Khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn giã từ cõi tạm, những vật dụng liên quan đến ông được công chúng mến mộ sưu tầm như những kỷ vật quý giá. Mà chiếc xe hơi cổ Trịnh Công Sơn từng sử dụng là một thí dụ.
Năm nay, nhân ngày giỗ thứ 21 của Trịnh Công Sơn, tôi lên Đà Lạt để thăm một người bạn nhạc sĩ đã lâu không gặp, và cốt là để ngắm lại chiếc xe hơi cổ trứ danh của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đây là chiếc xe của hãng Fiat (Ý) sản xuất từ năm 1971 đến 1983. Chiếc xe thuộc thế hệ đầu tiên của Fiat 127, hai cửa, sản xuất năm 1971. Sau khi ra mắt không bao lâu, Fiat 127 được bình chọn là chiếc xe của năm tại châu Âu năm 1972. Vài năm sau đó, nó là một trong những mẫu xe bán chạy nhất thị trường này. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mua một chiếc vào năm 1974.
Sau khi sử dụng gần 20 năm, nhạc sĩ bán lại cho một người bà con xa – gia đình bà Đặng Thị Kim Thảo. Trịnh Công Sơn gọi ba bà Thảo là cậu. Sở hữu chiếc xe từ năm 1993 đến năm 2007, gia đình bà Thảo rao bán. Bà Thảo khi ấy là người hoạt động trong giới văn nghệ ở Sài Gòn với vai trò quản lý ca sĩ, sản xuất băng đĩa… Bà có mối quan hệ thân tình với nhiều ca nhạc sĩ.
Khi nghe tin gia đình bà Thảo bán xe, nhạc sĩ Trương Lê Sơn gom góp tiền, thậm chí vay mượn thêm người thân, để có thể sở hữu chiếc Fiat 127 đặc biệt. Ngoài giá trị vốn có của một chiếc xe cổ, chiếc xe 51 năm tuổi còn có giá trị sưu tầm, với giấy đăng ký chính chủ Trịnh Công Sơn mang biển số 52K-8007. Địa chỉ của nhạc sĩ ghi rõ trong giấy đăng ký xe, số 47C, đường Duy Tân cây dài bóng mát…
Lên Đà Lạt, tôi được nhạc sĩ Trương Lê Sơn lấy xe chở một vòng Hồ Xuân Hương, rồi chạy quanh các con đường dốc uốn lượn quen thuộc của phố núi. Chiếc xe có tuổi đời già hơn nửa thế kỷ leo đồi dốc chậm rãi như thể không gian đang chậm lại theo ngày tháng cũ. Trương Lê Sơn thường dành thời gian rảnh để chạy xe lang thang khắp núi đồi Đà Lạt như một thú vui riêng.
Chiếc xe cổ đã vắng bóng khỏi Sài Gòn bốn năm qua. Nó theo chân chủ nhân lên Đà Lạt khi gia đình nhạc sĩ Trương Lê Sơn định cư ở thành phố thông reo. Trương Lê Sơn phải thuê xe chuyên dụng để đưa chiếc Fiat từ Sài Gòn lên Đà Lạt, rồi đem xuống huyện Đức Trọng bảo dưỡng toàn bộ, làm thủ tục đăng kiểm trước khi leo đèo Pren trở về Đà Lạt. Để thể hiện sự mến mộ đối với nhạc sĩ họ Trịnh, Trương Lê Sơn nhờ nhóm thợ Kzak chuyên về nghệ thuật Airbrush vẽ lại bản Diễm Xưa lên nắp capo. Phía sau cốp xe là thủ bút Trịnh Công Sơn cùng ký họa chân dung của ông. Màu xe vẫn giữ đúng màu gốc. Sở hữu chiếc xe hơn 14 năm, Trương Lê Sơn không có ý định bán nó cho bất kỳ ai. Cách đây 13 năm, chiếc xe được các thành viên của một diễn đàn xe hơi ước giá khoảng $30,000. Bây giờ, nhiều người tin rằng giá của nó phải cao hơn nhiều.
Cơn mưa chiều
Dạo một vòng, chúng tôi trở về nhà nhạc sĩ Trương Lê Sơn vừa kịp trước khi cơn mưa chiều ập tới. Đà Lạt cuối Tháng Ba mưa to như trút nước. Lại kèm mưa đá. Những cục mưa đá gõ tong tong trên nắp capo, nơi có bản Diễm Xưa được nhạc sĩ Trương Lê Sơn cho họa lại đúng nguyên mẫu thủ bút của nhạc sĩ Trịnh. Tôi bất giác nhớ lại câu chuyện văn nghệ cũ, khi Trịnh Công Sơn gặp Khánh Ly ở Đà Lạt, vào một ngày cuối Tháng Ba 1965, trong một lần trở lại Đà Lạt để thu âm một ca khúc cho Khánh Ly hát. Đó là một ngày cũng có mưa đá rơi, hệt như buổi chiều này…
Tôi ngồi đây, trong căn nhà Trương Lê Sơn, nhìn ra con dốc cong cong đặc trưng của Đà Lạt. Chiếc xe nhỏ nhắn lẻ loi như chìm trong làn mưa nhạt nhòa. Quán cà phê bên cạnh vang lên giọng Khánh Ly, như muốn làm ướt thêm kỷ niệm ngày cũ: “Chiều này còn mưa, sao em không lại, nhỡ mai trong cơn đau vùi”…
Bài và ảnh: Lê Minh Hạ