1/. Thủ đô của bất cứ nước nào cũng là nơi hội tụ tinh hoa cả nước, cũng là nơi đón nhận được nhiều nhất tinh hoa thế giới. Những tài trí từ mọi miền đất nước được tuyển dụng về kinh kỳ lo việc dân việc nước. Những tài hoa dân gian từ khắp đất nước cũng tự tìm về kinh kỳ đua tài, khoe sắc.
Những thị dân ba mươi sáu phố phường kinh kỳ Hà Nội, dù áo gấm làm quan ra vào cổng Cửa Bắc, Cửa Đông thành cổ Cột Cờ, dù áo lụa ngồi bán sạp hàng ở Hàng Buồm, Mã Mây, dù thợ giỏi làm nghề tinh ở Hàng Bạc, Hàng Bông, dù áo the sĩ tử ở Văn Miếu Quốc Tử Giám hay áo nâu thợ thuyền lam lũ ở bến Phà Đen, ở bãi Phúc Xá, từ thế hệ này sang thế hệ khác qua các triều đại Lý-Trần-Lê, bằng lao động, tài năng và tâm hồn tinh tế hào hoa lịch lãm đã làm nên hình hài, vóc dáng kinh kỳ, đã thổi vào Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội cái hồn của những lớp người đã tạo ra nền văn hiến Việt Nam.
Nhưng từ 1954, Hà Nội cùng các đô thị cả miền Bắc bị công nông hóa. Những áo lính mũ nan, áo kaki đại cán bốn túi xuất thân bần cố nông của giai cấp công nông, thành phần lãnh đạo cách mạng vô sản từ rừng xanh núi đỏ, từ đất nghèo cày lên sỏi đá về làm chủ Hà Nội, thay máu Hà Nội, thay hồn Hà Nội.
Từ đó những thị dân làm nên hồn Hà Nội, mang hồn Hà Nội hầu hết đều không có thành phần giai cấp công nông lãnh đạo cách mạng vô sản, đều không thể ở, không được ở kinh kỳ Hà Nội. Phải lên rừng xanh núi đỏ, phải đến nơi đất cày lên sỏi đá khai hoang, làm kinh tế mới. Phá rừng làm ruộng. Bạt núi làm nương. Phải ra vùng mỏ Đông Bắc cuốc than. Phải đi thanh niên xung phong “Nơi nào đảng cần, thanh niên có. Việc gì khó, có thanh niên”.
Từ đó thị dân Hà Nội mang hồn Hà Nội tản mác khắp nước, tản mác khắp thế giới. Hai đợt hồn Hà Nội trôi dạt lớn nhất là sau năm 1954 và sau năm 1975.
Sau năm 1954, thị dân Hà Nội phải ào ạt lên rừng. “Rừng ơi! ta đã về đây, mang sức của đôi tay, lao động khó khăn không quản ngại”. Bài hát Bài Ca Người Thợ Rừng của ông nhạc sĩ Phạm Tuyên ra đời từ đó. Ông nhạc sĩ thị dân Phạm Tuyên, con quan thượng thư Phạm Quỳnh, trí thức lớn, đỉnh cao tinh hoa Việt Nam bị chính quyền công nông giết ngay ngày đầu cách mạng vô sản cướp được chính quyền nhưng ông nhạc sĩ vẫn hơn hớn cần mẫn, hăng hái, thành tâm tụng ca nhanh nhảu nhất, tưng bừng nhất từng cái đụng tay, đụng chân của đảng công nông.
Sau năm 1954, trai gái thị dân Hà Nội phải vô sản hóa trong vôi vữa, gạch đá, lấm lem, bụi bặm ở công trường mỏ đá Trái Hút, Yên Bái, ở công trường khôi phục đường sắt Hà Nội-Lào Cai, ở công trường xây dựng nhà máy gang thép Thái Nguyên, ở công trường xây dựng nhà máy Cao su, Xà phòng, Thuốc lá, Thượng Đình, Hà Nội. Tiểu thuyết Vào Đời của nhà văn Hà Minh Tuân ra đời từ đó.
Nhà văn Hà Minh Tuân dù là chính ủy Trung đoàn Thủ Đô nhưng là thị dân Hà Nội. Tiểu thuyết của nhà văn thị dân viết về lớp thị dân vào đời vô sản hóa bị xét nét từng chữ. Trai gái thị dân Hà Nội vào đời trong bụi bặm công trường vô sản hóa để hòa nhập với cuộc sống công nông, để được có mặt trong cuộc đời. Tiểu thuyết Vào Đời lại vô tăm tích hóa, ngục tù hóa chính cuộc đời nhà văn thị dân. Tiểu thuyết Vào Đời bị Tố Hữu, quản giáo của văn nghệ sĩ nặng lời phê phán. Nhà văn Hà Minh Tuân bị treo bút và bị giam cầm không án suốt cuộc đời ngay tại căn nhà ở chật chội như phòng giam nhà tù.
Sau năm 1975, thị dân Hà Nội lặng lẽ nhưng náo nức chen chúc trong những toa tàu chợ ì ạch trên đường sắt xuyên Việt dạt vào phía Nam, mong được hít thở chút ít không khí dân chủ tự do còn sót lại của xã hội tự do dân chủ Việt Nam Cộng Hòa và hối hả tìm đường ra biển trên những con thuyền mỏng manh di tản lao ra bão táp biển Đông, phiêu bạt khắp thế giới tìm cuộc sống tự do dân chủ.
Thị dân Hà Nội lên núi phá rừng khai hoang để lại cho âm nhạc ca khúc Bài Ca Người Thợ Rừng. Thị dân Hà Nội vào công trường vô sản hóa cuộc đời, vô sản hóa cả nhân cách để lại cho văn chương tiểu thuyết Vào Đời. Thị dân Hà Nội và thị dân cả nước chồng chất trên những con thuyền mỏng manh lao ra bão táp biển Đông tìm giá trị làm người, tìm tự do để lại cho ngôn ngữ thế giới một từ ngữ mới: Boat People, Thuyền Nhân.
2/. Nhiều đời gắn bó với kinh kỳ Hà Nội nay bỏ Hà Nội ra đi, thị dân Hà Nội mang theo hồn của từng viên gạch lát vỉa hè Hồ Gươm. Mang theo hồn vòm sấu quanh năm um tùm xanh tốt trên con đường chạy ngang qua cổng Cửa Bắc thành cổ Hà Nội. Mang theo hồn màn sương mù huyền thoại bảng lảng mỗi sớm mùa Thu trên Hồ Tây, mỗi trưa mùa Đông trên phố cổ dốc Hàng Than, mỗi chiều mùa Xuân trên vòm xà cừ phố Tây Hoàng Diệu. Mang theo hồn những cái tên Hàng Cỏ, Hàng Đẫy, Nghi Tàm, Quảng Bá chỉ thầm nhắc đến trong tâm tưởng cũng rưng rưng xao xuyến. Mang theo hồn mái ngói rêu phong phố cổ mang theo hồn cả những tòa nhà kiến trúc Pháp hai tầng, ba tầng tĩnh lặng dưới vòm cây, tạo nên nét đẹp cổ điển mà duyên dáng hiện đại của Hà Nội.
Nhiều đời gắn bó với nương rẫy và cày cuốc, lớp người bần cố nông từ rừng xanh núi đỏ, từ đất cày lên sỏi đá về làm chủ Hà Nội nhưng vẫn mang hồn núi rừng, mang hồn mảnh đất sỏi đá. Hà Nội chỉ là nơi cho họ sự đổi đời. Rừng núi là vùng kinh tế mới của thị dân Hà Nội thì Hà Nội lại là vùng kinh tế mới của những bần cố nông bỗng được làm chủ Hà Nội.
Không có hồn của núi rừng, những thị dân Hà Nội làm kinh tế mới ở núi rừng chỉ biết tàn phá núi rừng để khai thác triệt để lợi ích tức thì từ đất, từ rừng. Những thị dân Hà Nội ứng xử với núi rừng ở vùng kinh tế mới như thế nào thì những bần cố nông làm chủ Hà Nội cũng ứng xử với Hà Nội như vậy.
Ứng xử với đất kinh kỳ Hà Nội như ứng xử với đất rừng, đất ruộng sỏi đá, những cốt cán công nông làm chủ Hà Nội liền xây ngôi mộ đồ sộ của người khai sinh ra nhà nước công nông lù lù ngay giữa phố phường kinh kỳ “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo”.
Đánh đuổi giặc Nam Hán ra khỏi bờ cõi, chấm dứt ách nô lệ Bắc thuộc ngàn năm, hào kiệt Ngô Quyền xứ Đoài trung du được tôn lên ngôi vua. Ngự ngai vàng đế vương ở kinh kỳ Hoa Lư, Ninh Bình nhưng khi về Trời, nhà vua Ngô Quyền, người có công lớn nhất trong lịch sử dựng nước Đại Việt lại về với bóng duối làng Đường Lâm, lại về với đất đồi trung du, lại về với lòng dân Xứ Đoài.
Các vua triều Trần ba lần thắng cái ác Nguyên Mông. Cái ác Nguyên Mông bao trùm cả hai lục địa, nô dịch cả hai lục địa Á-Âu nhưng không nô dịch được dân tộc Việt Nam bé nhỏ. Có công với nước, với dân, với lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới lớn như vậy nhưng khi các vua nhà Trần về Trời, có vua về với cỏ cây quê nhà, làng Tức Mạc, phủ Thiên Trường xứ Nam Hạ, có vua về với mây trời núi cao Yên Tử. Không vua nào chiếm một mẩu đất kinh kỳ làm mộ táng vua, làm đất riêng của dòng tộc vua.
Có chí lớn và công to, hăm hở, bền bỉ và quả cảm mở cõi về phương Nam, dựng lên hình hài, vóc dáng đất nước Việt Nam dằng dặc một dải từ đỉnh Lũng Cú, Hà Giang đến bãi cát biển Hà Tiên, Phú Quốc nhưng các vua triều Nguyễn mở cõi khi về Trời đều về với mảnh đất hoang sơ xa ngái thượng nguồn sông Hương, về với những mỏm núi bình dị khuất nẻo lô xô chân dãy Trường Sơn, xa kinh kỳ Huế, không tốn một thước đất vàng, đất bạc kinh kỳ.
Còn những cốt cán nông dân làm chủ kinh kỳ Hà Nội đã giành cả vùng đất vàng, đất kim cương mênh mông Tây Hoàng thành Thăng Long làm nghĩa trang xây ngôi mộ lãnh tụ công nông.
3/. Ứng xử với đất lịch sử, đất thần linh kinh kỳ Hà Nội như ứng xử với đất đồng, đất bãi, đất lúa, đất ngô ở làng quê, những cốt cán công nông làm chủ Hà Nội xây xong ngôi mộ đá cho lãnh tụ công nông giữa phố phường kinh kỳ Hà Nội, lại hăm hở xây tiếp tòa nhà bảo tàng của lãnh tụ công nông liền kề ngôi mộ đá.
Để có đất xây bảo tàng trưng bày đôi dép cao su của lãnh tụ công nông, những cốt cán công nông làm chủ Hà Nội nhưng không có hồn kinh kỳ Hà Nội liền quyết định đập bỏ chùa Một Cột. Với họ, ngôi chùa nhỏ xíu, nhỏ hơn cả cái đình làng thì đưa về làng quê và làng quê nào cũng sẵn đất xây lại ngôi chùa nhỏ xíu đó.
Mang triết lý nhà Phật, con người hòa thuận với thiên nhiên, ngôi chùa như một phần của thiên nhiên, như một đài sen soi bóng xuống mặt nước và mái ngói đỏ thấp thóang trong cây xanh như ngọn lửa cuộc sống bập bùng bền bỉ trong thời gian vô cùng vô tận. Mang triết lý sâu thẳm và bao dung nhà Phật, mang hồn nước Đại Việt, vị trí chùa Một Cột phải trên đất kinh kỳ. Hình hài chùa Một Cột nhỏ nhắn, đơn sơ, khiêm nhường như tính cách, như cuộc sống những vua nhà Lý sùng đạo Phật nhưng tầm vóc chùa Một Cột không hề nhỏ và ngôi chùa của một vương triều, một thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử Việt Nam không thể đưa về nơi xó xỉnh làng quê khuất nẻo.
Vua nhà Lý dời đô từ Hoa Lư, Ninh Bình về định đô ở Thăng Long năm 1010 thì chỉ ít năm sau, đời sống ở kinh đô mới Thăng Long đã đi vào ổn định, nề nếp, đích thân vua nhà Lý sùng đạo Phật đi dạo khắp kinh kỳ chọn đất dựng chùa. Lúc đó đất Thăng Long còn loi thoi, rời rạc giữa lênh láng hồ lớn, hồ nhỏ, giữa dào dạt sông ngòi chi lưu sông Hồng. Với chủ định chùa phải ở hướng Tây Hoàng thành Thăng Long, hướng nhà vua thường ngước lên Thần Tản Viên trên đỉnh Ba Vĩ, vua đã chọn đất thôn Thanh Bảo, phủ Quảng Đức, xây ngôi chùa Diên Hựu mà dân gian vẫn gọi nôm na là chùa Một Cột giữa rừng cây xanh.
Thợ ngõa, thợ mộc giỏi từ xứ Đông, xứ Bắc, xứ Đoài, xứ Nam Hạ được tuyển về kinh xây chùa. Nhờ vậy ngôi chùa xây xong năm 1049 vừa nền nã, tinh tế mang nét tài hoa dân gian, vừa uyển chuyển, hài hòa với thiên nhiên, vừa tĩnh lặng, thâm trầm sâu thẳm trong cõi từ bi nhà Phật. Chùa xây lại ở nơi khác làm sao có được hồn lịch sử thời hình thành kinh đô Thăng Long, làm sao có được hồn của những thợ giỏi, những tinh hoa nước Việt.
Quyết định đập phá chùa Một Cột để xây bảo tàng trưng bày đôi dép cao su của lãnh tụ công nông làm bàng hoàng không chỉ những thị dân mang hồn Hà Nội mà còn gây sôi sục bất yên trong lòng người dân cả nước. Làn sóng mạnh mẽ lên tiếng đòi giữ lại ngôi chùa do vua Lý dựng lên ở mảnh đất vua Lý chọn.
Tiếng nói điềm tĩnh, bền bỉ và lý lẽ thuyết phục nhất giữ lại chùa Một Cột ở mảnh đất vua Lý chọn là tiếng nói của một người lính thị dân Hà Nội khi đó mang hàm thượng tá, thượng tá Phạm Quế Dương nhà ở cạnh thành cổ Cột Cờ. Người lính thị dân Hà Nội Phạm Quế Dương đôn đáo mang kiến nghị không đập phá chùa Một Cột có chữ ký của hàng ngàn mảnh hồn Hà Nội trên khắp đất nước và hàng trăm trí thức đang sống ở Hà Nội đến Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, đến Hội Khoa học Lịch sử, đến Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, đến các tòa báo và đến nhiều vị có vai vế trong đảng và nhà nước. Nhờ vậy chùa Một Cột mới được giữ lại ở vị trí của chùa từ ngàn năm trước đến muôn đời sau.
4/. Hồn kinh kỳ Hà Nội hiển hiện rõ nhất ở những đặc trưng kinh kỳ Hà Nội, chỉ kinh kỳ Hà Nội mới có. Hơi may se lạnh cuối thu thì cả nước đều có, cả miền Bắc đều nhận ra rất rõ hơi may. Nhưng chỉ hơi may se lạnh cuối thu Hà Nội mới gợi cảm, bâng khuâng đến xao xác trong lòng người Hà Nội.
Chỉ Hà Nội mới có cả tòa thành, cả dãy tường thành thấm màu thời gian, mới có cả dãy phố san sát những mái ngói rêu phong mang tinh hoa kiến trúc truyền thống Việt Nam và mới có những phố dài thấp thoáng những tòa nhà xinh xắn, những villa duyên dáng dưới vòm cây xanh mang tinh hoa kiến trúc Pháp tinh tế và lịch lãm, mang cả bóng dáng thời lịch sử buổi đầu xã hội Việt Nam ngập ngừng, bối rối và cả đau đớn bước vào văn minh đô thị, văn minh công nghiệp. Chỉ người mang hồn Hà Nội mới nhận ra hồn kinh kỳ ở những hàng cây trên phố Hà Nội, tán cây lao xao cơn gió hiện tại mà hàng cây nối dài chìm vào màn sương bảng lảng như chìm sâu hút vào quá vãng lịch sử xa xưa.
Những cốt cán công nông làm chủ Hà Nội dù có bằng cấp kiến trúc sư, có học vị, học hàm tiến sĩ, giáo sư nhưng không có hồn Hà Nội đã thản nhiên ký lệnh cho Công ty công viên cây xanh Hà Nội hạ gục 6,700 cây xanh mang hồn Hà Nội, mang cả một phần lịch sử Hà Nội đang bám rễ sâu trong đất cổ Hà Nội, đang tạo bóng mát cho cuộc sống Hà Nội và tạo ra cả khoảng tĩnh lặng, khoảng sâu lắng trong hồn người Hà Nội.
Chặt hàng cây mang một phần lịch sử Hà Nội, những cốt cán công nông làm chủ Hà Nội còn âm thầm và hối hả đập phá những ngôi nhà cổ mang thẩm mỹ kiến trúc cổ điển Việt Nam xây lên bằng vật liệu truyền thống, bằng bàn tay khéo và thẩm mỹ dân gian Việt Nam. Đập phá những tòa nhà mang đậm nét đẹp kiến trúc Pháp, ghi dấu ấn lịch sử thời xã hội Việt Nam theo chân các nước công nghiệp châu Âu, chập chững bước vào văn minh đô thị.
Không đập bỏ được chùa Một Cột ở mảnh đất phía Tây Hoàng thành Thăng Long lấy đất xây bảo tàng trưng bày đôi dép cao su của lãnh tụ công nông vì để tuyên truyền cho ý nghĩa và giá trị văn hóa, tinh thần lớn lao của bảo tàng, chủ đầu tư đã công khai với dư luận nguồn đất xây bảo tàng. Rút kinh nghiệm, nay những người làm giầu từ đất, mang đất công ra kinh doanh, ăn chênh lệch tiền tỉ từ việc biến đất công trình cổ thành đất thương mại cứ lặng lẽ quây kín công trình cổ lại, gấp gáp đập phá từ bên trong. Đến khi phá toang ra ngoài, dư luận xã hội biết, rầm rộ lên tiếng thì sự đã rồi.
Quần thể kiến trúc chạy dài bốn mặt phố Nguyễn Thái Học, Lê Trực, Trần Phú, Hùng Vương cận kề cạnh Tây Nam Hoàng thành Thăng Long được định tên là tòa nhà 61 Trần Phú mang nét đẹp kiến trúc cổ điển Pháp được người Pháp xây đầu thế kỷ 20. Có tuổi đời cả trăm năm nhưng mái ngói vẫn đều tăm tắp, không một gợn xô lệch. Tường dầy bụi thời gian nhưng vẫn phẳng phiu, không một vết tróc, lở. Những góc cạnh, đường thẳng, đường lượn, họa tiết trên tường vẫn sắc nét, vẫn nguyên vẹn sự tinh tế, tài hoa, lịch lãm do những nghệ sĩ kiến trúc Pháp và bàn tay khéo người thợ Việt tạo ra. Dãy nhà dài nhưng không hề thấy bóng dáng của ngôi nhà chung chạ, công cộng, bình dân, vẫn mang phong cách biệt thự quí tộc Pháp.
Quần thể kiến trúc Pháp 61 Trần Phú nằm trong mạch những biệt thự, những villa tạo ra những dãy phố vừa cổ kính, vừa hiện đại Nguyễn Thái Học, Tràng Thi, Tràng Tiền, Lê Hồng Phong, Trần Phú, Hòang Diệu, Phan Đình Phùng… hình thành bộ mặt mới của thủ đô Hà Nội bên cạnh những phố cổ kẻ chợ, tạo nên vóc dáng thủ đô Hà Nội đầu thế kỷ 20.
Quần thể kiến trúc 61 Trần Phú như một nốt nhạc trong bản giao hưởng kiến trúc thủ đô Hà Nội mà những kiến trúc sư tài hoa người Pháp là những nhà soạn nhạc viết ra bản giao hưởng đó. Bỏ đi một nốt nhạc là làm mất đi một giai điệu đẹp, mất đi một nhịp điệu, tiết tấu say đắm của bản giao hưởng. Quần thể kiến trúc 61 Trần Phú Hà Nội bị đóng kín cửa, đập phá từ bên trong, từ nền tảng. Đến khi mái ngói trên cao bị dỡ trống trơ, phơi bộ xương rui mè tênh hênh giữa trời, dư luận xã hội mới giật mình, sửng sốt kêu lên.
Trước nỗi đau mất mát của những mảnh hồn Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội phải lệnh dừng đập phá thì Bộ Xây dựng, nơi quản lý những công trình xây dựng nhưng chỉ biết giá trị đất công trình, không cần biết giá trị công trình, nơi ký lệnh cho phép mang đất công trình ra kinh doanh, biến đất công trình cổ thành đất thương mại liền lên tiếng nói lấy được bảo vệ việc phá bỏ chiều sâu lịch sử và nét đẹp kiến trúc hài hòa Pháp Việt của không gian kinh kỳ Hà Nội, bảo vệ thứ kiến trúc trọc phú hóa, dung tục hóa, chợ búa hóa những công trình mọc lên ở Hà Nội thời kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ việc đã rồi: Tòa nhà 61 Trần Phú không có giá trị văn hóa và lịch sử!
Với những người đang làm chủ Hà Nội, coi Hà Nội chỉ là vùng kinh tế mới, nhìn Hà Nội bằng con mắt của nhóm lợi ích, chỉ biết lợi ích chính trị để tiến thân và lợi ích kinh tế để làm giàu, đến chùa Một Cột còn đáng bị phá thì chả nơi nào ở Hà Nội có giá trị văn hóa và lịch sử cả. Và những mảnh hồn kinh kỳ Hà Nội cứ lần lượt bị tàn phá! Như thị dân Hà Nội lên rừng làm kinh tế mới tàn phá hồn rừng, hồn núi vậy.