Vài bản tin trên các trang giải trí tại Việt Nam vừa đưa tin Hoài Linh xuất hiện quay lại nghề trình diễn sân khấu, nhưng giọng điệu khá lạnh lùng và tàn nhẫn như “Hết thời đi hát đám cưới không ai nhìn”, “Hoài Linh bị khán giả bơ đẹp”, nhẹ nhàng hơn thì có bài “Xưa chỉ đứng ở sân khấu lớn, nay Hoài Linh hát đám cưới nhưng khán giả không nhiệt tình“… Rõ là đợt phong sát các ca sĩ phía Nam của nhà cầm quyền trong năm 2021, có bà Nguyễn Phương Hằng góp tay, đã tạo nhiều ảnh hưởng xấu đến đời nghệ sĩ của Hoài linh, Đàm Vĩnh Hưng, Vy Oanh, Thủy Tiên… trong đó có cả người quá cố là ca sĩ Phi Nhung.
Mặc dù trên các báo đưa tin, công an TP.HCM kết luận nghệ sĩ Hoài Linh không có dấu hiệu “ăn chặn” tiền từ thiện, nên công an cũng ban hành quyết định không khởi tố vụ án hình sự liên quan việc quyên góp từ thiện của nghệ sĩ Hoài Linh, do không có dấu hiệu tội phạm, thế nhưng công chúng có vẻ không vui và cũng không đồng ý với kết luận này. Sự chỉ trích vẫn tiếp tục xuất hiện ở các bản tin về Hoài Linh, cũng như ở các trang fanpage của nghệ sĩ này.
Mới đây, mạng xã hội lan truyền một đoạn video ghi lại hình ảnh khi nam danh hài đứng trên sân khấu hát ca khúc Đám Cưới Trên Quê Hương để dành tặng cô dâu-chú rể. Vốn là sở trường, không khó hiểu khi nam nghệ sĩ thể hiện bài hát này một cách mượt mà từ đầu đến cuối. Ban tổ chức còn ưu ái khi trình chiếu một số hình ảnh đời thường của Hoài Linh.
Thế nhưng theo video, trong lúc nam danh hài trình diễn, không khí xung quanh của đám cưới không có nhiều người chú ý. Khi được MC giới thiệu, nam danh hài vui vẻ đứng lên chào nhưng các quan khách trong đám cưới hầu như đều phản ứng khá hời hợt, không nhiệt tình như một đỉnh cao Hoài Linh từng có trước đây.
Báo Yan.vn bình luận khá cay độc, khi viết “Nhìn khoảnh khắc này, ai nấy cũng khó tin rằng đây là ngôi sao hạng A của showbiz Việt. Chưa kể, từ việc chỉ xuất hiện ở những sự kiện, chương trình lớn cho đến bây giờ là sân khấu nhỏ như đám cưới, nhiều người cho rằng đây là sự tuột dốc của nghệ sĩ ưu tú Hoài Linh sau khi vướng ồn ào lớn”.
Video quay lại cảnh Hoài Linh hát ở đám cưới, thu hút hơn 80,000 người xem và hàng trăm bình luận. Những lời khen chê trái ngược cũng xuất hiện đủ ở đây. Suốt thời gian im tiếng sau vụ bê bối, kênh YouTube cá nhân của Hoài Linh từng đạt một triệu theo dõi giờ đây giảm còn 991 ngàn lượt ghi danh, còn trên nền tảng TikTok tuột xuống chỉ còn xuống 3.7 triệu ghi danh theo dõi.
Trước đó, nam danh hài này vẫn là vua quảng cáo, đại diện của nhiều nhãn hàng. Tuy nhiên ở thời điểm ồn ào, chương trình mà nghệ sĩ Hoài Linh làm giám khảo đã bị hủy, chưa kể hàng loạt thương hiệu cũng gỡ đi hình ảnh, chấm dứt hợp đồng với danh hài này. Giới đồng nghiệp hết sức ái ngại. Giới nghệ sĩ trong nước từng xì xào về chuyện giá cát-sê hát đám cưới của Hoài Linh là cao nhất Việt Nam, có lúc lên đến 1 tỷ đồng cho một lần lên sân khấu. Nhưng lúc này, khó đoán được là giá cát-sê của Hoài Linh là bao nhiêu.
Gần đây, Hoài Linh có ý định quay lại làng giải trí Việt khi đi diễn hội chợ ở tỉnh và miệt mài luyện tập để trở lại sân khấu cải lương. Tuy nhiên, mỗi lần nam nghệ sĩ xuất hiện đều vấp phải một số ý kiến trái chiều về scandal giữ lâu tiền từ thiện của anh. Thậm chí có người còn cho rằng khán giả chẳng còn muốn xem Hoài Linh diễn hài. Bên cạnh đó vẫn có cư dân mạng lên tiếng bênh vực và ủng hộ Hoài Linh trở lại.
Sự kiện tấn công vào giới nghệ sĩ danh tiếng có sức tập hợp đám đông, được dân chúng tin cậy gửi gắm tiền từ thiện hơn là Mặt trận Tổ quốc của nhà nước, đã tạo ra một chuỗi khủng hoảng dư luận và tranh cãi liên tục trong đời sống cũng như trong báo chí. Nhiều nhà quan sát cũng nhận ra là Nhà nước Việt Nam cũng nhanh chóng lấy cớ các vụ lùm xùm này để Bộ Tài chính hoàn thiện dự thảo nghị định về chuyện các nguồn tiền cứu trợ cần phải đưa về phía Nhà nước.
Và theo luật mới, tiền của dân chúng phải có sự tham gia cầm giữ của nhà nước mới được coi là hợp pháp. Theo luật này, cá nhân muốn vận động nguồn tài trợ thì phải thông báo với chính quyền nơi mình cư trú về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động. Còn khi đi làm từ thiện thì cá nhân phải thông báo và phối hợp với chính quyền địa phương – nơi tiếp nhận hỗ trợ – để được hướng dẫn, phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện. Có nghĩa là làm từ thiện tự phát không thông báo với nhà nước – để kiểm soát – là phạm pháp.