Sau 30/4/1975, để tránh bị tập trung “cải tạo”, cha tôi (một công chức cao cấp của Việt Nam Cộng Hoà) quyết định lánh vào Cam Lâm, đem theo tôi và em Hoàng Ngọc Diệp, tá túc tại nhà bác Mưu (một người đồng chí Việt Nam Quốc Dân Đảng của ông), rồi ba cha con cùng đánh xe bò lên núi Tà Lua để đốn gỗ, đốt than, và chở than xuống quốc lộ số 1 để bán, làm kế mưu sinh. Mẹ tôi ở lại Nha Trang cùng với các em nhỏ của tôi. Trước kia, bà đã từng là công chức, nhưng giờ đây bà phải vất vả sớm hôm buôn bán tảo tần để phụ với ba tôi mưu sinh cho cả gia đình.
Thuở đó, tôi mới 19 tuổi, em Hoàng Ngọc Diệp mới 16 tuổi. Lên núi đốn gỗ, không thể đem theo cây đàn, tôi luôn luôn nhét cuốn thơ “Gitanjali” của Rabindranath Tagore vào túi, để đọc trong những lúc nghỉ tay.
Một buổi trưa tháng 10/1975 trên núi Tà Lua, trong lúc đang cùng cha tôi nằm nghỉ trên một tảng đá, tôi nói với cha tôi: “Hàng ngày con đọc tập thơ này của Tagore và rất thích một bài trong đó. Tagore viết bài thơ này bằng tiếng Anh, không đặt nhan đề, nhưng con đã phỏng theo ý thơ, tưởng tượng ra một bài hát tiếng Việt và con đặt tên cho bài hát này là Giấc Mơ Của Con. Con muốn hát cho ba nghe…”
Cha tôi nói: “Con hát đi.”
Tôi ngồi dậy bên cạnh cha tôi trên tảng đá, và tôi hát bài “Giấc Mơ Của Con”:
Khi hát xong, tôi nói: “Đó là giấc mơ của con”.
Cha tôi nhìn tôi, nhìn lên trời, và nói: “Hay lắm… Đó cũng là giấc mơ của ba…”
Sau đó, cuộc sống càng ngày càng bức bách, hết đốn gỗ, đốt than, cha tôi mang chúng tôi lên núi Phú Nhơn để làm rẫy, rồi xuống biển Vạn Giã để đánh cá, vừa mưu sinh, vừa tìm đường vượt biển…
Thế rồi, giữa năm 1977, khi có người cho biết rằng công an cộng sản đang lùng bắt ông, ông quyết định vượt biển lập tức. Cha tôi cùng em Diệp và một nhóm đồng chí Việt Nam Quốc Dân Đảng của ông cùng vượt biển trên một chiếc ghe nhỏ, chiến đấu với cơn bão trên biển Đông, thoát chết, và sau nhiều ngày lênh đênh, đã đến được Philippines. Còn tôi thì không may, bị lọt lại, vượt biển rất nhiều lần bất thành, rồi phải vào tù ra khám liên miên, mãi cho đến tháng 5/1983 tôi mới vượt biển thành công sang Philippines. Cuối năm 1983, từ trại tỵ nạn ở Philippines, tôi được đi máy bay sang Úc, và được gặp lại cha tôi và em Diệp trong mùa Christmas 1983 tại Sydney.
Bài hát “Giấc Mơ Của Con” mà tôi hát cho cha tôi nghe vào buổi trưa tháng 10/1975 trên núi Tà Lua tưởng như đã chìm vào quên lãng, vì tôi chưa bao giờ ghi lại. Tôi cũng không có dịp nào hát lại bài hát đó cho cha tôi nghe một lần nữa.
Thế rồi, sau một cuộc đời dài hơn 96 năm, cha tôi từ trần vào đêm thứ Ba 19/10/2021
Chiều thứ Năm 21/10/2021, sau lễ nhập liệm, tôi chợt nhớ lại kỷ niệm thuở xưa. Tôi kể cho Võ Quốc Linh và Hoàng Ngọc Diêu nghe về bài hát “Giấc Mơ Của Con” mà tôi đã hát cho cha tôi nghe trên núi Tà Lua tháng 10/1975. Tôi nói: “Anh muốn hát bài đó trong lễ hoả táng ba vào trưa mai nhưng, tiếc quá, anh chỉ còn nhớ mang máng hai câu: ‘Nơi tim óc không sợ hãi, và đầu ngước cao / Nơi tri thức được tự do như cánh chim trời…’ Anh hoàn toàn quên cái giai điệu và những câu khác trong bài hát. Không cách nào mà nhớ lại cả bài hát đó…”
Nghe tôi nói vậy, Võ Quốc Linh và Hoàng Ngọc Diêu khuyên tôi nên tìm lại tập thơ “Gitanjali” của Rabindranath Tagore trên internet, đọc lại xem đó là bài thơ nào, rồi hoạ may lời thơ tiếng Anh sẽ gợi cho tôi nhớ lại bài hát “Giấc Mơ Của Con”.
Thế là ngay trong đêm đó, tôi về nhà tìm lại tập thơ “Gitanjali” của Rabindranath Tagore trên internet, đọc lướt qua, và tìm thấy bài thơ đó là bài thứ 35. Tôi lấy bút ra chép bài thơ tiếng Anh chầm chậm từng câu xuống một tờ giấy, vừa chép vừa ngẫm nghĩ tìm lại giai điệu và những câu hát ngày xưa… Rồi tôi lấy cây đàn ra và lẩm nhẩm lời tiếng Việt của hai câu đầu tiên ‘Nơi tim óc không sợ hãi, và đầu ngước cao / Nơi tri thức được tự do như cánh chim trời…’ Vừa lẩm nhẩm hát, tôi vừa cố gắng hồi tưởng khuôn mặt và ánh mắt của cha tôi thuở ấy khi tôi hát cho ông nghe bài hát này lần đầu tiên vào một buổi trưa tháng 10/1975 trên núi Tà Lua.
Dần dần tôi nhớ lại thật rõ khuôn mặt của ông lúc ấy, một khuôn mặt còn trẻ, khắc khổ, nhưng ánh mắt rất cương nghị. Dần dần tôi thấy lại thật rõ hình ảnh lúc ông nghe xong bài hát: ông nằm ngửa trên tảng đá, nghiêng đầu qua nhìn mặt tôi, mỉm cười, rồi ông nhìn lên thẳng lên trời xanh và nói: “Hay lắm… Đó cũng là giấc mơ của ba…”
Thế rồi bỗng nhiên, từ hình ảnh đó, những câu hát kế tiếp và giai điệu ngày xưa lần lượt sống lại trong óc tôi, và có thể ghi xuống chính xác cả giai điệu và trọn vẹn lời ca mà tôi đã hát cho cha tôi nghe trên núi Tà Lua 46 năm trước.
Trưa ngày 22/10/2021, tại Rookwood Memorial Gardens and Crematorium, tôi đã hát bài này để kết thúc buổi tưởng niệm, ngay trước khi quan tài của cha tôi được hoả táng. Đây là lần thứ nhì tôi hát bài “Giấc Mơ Của Con” cho cha tôi nghe, nhưng tôi biết rằng cha tôi không còn nghe nữa. Ông đã vĩnh viễn ra đi. Trong khi tôi hát, tôi nhớ lại lúc cha tôi nằm ngửa trên tảng đá, nhìn lên trời xanh và nói: “Hay lắm… Đó cũng là giấc mơ của ba…” Tôi hát, và tâm tư của tôi thầm nhắn nhủ với hương linh của cha tôi rằng “Ba ơi, ba đã ra đi khi giấc mơ chưa thành. Nhưng chúng con tin ba đã ra đi thanh thản, vì trước khi ba ra đi, chắc hẳn ba đã biết rằng con cháu của ba vẫn một lòng tiếp tục theo đuổi giấc mơ này, cho đến khi giấc mơ này trở thành hiện thực…”
GIẤC MƠ CỦA CON
Ca khúc của Hoàng Ngọc-Tuấn (10/1975)
Phỏng theo ý thơ của Rabindranath Tagore
Nơi tim óc không sợ hãi, và đầu ngước cao
Nơi tri thức được tự do như cánh chim trời
Nơi thế giới không ngăn cách bởi những thành trì
Nơi tiếng nói phát sinh từ sự thật thẳm sâu
Nơi sức sống không ngừng vươn lên
như muôn đoá hoa hướng về mặt trời
Nơi lý trí như dòng suối trong
rót vào lòng đời những giọt tinh khôi
Nơi tâm thức mở rộng mênh mông
vượt qua núi cao, vượt qua biển sóng
Nơi hành động đến từ chân tâm
dệt nên cuộc sống đẹp như giấc mộng.
TRONG BẦU TRỜI TỰ DO ẤY,
CHA ƠI, QUÊ HƯƠNG TA SẼ THỨC DẬY
TRONG BẦU TRỜI TỰ DO ẤY,
CHA ƠI, QUÊ HƯƠNG TA SẼ VƯƠN LÊN…
_____________
Hoàng Ngọc-Tuấn hát trong buổi lễ hoả táng của thân phụ, tại Rookwood Memorial Gardens and Crematorium 22/10/2021