Cựu Tổng thống Trump có thể bị truy tố hình sự không?

Ông Trump có bị truy tố trước tòa án hình sự vì những nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm bác bỏ ý chí của cử tri và bám giữ quyền lực hay không? 
Màn hình chiếu hình ông Trump trong phiên điều trần của Ủy ban Hạ viên điều tra vụ bạo loạn tấn công Quốc Hội ngày 6 tháng Giêng 2021. Câu hỏi đặt ra là với những bằng chứng như thế, liệu ông Trump có bị truy tố hình sự hay không. Ảnh Drew Angerer/Getty Images

Phiên điều trần công khai đầu tiên của Ủy ban Hạ Viện Điều tra cuộc bạo loạn ngày 6 tháng Giêng 2021 tại Điện Capitol Hoa Kỳ, được truyền hình trực tiếp trong giờ vàng tối thứ Năm vừa qua, đã đụng vào câu hỏi rất căn bản ám ảnh cựu Tổng thống Donald Trump từ ngày ông rời Tòa Bạch Ốc: Ông có bị truy tố trước tòa án hình sự vì những nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm bác bỏ ý chí của cử tri và bám giữ quyền lực hay không? 

Có bằng chứng tội hình sự?

Bài phát biểu mạnh mẽ của Dân Biểu Liz Cheney (Cộng Hòa – Wyoming) mở đầu phiên điều trần nghe rất giống lời khai mạc của luật sư giữ vai trò công tố tại một phiên tòa hình sự; trong đó nêu bật từng chi tiết cái kế hoạch gồm bảy phần, “phi pháp”“vi hiến”, của ông Trump để ngăn cản cuộc chuyển giao quyền lực. Ông Trump đã nhiều lần được các cố vấn của ông khuyên rằng ông đã thua trong cuộc bầu cử nhưng ông nhiều lần lừa dối đất nước bằng lời tuyên bố rằng cuộc bầu cử bị đánh cắp. Ông đã gây sức ép buộc các viên chức liên bang và tiểu bang, các thành viên Quốc Hội và cả Phó Tổng thống Mike Pence bỏ qua kết quả kiểm phiếu ở một số tiểu bang chiến trường. Ông khích động đám đông do các nhóm cực đoan như Proud Boys bạo loạn, đồng thời không có hành động nghiêm chỉnh để ngăn cản vụ tấn công sau khi nó đã bắt đầu. (xem thêm các bài tường thuật phiên điều trần: 1/Cú lừa vĩ đại! 2/Điều trần về vụ bạo loạn 6-1-2021: Donald Trump là kẻ đốt lửa! )

Trung sĩ Aquillino Gonell của đơn vị cảnh sát bảo vệ Quốc Hội bật khóc khi điều trần trước Hạ Viện về những điều họ trải qua khi ngăn chặn cuộc tấn công của đám đông bạo loạn ủng hộ ông Trump tràn vào tòa nhà Quốc Hội. Ảnh Jim Lo Scalzo-Pool/Getty Images

Tổng kết các hành vi của ông Trump, bà Cheney nói công chúng Mỹ nên nhớ rằng “Bộ Tư pháp hiện đang làm việc với các nhân chứng hợp tác và cho đến nay chỉ tiết lộ một số thông tin mà họ đã xác định được từ các liên lạc được mã hóa và các nguồn khác.” Thông tin đó đã được tiết lộ trong nhiều cáo trạng khác nhau, nhưng đề cập đến chúng trong bối cảnh của vụ ông Trump, bà Cheney dường như ám chỉ rằng nó có liên quan đến câu hỏi về khả năng phạm tội của ông ta.

Sau phiên điều trần, một số cựu công tố viên và luật sư lão thành nói rằng, cuộc điều trần đã cho thấy hình dáng một vụ tội phạm hình sự về tội âm mưu lừa đảo hoặc cản trở công việc của Quốc Hội. Luật sư Neal Katyal, cựu cố vấn pháp lý (solicitor general) của chính phủ Obama nói: “Tôi nghĩ Ủy ban, đặc biệt là bà Liz Cheney, đã tóm tắt một trường hợp phạm tội hình sự rất mạnh chống lại ông cựu tổng thống. Một tội hình sự đòi hỏi hai yếu tố – một hành vi xấu và một ý định phạm pháp”, ông Katyal nói, và ủy ban đã xử lý được cả hai yếu tố đó.

Về phần mình, các đồng minh của ông Trump nói rằng các cuộc điều trần là một nỗ lực của đảng Dân Chủ để gây hại cho ông ta trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 mà ông Trump có thể ra tranh cử lần nữa. Các luật sư biện hộ cho ông Trump thì nói các dữ kiện được trình bày không ủng hộ các kết luận mà ủy ban đưa ra. “Trừ phi có thêm nhiều bằng chứng mà chúng tôi chưa biết, tôi không thấy có vụ án hình sự chống lại cựu tổng thống,” luật sư Robert W. Ray – công tố viên độc lập trong vụ điều tra Tổng thống Bill Clinton và luật sư biện hộ cho ông Trump tại phiên luận tội lần thứ nhất của Thượng Viện, nói.

