Cơ quan Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia (National Highway Traffic Safety Administration – NHTSA) vừa công bố dữ liệu trong 10 tháng qua về những vụ va chạm liên quan đến xe hơi có các bộ phận tự động. Theo đó, trong gần 400 vụ tai nạn liên quan đến xe sử dụng công nghệ tiên tiến hỗ trợ người lái, Tesla chiếm đa số.
Phát hiện này là một phần trong nỗ lực của NHTSA nhằm tăng cường xác định độ an toàn của hệ thống lái xe tiên tiến ngày càng phổ biến.
NHTSA đưa ra con số trong 392 tai nạn xảy ra vào khoảng thời gian từ 1 Tháng Bảy năm ngoái đến ngày 15 Tháng Năm, là chết sáu người và năm người bị thương nặng, thì xe Tự lái hoàn toàn (Full Self Driving) của Tesla gây ra 273 vụ, làm chết năm người. Dữ liệu được thu thập dựa vào báo cáo tự nguyện của các nhà sản xuất xe hơi theo yêu cầu của NHTSA.
Trong những năm gần đây, nhiều nhà sản xuất tung ra các hệ thống lái tiên tiến, gồm cả tính năng cho phép người lái xe rời tay lái trong một số điều kiện nhất định và giúp đậu xe song song. Lệnh buộc báo cáo tai nạn của NHTSA là bước đi táo bạo bất thường đối với một cơ quan quản lý mà trong những năm gần đây hay bị chỉ trích là dung túng và không quyết đoán hơn với các nhà sản xuất xe hơi.
Matthew Wansley, giáo sư tại Trường Luật Cardozo ở New York chuyên về các công nghệ xe hơi mới, nhận định: “Cho đến năm ngoái, phản ứng của NHTSA đối với các phương tiện tự hành và hỗ trợ người lái là… thụ động! Đây là lần đầu tiên cơ quan liên bang này trực tiếp thu thập dữ liệu về các tai nạn xe hơi do những công nghệ tự động gây ra”.
Theo Steven Cliff, quản trị viên NHTSA, các dữ liệu tiếp tục thu thập sẽ giúp các nhà điều tra nhanh chóng xác định những khiếm khuyết tiềm ẩn trong hệ thống tự lái. Theo lý thuyết, dù hệ thống hỗ trợ người lái có thể tự lái, thắng và tăng tốc xe, người lái vẫn phải luôn cảnh giác và sẵn sàng giành lại quyền điều khiển xe bất cứ lúc nào, nhưng các chuyên gia an toàn lo ngại người lái thường chủ quan, mặc cho xe… tự lái. Hệ quả, khi công nghệ gặp trục trặc hoặc trong một tình huống cụ thể nào đó mà xe không thể xử lý, còn người lái lại chưa trong tư thế sẵn sàng giành quyền điều khiển, tai nạn xảy ra là lẽ đương nhiên!
Hiện có khoảng 830,000 xe Tesla tại Mỹ được trang bị Autopilot hoặc các công nghệ hỗ trợ người lái khác. Đây là lý do vì sao xe Tesla lại chiếm gần 70% số vụ tai nạn vừa công bố trong báo cáo. Xe tự lái của Honda gây ra 90 tai nạn, Subarus: 10, Ford, GM, BMW, Volkswagen, Toyota, Hyundai và Porsche, mỗi chiếc có từ năm tai nạn trở xuống. Theo NHTSA, hệ thống và bộ phận tự động vẫn còn trong quá trình phát triển nhưng được mang ra thử nghiệm trên đường công cộng, gây ra 130 tai nạn. Tại tiểu bang California, hầu hết tai nạn liên quan đến các công nghệ tiên tiến xảy ra ở San Francisco hoặc khu vực Bay Area, nơi các công ty như Waymo, Argo AI và Cruise đang thử nghiệm và tinh chỉnh công nghệ.
Ford Motor, General Motors, BMW và những hãng khác đều có những hệ thống tiên tiến tương tự cho phép lái xe rảnh tay trong những tình huống nhất định trên đường cao tốc, nhưng số lượng xe bán ra ít hơn Tesla rất nhiều. Tuy nhiên, trong hai thập niên qua, họ đã bán được hàng triệu chiếc xe hơi chỉ trang bị một vài thành phần của hệ thống hỗ trợ người lái, ví dụ bộ phận giúp người lái xe đi đúng làn đường của mình và hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng, điều chỉnh tốc độ xe và phanh tự động khi giao thông phía trước bất ngờ chậm lại.
Lệnh buộc cung cấp dữ liệu của NHTSA được thúc đẩy một phần bởi các vụ tai nạn và tử vong trong sáu năm qua liên quan đến Autopilot của Tesla. Tuần trước, NHTSA mở rộng một cuộc điều tra xem liệu Autopilot có những sai sót về thiết kế và công nghệ không. Kể từ năm 2014, cơ quan này điều tra 35 tai nạn liên quan đến Autopilot, trong đó có chín vụ khiến 14 người chết và điều tra sơ bộ về 16 vụ xe Tesla dùng Autopilot đâm vào các phương tiện khẩn cấp đang đậu, có đèn nhấp nháy.
Vào Tháng Mười Một năm ngoái, Tesla cho thu hồi gần 12,000 xe đang trong quá trình thử nghiệm bản beta của tính năng Tự lái hoàn toàn (được thiết kế để sử dụng trên đường nội thị) sau khi hãng thử nghiệm bản cập nhật phần mềm thắng khẩn cấp. Dù dữ liệu NATSA thu thập được có thể cung cấp một bức tranh toàn cảnh hơn về hoạt động của các hệ thống tự động, nhưng vẫn khó xác định liệu chúng có giúp kéo giảm tai nạn hay cải thiện độ an toàn không. Cơ quan này không thu thập dữ liệu để so sánh giữa việc sử dụng hệ thống tự lái và tắt đi trong tình huống nào đó, thì cái nào an toàn hơn.
Các nhà sản xuất xe hơi được phép tự mô tả những gì đã xảy ra trong vụ tai nạn, vì vậy việc giải thích dữ liệu có thể không chính xác. J. Christian Gerdes, giáo sư kỹ thuật cơ khí hiện là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu xe hơi của Đại học Stanford, nhận định: “Dữ liệu vừa công bố là hữu ích, nhưng không phải là tuyệt đối cho các nhà nghiên cứu về độ an toàn của xe tự lái”.
Nhưng một số chuyên gia cho biết kho dữ liệu tai nạn có sẵn sẽ khiến các cơ quan quản lý có cơ sở để quyết đoán hơn. Như Bryant Walker Smith, phó giáo sư tại trường luật và kỹ thuật của Đại học South Carolina, chuyên về các công nghệ giao thông vận tải, cho rằng NHTSA nên sử dụng các quyền hạn của mình để làm được nhiều việc thích đáng hơn.
Nhìn chung, đây là một khởi đầu tốt, nhưng làm thế nào để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các hệ thống lái tự động? Không ai có thể quả quyết được điều gì. Các nhà sản xuất xe hơi và công ty công nghệ hứa sẽ giải bài toán này, nhưng chẳng ai nói khi nào thì giải xong.
Những người lái xe Mỹ, dù sử dụng các hệ thống tự động hay chỉ là song hành, đều là những “con chuột bạch” trong thí nghiệm mà kết quả vẫn chưa được tiết lộ. Các nhà sản xuất xe cho biết họ đang bổ sung thêm nhiều tính năng xe cải thiện độ an toàn, nhưng rất khó để xác minh độ chính xác của những tuyên bố này. Trong khi đó, tỷ lệ tử vong trên đường cao tốc và đường phố của nước Mỹ tăng lên ở mức cao nhất trong 16 năm qua. Và vì thế, người lái xe đừng dại dột, tin tưởng tuyệt đối mà giao tính mạng của mình cho hệ thống tự lái.
Đọc thêm: