Tôi đẩy chiếc xe lăn của nó, chầm chậm dọc hàng lang trong siêu thị Macy để ra parking. Hai đứa cùng hồi tưởng chặng đường dài 40 năm và xa nửa vòng Trái đất…
Tôi với nó học chung trường Taberd từ năm lớp sáu; cùng học hành, vui đùa suốt thời niên thiếu; cùng ươm mộng đẹp xây đời và đầy ước mơ bay bổng cho đến cái ngày “đen tối” 30 Tháng Tư – “dập” hết thảy mọi tương lai của tuổi hoa niên chúng tôi. Trường Taberd bị giải thể sau khi trở thành nơi tập trung sĩ quan viên chức VNCH để đưa đi “học tập cải tạo”. Chúng tôi tứ tán. Đứa qua Hưng Đạo, đứa vào Nguyễn Bá Tòng, Nguyễn Thượng Hiền… Tới năm lớp 12 thì tôi và nó lại vào chung lớp ở Trưng Vương, ngồi cạnh nhau hai bên lối đi cuối lớp. Nhà nó khá giả, là “chành” ở chợ Trần Chánh Chiếu; bán buôn đủ loại: Gạo, đường, tiêu, muối, bột ngọt, bột mì, xì dầu, nước mắm; bán lẻ cho người nội thành, bỏ sỉ cho khách ở tỉnh.
Nó giỏi Anh văn và Địa lý, tôi thì cứng Toán. Hai đứa làm cho các nàng nữ sinh Trưng Vương nể lắm! Về ngoại hình thì nó “ngon” hơn tôi: Dong dỏng cao, đẹp trai, quần xanh áo trắng tinh mỗi ngày đến trường, làm đám con gái liếc hoài…
Ngày 26 Tháng Ba 1978, chiến dịch X3 đánh tư sản Sài Gòn bắt đầu từ rạng sáng. Thực tế là “đập” tất cả hộ buôn bán. Lúc đó, chúng tôi bước vào thi học kỳ hai, chuẩn bị cho thi tốt nghiệp phổ thông vào Tháng Năm. Nó vào lớp mà mắt đỏ hoe. Giờ ra chơi, hai đứa ngồi lại trong lớp. Nó khẽ khàng nói gia đình nó bị “đánh tư sản”, bị tịch thu nhà, đóng cửa hàng, cả nhà bị xúc đi “kinh tế mới”. Ba nó, buồn và uất ức, đứt mạch máu não, nằm xụi một chỗ, ở tạm nhà bà con…
Ngày thi đến mà không thấy nó. Đến nhà hỏi mới biết, nó lên đường ra “bãi” để vượt biên. Vài tháng sau, tôi đến thăm ba nó. Ông đã nhắm mắt ra đi sau khi nhận được thư và tín vật cho biết nó đã đến Mã Lai. Chuyến tàu, vốn là ghe máy chở trái cây buôn bán miền sông nước Cửu Long, được gia cố lại, chở hơn 60 người, như chiếc lá vượt trùng khơi sóng gió giữa đêm đen mịt mùng, dự kiến một tuần đến Thái Lan nhưng rồi phải mất 18 ngày mới tới Mã Lai. Khi đến nơi chỉ còn là chiếc vỏ ghe tơi tả với chưa tới 30 người. Một hải trình bi tráng với bao hãi hùng.
_____
Năm ngày đầu êm xuôi. Chiếc ghe ra khỏi vùng biển Việt Nam và Campuchia, hướng vào vịnh Thái Lan. Mọi người trên ghe lao xao vui vì có thể cập bờ một hai ngày nữa. Lương thực và nhiên liệu đem theo đủ cho một tuần nếu sóng yên biển lặng. Chạng vạng ngày thứ sáu, tài công giảm ga, thả máy theo con sóng, rít thuốc lá. Mọi người thì thầm trò chuyện, một số lâm râm khấn nguyện Trời Phật cho đến nơi đến chốn bình yên. Bỗng từ xa, một thuyền cao tốc lao tới như tên bắn, áp sát mạn thuyền. Mọi người tưởng tàu tuần duyên Thái Lan. Không phải. Không có cờ, không bảng hiệu! Chưa kịp hiểu điều gì thì ba thằng đen thui mình trần đầy xăm trổ nhảy vọt lên ghe bằng câu móc, bắn vài tràng chỉ thiên, xí xô ép mọi người dạt về phía đuôi ghe.
Một thằng vọt lên đầu ghe bắn chết tài công ngay lập tức. Hai thằng còn lại thì một thằng lục khám tài sản mọi người, bắn gục ngay vài người định phản ứng. Một thằng lùa phụ nữ sang một bên. Không gian im bặt vì sợ hãi. Thật hãi hùng và kinh hoàng. Thằng thứ ba túm những đứa trẻ trong vòng tay các bà mẹ trẻ rồi quăng xuống biển! Tiếng gào thét vang trời của các bà mẹ xông tới giành lại con, cào cấu tấn công không cân sức. Có bà mẹ nhào xuống biển theo con; có bà mẹ nghiến răng nhào tới, vươn tay móc mắt kẻ thù… Tiếng đạn bay ra, bà mẹ gục xuống, tay vẫn còn vươn tới mặt thằng hải tặc trước khi ngã gục trên vũng máu!
Nó đứng trân, lòng căm giận phẫn nộ, mắt lướt nhanh rồi quyết định. Khi thấy một thằng nhào tới một cô gái trẻ đang ngồi úp mặt khóc; và xé áo, vật cô xuống sàn ghe thì tự nhiên bỗng có sức mạnh thần kỳ “nhập” vào nó. Bằng một thế vừa bay vừa tung cú đá – cú đá mà nó đoạt giải nhất cuộc thi lên đai đen Taekwondo thiếu niên cuối năm lớp chín, nó bập trúng ngay cổ thằng hải tặc. Vừa chạm chân xuống sàn, một cú “giò lái” nối hất thằng hải tặc bay xuống biển. Nó chộp ngay cây súng rơi xuống sàn của thằng hải tặc – xoay nửa vòng – nã thẳng vào tên hải tặc quăng trẻ con xuống biển. Sẵn đà, súng quét ngược vào thằng hải tặc còn lại. Thằng này trúng đạn bị thương, bung nhảy xuống biển, cố “lết” lên chiếc canô đang hấp tấp lùi xa để tránh luồng đạn “bấm hết cò” đuổi theo, bỏ mặc hai thằng đồng bọn cuống cuồng tuyệt vọng giữa biển khơi, và xác một thằng gục trên sàn ghe…
Chưa bao giờ có cảnh thê lương nào hơn: Sàn ghe đầy máu và xác người, tiếng khóc than kêu gào vang vọng trong đêm đen mịt mùng, cộng hưởng với tiếng gió hú, giật phầm phập trên biển. Xa xa ánh chớp lòe của sét đi kèm tiếng ầm đùng đùng của sấm… Cánh đàn ông chia nhau thu dọn, quấn xác người vào những thứ có được: Tấm bạt, khăn tắm, áo mưa, sơ mi, áo thun đang mặc. Đợi sáng sẽ tiễn biệt bằng thủy táng…
_____
Nó – với sự quả cảm chứng thực – bây giờ được mọi người chọn là “lead” của con thuyền kiêm tài công bất đắc dĩ. Một thuyền trưởng trẻ nhất thế giới của chiếc thuyền nhỏ nhất trên đại dương. Nó mới 18 tuổi, cùng số người còn lại, mong manh đi tìm tự do! Ngày thứ bảy rồi thứ tám của cuộc hành trình, nhiên liệu và lương thực cạn. Động cơ được xoay tua lúc chạy lúc nghỉ, để bớt nóng và khỏi cháy. Mọi người dè sẻn từng miếng ăn. Tất cả chỉ là mì gói, giờ đây ướt chèm nhẹp vì mưa và sương đêm. Lo nhất là sắp hết nước uống…
Ngày thứ 10, lương thực hết, nhiên liệu cạn. Mọi người nhín từng giọt nước. Nó chỉ còn biết nhìn trời nhìn trăng sao đoán định phương hướng và xoay bánh lái theo dòng nước… Ngày thứ 11 và 12, thêm vài người vĩnh viễn không dậy vì đói khát, vì suy kiệt, vì nhiệt độ thay đổi. Ngày nóng cháy da, đêm lạnh thấu xương. Những người còn lại thẫn thờ thất thần, không còn đủ sức để rên, thoi thóp chờ Thần chết gọi tên.
Xế trưa ngày thứ 15, một cơn dông cuối trời sầm sập kéo đến. Từng cơn gió giật, rít lên ghê rợn! Mưa xối xuống như thác lũ. Trời đất tối đen. Mọi người cùng tát nước ra khỏi ghe và trữ nước mưa vào can. Nó tê cứng cả hai tay khi xoay bánh lái theo từng con sóng dữ. Chỉ một con sóng cao thôi là đủ lật úp ghe. Chống chọi cơn giông đến chạng vạng thì điều lo ngại nhất đã đến: Một tiếng “rắc” đủ để nó nghe và cảm nhận khi bánh lái bỗng… nhẹ tênh. Trục chân vịt đã gãy do sóng nhồi! Nó điếng người. Làm sao đây? Thả trôi chiếc ghe hay sao? Ý chí sống và tinh thần “Taberd ra khơi” năm xưa thúc giục nó tìm phương cách…
Trời thương. Cơn giông giảm dần rồi tan! Nó xuống hầm ghe, nạy các tấm nắp máy, đưa cho vài người còn khỏe, ngồi đuôi ghe, thay phiên nhau làm tay chèo theo dấu hiệu của nó ở mũi ghe, để lách và hướng chiếc ghe theo con sóng và dòng nước… Mọi người đã lênh đênh 17 ngày. Tình cảnh thê thảm! Thêm mấy đợt thủy táng nữa! Biển khơi mênh mông. Chỉ thấy nước và chân trời! Nó nhìn phương vị trăng sao và tính toán lại. Lạ quá, chiếc ghe không tiến thêm mà gần như “yên vị” một chỗ! Sau này, khi học ở Mỹ, nó mới hiểu chiếc ghe lọt vào vùng giao thoa của hai dòng hải lưu ngược chiều – ngày và đêm. Hội chứng tuyệt vọng do hoảng loạn đã xảy ra. Vài người nhảy xuống biển tự vẫn; vài người khác, do ảo giác, cũng nhảy xuống biển, bơi đuổi theo “ảo ảnh” của một con tàu hoặc bờ đất liền!
_____
Rạng sáng ngày 18, xa tít có bựng khói trắng bốc lên. Mọi người thấy mờ mờ bóng dáng một con tàu. Nó căng mắt quan sát. Đúng rồi, một chiếc tàu khá lớn. Nó cùng mọi người lấy áo quần kết lại, quấn trên bất cứ que, gậy nào có được rồi phất liên tục. Bằng kiến thức hướng đạo sinh hồi học Taberd, nó quẹt bật lửa và quét đèn pin theo tín hiệu morse S.O.S ba lần một! Từ boong tàu, hai chiếc xuồng phao thả xuống cùng vài thủy thủ; lướt tới chiếc ghe tả tơi. Cập vào ghe, họ nói ngắn gọn: Tàu không thể đến gần vì sóng nước sẽ làm lật ghe, rồi họ buộc dây vào ghe, kéo quay về tàu lớn. Thang dây được thả xuống… Nó lên sau cùng, thuyền trưởng ôm vai nó ân cần: “Còn ai nữa không?” Nó lắc đầu mà nước mắt ràn rụa!
Chiếc tàu chở hàng của Na Uy chỉ có thể đưa mọi người vào đảo gần nhất ở Mã Lai vì phải giao hàng ở nhiều cảng khác. Mọi người được tặng một túi thực phẩm và ít tiền. Nó là người sau cùng xuống tàu. Thuyền trưởng trao danh thiếp, ông gỡ chiếc mũ captain đội lên đầu nó, nhắn: “Ta sẵn sàng làm bất cứ điều gì cháu cần”… Ở trại tỵ nạn, với vốn tiếng Anh, nó giúp mọi người giao tiếp với trại và phái đoàn phỏng vấn. Được đi Mỹ sớm nhưng nó tình nguyện ở lại thêm sáu tháng để giúp đỡ người Việt tới đảo ngày càng nhiều. Họ không rành tiếng Anh, bỡ ngỡ với văn hóa, tập quán, thủ tục… và vẫn chưa hết kinh hoàng qua những chuyến đi mà sự sống và cái chết gần nhau như “giọt nắng sớm với cánh sương đêm” …
Năm 1980 nó đến Hoa Kỳ, học Anh ngữ, tốt nghiệp cao đẳng cơ khí, làm cho một nhà thầu của quân đội. Rồi cưới vợ. Cô gái nó cứu năm xưa trên chiếc ghe bão bùng! Năm 1990, Iraq chiếm Kuwait, “bực mình” đám ngang ngược xâm lăng, nó gia nhập công binh tiếp vận Hoa Kỳ trong chiến dịch Bão sa mạc; ở quân ngũ cho đến năm 2000. Giải ngũ, nó cùng vợ mở một “convenient store”, cuộc sống bình yên cho đến một chiều nọ…
_____
Phần tôi, ở lại Việt Nam sau mấy lần vượt biên bất thành, phải chấp nhận “sống chung với lũ”. Tôi thi vào Bách Khoa điểm cao mà không được vào học, vì bị “đì” lý lịch. Họ cho rằng ba tôi làm ở Esso, con cái học Taberd, Saint Paul – toàn tên Tây tên Mỹ – đích thị là “tay sai” đế quốc thực dân, cần theo dõi diện “CIA cài lại”! Sài Gòn “đổi đời” theo kiểu “lộn ngược”: Trước ăn cơm, giờ phải ăn bo bo, khoai lang khoai mì; thuốc men không có; đi đâu cũng bị xét hỏi giấy đi đường! Văn hóa, văn học, âm nhạc miền Nam bị triệt tiêu, thay bằng “lịch sử đảng”, “thơ Tố Hữu”, “triết học Mác-Lênin”… Xã hội đảo điên. Công nhân “ngon” hơn kỹ sư. Thầy cô giáo bán xôi bán báo, kỹ sư đạp xích lô ngoài giờ, bác sĩ dược sĩ sống nhờ chợ trời thuốc Tây!
Tôi đi làm sau khi ra trường nghề Cao Thắng; nhờ siêng năng, trở thành tổ trưởng rồi đội trưởng trong một đội xây dựng. Có điều tôi không chịu tráo đổi cắt xén vật tư, “hệ thống ăn chia” chuyển tôi sang các bộ phận vớ vẩn như chấm công, bảo vệ…, đến mức tôi phải xin nghỉ việc! Chúng tặng tôi cái quyết định “buộc thôi việc” thay vì “nghỉ việc” để không có trợ cấp, không thể xin việc mới… Thất nghiệp mấy năm trời, mượn tiền bạn bè cũng ngắn hạn thôi, đâu mượn hoài được. Rồi con còn nhỏ xíu, vay mượn được đồng nào là đi mua sữa hết cho nó… Tôi đi bán kẹo kéo với cái loa thùng phát nhạc phía sau. Mỗi chiều tôi đạp xe kẹo kéo đi khắp hang cùng ngõ hẻm Sài Gòn. Mãi đến 1995 tôi mới thấy ánh sáng leo lét cuối đường… mòn, nhờ Mỹ bỏ cấm vận, tái lập quan hệ; nhờ mở cửa cho các hãng nước ngoài vào. Với chút kinh nghiệm và tiếng Anh đủ xài, tôi có job ở một hãng Nhật, từ đó “đời bớt rong rêu”…
_____
Long Beach, một chiều Thu muộn, nó đang ngồi kiểm “bill” ở quầy, có hai cô gái đang chọn hàng trong tiệm. Bỗng hai thằng đen khoảng 18, 20 tuổi xăm xăm vào. Nó ngẩng lên khi nghe hai tiếng “á, á”: Hai thằng đen đang trấn lột hai cô gái! Nó kịp thấy một thằng móc “chó lửa” từ túi áo jacket. Bản năng lính và tố chất sport, nó nhún vọt lên khỏi quầy. Không kịp rồi. Viên đạn đã trúng cổ nó! Trước khi bất tỉnh trên vũng máu, nó kịp nhấn 911.
Chỉ có nền y khoa xuất sắc của Hoa Kỳ và Chúa – thực sự là vậy – đã hồi sinh nó từ cõi chết! Một tháng hôn mê, ba tháng bất động, một năm vật lý trị liệu, nó xuất viện và vĩnh viễn ngồi xe lăn! Chính quyền sở tại biểu dương nó và tận tình hỗ trợ gia đình nó: Miễn giảm thuế, phí; hãng xe Benz-Mercedes “free” cho nó một chiếc van “special design”, với ghế “driver” được thiết kế là xe lăn, có một cầu thép tiếp đất tự động bung ra khi cửa xe mở và xếp lại trước khi đóng… Costco cho tiệm của nó lấy hàng trả tiền sau và nhiều ưu đãi khác… Nó chở hàng hóa và đi làm thiện nguyện khắp nơi trong bang bằng chiếc van này. Nó vẫn vui sống, làm việc, tham gia para-sports đều đều…
*****
Đêm Long Beach, hai đứa kể nhau nghe chuyện “60 năm cuộc đời”. Nó vói tay lấy cây đàn. Ui trời, nó chơi đàn từ khi nào? Những nốt nhạc trầm buông vang trong đêm lặng. Những ngày xưa thân ái, xin buộc vào tương lai; những ngày xưa thân ái, xin đừng để quên mau…! Hai đứa uống bia, hàn huyên kỷ niệm; rồi thiếp đi trên sofa, rồi mở mắt khi ánh bình minh bắt đầu rọi vào. Có tiếng máy xe trước cửa, rồi tiếng chuông. Nó bấm remote mở cửa. Một trung úy “marine” dáng cao lớn oai hùng bước vào; nét mặt tươi rói, vòng tay thưa nó và tôi. Oh God, giống y hệt nó 40 năm trước…
Đường đời gập ghềnh muôn nẻo, nào ai biết được đi đâu về đâu! Bao nhiêu số phận, bấy nhiêu cuộc đời. Que sera sera… Ơn Trời, một “happy-end” cho nó, cho đời sau, cho những tâm hồn công chính, trượng nghĩa, dấn thân; sống cho đời, cho người, cho tự do!
California, May 2022