Minh họa: Pixabay

Trong số những tài xế, Chú Phước là người lái xe cho Bố tôi lâu nhất, người gây cho Bố tôi nhiều phiền phức nhất và cũng là người nặng nghĩa tình thầy trò nhất. Như một thói quen biểu lộ tình cảm trong quân đội, những người thuộc cấp thường gọi thượng cấp quý mến nhất của mình là “Ông Thầy”.

Sau ngày 30 Tháng Tư 1975, khi những Ông Thầy bất lực bước vào những ngày tháng đày đọa trong trại tù, nơi được những kẻ chiến thắng phương Bắc gọi một cách văn hóa là “trại học tập cải tạo” và gia đình của Ông Thầy bị cuộc sống khốn khó bao vây thì nghĩa tình của người thuộc cấp đã làm sáng lên mối quan hệ tình Thầy Trò vượt quá quan hệ do kỷ luật nhà binh đặt ra. Các quy định hà khắc của chính quyền mới không làm cho người thuộc cấp nao núng khi vượt qua những khó khăn để giúp đỡ gia đình Ông Thầy.

Cha tôi rất thương thuộc cấp của mình. Ông không phân biệt trong cách đối xử và xem họ như những người anh em. Nhiều người lính của Bố tôi rất ba gai, thậm chí vi phạm kỷ luật nhưng Bố tôi cũng chỉ nhắc nhở hoặc rầy la vào lúc đấy thôi. Nhiều người còn được Bố tôi làm chủ hôn hoặc giúp đỡ rất nhiều khi lo lập gia đình cho họ. Chú Phước là một trong những số đó.

Chú rất hiền nhưng có tật uống rượu và nhiều lần Bố tôi phải đi về nhà bằng xe của các sĩ quan khác hoặc nhờ một người tài xế khác lái đưa về. Sáng hôm sau, chú Phước đã đến nhà tôi rất sớm, đứng vặn vẹo, vò nát chiếc mũ và ấp úng xin lỗi. Bố tôi lại chỉ trừng mắt, rầy cho vài câu hoặc nhiều lắm là hăm dọa đưa ra tác chiến. Chú Phước rất thích đánh cờ tướng nên chậm đón Bố tôi cũng rất thường. Còn khi đánh cờ tướng và uống bia thì chú ấy quên hẳn Bố tôi. Khi Bố tôi xuống căntin đơn vị để tìm thì chú ấy vội vã đứng dậy ra xe với đôi chân lảo đảo. Không thể để người thuộc cấp trong tình trạng say như thế lái xe và để giữ quân kỷ trong đơn vị, Bố tôi gọi người sĩ quan trực và yêu cầu nhốt chú ấy lại để rồi qua hôm sau ông lại yêu cầu thả ra.

Trong những năm học trung học, ít khi tôi phải lo về xăng cho chiếc mobylette màu bạc của mình. Mỗi buổi sáng, khi dắt xe ra để đi học gặp Chú Phước, chú hay hỏi tôi xe còn xăng không. Tôi mở nắp bình xăng và lắc một cái nếu không thấy xăng bắn lên thì biết là sắp cạn, thế là chú lại hút xăng từ xe jeep cho tôi vài lít. Tuy vậy, Bố tôi không đồng ý việc làm ấy khi một lần bắt gặp, ông yêu cầu tôi đổ xăng bên ngoài và cấm Chú Phước không được cho tôi xăng. Chú vẫn thỉnh thoảng “cãi lệnh cấp trên” lén cho tôi xăng, có lần chú còn đề nghị dạy tôi lái xe jeep nữa. Buổi trưa, khi đưa Bố tôi về nhà ăn cơm, chú vẫn ngồi cùng bàn và ăn cơm với Bố Mẹ tôi, ăn xong Bố tôi còn bảo chúng tôi lấy gối cho chú nghỉ trưa trên chiếc đi văng. Chính vì thế Chú Phước rất thương Bố tôi và cũng như gia đình chúng tôi.

Khi miền Nam thất trận và những người sĩ quan quân đội VNCH đi tù, Chú Phước là người thuộc cấp của Bố tôi đến thăm gia đình tôi nhiều nhất. Không lâu sau, chú mang vợ con về quê dưới miền Tây sinh sống. Thỉnh thoảng chú lên Sàigòn, đến thăm gia đình tôi và gửi cho mẹ tôi mươi ký gạo, có khi có cả một hai con gà. Sự trả thù người dân miền Nam của chính quyền cộng sản vào những năm tháng sau Tháng Tư Đen vô cùng độc ác.

Mọi gia đình trong thành phố Sài Gòn đều lo lắng thường trực với sự đói khổ. Mọi nguồn lương thực từ các tỉnh đều không được tự do đưa vào. Các hành động ngăn cấm, bắt bớ khiến các gia đình dù có người thân ở các vùng quê cũng không được tiếp tế đầy đủ. Gia đình tôi không có bất cứ ai ở vùng quê nên sự giúp đỡ của Chú Phước trong thời gian ấy rất cao quý. Nó thể hiện sự cao đẹp của tình người trong hoạn nạn và ân tình của người lính đối với thượng cấp dù thượng cấp của họ đã sa cơ thất thế. Những lần đi thăm và tiếp tế lương thực cũng như thuốc men cho Bố tôi, Mẹ tôi có nhắc đến tình nghĩa của Chú Phước. Điều ấy khiến Bố tôi khuây khỏa và ấm lòng rất nhiều với nghĩa tình của người thuộc cấp.

Nhiều lần, thấy mẹ tôi vét những lon gạo cuối cùng trong khạp trong khi đợt bán gạo chưa tới, nên một lần chị tôi và tôi đã “liều chết” đi về miền Tây mua gạo để giúp gia đình thoát cơn đói đe dọa. Các trạm kiểm soát dọc đường được đặt ra để ngăn chặn, cô lập thành phố, nhân viên trạm, được gọi bằng tên mỹ miều là “nhân viên quản lý thị trường” ở mỗi trạm rất nhiều. Chúng kiểm tra không bỏ sót một chỗ nào trên những chiếc xe đò, xe gia đình và cả xe gắn máy.

Khi nghi ngờ, chúng khám cả thân thể để tìm lương thực cất giấu. Chỉ một lượng nhỏ nhất mới có thể hy vọng thoát được sự phát hiện và tịch thu. Lần thứ nhất, chị em chúng tôi bị chặn lại tại Long An và bị tịch thu 50 kg gạo mua được từ thành phố Mỹ Tho. Không muốn để mất số gạo và số tiền vay mượn được để mua, tôi quay về Sài Gòn và nhờ một cán bộ xuống bảo lãnh và xin lại. Nhờ quen cán bộ, tôi được phép vào văn phòng ấp để nhận lại. Hàng đống bao lớn nhỏ chứa gạo, nếp, đậu, bắp chất chồng lên nhau; những miếng thịt heo vất đầy trên nền xi măng mặc tình cho ruồi, muỗi, kiến bu lại. Sự cao đẹp của chủ nghĩa cộng sản được thể hiện qua đống thực phẩm tịch thu này. Tôi lấy lại được bao gạo của gia đình nhưng thầm tiếc tài sản của các gia đình khác.

Sau đó vài tháng, biết là có nguy cơ bị mất nhưng chị em tôi vẫn phải đi tiếp lần thứ hai. Khi quay về với một bao gạo để phía trước người cầm lái xe Vespa Super, chỗ để chân; và trong cốp xe cũng đổ đầy gạo, chúng tôi bị chặn lại ở khu vực Gò Đen. Tôi nói với chị tôi là không thể để mất vì lần này khó có thể nhờ ai giúp đỡ. Khi thằng du kích đưa khẩu súng ra hiệu cho chúng tôi dừng lại để kiểm tra, thấy tôi giảm ga chạy chầm chậm lại thì hắn xoay bước vào phía trong lề đường. Khi đến gần, tôi sang số xe rồi rú ga thật mạnh chạy đi.

Chị tôi nắm chặt lấy vai tôi và ngoái lại nhìn xem chúng phản ứng ra sao. Thằng du kích chạy ra giữa đường đưa khẩu súng M16 bắn nhiều phát, tôi vẫn rú ga chạy thật nhanh không dừng lại. Vào đến địa phận Bình Chánh, tôi mới chạy thong thả lại. Về đến nhà, nghe chúng tôi thuật lại chuyện, mẹ tôi sợ và không cho chúng tôi đi xuống tỉnh nữa. Bà nói: “Thôi cứ mua trên này, thà chịu đắt còn hơn các con gặp nguy hiểm. Nhỡ có chuyện gì”.

Minh họa: Pixabay

Mùa Hè năm 1980, tôi đưa ba đứa em trai nhỏ nhất về quê của Chú Phước. Trước đó, chú cũng đã lên Sài Gòn thăm gia đình tôi và cũng không quên biếu mẹ tôi một ít gạo và nông sản khác. Chú xin phép mẹ tôi cho các em tôi về nhà chú nghỉ hè. Quê chú ở miệt Tầm Vu, Cái Tắc, Cần Thơ. Anh em chúng tôi đã có một mùa hè thật thú vị và tham gia những hoạt động không thể biết được nếu chỉ sống ở thành thị.

Mấy em con Chú Phước hỏi chú anh em chúng tôi là ai? Chú trả lời: “Mấy đứa phải gọi là anh. Mấy anh là con Bác Hai”. Không biết các em có ngạc nhiên vì tự nhiên có thêm ông Bác Hai không nhưng các em rất quý mến chúng tôi. Mãi về sau, khi trưởng thành và lên làm việc tại Sài Gòn, các em vẫn đến nhà thăm và gọi Bố tôi là Bác Hai một cách thân tình. Các em tôi thích thú với cảnh lội ngoài đồng sau mùa gặt ngay sau khi trời dứt mưa để bắt ốc bươu, bắt cua đồng hay bắt rạm. Ốc bắt về, lễ thịt nấu cà ri với lá cách rất ngon. Chúng tha hồ tắm sông, lội mương bắt cá hoặc khi nước xuống thì xúc cá trong các bụi cỏ ở bờ sông.

Một sáng chủ nhật, chúng tôi được tham gia tát đìa. Chú Phước và tôi, mỗi người cầm hai đầu dây của chiếc gàu dai tát nước rất nhịp nhàng. Chú nói: “Dân thành phố tát gàu dai cũng được quá ta”. Khi nước trong đìa chỉ còn xâm xấp, tất cả cùng xuống lội sình bùn và bắt được rất nhiều cá, tôm, cua, lươn đủ loại. Có hôm, vào buổi trưa, chúng tôi chợt nghe tiếng “bùm, bùm” vẳng lại. Đang khi chưa biết âm thanh gì, Chú Phước từ trong nhà bước ra nói đó là tiếng “nổ bắp”.

Đó là những người đi vào đường quê trong thôn xóm để nổ bắp thuê. Họ gánh đôi quang gánh có bếp lửa và chiếc thùng đen nhẻm đến từng nhà nhận bắp để nổ bắp rang. Họ nhận công bằng tiền hoặc đổi công bằng bắp. Trẻ con vùng quê rất thích âm thanh này để có món quà trưa giản dị. Mỗi lần nghe âm thanh trên, chúng lại reo lên rồi túa ra ngõ nhà để ngóng nhìn, người lớn thì vào nhà trong lấy ra vài lon bắp hạt chuẩn bị.

Nhà hết gạo, chúng tôi phụ Chú Phước vác lúa ra nhà máy chà gạo. Vai vác bao lúa đi trên con đường đất, có đoạn phải bước lên trên thân cây dừa bắc ngang con rạch nhỏ làm cầu, chúng tôi thấy mình giống như nông dân thực thụ. Cuộc đổi đời đã cưỡng bức bao người từ dân thành thị trở thành nông dân. Có lần phải chà nhiều hơn, Chú Phước và tôi chất lúa lên ghe rồi chèo ra đến ngã ba sông lớn. Khi chà xong trời đã về chiều, chúng tôi phải chèo ngược dòng nước.

Hai chú cháu phải nỗ lực hết sức mới vượt qua được ngã ba nước rất mạnh. Trời tối nhanh, hai chú cháu vẫn miệt mài chèo đến khi trăng lên sáng cả dòng sông. Ánh đèn dầu trong những căn nhà trên bờ sông lấp loáng qua vườn cây hay trên những con thuyền neo gần bờ. Đôi nơi, tôi nghe được âm thanh những bản nhạc hay giọng hát cải lương từ trên bờ vọng xuống. Buổi tối, không có ánh đèn điện, cuộc sống thôn quê buồn tẻ. Hôm đó, trăng lên rất cao chúng tôi mới về đến nhà.

Một tháng nghỉ hè thú vị dưới miền quê qua nhanh, anh em chúng tôi trở về Sài Gòn. Chú Phước không quên gửi bao nhiêu là sản vật vườn nhà cho chúng tôi mang về làm quà. Năm năm cởi chiếc áo lính về làm nông dân, trông chú già đi rất nhiều. Vẫn nụ cười hiền lành, dáng điệu trông vụng về, chất phác, nắm tay tôi khi ở bến xe chú nói: “Có đi thăm cho chú gửi lời hỏi thăm ba luôn mạnh khỏe nghe”. Câu nói nghĩa tình của người lính thuộc cấp đối với sĩ quan cấp trên trong quân đội VNCH không chỉ tôi nghe được từ nơi này mà còn thấy được nhiều hình ảnh xúc động khác trên con đường thăm nuôi Bố tôi ở trại tù Bù Gia Mập.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: