Hương vị biển

Chú bồ câu đứng nhìn biển ở Hanauma Bay.

Đã lâu không về thăm quê đôi lúc cứ nôn nao khi nghe tiếng sóng vỗ vào bờ trên phim ảnh, hay nhìn chăm chăm chiếc thuyền buồm ra khơi mà nỗi u hoài về miền biển quê hương cứ đập khe khẽ trong lòng. Quê hương dính liền với biển, đập nhịp đập của sóng và rộn ràng với gió ngàn khơi.

Nói tới biển chắc phải nói tới Hawaii, nơi thiên nhiên trao tặng cho nước Mỹ hàng trăm bãi biển thơ mộng ngập tràn nắng và gió. Nắng ở đây nhè nhẹ như vuốt trên mặt, trên trán khách nhàn du, còn gió thì không mạnh mẽ, táo bạo hay lành lạnh mà biển nhiệt đới thường có. Gió Hawaii hây hây rất non và rất hiền, gió chứa hơi thở thiên nhiên, và gió chừng như muốn cùng ta dắt tay dạo biển.

Đến Honolulu vào buổi trưa Tháng Giêng sau khi bay khỏi vùng trời lạnh lẽo của nước Mỹ. Cũng là Mỹ nhưng Hawaii chào khách bằng hơi thở nhẹ của đại dương mênh mông, hứa hẹn sẽ chiêu đãi khách bằng bữa tiệc bao la và đầy hương vị biển. Thành phố chừng như yên ắng hơn những năm tuy khi vẫn nằm trong cơn đại dịch, mỗi người tới đây tự trang bị cho mình những chiếc khẩu trang trong tiềm thức vì những phản xạ mà Covid gây ra cho nhân loại, nhưng trên hết vẫn là sự háo hức thúc giục trong tâm trí khi biết rằng thời khắc hiện tại là phần thưởng mà thượng đế ban tặng khi hàng triệu người khác còn nằm trong vòng vây của dịch bệnh.

Bờ biển Waikiki tại thành phố Honolulu. Ảnh tác giả

Bờ biển Waikiki nằm dọc thành phố đẹp và trong lành đến bất ngờ. Cái trong lành không thể tìm ở những nơi mà du khách tràn ngập tranh nhau làm hoen bẩn không khí và bờ biển. Trong cái mát lạnh và mềm mại của cát biển bạn có thể cảm nhận được sự êm ái mà thiên nhiên đang nằm dưới chân gây cho ta cảm xúc từng bước trên cát mịn. Cát ở đây hơn hẳn mọi bờ biển quê nhà có lẽ do bà mẹ thiên nhiên ưu đãi cho tộc người Polynesia trước khi người Mỹ đặt chân đến và biến nó thành tiểu bang thứ 50 của Mỹ. Vào ngày 27 Tháng Sáu năm 1959 Hawaii trở thành nước Mỹ và thiên nhiên như đồng thuận với quyết định này khi những đạo luật giữ gìn nghiêm ngặt môi trường biển ra đời.

Cách bãi biển Waikiki chừng 25 dặm là Hanauma Bay, nơi đây thiên nhiên cộng thêm sự kỳ vĩ vào biển khiến con người trở nên nhỏ bé và hiền lành đến tội nghiệp. Những ghềnh đá được sóng biển điêu khắc trở nên gồ ghề, khi lồi khi lõm kéo dài nhiều dặm khiến khách phương xa không ít trầm trồ. Mà trầm trồ không đủ, phải bình tâm lại trước sự vĩ đại của thiên nhiên để lắng đọng cái tôi vốn làm mờ lý trí trong cuộc sống. Thiên nhiên thức tỉnh con người bằng những con sóng trắng toát vỗ vào đá gây nên thứ âm thanh vừa nhắc nhở vừa cảnh tỉnh. Phải tận mắt chứng kiến hình ảnh ấy mới cảm nhận được sức thu hút mãnh liệt của sóng biển cùng màu xanh ngọc bích của nó trên nền đá vạn năm.

Biển Hanauma Bay. Ảnh tác giả

Mầu biển Hawaii có lẽ là yếu tố thu hút con người ta nhất. Xanh trong như màu transparent trong hội họa, nó cho phép chúng ta nhìn tận đáy những bãi cát vàng mà trên nó là những sinh vật biển lững lờ bơi lượn. Màu biển Hawaii được cộng hưởng với những thứ khác như rong trắng, san hô nâu hay những loại tảo đa dạng khiến nước trong lòng nó như những aquarium rất khó thấy ở những bờ biển khác.

Nếu Hanauma Bay khiến ta sửng sốt thì Kanne’ohe bay lại kéo cái thần hồn của chúng ta quay trở lại. Kanne’ohe trông giống như Krabi của Thái Lan, yên tĩnh và trầm lắng đến bất ngờ. Xa xa là một dãy đảo nhỏ nhắn mờ mờ do phản quang của chiều tà, Kanne’ohe cũng có một hòn đá trơ vơ giữa biển như Krabi khiến ai từng tới hai nơi này sẽ có so sánh thú vị về hai vùng biển nổi tiếng.

Giống như Kabri nhưng Kane’ohe yên ắng và trầm tư hơn nhiều. Ảnh tác giả

Trên đường trở lại Honolulu khách sẽ có dịp thử món Lau Lau của dân bản địa. Đơn giản đến bất ngờ chỉ là thịt heo cuốn trong lá Lau lau nướng trên bếp hồng nhưng mùi vị của nó chinh phục lắm người nhất là ai thích cách nấu hoang dã. Gà Halu Halu cũng sẽ chinh phục vị giác của chúng ta nếu may mắn gặp được ai đó bán trên đường phố. Đây là món gà quay nhẹ trên bếp than nhưng chinh phục người ăn bằng các hương liệu ướp nó. Thơm nhẹ mùi ngò tàu, hạt tiêu Hawaii và có lẽ cộng thêm với hạt muối biển xứ này, thứ muối tương tự muối hầm của Việt Nam nhưng khô và có màu hồng như muối Himalaya.

Nếu có dịp lên thuyền ra khơi nhìn vào bờ du khách mới thấy hết cảnh đẹp của hoàng hôn và đêm trăng của Waikiki. Cách bờ biển chừng vài dặm du khách sẽ hít thở không khí hoang dã nhất của Hawaii khi nhìn những con sóng nhỏ như cuộn tóc của mỹ nhân, hiền lành và nhẹ nhàng như lụa. Trong khi tàu lênh đênh thả lỏng động cơ du khách có thể nhìn hàng trăm loại cá bơi lội trong lòng biển, hay thích thú trước một chú cá voi đang bơi song song đùa giỡn với con thuyền. Thiên nhiên được con người ở đây gìn giữ làm cho sinh vật cũng biết nghe tiếng người vui đùa với chúng. Thật may mắn khi được những loại sinh vật biển này tin tưởng và thương yêu.

Sinh vật biển, nét đẹp của Hawaii

Hawaii cũng là nơi mà du khách đến có thể thăm thú rất nhiều thắng cảnh thiên nhiên và không thể bỏ qua nơi trưng bày chiến tích trận đánh Trân Châu Cảng vào ngày 7 Tháng Mười Hai năm 1941 khiến nước Mỹ rơi vào cơn phẫn nộ và phản công sau đó bằng hai trái bom nguyên tử khiến Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện vào ngày 2 Tháng Chín năm 1945, chính thức chấm dứt Thế chiến thứ II.

Tại Bảo tàng tàu ngầm Bowfin, một trong những chiến tích mà Hải quân Mỹ tự hào là chiến thắng của nó trong suốt thời gian Thế chiến thứ II trên đại dương. Trong hai năm từ 1943 đến 1945 con tàu này đã đánh chìm hàng chục tàu chiến của Nhật trong khu vực Thái Bình Dương khiến quân đội Nhật Hoàng tan mộng bá chủ đại dương sau chiến thắng Trân Châu Cảng. Có lên tàu Bowfin mới thấy được trí tuệ con người dùng để phục vụ chiến tranh thâm sâu đến ngần nào. Những trái thủy lôi nằm yên nghỉ ngơi từng một thời khiến đế quốc Nhật run sợ, nay chúng vẫn nằm đó nhưng chừng như đang suy nghĩ đến những chiến công đẫm máu của mình hơn là tự hào trước hàng ngàn sinh linh, dù đó là sinh linh kẻ thù từng tiêu diệt cả một cảng biển quân sự trong vài ngày ngắn ngủi.

Trong lòng con tàu Bowfin. Ảnh tác giả

Nếu tàu Bowfin nhắc lại chiến tranh thì ngôi đền Byodo-In có lẽ là một hình ảnh chuộc lỗi của người Nhật sau thế chiến. Nằm cách xa thành phố khoảng 15 dặm Byodo-In là công trình được sao chép lại từ ngôi đền 900 tuổi Uji ở Kyoto. Tuy nhiên nếu Uji được dựng lên hoàn toàn từ gỗ thì Byodo lại được chen lẫn giữa gỗ và ciment tuy bên ngoài không thể nhận ra sự khác biệt này. Đền Byodo không có trụ trì hay tu sĩ, nó chỉ là một ngôi đền vắng vẻ dùng để tưởng niệm và thăm viếng nhằm nhắc nhở một điều gì đó cho người chuộng sự tĩnh tâm và tu niệm.

Tiếng chuông được khách đánh vang vọng giữa vòng tròn cây cối xanh mướt khiến không gian như ngưng đọng lại giữa u tịch của ngôi đền. Sau nhiều ngày đây đó, khách có dịp ngưng nghỉ để nhìn lại chính mình là một khoảng lặng cần thiết và khi dời đi khách như một con người mới sau khi trút được gánh mê trần thế.

Toàn cảnh ngôi đền Byodo-In. Ảnh tác giả

Hawaii là nơi người Nhật chiếm một phần dân số, vì vậy nhiều món ăn được du khách thử qua từ ẩm thực Nhật Bản. Khách sẽ không ngạc nhiên khi món Teriyaki thuần Nhật xuất hiện khăp nơi, cũng như Sushi hay Tempura không thiếu ở các thực đơn của hàng quán chung quanh Hololulu. Nhưng có lẽ Udon mà nâng lên tầm cao khiến hàng trăm người xếp hàng chờ vào thưởng thức thì chỉ có ở Hawaii. Căn tiệm Marukame Udon nằm trên đường Kuhio là một hình ảnh quảng bá món ăn này.

Thật vậy, Marukame Udon là món người Nhật ưa thích và hãnh diện về nó như món Phở của Việt Nam. Đến đây người ăn sẽ thấy cách mà người Nhật thực hiện một món ăn qua nhiều công đoạn trước mặt khách hàng. Từ lúc cán mì tới khi luộc, dàn thành sợi, cắt khúc, ngâm xả qua nước lạnh rồi pha trộn tới khi cộng với nước dùng cùng gia vị đi kèm khách sẽ thán phục sự nhanh nhẹn chuẩn xác của bàn tay người thợ Nhật để ra một tô Udon đầy hương vị.

Tempura trong nhà hàng Marukame Udon. Ảnh tác giả

Nhưng ăn Udon mà không nhắc tới phở Hawaii là một thiếu sót cực lớn. Như mọi tiểu bang của Mỹ, Hawaii không hề thiếu phở. Phở ở China Town, ở các khu trung tâm mua sắm, ở bờ biển hay thậm chí trong một khu thưa dân cư nhất cũng thấy phở. Tiệm Phở Saigon trên đường Kapiolani là một trong những tiệm ăn khách nhất Honolulu. Trang trí đẹp, nước lèo thơm ngọt chất xương, miếng thịt vừa thơm lại mềm cộng với rau xanh là ưu điểm của tiệm.

Đi xa không thể thiếu phở. Đó là sự khẳng định và cũng là ưu tiên một cho món ăn giàu chất quê hương này. Biển Hawaii dù đẹp đến đâu nhưng khi đói lòng mà lại thiếu phở thì khác gì bắt người ta nhịn ăn nhìn biển?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: