Nhìn lại nỗ lực cuối cùng của Tổng thống Mỹ Joe Biden để ngăn chặn Vladimir Putin xâm lược Ukraine, có thể thấy đây là một thất bại nhưng lại mở ra chương mới về sự phối hợp tuyệt vời giữa các đồng minh ở cả một lĩnh vực được xem là nhạy cảm nhất: Chia sẻ tin tình báo… Chiến thuật này là điều gần như chưa từng xảy ra trước đây…
Từ cuộc họp khẩn cấp tại Phòng Tình huống
Tối thứ Năm 10 Tháng Hai, nhóm an ninh quốc gia của Tổng thống Biden bao gồm các thư ký Nội các và các cố vấn cấp cao khác nhận được một thông báo khẩn: Cần có mặt trong Phòng Tình huống (Situation Room) cho một cuộc họp khẩn cấp về cuộc khủng hoảng tiếp tục leo thang giữa Nga và Ukraine.
Có đến hai cuộc họp vào đêm đó, một cuộc họp lúc 6g15 và một cuộc họp khác lúc 8g30 khiến những người dự họp phải hủy bỏ kế hoạch đã lên lịch của họ, kể cả bữa tối sinh nhật. Nhóm an ninh quốc gia đã thảo luận về hai thông tin tình báo mới: Thứ nhất, một cảnh báo cho biết Nga đang lên kế hoạch thực hiện một chiến dịch “cờ giả” (false flag) trong đó tạo ra cuộc tấn công giả vào khu ly khai rồi đổ lỗi cho Ukraine để lấy cớ xâm lược; Thứ hai là cảnh báo cuộc xâm lược của Nga là “không thể tránh khỏi” và “sẽ xảy ra bất cứ lúc nào”.
Sáng hôm sau, dựa trên nguồn tin tình báo có độ xác tín cao, Ngoại trưởng Antony Blinken cảnh báo thế giới một cuộc xâm lược “sớm” của Nga vào Ukraine. Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan cũng có mặt với thông điệp tương tự. Sullivan nói với các phóng viên: “Nga đã có tất cả lực lượng cần thiết để tiến hành một hành động quân sự lớn ngay lúc này!”.
Trong nhiều tháng, Biden và nhóm cố vấn và an ninh của ông làm việc theo hai hướng: một là ngoại giao mở và một là chấp nhận thực tế nghiệt ngã: chống lại một kẻ thù địa chính trị khó lường đang quyết tâm xâm lược nước láng giềng phía Tây. Trong khi thành công trong việc xây dựng liên minh phương Tây chống lại Nga, Biden và nhóm của ông lại thất bại trong việc thuyết phục nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
Đến quyết định chưa từng có: Chia sẻ nhanh thông tin mật
Vào đầu Tháng Mười Hai, chính quyền Biden quyết định dùng một cách tiếp cận không “chính thống” để vận động dư luận. Được Biden bật đèn xanh, nhóm an ninh quốc gia bắt đầu triển khai một chiến lược mới về giải mật và chia sẻ thông tin tình báo với đồng minh, truyền thông, công chúng Mỹ và cả thế giới trong nỗ lực lật tẩy ý đồ xâm lược của Putin để mọi người tin chúng có thật chứ không phải thổi phồng. Mục đích công khai thông tin mật là để thế giới cùng lên tiếng ngăn cản kế hoạch xâm lược của Nga. Biden muốn dư luận thấy Putin sẽ không làm như ông ta hứa và việc ông ta đổ lỗi cho Ukraine là sai.
Dựa vào hình ảnh vệ tinh, Mỹ xác định được 50 nhóm tác chiến đã được triển khai, cùng với xe tăng và pháo tăng cường. Thông tin này được Washington Post tiết lộ xuất hiện đúng thời điểm chiến lược: Chỉ bốn ngày trước khi Biden và Putin dự kiến có một cuộc điện đàm video để thảo luận về tình hình leo thang ở Ukraine. Một quan chức chính quyền cấp cao cho biết: Biden cố ý tung thông tin đó ra thế giới trước khi nói chuyện với Putin, như cách báo cho Putin biết ‘chúng tôi đã biết hết’ và chúng tôi muốn cho thế giới cùng biết! Cách làm này đánh dấu sự khởi đầu cho một giai đoạn mới: công khai hóa những gì nước Mỹ đang thấy, một chiến lược ngoại giao rất khác.
Tác động của chiến thuật mới
Sau đó là loạt tiết lộ thông tin tình báo từ các nguồn nhạy cảm về âm mưu của Nga. Ví dụ công bố hình ảnh vệ tinh cho thấy số quân Nga và khí tài đông đảo tập trung dọc theo biên giới Ukraine; công bố chi tiết về một âm mưu dàn dựng chế độ bù nhìn ở Kyiv; và cả tiết lộ kế hoạch dàn dựng và tung video cáo buộc lực lượng Ukraine tấn công lãnh thổ Nga hoặc những người nói tiếng Nga ở Đông Ukraine với xác chết và một dàn diễn viên đóng giả những người đưa tang!
William Klein, cộng tác viên tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, đồng thời là đối tác tư vấn của Finsbury Glover Hering, một công ty truyền thông chiến lược toàn cầu nhận định: “Chúng ta rút kinh nghiệm từ các chiến dịch tung tin giả của Nga trước đây nên lần này Mỹ chủ động ‘bóc mẽ sự thật’ trước khi Putin có thể hành động, và Mỹ khá chính xác về các dự báo của mình”. Một bài học kinh nghiệm là khi Putin xâm lược và sáp nhập Crimea vào năm 2014, một số quan chức Mỹ đã thất vọng khi chính quyền Obama lúc đó không sử dụng thông tin mật để vạch trần âm mưu Putin trước khi nó xảy ra. Môi trường thông tin đã thay đổi nhiều kể từ đó. Có nhiều phân tích nguồn mở hơn, hình ảnh vệ tinh có sẵn trên mạng, các cuộc chiến tranh và xâm lược được phát trực tiếp trên mạng xã hội, nên công chúng có nhiều nguồn đối chứng để phát hiện thông tin giả”.
Chiến thuật phi truyền thống này cuối cùng cũng mang lại lợi ích, giúp Mỹ và các đồng minh phương Tây đoàn kết hơn. Một quan chức cấp cao nhận định: “Biden muốn đảm bảo mọi người đều có một bức tranh chung về sự thật để có thể huy động những biện pháp răn đe lớn nhất ngăn chặn Nga xâm lược qui mô lớn”. Cần nhắc lại, khi nghe một số đồng minh NATO ở châu Âu bác bỏ thông tin rằng Nga bắt đầu tăng cường binh lính dọc biên giới với Ukraine, Biden và nhóm an ninh quốc gia của ông đã kiên trì thực hiện hơn 400 cuộc gọi và thực hiện loạt cuộc họp trực tiếp với họ kể từ Tháng Mười Hai.
Ian Bremmer, chủ tịch Eurasia Group, một công ty tư vấn rủi ro toàn cầu, nói: “Dù NATO không có khả năng ngăn chặn Nga xâm lược và tàn phá Ukraine, phương thức phối hợp mới kéo dài nhiều tháng giữa các đồng minh đã phát huy tác dụng. NATO ngày nay mạnh hơn rất nhiều so với cách đây ba tháng, sáu tháng. Tôi nghĩ đó là một vấn đề lớn đối với Putin trong tương lai”. Trong những ngày cuối cùng trước khi Putin phát động chiến tranh, các quan chức chính quyền Biden đã theo dõi và thấy hài lòng khi thông tin của Nga đã bị nghi ngờ nhiều hơn trước về độ chính xác.
Tổng hợp từ Washington Post, AFP, New York Times