Năm nay tôi đã 70 tuổi, bệnh hoạn đau yếu, biết mình không sống được bao lâu nữa nên tôi cũng lo sắp xếp để chuẩn bị cho ngày ra đi.
Tôi đã trải qua hai đời vợ, cả hai người đều bỏ tôi mà đi, xin nói rõ “bỏ” đây có nghĩa là phản bội chứ không phải qua đời. Cả hai đều có con, các con tôi khá giả, thành tài và đang sống ở nước ngoài.
Hiện tôi sống không chính thức với người thứ ba. Cô ấy còn rất trẻ, khi tôi quen cô ấy, gia đình và bạn bè đều lên án, nhưng thời gian đã chứng mình, cô ấy đã ở bên tôi năm năm, vẫn chung thuỷ và chăm sóc từng miếng ăn giấc ngủ của tôi. Tội nghiệp cô gái, tôi biết với tuổi trẻ và sắc đẹp cô có thì cô dư điều kiện để đến với các đại gia. Cô ấy vẫn bên tôi trong những ngày tháng tôi hoạn nạn và đau yếu. Tôi thấy cô xứng đáng được hưởng những gì trong tầm tay tôi có thể cho cô.
Hiện tại tôi làm chủ một căn hộ cao cấp và có một số tiền tiết kiệm không lớn nhưng cũng không nhỏ. Tôi muốn chuyển sở hữu sang tên của cô. Tôi muốn thấy cô vui và biết rằng tình yêu, công lao của cô dành cho tôi, nay được đáp đền cụ thể.
Nhưng các anh chị em và ngay cả các cháu phản đối kịch liệt, họ lấy lí do là cô ấy lợi dụng, làm khổ nhục kế. Còn tôi thì biết rõ hơn trăm lần mấy người ấy, khi tôi đau ốm có bà con nào đến nấu cho miếng cháo đâu, quanh đi quẩn lại cũng chỉ thấy mình cô gái bên cạnh!
Nếu tôi có quan tâm đến ý kiến này nọ thì cũng chỉ quan tâm đến ý kiến các con của mình. Thưa cô Nguyệt Nga, thú thiệt là nếu đừng hỏi ý kiến con cái thì tôi thích hơn, nhưng suy cho cùng thì tôi có cần hỏi không, khi mà tài sản tôi có, không phải là tôi ngửa tay xin của các con. Nếu tôi ký giấy sang tên cho cô gái, thì sau này các con tôi có thể kiện cô ấy không? Tôi không muốn cô ấy gặp phiền toái khi tôi chết đi. (Ông Khôi)
GÓP Ý:
-Nhàn
Nghe ông kể là hai người vợ trước đã bỏ ông mà đi, rồi ông còn giải thích thêm, bỏ đi có nghĩa là phản bội để người đọc không hiểu nhầm ý nghĩa thông thường người ta vẫn thường hiểu về hai chữ này.
Ông không giải thích thêm, phản bội là hai bà ấy đã có bồ nhí như ông, hay là hành động bỏ ông mà đi là phản bội. Tuy nhiên dù là thế nào thì việc cả hai bà đều bỏ ông mà đi cũng phần nào nói lên ông là người thế nào. Hai bà đều có con, chắc chắn là các con là do hai bà nuôi dạy, đều thành tài và đều đang sống khá giả ở nước ngoài. Vậy thì ông còn lo gì nữa mà chần chừ việc trao giấy tờ nhà cửa cho người yêu bé bỏng của ông?!
Tôi chỉ khuyên ông một điều là nếu ông có ký thì chớ vội cho cô ta biết vì coi chừng cái “huông,” mà ông vướng phải, nghĩa là cô ta mà có giấy tờ sớm thì biết đâu cái huông sẽ vận vào đời ông, khi đấy cô ta cũng bỏ ông mà đi. Kỳ này ông không còn cơ hội làm lại cuộc đời vì tài sản là con số không mà già yếu bệnh hoạn thì đến chân rồi.
-John
Chú ơi, con thông cảm với ý muốn của chú,khi mà những ngày cuối đời chú chỉ có mình cô ấy bên cạnh. Chú nhớ ơn và đền ơn là phải đạo. Tuy nhiên, dù gì thì năm năm chưa phải là thời gian đủ để mình hoàn toàn tin tưởng. Con nghĩ chú nên viết di chúc chuyển giao tài sản khi nào chú qua đời. Chú có thể nói với cô ấy điều này, như thế an toàn cho chú hơn. Chúc chú khoẻ mạnh và hạnh phúc!
-Tâm L
Việc các con ông kiện là điều có thể xảy ra ngay cả khi ông có hôn thú với cô gái. Cách hay nhất là ông nên ra một luật sư hỏi để họ có ý kiến trong trường hợp của ông.
-Lê Bình
Ông Khôi ơi, ông có coi cái kịch “Thẻ xanh” của Quang Minh – Hồng Đào không? Nội dung cũng na ná giống chuyện của ông. Cô gái trong kịch, sau khi đạt được những gì người yêu già cho thì ngay tắp người yêu trẻ tới rước đi. Ông cẩn thận nha, coi chừng đằng sau người yêu dấu có một người yêu dấu đang chờ đó!
-H.Bui
Kính ông Khôi, Ông đã 70 tuổi rồi, muốn làm gì thì làm, thích gì thì làm theo ý của ông, đâu cần gì phải nghe theo ý kiến của ai, thấy phát mệt!
Trường hợp của ông cũng giống như trường hợp em gái tôi. Bà hàng xóm mất đi để lại căn nhà cho em gái tôi vì em gái tôi thường hay săn sóc cho bà ta lúc bệnh hoạn cũng như đau yếu, mà em gái tôi săn sóc bà ta đến 15 năm lận.
Giờ thì bà hàng xóm đã mất rồi! Trước khi mất, bà ta có làm giấy tờ sang tên nhà cho em gái tôi nên không có vấn đề tranh chấp nhà cửa với bất cứ ai.
VẤN ĐỀ MỚI
Thưa cô Nguyệt Nga, lâu nay em bực mình ông chồng già khú đế của em. Nhiều lần em muốn cự nự mà cứ hẹn rày hẹn mai, rồi lại sợ bị mang tiếng là ghen bóng ghen gió. Em cứ chờ có cơ hội để nói ra lòng mình, rồi thì bao lần cơ hội đến nhưng lại hẹn, thôi để kỳ sau. Nói thiệt nhiều khi em bực luôn chính em!
Chồng em năm nay cũng 50 rồi, con cái thì cũng có đứa đã lập gia đình, cũng sắp có cháu gọi bằng “Ông” đến nơi. Mà lạ ghê ra đường cứ thấy mấy cô choi choi gọi mình bằng “chú” thì cự người ta, tại sao không gọi bằng “anh” mà gọi bằng “chú.”
Nghe là thấy muốn điên lên, em chướng tai kinh khủng! Mà trên đời cũng có nhiều cô lạ lùng lắm, nghe ổng nói vậy thì vội vàng đổi ngay “chú” thành “anh.” Rồi còn quay sang gọi em bằng “cô” nữa chứ. Vậy mà nghe được lỗ tai. Mà ổng thì hơn em cả chục tuổi, có tức không? Cái tức nhất là sau khi nghe các em gọi bằng anh thì cười tít tắp.
Làm sao để nói cho chồng em biết là đừng có bắt mấy đứa nhỏ kêu mình bằng “chú” mà chướng tai gai mắt lắm.
Em thấy Mỹ mà hay, ai cũng “you” hoặc “me” hết mà khỏe. (Thanh Mỹ)
*****
“Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, với những chia sẻ ưu tư và vướng mắc liên quan các vấn đề trong cuộc sống mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Mọi liên lạc xin gửi đến hộp thư: [email protected]. Phần góp ý của độc giả về câu chuyện ở trên sẽ được đăng ở kỳ tiếp theo. Kính mời độc giả tham gia.