Xe hơi bay (ô tô bay) đã được phép cất cánh, nhưng muốn lái nó bạn sẽ cần có bằng phi công chính hiệu!
Đột phá mới của xe hơi bay
Các nhà phát triển xe hơi bay cho biết, mới đây, một chiếc xe hơi có thể biến hình thành chiếc máy bay nhỏ đã vượt qua các cuộc thử nghiệm bay thú vị tại đất nước Slovakia. Theo Klein Vision, sau khi hoàn thành 70 giờ “thử nghiệm bay nghiêm ngặt” công ty chế tạo ra phương tiện bay biến hình hai chế độ có tên “AirCar” này đã được Cơ quan Giao thông Slovakia cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện lưu thông.
Trong một thông cáo báo chí vào đầu tuần, công ty cho biết các chuyến bay thử nghiệm, gồm hơn 200 lần cất cánh và hạ cánh, đều đáp ứng dầy đủ các tiêu chuẩn bay của Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu (EASA). Từ Tháng Sáu, 2021 chiếc xe hơi bay đã hoàn thành chuyến bay thử nghiệm bay dài đầu tiên 35 phút giữa hai sân bay ở Nitra và thủ đô Bratislava của Slovakia. Sau khi hạ cánh, máy bay chuyển lại thành xe hơi và lái vào trung tâm thành phố như xe hơi bình thường.
Thông báo của công ty nhấn mạnh: “Các chuyến bay thử nghiệm đầy thử thách với mọi thao tác bay và hiệu suất theo yêu cầu. Kết quả đã chứng minh được sự ổn định động và tĩnh một cách đáng kinh ngạc trong mọi chế độ bay bắt buộc”. Người phát ngôn của công ty nói thêm là phải có giấy phép phi công để lái phương tiện “lai” (hybrid) này nhưng ông hy vọng AirCar sẽ có mặt trên thị trường trong 12 tháng tới.
Tham gia nghiên cứu sản xuất xe hơi bay là một nhóm gồm tám chuyên gia. Họ đã bỏ ra hơn 100,000 giờ để chuyển đổi các khái niệm thiết kế trên giấy thành mô hình toán “giả lập” trước khi sản xuất nguyên mẫu đầu tiên. “AirCar sử dụng động cơ BMW 1.6L mạnh và chạy bằng “nhiên liệu được bán tại bất kỳ trạm xăng nào. Nó có thể bay ở độ cao tối đa 5,400 mét” – Anton Zajac, đồng sáng lập Klein Vision nêu rõ.
Phi công thử nghiệm Stefan Klein, người đóng góp nhiều vào dự án AirCar và là trưởng nhóm phát triển tuyên bố một cách tự tin: “Giấy chứng nhận được trao cho AirCar đã mở ra cánh cửa cho việc sản xuất hàng loạt xe hơi bay an toàn và hiệu năng cao”. Ông Kyriakos Kourousis, phụ trách đội chuyên gia bảo dưỡng và kiểm soát hàng không của Hiệp hội Hàng không Hoàng gia Anh, nhận định: “Đây không phải là lần đầu tiên các loại phương tiện bay tương tự được chứng nhận, mà trước đó đã có với qui mô khác nhau. Nhưng quan trọng hơn là sau giấy chứng nhận sẽ có tiến triển gì thêm để chúng ta sớm thấy những chiếc xe bay đủ sức tiếp cận thị trường và được người mua chọn. Nếu đúng như thế, xe hơi bay sẽ tạo ra nhiều việc làm mới, các công ty mới và sẽ thêm có thêm môi trường ứng dụng cho nhiều công nghệ mới”.
Kourousis nói thêm: “Việc lựa chọn động cơ đốt trong cho hệ thống đẩy của xe hơi bay là dựa vào một công nghệ đã được chứng minh. Nhưng tác động môi trường có thể rất lớn nếu phương tiện di chuyển này phổ biến, đặc biệt là trong môi trường đô thị. Vì vậy, tôi tin chúng ta sẽ sớm chế tạo các loại xe chạy hoàn toàn bằng điện hoặc ít nhất là hybrid trong tương lai gần để góp phần bảo vệ môi trường Trái đất, và một ngày nào đó, chúng ta sẽ thấy các phương tiện bay như AirCar có thể dùng thay thế trực thăng”.
Không chỉ có AirCar
Trong số các phương tiện bay khác đang được phát triển có PAL-V Liberty, một con quay hồi chuyển (gyroplane) trên không nhưng có thể hoạt động cả trên đường do công ty PAL-V trụ sở tại Hà Lan phát minh. Theo trang web của công ty, chiếc xe đã được cấp đầy đủ giấy chứng nhận, nhưng vẫn chưa hoàn thành giai đoạn biểu diễn “compliance demonstration” theo yêu cầu để có thể sản xuất.
Tương tự, Tháng Một, 2021, phương tiện bay Transition của công ty Terrafugia có trụ sở tại Mỹ đã được Cơ quan Không lưu Mỹ (FAA) cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay đối với loại máy bay thể thao hạng nhẹ đặc biệt (LSA). Transition cho phép người dùng lái hoặc bay.
Tháng Chín, 2020, công ty Nhật Bản Sky Drive Inc công bố lái thử thành công chiếc xe hơi bay mẫu tại Bãi thử nghiệm Toyota, một trong những bãi thử nghiệm xe hơi lớn nhất thế giới. Đây là lần đầu tiên công chúng được xem trình diễn xe hơi bay tại Nhật Bản. Chiếc xe mang tên SD-03, có một phi công, cất cánh và bay vòng quanh cánh đồng trong 4 phút. Giám đốc điều hành Tomohiro Fukuzawa nói: “Chúng tôi rất vui mừng trước thành công và mục tiêu sắp tới là thương mại hóa phương tiện di chuyển này vì chúng thuận tiện, an toàn cả trên bầu trời lẫn mặt đất”. SD-03 là máy bay cất cánh và hạ cánh thẳng đứng nhỏ nhất thế giới. Nó chiếm không gian bằng hai chiếc xe hơi đậu liền kề. Xe có tám động cơ để dễ xử lý trong các tình huống khẩn cấp.
Giám đốc thiết kế Takumi Yamamot nhận định: “Khi thiết kế một loại phương tiện giao thông mới như xe bay, chúng tôi nghĩ đến tương lai và tiến bộ công nghệ phục vụ đi lại của mọi người”. Công ty hy vọng sẽ biến chiếc xe bay trở thành một phần của cuộc sống bình thường chứ không chỉ là một sản phẩm trình diễn. Trong tương lai sẽ còn nhiều chuyến bay thử nghiệm hơn trong các điều kiện khác nhau, cả trên đường phố ngoại ô để đánh giá độ an toàn và công nghệ của phương tiện. Công ty hy vọng chiếc xe bay sẽ có mặt trên thị trường vào năm 2023 nhưng chưa công bố giá bán.