Cuộc đào thoát ngoạn mục của một nữ ca sỹ chống Putin

Maria Alyokhina trong một chương trình biểu diễn tại London năm 2017 (ảnh: Tim P. Whitby/Tim P. Whitby/Getty Images)

Ca sĩ Maria Alyokhina của nhóm ca Nga Pussy Riot cho biết cô đã trốn khỏi nơi quản thúc tại Nga bằng cách hoá trang thành một nhân viên chuyển phát thực phẩm.

Maria Alyokhina, 33 tuổi nói với tờ The New York Times cô đã cô đến được Lithuania trước khi đến Iceland để chuẩn bị biểu diễn cùng nhóm ca của mình. Là một thành viên của nhóm nhạc punk Pussy Riot, từ lâu Alyokhina nổi tiếng là người phản đối chế độ của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Dù từng từ chối rời khỏi đất nước bất chấp sự giám sát thường xuyên và áp lực của chính quyền, nhưng đến Tháng Tư, khi Putin kiên quyết loại bỏ bất kỳ lời chỉ trích nào về cuộc xâm lược Ukraine, cảnh sát thông báo thời gian quản thúc tại gia của cô được chuyển thành 21 ngày và họ sẽ đưa cô vào một nhà tù hình sự. Nghe thông báo này, Alyokhina quyết định đã đến lúc phải ra đi, ít nhất là tạm thời.

Trước khi bỏ trốn, cô đã bị “quản thúc tại gia nghiêm ngặt” vì công khai chỉ trích cuộc chiến ở Ukraine. Để đánh lừa những kẻ theo dõi căn hộ của người bạn nơi cô đang cư ngụ, cô phải cải trang bằng cách mặc một chiếc áo khoác màu xanh lá cây rộng thường được các nhân viên chuyển phát thực phẩm mặc, để lại chiếc điện thoại di động. Người bạn chở cô đến biên giới qua Belarus và mất thêm một tuần nữa cô mới qua được Lithuania.

Nadya Tolokonnikova và Maria Alyokhina của nhóm Pussy Riot trên sân khấu Weston-Super-Mare (Anh) năm 2015 (ảnh: Jim Dyson/Getty Images)

Trong một căn hộ studio ở Vilnius, thủ đô Lithuania, Alyokhina đồng ý trả lời phỏng vấn của The New York Times để mô tả cuộc chạy trốn khó khăn của mình. Trong những bức ảnh chia sẻ với The Times, người bạn Lucy Shtein của cô mặc chiếc áo khoác với một hộp thực phẩm lớn sau lưng. Trên đường chạy trốn, Alyokhina sử dụng một đôi bốt màu đen không có dây buộc để dễ di chuyển (và cũng để nhắc lại lúc còn trong tù, cô và những người khác phải luồn những chiếc khăn ướt qua khoen giày để làm dây buộc). “Tôi không nghĩ nước Nga có quyền tồn tại nữa” – cô nói – Dù trước đây, đã có những câu hỏi về việc nước Nga được thống nhất như thế nào, bởi những giá trị nào và sẽ đi đến đâu, thì bây giờ, không cần những câu hỏi như thế nữa”.

An ninh Nga gọi Alyokhina là “Nhà sưu tập nghệ thuật, nhà văn châm biếm và… đặc vụ nước ngoài”. Cô bị bắt vài lần trong thập niên qua vì các buổi biểu diễn với nhóm Pussy Riot. Nhóm ca được quốc tế biết đến vào năm 2012, khi biểu diễn bên trong Nhà thờ Chúa Cứu thế ở Moscow một bài hát phản đối chống Putin, chỉ trích Điện Kremlin và Nhà thờ Chính thống giáo Nga. Những thành viên nữ mang mặt nạ trượt tuyết che khuất khuôn mặt, hét lên: “Mẹ Mary, xin hãy đuổi Putin đi!”.

Nadya Tolokonnikova (phải) và Maria Alyokhina (giữa) trong cuộc gặp thượng nghị sĩ Dân chủ Richard Blumenthal tại Quốc hội Hoa Kỳ ngày 6 Tháng Năm 2014 (ảnh: Win McNamee/Getty Images)

Kết quả, Alyokhina và hai thành viên khác bị kết tội “côn đồ” cho màn biểu diễn và bị kết án hai năm tù. Họ được thả hai tháng sau khi hoàn thành bản án, nhưng Alyokhina vẫn quyết tâm chống lại hệ thống đàn áp của Putin, ngay cả sau khi bị bỏ tù thêm sáu lần nữa kể từ mùa hè năm ngoái, mỗi lần 15 ngày. Nadezhda Tolokonnikova, một thành viên khác của Pussy Riot, sau gần hai năm ngồi tù cũng được thêm vào danh sách “đặc vụ nước ngoài”. Những người có tên trong danh sách phải tuân thủ yêu cầu “báo cáo tài chính chi tiết” và phải ghi rõ mình là đặc vụ nước ngoài bên dưới bất cứ cái gì xuất bản.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ The Times, Alyokhina bày tỏ hy vọng sẽ sớm trở lại Nga, nhưng hiện tại, cô vẫn ở Iceland để tổ chức các sự kiện ủng hộ Ukraine với sự tham gia của các nghệ sĩ Iceland như Björk. Cô và các thành viên khác của Pussy Riot sẽ có chuyến lưu diễn, bắt đầu từ ngày 12 Tháng Năm tại Berlin, để quyên góp tiền cho Ukraine.

Hai thành viên sáng lập Pussy Riot – Nadezhda Nadya Tolokonnikova (phải) và Maria Alyokhina trong một buổi nói chuyện ở Berlin, Đức (ảnh: Adam Berry/Getty Images)

Alyokhina đã dành cả cuộc đời của mình để đấu tranh cho sự tôn trọng Hiến pháp và các quyền cơ bản nhất của con người, như quyền tự do ngôn luận. Sau khi được ra tù sớm vào Tháng Mười Hai, 2013, cô và một thành viên khác của Pussy Riot thành lập Mediazona, một hãng tin tức độc lập tập trung vào tội phạm và hình phạt ở Nga. Cô cũng viết cuốn hồi ký “Riot Days” (Những ngày nổi loạn) và ra nước ngoài để biểu diễn một chương trình dựa trên cuốn sách.

Ở Nga, chỉ có ba địa điểm đồng ý tổ chức chương trình của cô và tất cả đều phải đối mặt với hậu quả. Khi biểu diễn lần đầu tiên cách đây hơn một thập niên, Pussy Riot đã nghiêng về chủ đề chính trị. Cuộc biểu tình bằng ca khúc của nhóm tại nhà thờ Moscow với ca khúc “Bài cầu nguyện Punk” chế giễu sự “cộng sinh” đang phát triển giữa Nhà thờ Chính thống Nga và Điện Kremlin. Mới đây, lãnh đạo Nhà thờ Chính thống Nga, Thượng phụ Kirill, người gần đây đã ban phước cho quân đội Nga, đã bị Liên minh châu Âu (EU) đưa vào danh sách những người bị trừng phạt, bị Đức giáo hoàng cảnh báo là “đừng làm đứa trẻ giúp lễ cho Putin”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: