ nhân thiết kế giày siêu sang, siêu đẹp và dĩ nhiên là siêu đắt Christian Louboutin để tung ra hộp quà có chai Champagne và đôi giày đế đỏ, dấu ấn nổi bật của Christian Loboutin! Gần đây hơn, năm 2010, trong Hilton Hotel ở New York City, cô đào Uma Thurman cũng chúc mừng thành công mới của đạo diễn Quentin Tarantino (năm ấy 47 tuổi) với phim chiến tranh The Inglourious Basterds (Brad Pitt, Christopher Waltz) một cách thật độc đáo bằng việc rót Champagne vào đôi giày cao gót Louboutin cô đang mang và mời Quentin uống cạn. Và rồi chính Uma (khi ấy 40 tuổi và là mẹ của hai con) cũng làm như vậy. Còn rất nhiều hình ảnh những nghệ sĩ tài danh uống Champagne từ giày.
Năm 2014, Khách sạn Ritz (London) cho ra mắt The Tallulah, một loại cocktail Champagne làm từ trà hoa nhài, tinh chất phong lữ, Cinzano Bianco, rượu shochu… Tallulah được phục vụ trong chiếc ly hình đôi giày của Louboutin. Nó được bán với giá 34 bảng Anh… Kiểu thưởng thức Champagne này, tuy rất kỳ dị, đã có thời rất phổ biến tại châu Âu và Mỹ hồi hai ba thập niên đầu của thế kỷ 20, có nguồn gốc từ Nga. Chính xác nhất là tại Moscow vào những năm cuối thế kỷ 19, sau khi khán giả đã mãn nhãn với màn trình diễn của vũ đoàn Bolshoi Ballet. Khi ấy, người hâm mộ rót vodka vào giày bít mõm của các nàng ballerina rồi chia nhau uống chứ không nhất thiết phải là Champagne.
Cùng khoảng thời gian ấy, bên Kinh thành Ánh sáng Paris, giới quý tộc cùng giới nghệ sĩ đang sống thời tươi đẹp hoàn hảo nhất thời hậu Thế chiến I, gọi là Belle Époque. Và những nữ vũ công ở nhà hát Folies Bergères không hề quên rót Champagne vào giày vũ của họ mà mời các khách mến mộ. Theo website High Heels Daily, đó là dấu chỉ của sự nể trọng.
Từ Moscow, Paris, kiểu uống Champagne bằng giày lan sang Mỹ, với điểm đến là Everleigh Club, một nhà thổ deluxe tại Chicago, quản lý bởi hai mama là hai chị em Ada và Minna Everleigh. Nhà giải trí dành cho quý ông thanh lịch lắm của nhiều tiền này là một biệt thự ba tầng, tỏa ra hai nhánh rộng lớn với 50 buồng, một ballroom với cây piano lát vàng trị giá $15,000. Tại đây, Champagne được phục vụ với giá $12/chai (thời đó như thế là đắt tiền lắm). Luôn sẵn sàng phục vụ các ông là 24 cô gái xinh đẹp, hấp dẫn.
Năm 1902, Hoàng tử Henry của Đế chế Phổ sang Mỹ bàn chuyện làm ăn kết hợp du lịch và cần một không gian sang nhưng kín đáo để giải quyết vài nhu cầu riêng tư. Everleigh Club là nơi ông và đoàn tùy tùng tìm đến. Hai chị em mama nhanh nhẩu tổ chức đại tiệc chiêu đãi đoàn khách quý.
Nữ vũ công nhảy hay nhất lúc ấy là Vidette đứng trên bàn gỗ dày mà uống éo theo bài The Blue Danuble (Dòng sông xanh), hai chân cô cứ mỗi lúc mỗi trổ thẳng cao hơn và rồi theo những gì bà Karen Abbott đã viết trong cuốn Sin in the Second City: Madams, Ministers, Playboys, and the Battle for America’s Soul phát hành năm 2008, một chiếc cao gót đã vuột ra khỏi bàn chân Vidette, bay vèo qua đầu các vị khách và khi rơi xuống thì đụng phải một chai Champagne.
Champagne nghiêng đổ vào chiếc giày. Một thành viên trong đoàn tên là Adolph vội chụp lấy, đưa lên miệng nói to: “Rượu ngon từ giày bốt, em không phải lo chân bị ướt!” và nốc cạn! Điều không ngờ, toàn bộ các ông tháp tùng Hoàng tử Henry đều đứng lên, chụp lấy giày của các nữ vũ công gần nhất và nâng cao lên. Đám nhân viên vội vã rót đầy Champagne vào cho các ông thưởng thức!
Nhà văn Mỹ Irving Wallace đã mô tả cảnh tượng này trong cuốn tiểu thuyết The Golden Room phát hành năm 1990. Còn trong cuốn Come into my parlor, năm 1934, Charles Washburn kể rằng: “Không lâu sau chuyện xảy ra trong Everleigh Club tại Chicago, cánh đàn ông ở New York bắt chước uống Champagne từ giày cao gót quý cô, từ các triệu phú qua các ông chồng trung lưu đến những nhân viên bán hàng bình thường nhất trong xã hội”.
Uống rượu từ giày cuối cùng lan sang các quốc gia khác. Tại Ukraine, trong các tiệc cưới, người ta thường “ăn cắp” giày của cô dâu để pha rượu vodka. Những người lính Đức trước khi ra trận cũng uống bia từ ủng của nhau với cầu mong may mắn trở về nhà. Sau trận chiến, họ lại ăn mừng bằng cách tương tự. Giới thể thao đặc biệt thích màn này, từ các tay đua xe đến người hâm mộ bóng rổ. Ngày nay, thỉnh thoảng, giới nghệ sĩ vẫn nổi hứng bất tử và biểu diễn màn uống Champagne từ giày. Uống Champagne từ giày hiện vẫn rất phổ biến ở Úc, nơi người ta gọi hành động này là “shoey”.