Tuy nhiên, cuộc điều trần tại Quốc Hội không phải là một phiên tòa, Quốc Hội không xử án, nên thẩm quyền truy tố thuộc về Bộ trưởng Tư pháp Merrick B. Garland. Với ngày càng nhiều bằng chứng về các hành vi phạm tội liên quan đến nỗ lực của ông Trump nhằm lật ngược cuộc bầu cử năm 2020, Bộ trưởng Garland đang phải đối mặt với một quyết định cực kỳ khó khăn: có nên truy tố ông cựu tổng thống hay không, việc truy tố đó có vì lợi ích quốc gia hay không.

Cân nhắc hậu quả

Bên cạnh những yêu cầu pháp lý của một vụ truy tố hình sự, việc buộc tội một cựu tổng thống cũng có thể gây ra những tác động sâu sắc và những hậu quả rộng lớn. Dẫn một nguồn tin nội bộ, đài NBC News cho biết đã có các cuộc thảo luận bên trong Bộ Tư pháp Hoa Kỳ về tác động sâu rộng của một vụ kiện hình sự chống lại cựu tổng thống, dù cho đến nay, chưa có một dấu hiệu công khai nào cho thấy ông Trump đang bị nhắm mục tiêu. 

Khác với Nam Hàn, Đài Loan, Pháp và một số nền dân chủ khác, cho đến nay chưa có cựu tổng thống Mỹ nào bị truy tố hình sự. Và chính quyền của một tổng thống thuộc đảng cầm quyền buộc tội tổng thống của một đảng khác – cho dù các công tố viên khẳng định quyết định được đưa ra dựa trên sự thật và luật pháp – sẽ tạo ra một tiền lệ rất khó chịu và nguy hiểm. Nó có thể thổi bùng lên ngọn lửa đã làm chia rẽ đất nước. Nó có thể thu hút sự quan tâm của quốc gia trong nhiều tháng hoặc lâu hơn nữa, và có tiềm năng đặt ra một tiền lệ cho các vụ án chống lại các tổng thống tương lai do những người kế nhiệm thuộc đảng đối lập thực hiện, theo nhận định của tờ The New York Times

Bà Barbara McQuade, chuyên gia phân tích pháp lý của đài NBC và là một cựu công tố viên liên bang, cho rằng, việc truy tố hình sự chống lại ông Trump liên quan đến nỗ lực lật ngược cuộc bầu cử của ông ta “rất có thể sẽ gây ra bất ổn dân sự và thậm chí có thể gây ra nội chiến”. Nhưng “Tôi nghĩ nếu không truy tố thì thậm chí còn tồi tệ hơn, bởi vì không truy tố có nghĩa là chúng ta đã không thể quy trách nhiệm hình sự một người đã cố gắng phá hoại nền dân chủ của chúng ta”, bà McQuade nói. “Tôi không nghĩ rằng chúng ta muốn trở thành loại quốc gia mà chuyện này xảy ra thường xuyên.” McQuade nói thêm.

Truy tố hay không truy tố – “Đó là một quyết định quan trọng và chưa từng có tiền lệ chứ không dễ dàng như một số người có thể tưởng tượng”, ông Chuck Rosenberg, nhà phân tích pháp lý của NBC News, cũng từng là công tố viên liên bang và lãnh đạo Cục Chống Ma túy (DEA), cho biết.

Gánh nặng của Bộ trưởng Garland 

Bộ trưởng Tư pháp Merrick Gerland (giữa) và người phó ngồi bên tay phải của ông, Thứ trưởng Lisa Monaco – người chủ trì cuộc điều tra vụ tấn công ngày 6 tháng Giêng 2021, họp báo công bố thành lập đơn vị điều tra vụ thảm sát trường tiểu học ở Uvalde, Texas hôm 24 tháng Năm. Ảnh Chip Somodevilla/Getty Images

Trái bóng đang ở trong chân của Bộ trưởng Garland, một người điềm tĩnh, cựu chánh án tòa phúc thẩm liên bang có thói quen giấu kín suy nghĩ của mình. Một phát ngôn viên Bộ Tư pháp cho biết Bộ trưởng theo dõi phiên điều trần, nhưng không cho biết thêm chi tiết. Người phó của ông, bà Lisa Monaco, xác nhận các công tố viên đang xem xét các tác động pháp lý đối với những người tham gia vào các âm mưu dàn dựng các Cử tri Đoàn giả mạo tuyên bố Trump thắng ở các bang mà ông Joe Biden mới thực sự là người trúng cử.

Các đảng viên Dân Chủ phê phán Bộ Tư pháp đã không xử tội ông Trump dù hồi tháng Ba, trong một phán quyết của một vụ án dân sự, một thẩm phán liên bang đã quyết định rằng ông Trump “có nhiều khả năng hơn là không” phạm tội liên bang trong việc tìm cách cản trở việc kiểm phiếu của Quốc Hội ngày 6 tháng Giêng năm 2021. Thẩm phán này trích dẫn hai đạo luật: cản trở một thủ tục chính thức của chính quyền, và âm mưu lừa đảo nước Mỹ. Tại thời điểm đó, một phát ngôn viên của ông Trump gọi những lời khẳng định trên của vị thẩm phán là “vô lý và vô căn cứ.” Ông Trump đã liên tục phủ nhận mọi hành vi sai trái.

Bộ trưởng Garland có lần nói vụ điều tra cuộc tấn công Quốc Hội ngày 6 tháng Giêng là công việc khẩn cấp nhất trong lịch sử của bộ tư pháp, nhưng ông từ chối dự đoán cuộc điều tra sẽ dẫn tới đâu trong lúc các điều tra viên vẫn tiếp tục thu thập và đánh giá các chứng cứ. “Chúng tôi không tránh né những vụ án mang tính chính trị, những trường hợp nhạy cảm hoặc gây tranh cãi. Điều mà chúng tôi tránh là đưa ra quyết định dựa trên nền tảng chính trị hoặc nền tảng đảng phái”, ông Garland nói với đài NPR hồi tháng Ba. Đọc diễn văn tại buổi lễ ra trường của sinh viên Đại học Harvard tháng trước, Bộ trưởng Garland nói: “Chúng tôi sẽ đi theo các sự kiện đến bất cứ nơi nào sự kiện dẫn dắt”. Nhưng những sự kiện được trình bày rõ ràng trong các phiên điều trần công khai ở Quốc Hội có dẫn dắt ông đến ông Trump không thì chưa ai biết được. 

Bà Joyce Vance, cựu luật sư, chuyên viên phân tích pháp lý của đài NBC nói có một thời gian, có vẻ như ông Garland đã kết luận việc truy tố ông Trump là một sai lầm, nhưng “sau đó khi bằng chứng ngày càng trở nên tồi tệ, vượt qua điểm giới hạn thì [ông ấy] nhận ra là phải điều tra.” Và bà – cũng như một số luật sư khác – cho rằng điều tra tội hình sự của ông Trump là việc làm đúng.

Vai trò của Tổng  thống Biden 

Một vấn đề nữa là liệu ông Garland sẽ tự mình đưa ra quyết định cuối cùng về việc có nên truy tố ông Trump hay không, hay ông sẽ tham khảo ý kiến ​​của Tổng thống Joe Biden, người đã cam kết không can thiệp vào các công việc của Bộ Tư pháp.

Tổng thống Joe Biden và Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland tại Tòa Bạch Ốc. Ảnh Chip Somodevilla/Getty Images

Theo truyền thống, Bộ Tư pháp đưa ra các quyết định buộc tội hình sự độc lập với tổng thống, nhưng trong những trường hợp liên quan đến ngoại giao Mỹ hoặc an ninh quốc gia, cơ quan hành pháp có thể và thực sự cân nhắc cẩn thận. Ông Biden có thẩm quyền pháp lý để đưa ra quyết định cuối cùng về việc có truy tố hay không, nhưng các chuyên gia vẫn chia rẽ ý kiến về chuyện liệu ông Biden có nên tham gia hay không.

“Tôi cảm thấy tổng thống sẽ phải cân nhắc nhiều. Chúng ta đang nói về một quyết định có tính chất lịch sử. Ông Biden là người được dân bầu, không phải ông Garland. Tại một thời điểm nào đó, chuyện này trở thành một vấn đề chính sách chứ không đơn thuần là một vấn đề pháp lý nữa”, ông Eliason – một cựu công tố viên liên bang và hiện là giảng viên Trường Luật Đại học George Washington, nhận xét.

Nếu vụ truy tố được xúc tiến, ông Biden có thể phải đối mặt với quyết định của chính ông: liệu việc ông sử dụng quyền ân xá của tổng thống – như Tổng thống Gerald Ford đã làm trong trường hợp của Tổng thống Richard Nixon – thì điều đó có vì lợi ích quốc gia hay không. 

Ông Nixon từ chức tổng thống năm 1974 khi cuộc luận tội đến gần, và đại bồi thẩm đoàn liên bang đang chuẩn bị truy tố ông với tội danh hối lộ, âm mưu, cản trở công lý và cản trở cuộc điều tra tội phạm. Ông đã được Tổng thống Ford ân xá, và việc ân xá của ông Ford đã bị chỉ trích gay gắt vào thời điểm đó. Các nhà sử học tin rằng ông Ford đã phải trả giá cho quyết định ân xá ông Nixon bằng thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1976. 

Nhưng đến năm 2001, ở tuổi 87, ông Ford đã được Thư viện John F. Kennedy trao giải thưởng Nhân Vật Can Đảm (Profiles in Courage Award). “Lúc đó, tôi là một trong những người đã lên tiếng phản đối hành động [ân xá] của ông ấy. Nhưng thời gian có cách làm sáng tỏ và bây giờ chúng ta thấy rằng Tổng thống Ford đã đúng. Lòng dũng cảm và sự cống hiến của ông cho đất nước chúng ta đã giúp chúng ta có thể bắt đầu quá trình hàn gắn và gạt bỏ thảm kịch Watergate lại sau lưng chúng ta”, Thượng nghị sĩ Edward Kennedy nói trong buổi lễ trao giải thưởng cho ông Ford.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: