Mẹ ta trả nhớ về không…

Ảnh: pexels-lerkrat-tangsri

Sống là một cuộc hành trình của đời người. Đất nước điêu linh, thế sự tang thương, cuộc đời dâu bể, có những người vợ, người mẹ Việt Nam vẫn còn gánh chịu khổ đau trong suốt thời chiến lẫn thời bình.

Còn nhớ năm ấy tôi mười lăm tuổi, cuộc nội chiến Bắc Nam chấm dứt, hòa bình đến… Thay vì hát khúc khải hoàn ca, vui hưởng tự do, độc lập thì nhiều người lại sống trong đau khổ, lo âu với chia ly và mất mát. Cha tôi, một trung tá VNCH, thuộc Bộ Tổng Tham Mưu, phụ trách về IBM. Những ngày đầu “tiếp thu”, cha tôi được “quý” lắm, có tài xế đưa đón đi làm để “bảo vệ” 24/7, buổi tối cũng có vài bộ đội thay nhau gác cửa, dù nhà tôi chỉ là một căn nhà nhỏ trong xóm bình dân. Cả gia đình bị hăm dọa sẽ “giết hết” nếu cha tôi không chịu giúp cán bộ giải mã hệ thống điện toán. Sau khi “khai thác” và thâu tóm tất cả hồ sơ, dữ liệu, cha tôi bị đưa vào trại tù xa xôi tận phương Bắc.

Cha bị bắt đi tù, mẹ phải lê la bên lề chợ bán đậu hũ để kiếm sống. Tôi là con gái lớn nên thường ra phụ mẹ. Mẹ tôi buồn khổ, gầy khô héo như xác ve sầu nhưng không dám nỉ non! Khi miền Nam thất thủ, nhiều người đã trốn đi tìm tự do bằng đường bộ hay đường biển. Rất ít người đi rừng mà thoát được, vì phần lớn thường bị lường gạt hoặc đi lạc rồi chết mất xác nơi rừng thiêng nước độc. Ghê sợ hơn nữa là khi băng ngang biên giới Campuchia, không may gặp Khmer Đỏ là bị “cáp duồn”.

Mẹ tôi tìm đường cho ông anh lớn vượt biển, nhưng anh tôi đã gom góp mua một chiếc ghe nhỏ, lo lương thực và nước uống, cùng tám người bạn ra khơi. Chuyến đi trót lọt qua những trạm biên phòng, nhưng khi đến vịnh Thái Lan thì bị cướp chặn lại. Bọn Thái húc bể chiếc ghe rồi đánh chết anh tôi cùng những người đồng hành. Chỉ một người may mắn còn thoi thóp trôi dạt vào bờ, được cứu vớt đưa vào trại tỵ nạn Bidong, Malaysia. Mẹ tôi như điên dại khi nghe tin anh tôi bỏ xác trên biển một cách thảm thương.

Tôi học xong lớp 12 nhưng không có hy vọng vào đại học vì lý lịch con cái “ngụy quyền”. Anh kế tôi cũng thôi học, lang thang chợ trời kiếm sống. Khổ vậy mà mẹ tôi cũng ráng vay mượn, lo lót cho hai anh em tôi vượt biển. Mẹ mong các con có được tương lai tươi sáng, thoát khỏi gông cùm của một chế độ đầy thù hận. Anh em tôi may mắn thoát hiểm, đặt chân đến trại Galang, Indonesia, và được đến định cư ở California, Hoa Kỳ. Đến xứ người với hai bàn tay trắng nhưng trên vai nặng trách nhiệm, anh em tôi làm mọi việc để kiếm tiền gởi về phụ mẹ nuôi cha bị tù đày.

Bốn năm sau, bà lại đẩy hai đứa em trai kế tôi ra biển. Chuyến tàu không may gặp bọn hải tặc Thái Lan. Chúng cướp bóc rồi bắt hết đàn bà, con gái qua tàu của chúng để hãm hiếp. Bọn cướp lùa những người đàn ông xuống biển, rồi dùng mã tấu chém hoặc lấy mái chèo đập chết. Một đứa em trai của tôi bị cướp đánh chết; đứa kia may mắn ngụp lặn, bám vào tấm ván, nhờ sóng biển nổi trôi, được tàu đánh cá Mã Lai cứu đưa vào trại tỵ nạn Bidong. Bao năm qua, em tôi vẫn còn ám ảnh bởi những cơn ác mộng bị bọn Thái đuổi giết.

Ngày mẹ tôi nhận tin đứa con nhỏ bị mất mạng trên biển, mẹ tôi gào khóc điên cuồng. Cuộc đời trầm luân khổ ải, cớ sao con người cứ tạo địa ngục cho nhau? Thảm cảnh tang thương cùng những nỗi nhọc nhằn trong đời đã vượt quá sức chịu đựng nên cuối cùng mẹ tôi trở nên lãng trí, và rơi vào cảnh sống của người “mộng du”. Ban đêm mẹ thường thức dậy dọn dẹp, lau chùi nhà cửa; ban ngày cười khóc rồi nói lảm nhảm. Có khi mẹ đứng trước cửa nhà hoặc ra giữa chợ hát kinh cầu nguyện… Mẹ tôi sống mà như chết. Mẹ không còn biết buồn thương, giận hờn, hay thù hận… Nước mắt cũng cạn khô. Ánh mắt lạc thần, ngơ ngác như đứa trẻ thơ!

Lúc này, hai em gái nhỏ của tôi vẫn còn đi học trung học. Một hôm khi đi học về, hai đứa phát hiện mẹ tôi biến mất. Bà đi đâu, lưu lạc nơi nào? Bạn bè, bà con lối xóm thân quen đều phụ giúp đi tìm mẹ tôi. Ai cũng biết bà bị bịnh tâm thần. Mẹ vẫn bặt vô âm tín. Một hôm, có người hàng xóm nhận ra mẹ tôi đang đứng khóc ở một góc chợ.

Lang thang hơn một năm, nhà ở Quận 10 vậy mà mẹ tôi lưu lạc đến tận Biên Hòa. Thật thảm thương và đau xót! Mẹ gầy ốm, tong teo, đen đủi, dơ dáy, mắt mũi sưng bầm tím. Có thể vì đói khát, ra chợ lấy cắp thức ăn nên bị đánh đập… Mẹ tôi không còn biết mình là ai hay nhận ra người thân yêu nữa. Thân phận con người sao lắm khổ đau! Định mệnh và số phận của mẹ tôi đầy bi thương. Ác nghiệt phủ xuống cuộc đời bà, với những cơn giông bão làm chia ly và mất mát. Chỉ vài tháng sau khi trở về nhà, mẹ đã thôi ăn, thôi nhớ, và ngủ một giấc ngàn thu…

Cha tôi bị lưu đày khổ nhục hơn 13 năm. Sau đó, cha và hai em đi Mỹ theo chương trình HO (Humanitarian Operation). Ngày đoàn tụ gia đình là một ngày vui mừng lẫn đau xót. Cha con tôi ôm nhau khóc cho vơi bớt nỗi đau không bút mực nào có thể tả nổi. Cha tôi sống lặng lẽ, buồn u uẩn, luôn thương nhớ người vợ và hai đứa con khuất bóng.

Mẹ ta trả nhớ về không,

Trả trăm năm lại bụi hồng, rồi đi.  

(Thơ Đỗ Trung Quân)

Nhớ mẹ, Tháng Năm 2022

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: