Có khi nào bạn bị chóa mắt vì ngắm quá nhiều chai nước hoa với kiểu dáng hào nhoáng khiến bạn quên cả việc hít hà mùi hương những giọt thơm tinh tuyền bên trong?
CHÓA MẮT
Người quen dùng nước hoa dễ dàng nhận thấy hai thực tế này:
Trước nhất, trong suốt chiều dài thế kỷ 20, các chai nước hoa thuộc cấp độ xuất sắc, ngoại hạng từng làm nên danh thơm của các nhà sản xuất Pháp, Ý và Mỹ hầu như không hề thay đổi kiểu dáng thiết kế chai. Dáng vẻ của chai vẫn giữ kiểu nguyên thủy. Từ chai No.5 của Chanel qua chai Eau Sauvage (dành cho quý ông) của Dior, đến chai L’Air du Temps của nhà Ricci hoặc chai Shalimar của nhà Guerlain. Vì các chai này toát lên ý nghĩa của sự hào nhoáng hiếm hoi và quý giá.
Thực tế thứ hai, từ hai ba thập niên trở lại đây, với sự bùng nổ của thị trường tiêu dùng, cùng với toàn cầu hóa và sự bùng phát công nghệ thông tin (bất cứ chuyện gì cũng có thể “instagrammable” (phát tỏa trên Instagram như sự kiện động trời!), ngành nước hoa nói chung đã trải qua một cuộc cách mạng lớn mà báo chí phương Tây gọi là “sự bình dân hóa” (démocratisation) với hàm ý, ai ai cũng có thể mua nước hoa mà xức, bất cứ khi nào, đi đâu, làm gì! Thời này, những giá trị về khứu giác hay danh thơm của một nhà sản xuất không còn là đảm bảo thành công. Cho nên cái ngắm nhìn từ cặp mắt người mua lại càng có vai trò quan trọng hơn trong nghề sản xuất và kinh doanh nước hoa. Bây giờ, khi bước vào một cửa hàng chuyên bán nước hoa và mỹ phẩm, bạn luôn bị chóa mắt là vậy.
Không thể không bị chóa khi mà trước mắt bạn là chiếc giày cao gót thanh mảnh Good Girl của nhà Caroline Herrera; thỏi son đỏ Yes I Am của nhà Cacharel; túi xách tay Decadence của nhà Marc Jacobs; viên kim cương lấp lánh La Nuit Trésor của nhà Lancôme! Chưa hết, còn có Scandal của nhà Jean Paul Gaultier mà thực sự có thể “gây xì-căng-đan” (như tên của nó) về ngoại hình với cái nút đậy là cặp đùi của người đẹp chổng ngược lên trời! Sáng tạo kiểu thời đại @ nữa là Phantom của nhà Paco Rabanne dành cho quý ông, với chai nước hoa thực sự là một món đồ chơi hi-tech kết hợp với chiếc smartphone. Nói về dáng vẻ mỹ miều, thanh lịch thì không thể quên cái nơ bằng vải cột nơi cổ chai eau de parfum Miss Dior mới ra mắt…
Chắc chắn một điều là hồi xưa, quý bà, quý ông chọn mua nước hoa tương đối dễ, không bị chóa như các nàng, các anh ngày nay. Đơn giản vì cách nay 100 năm, chẳng có nhiều nhãn, nhiều kiểu để chọn. Những Eau sauvage (Dior); Angel (Thierry Mugler); Pour Un Homme (Caron); Le Mâle (Jean Paul Gaultier); Shalimar (Guerlain)… đã là những “pho tượng” cuốn hút mọi người.
NHỮNG PHO TƯỢNG CỦA MỘT THẾ KỶ
*Còn nhớ, năm 1988, chuẩn bị cho một chuyến bay nước ngoài, tôi mua được một chai nước hoa rất thân quen vì từng thấy ông ngoại và bố tôi xức từ những năm 1960. Đó là chai Eau Sauvage (Nước hoang dã, gợi ý đến tính cách tự do, phóng khoáng) của nhà Christian Dior. Bây giờ mới biết chai này ra đời năm 1966 và trở thành một trong những sáng tạo mùi hương dành cho nam thuộc hàng “tượng đài” của thế kỷ 20. Ngày nay, với dáng vẻ mới nhưng Eau Sauvage vẫn thuộc Top 10 nhãn nước hoa nam bán chạy nhất tại Pháp; và lần lượt được giới thiệu cùng với những gương mặt lừng danh, từ Alain Delon qua Johnny Hallyday đến Zinédine Zidane.
*Thập niên 1990 chứng kiến sự ra đời của “ngôi sao” thơm lừng, cũng dành cho nam giới nhưng mang tên rất ư thoát ly trần tục: Angel (Thiên Thần), sản phẩm của nhà Thierry Mugler, màu thiên thanh với hương pha trộn chocolat, mật ong, vani, kẹo praline và chút hương hoa dại Indonesia; một sáng tạo độc nhất vô nhị của ông Olivier Cresp chuyên nghề tạo mùi hương.
Năm 1992, chai Angel là hàng “limited” (số lượng giới hạn), không quảng cáo trên các trang báo, poster, billboard. Người ta cố tình để cho “hữu xạ tự nhiên hương”, truyền từ miệng người này qua tai người khác. Cứ thế kéo dài ba năm cho đến khi chiến dịch quảng cáo chính thức được tung ra thì Angel thực sự đã “bay bổng”. Hình ảnh quảng cáo rất thoáng với người mẫu Jerry Hall (vợ của Mick Jagger, trụ cột nhóm rock Anh lừng danh thế giới Rolling Stones). Nàng Jerry tuyệt đẹp trong bối cảnh sa mạc bao la ở bang New Mexico. Gần 30 năm qua, Angel giờ vẫn là hàng nóng và bán rất chạy.
*Năm 1934, bóng ma chiến tranh lởn vởn trên bầu trời châu Âu nhưng ông Ernest Daltroff, một nghệ nhân nước hoa sáng lập nên thương hiệu Caron, vẫn tạo sự kiện vang rền với Pour un Homme (Dành cho một đấng nam nhi). Đây là chai nước hoa đầu tiên thực sự dành cho các ông. Trước đó, hầu hết các ông cạo râu xong thì chỉ bôi lên mặt loại eau de Cologne. Cho nên không ngạc nhiên khi Pour un Homme phát triển tốt, trở thành nước hoa của “Tous les Hommes” (Mọi đàn ông) trong suốt nửa đầu thế kỷ 20. Nó vẫn bán chạy đến tận nay.
*Chào đời năm 1925, tức cách nay gần một thế kỷ, nhưng chai Shalimar của nhà Guerlain vẫn khiến quý cô fashionista thời nay không thể làm ngơ. Nó có một quá khứ hào nhoáng vì từng là sản phẩm nổi tiếng tại cuộc Triển lãm quốc tế Nghệ thuật trang trí 1925 diễn ra tại Paris. Nó còn là sự “cụ thể và vật chất hóa” một chuyện tình có thật: ông hoàng Shah Jahan và công chúa Mumtaz Mahal. Ông hoàng đã cho trồng vườn hoa thơm phức Shalimar dành cho người yêu; và khi nàng qua đời, ông lại cho dựng lăng tẩm nguy nga mà ngày nay vẫn luôn là điểm thu hút du khách: Đền Taj Mahal. Câu chuyện trở thành cảm hứng cho ông Jacques Guerlain.
“Shalimar là giấc mộng đẹp Phương Đông, một chuyện tình khiến người nghe rạo rực muốn lên đường du hành để được mắt thấy tai nghe với hương thơm quyện đầy mũi!” – ông Thierry Wasser, nghệ nhân tạo mùi ở nhà Guerlain giải thích. “Guerlain là một trong những thương hiệu càng lâu càng nổi tiếng và càng có giá. Hiện nay nó tiếp tục được rất nhiều khách hàng Pháp ưu tiên chọn mua, dù các chai mới mang dáng gợi nhớ sản phẩm xưa có giá rất đắt” – ông Jean-Marie Martin-Hattemberg, chuyên gia về du lịch và nước hoa kiêm giám đốc bán hàng ở nhiều sàn đấu giá quốc tế cho biết.
*Ba năm sau khi Thế chiến II kết thúc, người dân sành điệu deluxe tại Paris trở lại lối sống thanh lịch và họ có ngay thứ để yêu. Đó là chai nước hoa L’Air du temps (dịch thoát là Hương thời gian), được tạo ra bởi Robert Ricci, nghệ nhân làm nước hoa và là con trai của bà Nina Ricci (tức Maria Adélaide Nielli, người Ý nhưng lập nghiệp với nghề thiết kế thời trang rất thành công tại Paris từ năm 1895).
Với hương nhiều loại hoa tươi, đậm chất là hoa cẩm chướng, cam bergamot và hồng mộc, chai Hương thời gian thể hiện rõ ý rằng con người sống vui an bình thời hậu chiến. “Đậu” trên nắp đậy của nó là con chim bồ câu. L’Air du Temps đã trở thành một chai nước hoa vượt thời gian. Năm 1998, lần đầu khi thăm Kinh thành Ánh sáng Paris, chai nước hoa nữ đầu tiên mà tôi mua chính là chai này, để mang về tặng mẹ. Nó là loại nước hoa mà mẹ tôi từng xức khi bà là một quý cô trẻ đi mua giày và vải may đầm trên phố Catinat, Sài Gòn…
ĐỌC THÊM: