Tình báo Mỹ đã phát hiện loạt tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander-M mà Nga đã bắn vào Ukraine có mang theo cả một thiết bị bất ngờ: Mồi nhử (decoy) đánh lừa radar phòng không và tên lửa tầm nhiệt phòng thủ của đối phương để không bị phát hiện. Nhưng khi buộc phải sử dụng thủ thuật đánh lừa tuyệt mật này, Nga cũng đã trao cho phương Tây một bí mật.
Theo một quan chức tình báo Mỹ, các thiết bị này dài khoảng 30 cm, có hình dạng như phi tiêu màu trắng với phần đuôi màu cam. Chúng được phóng đi bằng tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander-M mà Nga đang bắn từ các bệ phóng di động qua biên giới Ukraine. Mỗi chiếc đều được trang bị các thiết bị điện tử để tạo ra tín hiệu vô tuyến gây nhiễu; hoặc giả mạo radar khi radar của đối phương cố gắng xác định vị trí của Iskander-M. Thiết bị gây nhiễu này chứa một nguồn nhiệt để thu hút các tên lửa đánh chặn lao tới nó thay vì tới Iskander-M.
Được trang bị động cơ tên lửa nhiên liệu rắn, Iskander có khả năng tiếp cận mục tiêu cách xa 500 km với xác suất lỗi vòng (circular error probability – CEP) là 5-7 mét, có nghĩa là một nửa số đạn được bắn ra sẽ hạ cánh trong một vòng tròn với bán kính có kích thước đó. Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ, tên lửa Iskander được thiết kế theo cách có thể gây nhầm lẫn cho hệ thống phòng thủ tên lửa đối phương bằng cách bay trên quỹ đạo thấp. Mỗi bệ phóng di động có thể bắn hai Iskander trước khi phải nạp lại. Bệ phóng có lớp vỏ bọc thép để bảo vệ tên lửa, và cabin của nó được thiết kế để có thể chống lại các mối nguy hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân cũng như nhiệt độ khắc nghiệt. Các báo cáo cho thấy tính đến ngày 1 Tháng Ba, Nga đã bắn khoảng 320 tên lửa vào Ukraine, phần lớn là Iskander.
Việc sử dụng mồi nhử có thể giải thích tại sao vũ khí phòng không Ukraine gặp khó khăn khi đánh chặn tên lửa Iskander-M. Theo các tài liệu của chính phủ Mỹ, Iskander-M được trang bị động cơ dùng nhiên liệu rắn là hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn được phát triển ngay sau khi Liên Xô sụp đổ và có tầm bắn hơn 400 km.
Những bức ảnh về một loại đạn hình phi tiêu chưa giải mã bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội cách đây hai tuần, đặc biệt từ Collective Awareness to Unexploded Ordnance (CAT-UXO), một tổ chức qui tụ các chuyên gia về vật liệu nổ. Nhiều người nhầm chúng với quả bom con trong trái bom chùm dựa trên kích thước và hình dạng. Richard Stevens (người có 22 năm trong Quân đội Anh chuyên về tháo dỡ vật liệu nổ và sau đó làm kỹ thuật viên gỡ bom trong 10 năm ở Iraq, châu Phi và các khu vực khác) cho biết: “Tôi đã tiếp xúc với rất nhiều loại bom của Trung Quốc và Nga nhưng tôi chưa bao giờ thấy cái gì giống cái này”.
Stevens đã đăng ảnh “bom phi tiêu” lên trang web dành cho các chuyên gia xử lý bom quân sự và dân sự do ông thành lập vào năm 2011. Kết quả, không có ai từng nhìn thấy loại bom bí ẩn này trước đó. Theo một cựu nhân viên tình báo, các thiết bị mồi nhử đã có từ thời Chiến tranh Lạnh thập niên 1970, được gọi là “hỗ trợ xâm nhập” (penetration aid) thường chỉ đi kèm với đầu đạn hạt nhân và được thiết kế để lừa hệ thống đánh chặn khi các đầu đạn riêng lẻ tiếp cận mục tiêu. Việc kết hợp các thiết bị mồi nhử vào các vũ khí có đầu đạn thông thường như Iskander-M là điều chưa từng biết trước đây.
Jeffrey Lewis, một giáo sư chuyên về không phổ biến vũ khí tại Viện Quốc tế Middlebury ở Monterey, California, giải thích: “Ngay từ khi chế ra tên lửa, con người đã bắt đầu tìm cách bắn hạ chúng, và ngay khi thấy chúng bị bắn hạ, người ta bắt đầu nghĩ đến thiết bị hỗ trợ xâm nhập”. Ông cho biết hiếm khi thấy thông tin kỹ thuật về cách đánh lừa tên lửa của đối thủ, vì hiệu quả của việc đánh lừa sẽ giảm mạnh nếu bí mật bị lộ.
“Nếu đối thủ biết cách đánh lừa của bạn, họ có thể điều chỉnh hệ thống phòng thủ tên lửa của mình sao cho không bị lừa. Việc sử dụng các mồi nhử tại Ukraine có thể chỉ ra mức độ bất cẩn hoặc khẩn cấp của giới lãnh đạo quân đội Nga, vì Nga biết rằng các thiết bị này chắc chắn sẽ bị các cơ quan tình báo phương Tây thu thập và nghiên cứu để hệ thống phòng không của NATO được lập trình lại và vô hiệu hóa thủ thuật đánh lừa.
Khi bắn tên lửa với những mồi nhử đi kèm, quân đội Nga thực sự đang làm tổn hại đến khả năng của chính mình trong việc đánh bại các hệ thống phòng thủ tên lửa phức tạp hơn nhiều mà Mỹ và các nước NATO có thể sử dụng. Giáo sư Jeffrey Lewis không tin phiên bản Iskander Nga bán cho các nước khác có cả những mồi nhử đi kèm. “Điều đó chứng tỏ cuộc chiến Ukraine đủ quan trọng để Nga từ bỏ nguyên tắc bí mật. Tôi nghĩ cộng đồng tình báo Mỹ rất hào hứng khi có trong tay những quả bom phi tiêu vô giá”. Một chuyên gia xem việc thu được những mồi nhử là “lợi nhuận tình báo” không nhỏ đối với phương Tây.
Theo Bộ Quốc phòng Ukraine, tổng cộng 36 bệ phóng Iskander đã được quân Nga triển khai sát biên giới và thủ đô Kyiv của Ukraine. Các cơ sở quân sự quan trọng của Ukraine nằm trong tầm tấn công của các tên lửa này. Một cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine cho biết tên lửa Iskander phóng từ Belarus đã bắn trúng một sân bay ở Zhytomyr, miền Bắc Ukraine vào ngày 13 Tháng Ba.