Nghề báo ở Việt Nam

Minh họa (Người Đưa Tin)

Ngày 21 Tháng Sáu là ngày Báo chí Việt Nam, ngày để tôn vinh các nhà báo đang làm việc cho nền báo chí cộng sản. Người dân thường nói báo chí ở Việt Nam là báo chí “định hướng” nhưng “định hướng” như thế nào?

Định hướng

Trong bất cứ cơ quan công quyền nào cũng có chi bộ Đảng cộng sản, là bộ phận chóp bu quản trị và điều khiển hoạt động của cơ quan đó. Trong tòa soạn báo cũng vậy, gần như tất cả nhà báo đều phải là đảng viên, họ phải chịu một cổ hai tròng: Chịu sự “lãnh đạo” của chi bộ đảng và chịu sự quản lý về chính quyền của ban giám đốc đứng đầu là giám đốc đài hoặc tổng biên tập báo.

Hàng tháng, hàng tuần, chi bộ đảng họp truyền đạt nội dung phải “tuyên truyền”- nội dung này do ban tuyên giáo địa phương chuyển đến. Hàng tuần, ban giám đốc họp với cơ quan đảng cấp tỉnh thành gọi là tỉnh ủy và thành ủy, ủy ban (chính quyền), ban tuyên giáo, sở thông tin truyền thông để bàn bạc, đưa ra nội dung của báo chí. Sau đó về tòa soạn chỉ đạo nội dung lại cho bộ phận biên tập. Biên tập sẽ phân công cho nhà báo từng đề tài theo đúng nội dung đã được cấp trên vạch ra. Họ làm việc rất chặt chẽ.

Quản lý nhà báo

Phóng viên chỉ được phép viết theo đề tài đã phân công. Nếu phóng viên tự tìm đề tài thì cũng phải báo cáo cho biên tập, biên tập đồng ý duyệt thì mới được viết. Nhà báo không được tự do muốn viết gì thì viết đâu. Tôi có một người bạn, học kinh tế nhưng theo nghề báo. Một hôm nghe tin công nhân đình công, anh ấy vội vác máy ảnh đến chụp, tưởng đâu làm nhà báo nhanh nhạy nắm bắt thông tin như thế là đúng. Về đến tòa soạn, anh ấy bị mời lên làm việc với tổng biên tập ngay, buộc phải xóa hết hình ảnh trong máy. An ninh đã chụp được cảnh nhà báo trò chuyện với công nhân đang đình công và báo về tòa soạn. Ngay hôm sau, anh nhà báo bị đuổi việc vì “tác nghiệp khi chưa được tòa soạn phân công đề tài”.

Đó là nói về công việc, còn trong cuộc sống, nhà báo cũng bị công an theo dõi sát. Đó là Phòng PA 83-An ninh chính trị nội bộ, họ theo dõi tất cả nhà báo trong cuộc sống thường ngày, việc đi lại, quan hệ họ hàng, bạn bè, giao tiếp và nhất là Facebook. Đừng nghĩ rằng việc viết Facebook là quyền tự do ngôn luận hoặc là quyền sinh hoạt cá nhân. Nhà báo không có quyền đó. Facebook của những nhà báo viết phản biện sẽ được công an tra cứu hàng ngày hàng giờ, in ra từng bài viết đưa vào hồ sơ của an ninh. Khi hồ sơ đủ dày hoặc nhà báo viết điều gì đó vượt ngưỡng, gọi là chống đảng, chống phá nhà nước thì họ sẽ xử ngay, như các nhà báo Mai Phan Lợi, Trương Châu Hữu Danh… vừa qua.

Trong các cơ quan báo đài, luôn có bộ phận an ninh mạng làm việc. Nhà báo đến cơ quan mở máy truy cập wifi là sẽ bị theo dõi xem bạn truy cập vào những trang web nào, liên lạc với ai, mọi tin nhắn hay cuộc gọi đều bị an ninh ghi lại, thậm chí họ sử dụng kỹ thuật để có được password của bạn.

Minh họa (lsvn.vn)

Bị tẩy chay

Mọi nhà báo viết phản biện xã hội đều trở thành thứ “con hủi” nơi làm việc. Mọi người đều biết bạn đang bị công an theo dõi nên không ai dám đến gần, trò chuyện thậm chí chào hỏi. Bởi họ sợ. Nỗi sợ hãi công an là một nỗi ám ảnh ghê gớm trong tâm thức của người Việt

Bị đánh phá Facebook

Bộ phận an ninh mạng sẽ làm mọi cách khóa tài khoản Facebook của các nhà báo dám lên tiếng phản biện. Họ làm đủ cách: Từ việc tập trung lực lượng report, hack Facebook, hoặc tạo tài khoản giả mạo nhằm đánh sập trang cá nhân của những nhà báo này.

Kiểm duyệt

Mỗi bài báo đưa lên công chúng đều phải qua kiểm duyệt rất khó khăn. Tại các đài truyền hình chẳng hạn, mặc dù phóng viên chỉ được viết theo đề tài, nội dung được phân công, nhưng bài báo sẽ phải qua năm khâu kiểm duyệt:

Biên tập; Trưởng phòng Thời sự (Chuyên đề); Ban giám đốc (Phó hoặc Tổng biên tập); Đạo diễn hậu kỳ; Đạo diễn phát sóng.

Hiện nay, báo chí Việt Nam đã biến tướng đi nhiều. Báo chí chuyên phục vụ chính trị chỉ còn ở các tỉnh lẻ. Nếu cách đây hai mươi năm, báo chí ở Sài Gòn là niềm kiêu hãnh của hệ thống tuyên truyền thì bây giờ nó là rác rưởi. Báo chí chạy theo đồng tiền. Họ gọi bằng cái tên mỹ miều là “kinh tế báo chí”. Các tòa soạn giao chỉ tiêu cho phóng viên bằng tiền chứ không phải số lượng tin bài. Mỗi bài báo phải kèm theo hợp đồng quảng cáo thì mới được đăng, nói cách khác doanh nghiệp hoặc cá nhân nào được lên báo tức là đã chi tiền cho tờ báo đó chứ không phải họ tốt đẹp hay ho gì. Phóng viên bóp cổ doanh nghiệp kiếm cơm, họ chạy hợp đồng là chủ yếu chứ không phải viết báo bởi họ được hưởng phần trăm hoa hồng trong các hợp đồng đó, thông thường là 30%.

Bóp cổ bằng cách nào ư? Họ tìm một cái lỗi nào đó trong việc làm ăn – như trốn thuế, như sản phẩm bị lỗi, hoặc không đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân chẳng hạn, rồi đến làm tiền doanh nghiệp: Nếu anh không chi tiền ra, thông qua hợp đồng quảng cáo, thì chúng tôi sẽ viết bài “bóc phốt” đăng lên báo… Như vậy đó, y hệt bọn xã hội đen, chỉ khác là mang danh trí thức và có thẻ ngành.

Hầu hết tòa soạn đều thiếu tin bài nên phải “khai thác”, tức là sao chép tin bài của những tờ báo khác. Chưa bao giờ nền báo chí hạ cấp như bây giờ khi mà việc đạo văn được xem như bình thường. Bạn chỉ cần coi một trang báo là nắm được hết thông tin, bởi những báo khác cũng đăng tin bài y hệt nhau. Tại tòa soạn có một bộ phận gọi là Phòng biên tập hoặc Phòng khai thác, tuyển những nhân viên chỉ cần học xong lớp 12.

Các nhân viên này chỉ cần lên mạng đọc báo, copy tin bài của các tờ báo khác mang về đăng lên trang báo của mình, ký tên mình là coi như của mình. Mỗi ngày các em ấy phải copy từ 15-30 tin bài như vậy để trang báo đó hoạt động. Còn phóng viên, họ không được trả lương, không có nhuận bút, họ sống bằng tiền bóp cổ doanh nghiệp và phần trăm hoa hồng từ các hợp đồng mang về cho tòa soạn. Làm việc không lương nhưng đa số nhà báo Sài Gòn rất giàu có, thu nhập vài trăm triệu một tháng là bình thường

Ngày 21 Tháng Sáu, ngày Nhà báo Việt Nam, là một thứ lễ hội nhằm đề cao việc tuyên truyền cho đảng. Chưa bao giờ và chưa có ai đặt câu hỏi rằng nhà báo Việt Nam đã có quyền tự do ngôn luận hay chưa? Họ có được tự do trong cuộc sống riêng? Chính họ cũng chưa bao giờ tự hỏi rằng mình đã làm đúng trách nhiệm của một nhà báo là nói lên sự thật hay không?

Nếu như ở thế giới tư bản, báo chí là quyền lực thứ tư, thì ở Việt Nam, báo chí chỉ là một thứ công cụ của nhà cầm quyền cộng sản.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: