Phóng sự của báo The New York Times ghi nhận tại Trung Quốc làn sóng di cư đã tăng mạnh; người dùng mạng xã hội trao đổi các mẹo về cách thoát ra nước ngoài. Nhưng chính phủ nước này hạn chế nghiêm ngặt việc xuất cảnh không cần thiết để ngăn ngừa chảy máu chất xám.
“Triết lý chạy”
Cô Clara Xie (Tạ) – một người mẫu 25 tuổi ở Thượng Hải và là người đồng tính nữ – từ lâu đã muốn biết một ngày nào đó cô có thể rời Trung Quốc hay không. Cô muốn sống ở một đất nước chấp nhận các mối quan hệ đồng giới. Tuy nhiên, ý tưởng có vẻ xa vời; cô thậm chí chưa biết sẽ chọn quốc gia nào.
Coronavirus và những nỗ lực hạn chế đi lại nghiêm ngặt của chính phủ Trung Quốc đã khiến cô Tạ không thể gặp bạn gái hiện đang sống ở Mỹ. Khi Thượng Hải đóng cửa vào Tháng Ba, công việc người mẫu của cô cũng không còn và thúc đẩy cô làm việc với luật sư di cư để tìm hiểu cách ra khỏi Trung Quốc.
Cô Tạ cũng như nhiều người Trung Quốc khác đang tìm kiếm lối thoát khi biện pháp phong tỏa để kiểm soát đại dịch của Trung Quốc đã kéo sang năm thứ ba. Nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu hoặc giàu có ở Thượng Hải bị mắc kẹt trong gần hai tháng qua do thành phố đóng cửa, ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh tế và cả khả năng tiếp cận thực phẩm và thuốc men của họ. Một số người, như cô Tạ, có quan hệ ở nước ngoài và lo ngại cánh cửa ra thế giới của Trung Quốc đang đóng lại. Những người khác thất vọng với sự kiểm duyệt và giám sát gắt gao của chính quyền – những biện pháp đã trầm trọng hơn do đại dịch.
“Tôi không thể thay đổi hay lên án tình hình hiện tại ở Trung Quốc. Và nếu bạn không thể thay đổi nó, việc bạn có thể làm là chạy”, cô Tạ, sống ở tỉnh Giang Tô giáp Thượng Hải, cho biết.
Làn sóng ra đi của người giàu và trung lưu Trung Quốc trái ngược với câu chuyện của nhà chức trách về đại dịch; họ nói các biện pháp phong tỏa chặt chẽ đã giúp Trung Quốc trở thành nơi trú ẩn an toàn duy nhất trong một thế giới bị virus tàn phá.
Trên mạng trực tuyến, yêu cầu tìm kiếm về “di cư” đã tăng 440% trong tháng trước, theo một công cụ theo dõi. Các nhà tư vấn di cư nói các yêu cầu về việc rời khỏi Trung Quốc đã tăng mạnh kể từ khi Thượng Hải bị phong tỏa. Một số người dùng internet thậm chí đã đặt ra một thuật ngữ cho hiện tượng này: “triết lý chạy”.
Nỗi thất vọng không chỉ có ở Thượng Hải. Người dân các thành phố khác đang lo lắng rằng những vụ phong tỏa tương tự có thể sớm ập đến với họ hoặc đang cảm thấy khó khăn về kinh tế do những vụ phong tỏa trên cả nước.
Một số công dân Trung Quốc muốn rời đi vì ý thức rằng những hạn chế của đất nước đã khiến nước này ngày càng lạc hậu so với phần còn lại của thế giới.
Những con khỉ bị nhốt trong chuồng
Không rõ có bao nhiêu người Trung Quốc thực sự sẽ rời khỏi đất nước. Đến năm 2019 chỉ khoảng 10% dân Trung Quốc có hộ chiếu hay sổ thông hành. Năm ngoái, Bắc Kinh đã thông báo chính phủ sẽ không gia hạn hoặc cấp hộ chiếu phổ thông, ngoại trừ trường hợp đi công tác, du học hoặc trường hợp khẩn cấp. Số hộ chiếu được cấp trong nửa đầu năm 2021 chỉ bằng 2% so với cùng kỳ năm 2019, theo cơ quan quản lý xuất nhập cảnh quốc gia. Tại thành phố Leiyang tỉnh Hồ Nam, chính quyền đã thu hộ chiếu của người dân để ngăn họ ra đi.
Tuần trước, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Trung Quốc nói rằng họ sẽ “hạn chế nghiêm ngặt các hoạt động xuất cảnh không cần thiết của công dân Trung Quốc”. Họ giải thích biện pháp này là nhằm giảm thiểu các bệnh lây nhiễm từ nước ngoài, nhưng người dùng mạng xã hội Trung Quốc coi đó là cách ngăn chặn tình trạng chảy máu chất xám.
Theo Sixth Tone, một tờ báo nhà nước có trụ sở tại Thượng Hải, để lách giới hạn của các quan chức xuất nhập cảnh, một số người Trung Quốc đã mua thư mời làm việc hoặc thư chấp nhận nhập học của các công ty và trường học nước ngoài. Đối với những người trẻ Trung Quốc, cảm giác cơ hội bị thu hẹp chỉ càng củng cố quyết tâm ra đi của họ.
Trên Zhihu, một trang web hỏi đáp, một bài yêu cầu giải thích xu hướng “triết lý chạy” đã được đọc hơn 7.5 triệu lần. Trên GitHub, một nền tảng trực tuyến phổ biến trong giới lập trình viên, các thành viên chia sẻ cho nhau những bí quyết, mẹo vặt để tham gia các chương trình huấn luyện ở nước ngoài.
Khi được hỏi lý do tại sao họ muốn ra đi, một số bình luận nói rằng do sự đơn điệu của cuộc sống bị phong tỏa. Những người khác chỉ ra những khó khăn kinh tế, chẳng hạn như sinh viên mới tốt nghiệp khó tìm việc làm trong một thị trường lao động rất cạnh tranh. Và những người khác nêu lý do chính trị khi nói “Người dân ở đây [Trung Quốc] giống như những con khỉ bị nhốt trong chuồng”.
Con đường đang hẹp dần
Tuy nhiên, ngay cả những người háo hức ra đi nhất cũng phải thừa nhận rằng con đường ra nước ngoài đang thu hẹp. Chính phủ Hoa Kỳ đang hạn chế việc cấp thị thực du học cho sinh viên Trung Quốc vì lo ngại an ninh quốc gia.
Forrest Sheng Bao, một giáo sư khoa máy tính tại Đại học tiểu bang Iowa, từng đăng trên GitHub lời đề nghị giúp đỡ những sinh viên tiềm năng muốn sang Mỹ du học. Nhưng ông cho biết trong số 15 người đã liên lạc với ông phần lớn không đủ khả năng trả học phí hoặc đủ điều kiện nhận học bổng.
Ray Chen (Trần), hiện làm việc trong lĩnh vực công nghệ tài chính ở Bắc Kinh, nói anh biết nếu anh chuyển ra nước ngoài thì triển vọng nghề nghiệp sẽ bị hạn chế và cuộc sống sẽ cô đơn. Nhưng dù sao thì anh cũng đang tìm kiếm một nhà tư vấn di cư và định chuyển tới Bồ Đào Nha hoặc Hy Lạp. Anh Trần sợ rằng ở Trung Quốc anh có quá ít quyền kiểm soát cuộc sống của chính mình.
“Không chỉ đại dịch ở Thượng Hải mà toàn bộ đất nước đã đi đến cực điểm. Những người thực sự nắm quyết định liên quan đến môi trường sống của tôi có quyền lực tuyệt đối, nhưng họ có quan điểm hoàn toàn trái ngược với quan điểm của tôi”, anh Trần nói. “Chuyện đó thật đáng sợ và khiến tôi cảm thấy không có lý do gì để ở lại,” anh nói thêm.
Đọc thêm: