Hàng loạt điệp viên Nga bị “mời” về nước

Tòa đại sứ Nga tại Washington DC (ảnh: Yasin Ozturk/Anadolu Agency via Getty Images)

Trong trò chơi quốc tế giữa “gián điệp chống gián điệp” mà Tổng thống Nga Vladimir Putin là “cáo già” lão luyện vì từng lãnh đạo KGB và hoạt động tại Đông Đức, các quốc gia châu Âu đã giáng cho Nga một đòn có thể làm tê liệt chiến lược gián điệp của Putin tại lục địa già. Ông ta chỉ còn trông cậy vào những nước thân Nga trong NATO và EU. Nhưng trong trò chơi “ăn miếng trả miếng” này, ai có lợi hơn ai?

Từ vụ thảm sát Bucha

Gần hai chục quốc gia châu Âu đã trục xuất hàng trăm nhân viên chính phủ Nga mà họ xem là “điệp viên đội lốt ngoại giao” ra khỏi các toà đại sứ và lãnh sự quán kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào cuối Tháng Hai và gần đây là tội ác chiến tranh chống lại dân thường. Theo các quan chức Mỹ và châu Âu, Nga phụ thuộc vào những đặc vụ này để thu thập thông tin tình báo bên trong châu Âu, vì vậy việc trục xuất có thể phá hủy phần lớn mạng lưới gián điệp của Moscow ở châu Âu và dẫn đến giảm đáng kể các hoạt động gián điệp và thông tin sai lệch chống phương Tây.

Marc Polymeropoulos, một cựu sĩ quan CIA từng giám sát các hoạt động bí mật của cơ quan này ở châu Âu và Nga, nhận định: “Cuộc chiến tình báo với Nga diễn ra ngày càng gay gắt. Trục xuất hàng loạt sẽ để lại lỗ hổng đáng kể trong hoạt động tình báo của Nga ở châu Âu. Châu Âu luôn là sân chơi chính của người Nga. Họ đã tàn phá các cuộc bầu cử, tiến hành các vụ ám sát và lộng hành quá sức chịu đựng của các nước chủ nhà!”. Vụ trục xuất hiện nay được đánh giá là phối hợp lớn nhất trong lịch sử châu Âu.

Theo thống kê của tờ The Washington Post, sáu tuần qua, châu Âu đã yêu cầu gần 400 nhà ngoại giao Nga rời khỏi vị trí của họ. Đáng chú ý là ngay cả các quốc gia lâu nay luôn cố gắng tránh đối đầu với Moscow cũng nằm trong số nước tuyên bố các nhà ngoại giao Nga “không được chào đón”. Chẳng hạn Cộng hòa Czech, vốn theo đuổi chính sách ít diều hâu hơn với Moscow, chỉ cho phép sáu nhà ngoại giao Nga ở lại thủ đô Prague. “Chúng tôi buộc 100 nhà ngoại giao Nga phải ra đi” – Bộ Ngoại giao viết trong một bài đăng trên Instagram, ám chỉ các nhà ngoại giao Nga thực sự là sĩ quan tình báo.

Các quan chức cấp cao châu Âu cho biết tác động của việc trục xuất khác nhau tùy từng nơi. Một số quốc gia, như Áo, nơi có nhiều cơ quan quốc tế là mục tiêu hàng đầu của tình báo Nga nên bị tác động nhiều nhất. Các khu vực khác, như các nước vùng Baltics, có một số lượng lớn người gốc Nga chuyển đến sống thời Liên Xô chiếm đóng cũng là mục tiêu gây ảnh hưởng của Nga. Một nhà ngoại giao cấp cao của châu Âu nói: “Đợt trục xuất nhanh và phối hợp này đã gây ra sự gián đoạn lớn đối với hoạt động tình báo của Nga ở châu Âu, không chỉ ngắn hạn mà lâu dài. Điện Kremlin sẽ gặp khó khăn trong việc bổ sung đội ngũ tình báo. Việc phân công lại và hướng dẫn cho điệp viên mới sẽ mất thời gian và có thể không thực hiện được ngay được. Đào tạo lại, tái triển khai, tất cả đều bị gián đoạn”.

Phối hợp nhịp nhàng

Ngày 4 Tháng Tư, búc xúc bởi những cảnh tàn bạo ở thị trấn Bucha của Ukraine, nơi thường dân bị tàn sát dã man trước khi lực lượng Nga rời đi, Đức tuyên bố 40 nhà ngoại giao Nga là “những kẻ không mong muốn, mối đe dọa cho an ninh quốc gia và chống lại quyền tự do” (cần nhớ tình báo Nga đã tạo được cơ sở vững chắc tại Đức trong nhiều năm nhờ chính sách thân Nga của nhiều chính phủ Đức kế tiếp).

Cùng ngày, Pháp cũng thông báo trục xuất. Tại Lithuania và Latvia, các quốc gia vùng Baltic thường xuyên có chính sách cứng rắn chống Kremlin, chính phủ đã ra lệnh đóng cửa các lãnh sự quán Nga trong tuần này và trục xuất nhiều quan chức Nga, gồm cả đại sứ Nga tại Lithuania, một quốc gia bé hạt tiêu nhưng luôn kiên cường chống Nga và Trung Quốc. Một nhà ngoại giao cấp cao ở Baltics nói: “Đây là vố đau đối với người Nga. Chúng tôi đã đóng mạng lưới tình báo khu vực của họ”. Trong số quốc gia nối gót có Đan Mạch, Ý, Slovenia, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Thụy Điển. Dĩ nhiên, không có những nước thân Nga hay thường xuyên vi phạm dân chủ như Hungary (một thành viên NATO nhưng thân Nga).

Thực ra, các chính phủ ở châu Âu đã thảo luận trong hơn một tháng về việc phối hợp trục xuất, nhưng sau vụ thảm sát ở Bucha, một số quyết định triển khai ngay. Trước đó, ngày 28 Tháng Hai, vài ngày sau khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu, Mỹ đã trục xuất 12 “đặc nhiệm tình báo” khỏi Phái bộ thường trực của Nga tại Liên hợp quốc.

Không còn chọn lựa nào khác

Bên cạnh các điệp viên Nga khoác áo nhân viên để hưởng quyền miễn trừ ngoại giao, Moscow còn có các gián điệp công khai ở châu Âu được chính phủ nước sở tại đồng ý. Hiện một số gián điệp này vẫn được phép hoạt động dù mối quan hệ đang xấu đi. Một quan chức châu Âu giấu tên nói: “Đó là những trưởng trạm làm việc với một đội nhỏ”. Vụ trục xuất phối hợp gần đây nhất giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu xảy ra sau khi Nga đầu độc một cựu điệp viên Anh và con gái của ông ta tại thị trấn Salisbury của Anh vào năm 2018.

Hai chục quốc gia đã đuổi hơn 150 người Nga. Chiến dịch trục xuất hiện nay là chiến dịch lớn nhất kể từ Chiến tranh Lạnh, cho thấy mức độ nghiêm trọng trong phản ứng của phương Tây. Trục xuất luôn phải cân nhắc vì sẽ có sự đáp trả tương tự. Việc rất nhiều quốc gia quyết định trục xuất cùng lúc cho thấy sự cân đo giữa hành động và hệ quả đã được tính toán kỹ. Trong hầu hết các trường hợp, sẽ không thể thay thế dễ dàng những người đã bị trục xuất nếu nước chủ nhà không đồng ý, điều này đồng nghĩa với việc kéo dài lỗ hổng còn kéo dài khiến hoạt động của tình báo Nga trên lãnh thổ EU rất khó khăn vì thiếu người.

Các điệp viên Nga thường gửi về nước những thông tin sai lệch về nước chủ nhà. Angela Stent, một chuyên viên về Nga tại Đại học Georgetown và một cựu quan chức tình báo cấp cao trong chính quyền George W. Bush nhận định: “Trục xuất sẽ làm giảm khả năng phát tán thông tin sai lệch của Nga ở Mỹ và châu Âu về thực trạng Ukraine và giảm khả năng phá hoại mặt trận thống nhất của phương Tây đôi với cuộc chiến”. Ngoài ra, “hoạt động kinh doanh của Nga đang sụp đổ ở châu Âu nay thêm trục xuất đã biến nó thành cơn ác mộng tuyệt đối” – một quan chức châu Âu nói. Tuy nhiên, việc trục xuất quá nhiều quan chức Nga, gồm cả một số nhà ngoại giao chân chính, cũng mang lại rủi ro. “Chúng tôi đánh đồng gián điệp và nhà ngoại giao, có nghĩa là trong tương lai sẽ có ít kênh liên lạc hơn khi muốn nói chuyện với nhau. Đó là một trở ngại, nhưng không còn chọn lựa nào khác trong hoàn cảnh hiện nay”.

Sam Charap, nhà khoa học chính trị cấp cao tại Rand Corporation, cho biết việc trục xuất phù hợp với nỗ lực rộng lớn hơn nhằm cắt đứt tất cả các kênh với Nga ngoại trừ một số đường dây liên lạc xử lý khủng hoảng. Ông nói: “Trục xuất là một phản ứng có thể hiểu được đối với sự khủng khiếp của chiến tranh, nhưng nó cũng có thể khiến thương lượng ngoại giao trở nên khó khăn hơn do thiếu người, nếu các bên cần đến nó. Nga trục xuất đáp trả cũng khiến châu Âu không hiểu những gì đang diễn ra tại Moscow”. Lúc đó có lẽ chỉ còn biết sàng lọc qua mạng xã hội. Charap nói: “Chúng tôi đang có ít thông tin đáng tin cậy hơn về nước Nga khi các phương tiện truyền thông độc lập đã bị đóng cửa hoàn toàn. Nay còn mất tai mắt khi các nhà ngoại giao phương Tây bị trục xuất như một biện pháp trả đũa của Nga”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Tướng phu thê
Dân gian Việt Nam thường dùng từ “tướng phu thê” khi thấy các cặp vợ chồng có nét mặt giống nhau. Nhưng về khoa học, chuyện này cũng được minh…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: