Cựu Tổng thống Barack Obama nói rằng cách cử tri tiếp nhận và chia sẻ thông tin hiện nay đang làm suy yếu các nền dân chủ trên thế giới và đổ lỗi cho các công ty truyền thông xã hội đã “thúc đẩy một số xung động tồi tệ nhất của nhân loại.”
“Một trong những lý do lớn nhất làm suy yếu các nền dân chủ là sự thay đổi sâu sắc diễn ra trong cách chúng ta giao tiếp và sử dụng thông tin”, ông Obama nói tại Đại học Stanford ở California hôm Thứ Năm 21 Tháng Tư và được đài CBS News tường thuật. Obama cho rằng hệ sinh thái thông tin hiện tại đang làm sâu sắc thêm sự phân chia chủng tộc và tôn giáo đã có sẵn dù ông thêm rằng không phải tất cả các vấn đề của thế giới hiện đại đều là phụ phẩm của công nghệ tân tiến.
“Một số thách thức hiện tại mà chúng ta phải đối mặt là đặc tính cố hữu của một thế giới được kết nối hoàn toàn. Chúng cũng là kết quả của những lựa chọn rất cụ thể được thực hiện bởi các công ty đang thống trị internet nói chung và các nền tảng truyền thông xã hội nói riêng,” Obama nói.
Obama cho biết các quyết định của các công ty truyền thông xã hội trong việc kiểm duyệt nội dung và sử dụng các thuật toán để xếp hạng các bài đăng “đã khiến các nền dân chủ dễ bị tổn thương hơn.” Cựu tổng thống nói ông hiểu các công ty truyền thông xã hội cần phải kiếm tiền nhưng nói thêm rằng việc họ đăng “các nội dung kích động và chia rẽ để thu hút sự tương tác” là một mối lo ngại.
Năm ngoái các tài liệu nội bộ bị rò rỉ từ Meta, công ty mẹ của Facebook, cho thấy các nhà nghiên cứu của nền tảng này đã biết rằng các thuật toán của họ đẩy người dùng đến các bài đăng chứa thông tin sai lệch; họ đã biết từ lâu rằng có những kẻ xấu đánh lừa hệ thống và thao túng các thuật toán của nền tảng. Theo một bản ghi nhớ vào Tháng Mười Hai năm 2019, các nhà nghiên cứu của Facebook nhận thấy người dùng đang “đăng những điều cực đoan thái quá để nhận được nhiều bình luận và phản ứng mà các thuật toán của chúng tôi coi là những dấu hiệu mà chúng tôi nên lan truyền”.
Cựu tổng thống nói rằng nhiều người Mỹ không phân biệt được sự khác nhau giữa một bài báo y khoa được đồng nghiệp thẩm định của tiến sĩ Anthony Fauci và một phương pháp chữa bệnh thần kỳ do một tên lang băm đưa ra. Obama cho biết đại dịch coronavirus là một ví dụ điển hình cho thấy “chính thiết kế của những nền tảng này dường như đang dắt chúng ta đi sai hướng.” “Mặc dù thực tế là vaccine ngừa Covid đã được thử nghiệm lâm sàng trên hàng tỷ người trên toàn thế giới nhưng vẫn có khoảng 20% người dân Mỹ vẫn sẵn sàng đặt bản thân và gia đình họ vào nguy cơ hơn là tiêm vaccine. Nhiều người đang chết vì thông tin sai lệch,” Obama nói.
Khi xuất hiện trước công chúng gần đây, ông Obama đã nhiều lần nhấn mạnh mối đe dọa của thông tin sai lệch và thông tin xuyên tạc, nhưng trong bài phát biểu hôm Thứ Năm, ông đã nhấn mạnh tới điều mà ông coi là một cách thức toàn diện mà thông tin sai lệch đang tác động đến các nền dân chủ ở nước ngoài và ở Hoa Kỳ.
Ông nói nếu các cơ quan quản lý không đưa ra một số tiêu chuẩn và biện pháp bảo vệ an toàn thì hậu quả đối với xã hội là “đáng sợ.” Trong khi đòi hỏi các công ty truyền thông xã hội phải là một phần của giải pháp, ông Obama lưu ý sự chia rẽ xã hội xung quanh các vấn đề chủng tộc, văn hóa và tôn giáo không phải là do các công ty như Facebook và Twitter tạo ra. Điều đó nhằm phản bác quan điểm rằng các mạng truyền thông xã hội là hoàn toàn có hại và nên được chính quyền kiểm soát chặt chẽ.
Tuy cho rằng có thể có “lỗi thiết kế” và “lỗi phần mềm” ở một số nền tảng, nhưng ông Obama “tin rằng có thể duy trì sức mạnh biến đổi của internet và duy trì cam kết Internet mở đồng thời giảm thiểu các tác hại mà nó gây ra.”
Bản thân ông Obama cũng từng là nạn nhân của một chiến dịch thông tin xuyên tạc khi còn làm tổng thống khi những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng cánh hữu nói rằng ông không sinh ra ở Mỹ. Hiến pháp Mỹ quy định chỉ người sinh ra ở Mỹ mới được ứng cử làm tổng thống. Tòa Bạch Ốc sau đó phải công bố bản sao giấy khai sinh của ông để phản bác những tin đồn thất thiệt.
Trong vài tháng gần đây, ông Obama đã gặp các học giả, nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý và các nhà lãnh đạo truyền thông để thảo luận về mối đe dọa của thông tin xuyên tạc. Ông đổ lỗi cho các công ty truyền thông xã hội đã nâng sự giả dối lên ngang với sự thật.
Tại một hội nghị đầu tháng này do Đại học Chicago và trang mạng Atlantic tổ chức, Obama nói rằng xã hội cần tìm ra sự cân bằng sao cho các nền tảng mạng xã hội vừa kiếm được tiền vừa ngăn chặn các hoạt động gây hại. Hôm Thứ Năm, Obama nói rằng mặc dù ông tin các công ty truyền thông xã hội thành thật trong việc hạn chế các mối nguy hiểm mà sản phẩm của họ gây ra, nhưng họ vẫn có động cơ tài chính để giữ chân người sử dụng. “Các công ty này vẫn quá cẩn thận, giữ bí mật về cách thức mà các tiêu chuẩn của họ vận hành, hoặc cách hệ thống xếp hạng mức độ tương tác của họ ảnh hưởng đến những gì được lan truyền và những gì không được”, ông nói.
Ông cho biết không nên để các nền tảng truyền thông xã hội lớn đưa ra các quyết định có ảnh hưởng đến hàng tỷ người dùng mà cần có sự giám sát của cơ quan quản lý. Các công ty truyền thông xã hội hiện đã có thể tránh được một phần sự giám sát đó nhờ Mục 230 của Đạo luật về Khuôn phép trong Giao tiếp (CDA). Điều luật này bảo đảm các công ty truyền thông xã hội không phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với nội dung các bài đăng do người dùng xuất bản trên nền tảng của họ. Các nhà lập pháp ở Washington D.C. vẫn chưa tìm ra cách cải cách đạo luật này dù năm ngoái họ đã đưa ra một số dự luật lưỡng đảng.
Obama nói ông không tin rằng Mục 230 nên được bãi bỏ hoàn toàn nhưng kêu gọi cải cách nó để bao quát được những tiến bộ và thay đổi công nghệ do các nền tảng truyền thông xã hội mang lại.
Đọc thêm: