Lang thang Hội An – thấy gì?

Ghi chép của thông tín viên SGN
Đầu năm, người Hội An luôn đi chùa để dâng hương nguyện cầu năm mới bình an

Mùa Tết, dẫu có dịch bệnh, phố cổ Hội An luôn đông khách. Không ít người phàn nàn rằng khó mà thoải mái tìm chút yên của phố xưa giữa bao nhiêu là dòng người đổ về tham quan.

Thật ra là có đấy, nếu bạn chịu để ý một chút. Hội An không phải là chốn để bạn đi du lịch ồn ào, vội vã, ăn cho thật nhiều món, ngồi xe cho tiện đi nhiều nơi, chụp cho thật nhiều tấm ảnh để đăng mạng xã hội. Chỉ cần bạn chịu khó “sống chậm” một chút là được, là có thể hưởng trọn những điều thú vị mà nơi này luôn dành sẵn.

Hội An có những con đường nhỏ như con hẻm, là dịp để du khách chậm bước hơn ngắm phố

Thú thả bộ loanh quanh với phố

Đến với Hội An, tôi luôn gửi xe ở chợ Hội An cả ngày chỉ để được đi lang thang nhìn ngắm. Dù là lần đầu đến Hội An, bạn chẳng thể nào lo lạc. Phố cổ Hội An nhỏ như lòng bàn tay, có vài con đường chính, loanh quanh một chút rồi cũng tìm được chỗ muốn đến. Mà người dân nơi đây cũng không để bạn phải lo. Chỉ cần hỏi thăm bất cứ người dân phố Hội nào, bạn sẽ được chỉ dẫn nhiệt tình đến mức không chỉ biết chỗ mình cần tìm mà còn đến được nhiều nơi khác. Hội An không hợp với việc phóng xe vèo vèo. Những điểm tham quan nổi tiếng như Chùa Cầu, giếng cổ Bá Lễ, hội quán Phúc Kiến, hội quán Triều Châu, nhà thờ Tộc Trần, nhà cổ Tấn Ký… đều nằm trong khoảng cách khá gần nhau trên dưới một kilômét.

Ngày mới ở Hội An

Đi bộ, tôi mới cảm nhận được có mấy con đường nho nhỏ, có những đoạn hẹp đến mức cảm giác như nhà bên này có thể choàng tay níu gửi đồ cho nhà bên kia, để thấy hàng xóm có thể nói chuyện với nhau mà chẳng cần phải to giọng. Đi bộ, mới cảm nhận được nhịp sống của phố, ngắm nghía từng góc nhỏ cũ kỹ trong từng con hẻm rêu xanh. Đi bộ, bạn mới có thể nhẩn nha tạt vào một quán chè ven đường. Như cái quán chè ở góc đường Trần Phú-Hoàng Văn Thụ mang tên Hai Chị Em, nơi chị em chủ quán từng bán chung với nhau từ khi còn con gái đến nay tuổi đã ngoài 60…

Trong một ngôi chùa

Mỗi lúc đến phố cổ lại là một lần “khám phá” cái gì đó thú vị. Như lần này, tôi phát hiện Hội An có khá nhiều tổ chim yến dưới những khuôn nhà cổ. Những nơi khác người ta phải xây nhà dụ yến đến ở, thì ở đây, bạn có thể bắt gặp khá nhiều tổ yến thiên nhiên ngay dưới trần nhà, trước cửa hiệu. Bạn có thể leo lên tầng thượng một ngôi nhà được cho là nơi cao tầng nhất Hội An để thỏa thích ngắm toàn cảnh với màu rêu trên mái ngói lô xô. Hoặc phát hiện ra những con chó không chỉ “hiền” nhất xứ, chưa bao giờ sủa du khách.

Lang thang Hội An sáng sớm, bạn sẽ cảm nhận được hết vẻ yên bình của phố cổ

Cà phê cóc

Du khách thường đổ vào Hội An từ khoảng 9-10 giờ sáng và đông nhất vào tầm chiều tối. Buổi sáng sớm Hội An được trả lại nhịp sống thường ngày của người dân phố cũ. Khi ấy, nhiều cửa hàng bán quần áo, đồ lưu niệm, tranh tượng, đèn lồng… hãy còn đóng im ỉm nhưng cũng có tiệm bắt đầu loay hoay mở cánh cửa gỗ chuẩn bị mở hàng cho ngày mới. Có tiệm cắt tóc mở cửa sớm đón vị khách đầu tiên. Phố yên bình và vắng vẻ đến độ đứng bên này đường vẫn nghe rõ tiếng kéo lách cách cắt tóc ở tiệm bên kia.

Có tiệm mở cửa xông hương trầm cho thơm quán. Những làn khói bay trong nắng vương trên phố vắng. Càng bình yên hơn khi bạn có thể gặp tình cờ mấy bà già phố Hội bước ra từ những con hẻm nhỏ chuẩn bị đi chợ sáng, luôn sẵn sàng mở lời chào hỏi chỉ dẫn những du khách đang đi lơ ngơ ngắm phố. Tiếng chào thăm nhau của mấy bà già rặt giọng Quảng nghe thương chi lạ. Các cụ nhiều khi không đi thẳng ra chợ mà tạt qua hàng xóm xem có nhờ mình mua giúp cái gì không. Tôi để ý thấy, các bà, các dì đi chợ đều xách giỏ chứ không đi tay không như nhiều phụ nữ thị thành. Một thói quen từ xưa và còn lưu đến bây giờ.

Nhìn ra sông Hoài từ quán cà phê cóc gần chùa Cầu

Hội An yên và đẹp nhất là vào buổi sáng sớm như vậy nên tôi thường chạy xe từ Đà Nẵng vào hoặc cố ý lưu lại ngủ đêm lại Hội An chỉ để được dậy thật sớm ra bờ sông Hoài ngồi uống cà phê như người của phố. Người dân phố cổ thường mấy quán cóc dưới tàn cây xanh nhìn ra sông Hoài trên đường Bạch Đằng, nhẹ nhàng hưởng quãng thời gian yên ả, mơ màng nhất trong ngày. Nhiều người có cái thú đơn giản là ngồi nhìn sông Hoài buổi sớm lười biếng trở mình sau một đêm tấp nập thuyền ghe, chộn rộn du khách. Thỉnh thoảng có bà già đi kéo lưới kiếm cá khúc sông quen…

Ngồi một chút là nghe hóng đủ thứ chuyện trên đời. Dân phố cổ hầu như biết nhau hết nên chuyện gì “tám” cũng có vẻ liên quan. Từ chuyện đại dịch Covid-19 đến chuyện khách du lịch mùa ni tưởng là đông nhưng shop mô bán cũng ế; hay chuyện cái loa phường “bữa ni nói cái chi nghe mệt kinh mi nợ”. Tầm sau 8 giờ, mấy cái quán cóc bắt đầu dọn dẹp vì khách đã đi làm hết. Cà phê cóc nhường vỉa hè lại cho mấy quán cà phê du lịch, cửa hàng lưu niệm. Người phố Hội như nhường lại cái không gian luôn nhộn nhịp do du khách tứ phương, để rồi sáng tinh mơ hôm sau lại lục tục kéo ra, tiếp tục một ngày mới với ly cà phê và lan man chuyện đời, trong sự bình yên cố hữu trăm năm.

Bài và ảnh: Lê Minh Hạ

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: