Trong một cuộc tranh luận tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ), Trung Quốc và Nga đã ra sức biện hộ cho hành động của họ “phủ quyết” một nghị quyết của Hội Đồng Bảo An (HĐBA) LHQ về ban hành các biện pháp trừng phạt mới, cứng rắn hơn đối với Bắc Hàn.
Đây là cuộc tranh luận đầu tiên kiểu này tại Đại Hội Đồng LHQ theo một luật mới thông qua ngày 26 Tháng Tư vừa qua, quy định mỗi khi một trong năm thành viên thường trực của HĐBA sử dụng quyền phủ quyết thì thành viên đó phải trình bày quan điểm để Đại Hội Đồng xem xét. Và hôm nay Thứ Tư 8 Tháng Sáu, Đại Hội Đồng LHQ đã mở phiên họp toàn thể để các nước tranh luận theo luật mới.
Trước đó, hôm 26 Tháng Năm, phái bộ Hoa Kỳ đã đệ trình ra HĐBA một dự thảo nghị quyết mới về trừng phạt Bắc Hàn do nước này tiếp tục thử nghiệm hỏa tiễn đạn đạo, vi phạm các nghị quyết trước đó của LHQ.
HĐBA LHQ trước đây đã thống nhất áp đặt các lệnh trừng phạt Bắc Hàn sau khi nước này thử nghiệm vụ nổ thử hạt nhân đầu tiên năm 2006 và thắt chặt các biện pháp này trong nhiều năm với tổng số 10 nghị quyết đã ban hành nhằm kiềm chế các chương trình hạt nhân và hỏa tiễn đạn đạo của nước này cũng như cắt nguồn tài trợ cho việc phát triển vũ khí.
Dự thảo nghị quyết trừng phạt mới nhất mà Hoa Kỳ đưa ra hôm 26 Tháng Năm 2022 đã được HĐBA bỏ phiếu với kết quả 13/2; trong đó hai phiếu không đồng ý là của Nga và Trung Quốc. Nhưng do Nga và Trung Quốc là thành viên có quyền phủ quyết của HĐBA nên theo luật mới vấn đề phải được đưa ra Đại Hội Đồng xem xét. Đây là lần đầu tiên có sự chia rẽ nghiêm trọng trong năm thành viên thường trực của HĐBA về vấn đề Triều Tiên; Nga và Trung Quốc đứng về một phe chống lại ba thành viên Hoa Kỳ, Anh và Pháp.
Theo tin của AP, gần 70 quốc gia đã ghi danh phát biểu tại cuộc tranh luận mà Chủ tịch Đại Hội Đồng Abdalla Shahid ca ngợi là làm cho LHQ hoạt động hiệu quả hơn và có trách nhiệm hơn. Mở đầu bài phát biểu, Đại sứ Đan Mạch Martin Bille Hermann thay mặt các nước Bắc Âu nói với tổ chức thế giới gồm 193 thành viên rằng HĐBA được giao trách nhiệm đảm bảo hòa bình và an ninh quốc tế, và việc sử dụng quyền phủ quyết để ngăn hội đồng thực hiện nhiệm vụ của mình “là một vấn đề rất đáng quan tâm”. “Việc Đại Hội Đồng yêu cầu một cuộc tranh luận về vấn đề này [Bắc Hàn] không chỉ mang lại cho quốc gia hoặc các quốc gia có quyền phủ quyết cơ hội giải thích lý do của họ mà còn mang lại cho tất cả các quốc gia thành viên LHQ một cơ hội chia sẻ quan điểm của chúng tôi”, ông Hermann nói.
Tại cuộc tranh luận, phái bộ Trung Quốc và Nga nhắc lại sự phản đối của họ đối với các biện pháp trừng phạt nặng hơn đối với Bắc Hàn; đổ lỗi cho Hoa Kỳ làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và nhấn mạnh điều cần thiết bây giờ là đối thoại giữa Triều Tiên và chính quyền Biden.
Hôm Chủ Nhật, Bắc Hàn đã bắn 8 tên lửa tầm ngắn, lập kỷ lục về số vụ phóng tên lửa đạn đạo trong một ngày của nước này. Đây là vòng thử hỏa tiễn lần thứ 18 của Bắc Hàn trong năm 2022, bao gồm một vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) đầu tiên trong gần năm năm.
Phó đại sứ Hoa Kỳ Jeffrey DeLaurentis nói với hội đồng rằng số vụ phóng kỷ lục diễn ra khi Bắc Hàn “đang hoàn thiện các bước chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân tiềm năng lần thứ bảy”. Ông gọi các hành động của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên – tên chính thức của đất nước – hoặc Bắc Hàn là “vô cớ”.
Ông De Laurentis nhấn mạnh Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Ngoại trưởng Antony Blinken “đã nhiều lần và công khai nói rằng chúng tôi tìm kiếm một cuộc đối thoại với Bình Nhưỡng, không có điều kiện tiên quyết” và thông điệp đó đã được chuyển tới Bắc Hàn qua các kênh riêng, bao gồm cả Trung Quốc. “Hoa Kỳ đã sẵn sàng thảo luận về việc nới lỏng các lệnh trừng phạt để đạt được việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên”, ông nói. Thật không may, ông DeLaurentis cho biết, CHDCND Triều Tiên chỉ đáp trả bằng “các vụ phóng gây mất ổn định đe dọa không chỉ khu vực mà còn cả thế giới”.
Đại sứ Trung Quốc Zhang Jun trong khi đó cáo buộc Hoa Kỳ đã bỏ qua các bước tích cực của Bắc Hàn và quay lại “con đường cũ” là “hô hào những khẩu hiệu trống rỗng về đối thoại và gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với CHDCND Triều Tiên”. Điều đó đã làm gia tăng “sự mất lòng tin của CHDCND Triều Tiên đối với Hoa Kỳ” và các cuộc nói chuyện trở nên “hoàn toàn bế tắc”, ông Zhang nói.
Zhang đổ lỗi cho “sự lật lọng trong chính sách của Hoa Kỳ”, việc Hoa Kỳ không thực hiện các kết quả đối thoại giữa Bắc Hàn và Hoa Kỳ trong thời chính quyền Trump và việc Hoa Kỳ không quan tâm đến “những lo ngại hợp lý” của Bắc Hàn trước tình trạng căng thẳng trên bán đảo ngày nay.
“Tình hình sẽ diễn biến đến đâu phụ thuộc rất nhiều vào các hành động của Hoa Kỳ, và chìa khóa nằm ở việc liệu Hoa Kỳ có thể đối mặt với mấu chốt của vấn đề, thể hiện một thái độ hợp lý và thực hiện những hành động cụ thể có ý nghĩa hay không”, ông Zhang nói.
Phó đại sứ LHQ của Nga Anna Evstigneeva cho biết các lệnh trừng phạt mới đối với CHDCND Triều Tiên “sẽ là ngõ cụt”, nhấn mạnh rằng các lệnh trừng phạt hiện hành của LHQ đã không bảo đảm an ninh trong khu vực “cũng như không thúc đẩy chúng ta tiến xa hơn trong việc giải quyết vấn đề không phổ biến hỏa tiễn hạt nhân”.
“Bất cứ ai quan tâm vấn đề Triều Tiên một cách nghiêm túc từ lâu đều hiểu rằng việc mong đợi Bình Nhưỡng giải giáp vô điều kiện dưới sức ép của mối đe dọa trừng phạt là vô ích. Việc thành lập các khối quân sự mới trong các khu vực như sự hình thành khối Mỹ-Anh và Úc đang gây ra sự nghi ngờ nghiêm trọng về ý định tốt của các quốc gia này,” cả ở Bình Nhưỡng, bà Evstigneeva nói.
Đại sứ Bắc Hàn Kim Song tố cáo tất cả các lệnh trừng phạt của LHQ và nghị quyết do Hoa Kỳ đề xuất là “bất hợp pháp”. Ông nói rằng chúng vi phạm Hiến chương LHQ và quyền tự vệ của đất nước ông nhằm chuẩn bị cho bất kỳ cuộc khủng hoảng an ninh tiềm tàng nào trên bán đảo Triều Tiên và trong khu vực.
Theo ông Kim Song, việc hiện đại hóa vũ khí là cần thiết để bảo vệ các lợi ích của Bắc Hàn “khỏi mối đe dọa trực tiếp từ Hoa Kỳ”, nước mà ông khẳng định là không “từ bỏ chính sách thù địch”.
Đọc thêm: