Một đời quả phụ

Tưởng niệm Chị Ba tôi...
Ảnh: pexels-thái-nhàn

Chị Ba tôi có hai đời chồng. Cả hai chồng đều là lính trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Người chồng trước cưới chị, lúc tôi chỉ mới sáu tuổi. Và lúc đó Ngoại tôi đã lụm khụm chống gậy, mỗi sáng thường lò mò ra trước sân nhà phơi những nia thuốc nam còn nồng mùi lá tươi.

Anh Ba lấy vợ xong, đi mất biệt. Lâu thật lâu, mới trở về. Anh về với chiếc ba lô nặng trịch, bên trong đựng đầy thuốc tây, thuốc chích và một mớ đồ dùng về y khoa. Lần nào về, anh cũng mang đầy quà cho anh em chúng tôi. Quà là những vật lạ ở biển, ở núi, ở rừng, ở những nơi mà vùng đồng bằng Bạc Liêu chưa hề có. Lần nào về, anh cũng tẩn mẩn nấu kim, chích thuốc cho Ngoại tôi. Và thú vị nhất là những viên kẹo bổ ngọt xớt mà anh ba phát tặng cho mấy em ngậm. Tôi khoái những viên kẹo này, bởi nó có vị ngọt lan xuống tận cổ, và cứ man mác ở đó, cho đến khi dần dần tan mất.

Sáu tuổi, tôi cứ ngơ ngác như một chú nai con trong bức tranh mùa thu mà Ba tôi đã treo từ lâu ở trên vách phòng khách. Tôi không hiểu chiếc ba lô của anh ba tại sao có hình chữ thập màu đỏ nằm chói lọi bên ngoài? Và tại sao anh tôi là lính mà trong thân chẳng có viên đạn, chẳng có cây súng nào để tự vệ? Chỉ thấy toàn ống chích, thuốc men… đầy nhóc trong túi ba lô? Lúc này Chị Ba mới cú nhẹ đầu tôi, Anh Ba mày là lính cứu thương, là y sĩ tiền tuyến, nên cầm ống chích thay cho cây súng.

Lúc Chị Ba vừa sinh thằng Trọng – đứa con thứ tư – thì người ta đột ngột chở Anh Ba về trong chiếc quan tài có phủ lá cờ vàng. Quan tài chưa kịp mang vào nhà, Chị Ba đã ngất xỉu trước đầu xe nhà binh, trong lúc hai tay vẫn đang ôm thằng Trọng cứng ngắc. Lối xóm xúm lại cạo gió, giật tóc mai một hồi chị mới tỉnh lại. Chị tỉnh, nhưng thất thần, mặt lơ láo như người điên. Chị quơ tay múa chân một hồi, rồi nhào vào chiếc quan tài, gào khóc thảm thiết cho đến sáng hôm sau.

Anh Ba mất, không còn ai chích thuốc cho Ngoại, nên Ngoại càng ngày càng yếu, chẳng bao lâu, Ngoại cũng mất luôn. Đám táng Ngoại cử hành một cách buồn bã. Bên ngoài, trời mưa lâm thâm. Bên trong, dưới ánh đèn leo lét, ba anh em tôi ôm các cháu khóc ngon lành, trong lúc má tôi và chị tôi đang vật vã buồn than trước bàn thờ của Ngoại.

Chồng mất, Chị Ba tôi cô đơn, sống khổ nhọc nuôi bốn đứa con trong thời gian thật dài. Sau đó chị mới có được một mối tình với người khác. Người chồng sau của chị cũng là quân nhân Việt Nam Cộng Hòa. Anh là một tay trinh sát có tiếng của một trung đoàn thuộc Sư đoàn bộ binh 21.

Hai người thương nhau, chẳng bao lâu thì cưới nhau. Đám cưới xong, anh trinh sát dẫn Chị Ba và bốn đứa cháu về Chương Thiện sinh sống. Chương Thiện là quê anh và cũng là căn cứ của Sư đoàn 21. Và cũng chẳng bao lâu, Anh Ba thứ hai của tôi ngã gục trong một trận chiến ở Hỏa Lựu. Thế là Chị Ba tôi lại trùm khăn tang, một lần nữa xỉu lên xỉu xuống trước quan tài chồng.

Thằng Lộc, đứa con đầu tiên của chị lớn lên như thổi. Nó vừa đậu Tú tài I liền xung phong vào lính, nhất quyết rửa thù cho cha. Từ trung đội trưởng lên đại đội trưởng chỉ trong vòng một năm. Nó đánh Nam dẹp Bắc. Quân thù nghe tiếng, chưa đụng trận, đã vội hồn xiêu phách lạc.

Rủi thay, 30 Tháng Tư vội đến. Thằng Lộc không chịu buông súng đầu hàng. Nó cương quyết dắt đại đội vào tận đồng sâu mai phục, chờ dịp may trở về Chương Thiện lấy lại thành phố. Nhưng đau đớn cho Lộc, quân thù biết được nên đã thả nội tuyến vào đại đội. Kết cuộc cả đại đội bị chúng bắt hết vào tù.

Một thời gian sau, Lộc bị chúng đưa ra sân vận động Cần Thơ xử bắn. Chị Ba tôi lại đau đớn, gào khóc thảm thương trước di ảnh của hai người chồng thân yêu và người con ruột thịt.

Mặc cho chính quyền hiện tại phản đối, mặc cho các cơ sở công an địa phương trù dập, Chị Ba tôi lặng lẽ lập bàn thờ để thờ những người thân yêu đã gục xuống bởi kẻ thù. Cả ba tấm hình đều mặc quân phục Việt Nam Cộng Hòa. Cả ba đều uy nghi, tuy mang dấu ấn của bên thua cuộc, nhưng dường như.. .họ không bao giờ chịu khuất phục.

Hôm nay trên bàn thờ có thêm di ảnh Chị Ba – một người chị bất hạnh, suốt đời chưa được dịp may mắn. Tôi biết chị là một trong những quả phụ đau khổ nhất thế gian này. Một quả phụ duy nhất có ba người thân đều tử trận trên cùng một chiến trường.

Tuy ở xa, không thể về dự đám táng chị, không nhìn được chị một lần cuối cùng. Tôi đành mượn tạm MUÔN NẺO ĐƯỜNG ĐỜI này viết vài dòng về chị – một người chị đáng tôn kính và thân yêu của tôi.

PHẠM HỒNG ÂN

Escondido, ngày 12 Tháng Tư 2022

________

Muôn nẻo đường đời (những chuyến ra đi và những điều kể lại) – cuộc thi do báo Saigon Nhỏ tổ chức, dành cho mọi người Việt ở mọi nơi trên thế giới, với giải nhất $5,000 trong tổng giải thưởng gần $30,000. Bài vở xin gửi về [email protected]. Vui lòng xem Lời mời cuộc thi để biết thêm chi tiết.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: