Hội nghị An ninh Munich, cơ hội cho Kamala Harris

Phó Tổng thống Kamala Harris (ảnh: Jeff Swensen/Getty Images)

Đến Munich, Đức đúng vào thời điểm hỗn loạn an ninh, Phó Tổng thống Mỹ Kamala K. Harris sẽ phải đối mặt với những con mắt quan sát chặt chẽ của quốc tế hơn bao giờ hết. Nhiều quan chức châu Âu sẽ chờ xem Harris thể hiện cách nước Mỹ đối phó với sự hung hăng không có điểm dừng của Nga.

Quả bóng được Biden giao

Thứ Sáu 18 Tháng Hai, bà Kamala Harris xuất hiện trên “sân khấu quốc tế” trong nhiệm kỳ phó tổng thống khi bà dẫn đầu phái đoàn Mỹ tham dự Hội nghị An ninh Munich (Munich Security Conference), một cuộc họp thường niên cấp cao rất quan trọng đối với nhiệm kỳ tổng thống của Joe Biden, với tương lai chính trị của chính Harris khi lục địa già đang bị che phủ bởi mối đe dọa quân sự nghiêm trọng nhất kể từ Thế chiến thứ hai.

Trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn tập trung 150,000 quân sát biên giới Ukraine, Phó tổng thống Mỹ sẽ có một loạt cuộc gặp với các lãnh đạo châu Âu và sẽ phát biểu trước hàng trăm quan chức hàng đầu. Đó là thời điểm quan trọng đối với một người có ít kinh nghiệm về chính sách đối ngoại. Ben Rhodes, Phó cố vấn an ninh quốc gia thời Tổng thống Barack Obama, nhận định: “Theo tôi, trong hội nghị kéo dài ba ngày này, các quốc gia dự hội sẽ quay sang Mỹ, nghĩa là sang Harris, để được hướng dẫn, đặc biệt là nếu xung đột nổ ra với Nga. Họ sẽ hỏi: Những lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào đâu? Nội dung là gì? Chuẩn bị ra sao? Trách nhiệm của phó tổng thống trong việc làm rõ phản ứng của Mỹ là rất lớn”.

Trọng trách này là thách thức lớn đối với một nhân vật chính trị có kinh nghiệm gần như chỉ hoàn toàn trong nước, từng là Bộ trưởng Tư pháp California, sau đó là thượng nghị sĩ trước khi trở thành đồng sự điều hành đất nước của Biden. Harris được đánh giá là người có khả năng lôi cuốn, nên hội nghị Munich là cơ hội hiếm để bà thể hiện “tầm vóc nguyên thủ” trên một sân khấu quốc tế. Các quốc gia như Pháp và Đức sẽ nhấn mạnh với Harris về các nỗ lực ngoại giao chứ không phải chiến tranh để làm dịu xung đột. Những đồng minh NATO khác, như Anh, Ba Lan và các quốc gia Baltic, lại muốn Mỹ ưu tiên ngăn Nga xâm lược bằng cách triển khai vũ khí và binh sĩ dọc sườn phía Đông châu Âu. Ngay ngày đầu hội nghị, Harris sẽ gặp Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và tham dự cuộc họp đa phương với các thành viên của ba quốc gia Baltic – Estonia, Latvia, Lithuania. Thứ Bảy 19 Tháng Hai, bà gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Đức Olaf Scholz.

Phó Tổng thống Kamala Harris trong chuyến công du Pháp trung tuần Tháng Mười Một (ảnh: Albert Cara/Anadolu Agency/Getty Images)

Phó Tổng thống có tận dụng được cơ hội?

Dự hội nghị với bà Kamala có Ngoại trưởng Antony Blinken, một trong những phụ tá đáng tin cậy nhất của Biden. Với Blinken, nói tiếng Pháp thông thạo, từng đàm phán với các nhà lãnh đạo châu Âu về nhiều vấn đề, cuộc họp hàng năm này là “sân chơi” quen thuộc. Là chuyên gia chính sách đối ngoại kỳ cựu, ông làm việc cho Biden trong hơn hai thập niên tại Thượng viện và Toà Bạch Ốc. Ngược lại, Harris mới tham gia quỹ đạo của Biden chưa đầy hai năm. Vài tháng qua, Blinken đã cố điều hành một liên minh phức tạp hơn trước, cố giảm thiểu khác biệt giữa các nước châu Âu và xây dựng một mặt trận thống nhất chống Moscow. Tại hội nghị Munich, Blinken và Harris cũng phải tiếp tục đi theo hướng này. Mặc dù trung thành với tổng thống, Blinken rất thận trọng trong việc nâng cao vị thế của Harris trong chính quyền.

Kamala Harris, được dự báo là “người thừa kế tiềm năng” ghế tổng thống của Biden vào năm 2028 (hoặc năm 2024 nếu tổng thống già nhất của Mỹ quyết định không tranh cử nhiệm kỳ hai) đã không thành công lắm trong các chuyến công du quốc tế ở năm đầu nhiệm kỳ. Đến Guatemala và Mexico, bà đưa ra một thông điệp cứng rắn sau nhiều tháng hỗn loạn ở biên giới phía Nam nước Mỹ, khuyên người nhập cư “Đừng đến!”. Lập tức bà bị những người ủng hộ nhập cư chỉ trích là “thiếu đồng cảm với những người Mỹ Latin đang đau khổ”. Trả lời phỏng vấn trong chuyến đi với Lester Holt của kênh NBC News, Harris lúng túng né tránh câu hỏi tại sao bà vẫn chưa đến thăm biên giới Mỹ-Mexico.

Nhưng trong chuyến đi gần đây tới Paris (Pháp), Harris giành được nhiều lời khen ngợi hơn, khi bà đến thăm một bệnh viện nơi mẹ bà từng làm việc và giúp hàn gắn mối quan hệ không suôn sẻ Mỹ-Pháp. Các cố vấn của Harris bác bỏ chỉ trích về khả năng của bà, nói rằng “Phó Tổng thống phải đối mặt với sự giám sát chưa từng có của truyền thông và các lần thăm dò dư luận nhắm vào bà không giống 48 phó tổng thống da trắng trước bà”. Những người ủng hộ Harris cũng than phiền: “Những chỉ trích năng lực của Phó tổng thống thường mang tính phân biệt giới tính và phân biệt chủng tộc từ những người không thoải mái khi nhìn thấy một phụ nữ da màu lên nắm quyền”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: