Vĩnh biệt iPod!

Share:

Sau 22 năm làm mưa làm gió trên thị trường thiết bị nghe nhạc kỹ thuật số và mở đường cho sự ra đời của điện thoại iPhone, sản phẩm máy nghe nhạc iPod của Apple chính thức được ngừng sản xuất và trở thành một món đồ cổ, thông tin từ báo The New York Times.

iPod ra đời Tháng Mười 2001 với một mục tiêu khiêm tốn: Kích thích người mê nhạc mua máy tính Macintosh của hãng Apple. Nhưng chỉ vài năm sau nó làm thay đổi thị trường đồ điện tử tiêu dùng, cung cách thưởng thức âm nhạc và giúp Apple trở thành công ty có giá trị nhất thế giới.

Trước iPod, dân ghiền nhạc đã chia tay với những cỗ máy đĩa nhựa, máy chạy băng cối cồng kềnh, thậm chí cả đầu đọc đĩa compact disc (CD) để chuyển sang sử dụng Sony Walkman – một tên tuổi đáng nể, làm nên cuộc cách mạng đưa âm nhạc từ phòng khách vào túi áo, túi quần người thưởng ngoạn. Nhưng Sony Walkman vẫn dùng băng nhựa, chứa được vài chục bài hát, phát ra âm thanh theo kỹ thuật tương tự (analog) khó tạo ra các hiệu ứng đặc biệt. Và kích thước của Walkman vẫn còn lớn. 

Chiếc máy nghe nhạc iPod MP3 thế hệ đầu tiên được trưng bày tại cuộc triển lãm MacWorld Convention ở San Francisco Tháng Giêng 2002. Đến nay sau 22 năm, Apple chính thức ngừng sản xuất iPod. Ảnh Justin Sullivan/Getty Images)

Chiếc iPod đầu tiên chỉ lớn bằng cái thẻ tín dụng, vuông vức và nặng chỉ 6.5 oz (185g), tiện bỏ trong túi áo mà lại chứa được một “thư viện âm nhạc” với 1,000 bài hát kỹ thuật số. So với Walkman, rõ ràng iPod là một bước tiến lớn. Chỉ một vài năm sau khi xuất hiện trên thị trường, iPod đã có mặt khắp nơi, hình thành nên cái gọi là “thế hệ iPod”: những thanh niên nam nữ đeo tai nghe (headphone) trên đầu, máy iPod nửa kín nửa hở trên miệng túi quần như một thứ mốt thời thượng, không có không được. Trong hơn 20 năm qua, Apple đã sản xuất và bán ra khoảng 450 triệu máy iPod; nhưng trong năm ngoái chỉ có ba triệu máy được bán ra, cho thấy nhu cầu sản phẩm này đã sút giảm mạnh.   

Hôm Thứ Ba ngày 10 Tháng Năm 2022 vừa qua, Apple chính thức thông báo vĩnh biệt iPod, thu hẹp dần việc sản xuất iPod Touch, sau hơn hai thập niên.

Tuy vậy, các tín đồ của iPod không phải lo ngại, họ vẫn có thể tiếp tục thưởng thức âm nhạc qua điện thoại iPhone (ra đời năm 2007) và tải nhạc từ dịch vụ Apple Music, ra đời năm 2015. Thay vì mua từng bản nhạc với giá $0.99 rồi tải xuống máy iPod, bây giờ khách hàng có thể sử dụng dịch vụ Apple Music, trả tiền hằng tháng và tiếp cận một kho tàng âm nhạc khổng lồ.

Steve Jobs, Tổng giám đốc Apple (đã qua đời) giới thiệu sản phẩm máy nghe nhạc kỹ thuật số iPod tương thích với Windows tại sự kiện MacWorld năm 2002. Ảnh Gabe Palacio/Getty Images

Sự ra đời của iPod – và dẫn tới cuộc cách mạng trong lĩnh vực thiết bị nghe nhạc – là một cơ duyên hiếm có. Cuối thập niên 1990, kỹ thuật số hóa (digitize) âm nhạc ra đời, cho phép người dùng chuyển các bản nhạc từ đĩa CD yêu thích thành các file âm nhạc ghi vào ổ đĩa cứng của máy vi tính, nghe nhạc từ máy tính, rồi từ đó sao chép vào ổ đĩa di động (USB) để chuyển sang các máy tính khác. 

Steve Jobs – nhà lãnh đạo thiên tài của hãng Apple Computer – vừa quay lại Apple năm 1997 sau khi bị bật ra khỏi ban lãnh đạo công ty hơn mười năm trước. Thị trường máy vi tính cá nhân đang bùng nổ rất mạnh, nhưng được thống trị bởi mẫu máy IBM chạy hệ điều hành Windows của hãng Microsoft. Sứ mệnh của Jobs là tìm cách thu hút người dùng mua và sử dụng máy vi tính Macintosh của Apple, lúc đó có thị phần rất nhỏ. Là dân ghiền nhạc, mê Beatles và Bob Dylan, Jobs nghĩ rằng có thể thu hút người dùng là dân mê nhạc nếu như máy tính Macintosh có thể được dùng làm thiết bị “số hóa” âm nhạc.

Jobs đã quyết định mua một công ty phần mềm mà sản phẩm chính là phần mềm MP3 – một công nghệ “nén” âm thanh, cho phép “nén” một bản nhạc kỹ thuật số trên đĩa CD (kích thước khoảng 50 MB) thành một file âm nhạc kích thước khoảng 5 MB, tức là chỉ còn 1/10 mà phẩm chất âm thanh không bị suy giảm nhiều. Mục đích của việc thâu tóm này là để bổ sung chức năng cho máy vi tính Macintosh và tạo ra một cửa hàng âm nhạc có tên iTunes chứ chưa phải để tạo ra một thiết bị nghe nhạc. 

Một cơ duyên thứ hai đến khi Jon Rubinstein – phụ trách công nghệ của Apple lúc đó – đi công cán ở Nhật Bản và phát hiện hãng Toshiba đã chế tạo được một loại đĩa cứng (hard disk) dung lượng 5,000 MB (chứa được 1,000 bài hát) nhưng kích thước chỉ 1.8 inch. Nếu kết hợp được dung lượng của ổ đĩa này với kỹ thuật xử lý âm thanh của Sony Walkman thì có thể tạo ra một thiết bị nghe nhạc bỏ túi chứa được một thư viện âm nhạc mà trước đó chưa từng thấy trên thị trường.

Thế là chiếc máy iPod đầu tiên ra đời với ý tưởng của Steve Jobs, kỹ thuật của Rubinstein, dùng ổ đĩa cứng mini của Toshiba. Lúc đó Jobs nghĩ người ta sẽ muốn mua nhạc giống như mua đĩa hát, mua băng cassette và ông đề ra việc bán “bản mềm” – tức là phiên bản kỹ thuật số của tác phẩm âm nhạc – với giá chưa tới $1, người mua tải bản nhạc về máy tính Macintosh rồi copy sang máy iPod. Giá này rất rẻ so với “bản cứng” là đĩa CD. Để chống hành vi sao chép bất hợp pháp, nhạc tải về từ iTunes chỉ phát được trên máy iPod mà không chuyển sang các thiết bị khác được.

Thế hệ đầu tiên của iPod có giá tới $399 mỗi chiếc, quá đắt nên trong năm đầu Apple chỉ bán được 400,000 máy. Ba năm sau, Apple tung ra iPod Mini, chỉ nặng 3.6 oz, tức là dưới 100g nhưng vẫn chứa được 1,000 bài hát và có nhiều màu cho khách lựa chọn; giá cũng rẻ hơn, ở mức $249. Doanh số bùng nổ. Đến Tháng Chín 2005, đã có hơn 22.5 triệu máy iPod được bán ra khắp thế giới. Nhưng Steve Jobs chưa hài lòng, ông muốn iPod phải nhỏ hơn nữa, chứa được nhiều bài hát hơn nữa và có những tiện ích khác nữa. Dòng iPod Nano ra đời trong năm sau đó với giá chỉ $200 và đến cuối năm 2006 đã có tới 40 triệu máy iPod các kiểu lưu hành trên thị trường.

Nhu cầu mua máy iPod càng tăng cao sau khi Apple quyết định “mở khóa” để người dùng máy vi tính Windows cũng có thể cài đặt cửa hàng âm nhạc iTunes thay vì phải sử dụng máy tính Macintosh. Hàng triệu người đỏ xô đi mua iPod để tận dụng cơ hội mới.

***

Nhưng có lẽ đóng góp lớn nhất của máy iPod là làm bệ phóng cho sự ra đời của điện thoại iPhone.  Khi các nhà sản xuất điện thoại di động bắt đầu giới thiệu loại điện thoại có thể dùng để nghe nhạc kỹ thuật số thì Steve Jobs quyết định Apple phải vượt lên trước. Sự kết hợp phần mềm và dịch vụ tải nhạc đã từng giúp iPod thành công đã được Apple vận dụng nhuần nhuyễn vào điện thoại iPhone, dẫn tới việc người dùng iPhone có thể tải nhạc và nghe nhạc với phẩm chất và sự tiện lợi không kém gì iPod. Với iPhone, cửa hàng âm nhạc iTunes không chỉ là nơi bán nhạc để khách hàng tải về và còn giúp sao lưu (back-up) nội dung thông tin của máy điện thoại iPhone và nhiều thứ khác nữa.

Đây có thể là một trong những lý do khiến cho nhu cầu mua máy iPod giảm mạnh và Apple quyết định chia tay với dòng sản phẩm này.

Với máy nghe nhạc iPod và điện thoại iPhone là sản phẩm chủ lực, Apple không còn đơn thuần là nhà sản xuất máy vi tính như thuở nó mới thành lập. Năm 2007, công ty chính thức đổi tên từ Apple Computer Inc. trở thành Apple – một đại gia trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng có giá trị đến $3,000 tỷ. Thành công này có phần đóng góp không nhỏ của dòng sản phẩm iPod.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: