Kaliningrad có dẫn tới chiến tranh Nga – NATO?

Kaliningrad - vùng đất cực Tây của Nga - trở thành điểm nóng xung đột mới giữa Nga và phương Tây
Người dân Lithuania treo lên hàng rào nhà ga, nơi các chuyến tàu từ Moscow đến Kaliningrad đi qua, hình ảnh về cảnh tang tóc, tàn phá ở Ukraine để phản đối cuộc xâm lược của Putin. Hôm 18 tháng Sáu chính phủ Lithuania đã quyết định cấm vận chuyển một số loại hàng hóa của Nga qua lãnh thổ nước này, gây căng thẳng giữa hai nước. Ảnh Paulius Peleckis/Getty Images
Thời Sự
Thời Sự
Kaliningrad có dẫn tới chiến tranh Nga – NATO?
Loading
/

Cuộc đối đầu giữa Nga và Minh ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vừa bắt đầu một điểm nóng mới ở vùng đất Kaliningrad trên bờ biển Baltic, có nguy cơ dẫn tới sự đụng độ quân sự giữa hai thế lực lớn nhất châu Âu.

Lưỡi dao găm ở trái tim châu Âu

Kaliningrad là một vùng lãnh thổ của Nga nhưng nằm cách xa nước Nga, bị kẹp giữa biển Baltic và hai nước Ba Lan, Lithuania. Vốn là tỉnh Konigsberg của xứ Đông Phổ thuộc Đức – nơi sinh của triết gia nổi tiếng Immanuel Kant, vùng đất này đã được giao cho Nga theo thỏa thuận Potsdam phân chia lãnh thổ Đức Quốc xã sau khi Berlin đầu hàng Đồng Minh Tháng Tám 1945 và được đổi tên thành Kaliningrad, theo tên của nhà lãnh đạo cộng sản Liên Xô Mikhail Kalinin.

Sau khi sáp nhập vùng đất này, Nga đã trục xuất toàn bộ cư dân Đức và chuyển người Nga từ các nơi khác đến. Chính quyền Xô Viết đầu tư xây dựng Kaliningrad thành một hải cảng lớn, không bị đóng băng như các hải cảng khác của Nga, một trung tâm ngư nghiệp và một căn cứ quân sự lớn, nơi đặt đại bản doanh của Hạm đội Baltic của Hải quân Nga.

Nhưng sau khi Liên Xô sụp đổ cuối năm 1991, Kaliningrad bị cô lập với nước Nga, nằm lọt giữa các quốc gia không thân thiện là Ba Lan và Lithuania (người Việt quen gọi là Litva) – hai thành viên của NATO. Nhưng Moscow đã có cách làm riêng: Biến Kaliningrad thành một pháo đài tiền phương trong nỗ lực chống lại cái gọi là “những chính sách thù địch” của NATO. Ở đó, Nga có nhiều đơn vị quân đội đồn trú, bố trí những vũ khí tân tiến như hỏa tiễn Islander và nhiều hệ thống phòng không lớn. Khi Nga đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân đáp trả việc Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập NATO hồi Tháng Tư, một nhà lãnh đạo Lithuania nói rằng Nga đã bố trí vũ khí hạt nhân ở Kaliningrad nên lời đe dọa đó không có gì mới. 

Do vị trí đặc thù và năng lực quân sự mạnh mẽ của Kaliningrad, một cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ đã gọi đây là “lưỡi dao găm của Nga ở trái tim châu Âu”.

Tuy nhiên, do cách xa lãnh thổ chính của Nga hơn 200 dặm, mọi hoạt động tiếp liệu và hàng hóa cho Kaliningrad đều phụ thuộc vào vận chuyển bằng xe lửa từ Nga băng qua lãnh thổ Lithuania hoặc từ Belarus qua lãnh thổ Ba Lan.

Vùng Kaliningrad của Nga (trong vòng đỏ) nằm lọt giữa biển Baltic và hai nước Ba Lan, Lithuania, cách biên giới Nga tới 200 dặm. Việc tiếp tế cho Kaliningrad hoàn toàn dựa vào vận chuyển đường sắt qua lãnh thổ Lithuania. Ảnh Google Maps

Căng thẳng từ một lệnh cấm vận

Ngày 18 Tháng Sáu 2022 vừa qua, Lithuania công bố ngừng việc vận chuyển hàng hóa Nga qua lãnh thổ của họ để đến Kaliningrad theo quyết định cấm vận Nga của Liên minh châu Âu (EU). Moscow lập tức phản ứng bằng lời đe dọa trả đũa nếu Lithuania không rút lại lệnh cấm đó. 

Lệnh cấm vận chuyển của Lithuania – một đất nước chỉ có 2.8 triệu dân – chỉ áp dụng cho những mặt hàng trong danh sách cấm vận của EU như kim loại, đồ điện tử và vật liệu xây dựng. Theo gói biện pháp cấm vận của EU, than đá sẽ bị cấm từ Tháng Tám, còn dầu thô và các sản phẩm xăng dầu sẽ bị cấm từ Tháng Mười Hai năm nay.

Nhiều quan sát viên cho rằng, Nga đang sử dụng cảng Kaliningrad để xuất cảng hàng hóa, né tránh các biện pháp cấm vận của phương Tây cho nên lệnh cấm của Lithuania làm cho hoạt động xuất cảng đó bị chặn đứng.

Để biện minh cho quyết định của mình, chính phủ Lithuania nói họ không đơn phương, tùy tiện áp đặt các biện pháp hạn chế mà hành động theo đúng luật lệ của EU; hành khách và các mặt hàng nằm ngoài danh sách bị cấm vẫn được vận chuyển “không bị gián đoạn” tới Kaliningrad.

Nhưng các quan chức lãnh đạo Kremlin đã lập tức nổi nóng. Nikolai Patrushev – cựu tướng tình báo, hiện là Tổng thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Nga, nhân vật có quyền lực lớn nhất sau Tổng thống Vladimir Putin và là người được cho là sẽ tạm cầm quyền trong những ngày ông Putin phải nằm bệnh viện để điều trị ung thư – đã đến thăm Kaliningrad hôm Thứ Ba 21 Tháng Sáu. Ở đó ông ta tố cáo hành động của Lithuania “vi phạm luật pháp quốc tế”. “Chắc chắn nước Nga sẽ phản ứng với một hành động thù địch như vậy. Hậu quả sẽ có những tác động tiêu cực trầm trọng đến nhân dân Lithuania,” ông Patruhsev nói với truyền thông nhà nước Nga. 

Anton Alikhanov, Thống đốc Kaliningrad nói rằng lệnh cấm của Lithuania ảnh hưởng tới một nửa lượng hàng hóa mà vùng lãnh thổ này tiếp nhận từ Nga. “Chúng tôi coi đây là một sự vi phạm nghiêm trọng quyền vận chuyển tự do đến và đi khỏi vùng Kaliningrad”, ông Alikhanov viết trên Twitter. Video trên các mạng xã hội cho thấy cảnh người dân Kaliningrad đổ xô đi mua hàng ở các siêu thị vì sợ sẽ không còn hàng hóa trong tương lai gần.

Các nhà lãnh đạo Lithuania khẳng định không có “sự phong tỏa” nào đối với Kaliningrad và nhanh chóng chỉ ra việc Nga phong tỏa các hải cảng của Ukraine trên bờ biển Hắc Hải đã làm gián đoạn nguồn cung cấp lương thực, đẩy giá lương thực thực phẩm lên cao và có nguy cơ gây ra nạn đói diện rộng trên toàn cầu. “Thật nực cười khi nghe lời cáo buộc vi phạm luật pháp quốc tế từ một nước đang vi phạm mọi hiệp ước quốc tế,” Thủ tướng Lithuania Ingrida Simonyte nói với báo chí, theo trích dẫn của Reuters.

Một cuộc chiến tranh mới?

Các nhà phân tích cho rằng, Moscow đang bị sa lầy trong vụ xâm lược Ukraine nên sẽ không có khả năng phát động một cuộc chiến tranh nữa ở Âu châu. Và bất kỳ cuộc tấn công nào vào Lithuania sẽ tự động kích hoạt hiệp ước phòng thủ hỗ tương của NATO, theo đó một thành viên bị tấn công có nghĩa là cả NATO bị tấn công và tổ chức này sẽ đáp trả.

Cho đến nay, NATO đã cố tránh xung đột quân sự với Nga, đã không can dự trực tiếp vào cuộc chiến tranh Nga-Ukraine với lý do Ukraine không phải là thành viên của NATO. Nhưng nếu Moscow động binh đánh Lithuania thì tình hình có thể thay đổi trong chớp mắt. Đức, nước chịu trách nhiệm chính về phòng thủ ở vùng Baltic, gần đây đã tăng cường năng lực chiến đấu ở ba nước nhỏ được coi là xung yếu này và tuần trước Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đến Lithuania xem xét tình hình chuẩn bị. Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price khẳng định Washington sẵn sàng bảo vệ các đồng minh NATO trong trường hợp Nga phát động chiến tranh chống Lithuania hoặc Ba Lan. 

Từ lâu một số quan sát viên ở phương Tây đã lo ngại Nga sẽ dùng vũ lực để chiếm một hành lang đường bộ kết nối vùng Kaliningrad với nước chư hầu Belarus, qua dải đất hẹp dài 65 km gọi là Suwalki Gap thuộc Ba Lan nhưng giáp biên giới Lithuania. Truyền hình nhà nước Nga đã bắt đầu lớn giọng tố cáo phương Tây chuẩn bị gây ra Thế Chiến thứ Ba.

Bộ trưởng Quốc Phòng Lithuania Arvydas Anusauskas hôm nay Thứ Tư cảnh báo mối nguy xâm lược của Nga. “Khi bạn có một lực lượng quân đội được cai trị bởi những kẻ ngu dốt – tôi xin lỗi phải nói như vậy – thì tất nhiên chuyện gì cũng có thể xảy ra”. Do phần lớn quân đội Nga đang bị cầm chân ở Ukraine nên nếu xảy ra xung đột quân sự ở vùng Baltic, có khả năng Nga sẽ phải dùng những lực lượng không quy ước, như chiến tranh mạng hoặc thậm chí vũ khí hạt nhân.

Nhưng cũng có nhiều ý kiến dự đoán Nga sẽ không tấn công quân sự vào Lithuania mà sẽ gây sức ép kinh tế. Hôm Thứ Tư 22 Tháng Sáu, một thành viên Quốc Hội Nga là Leonid Slutsky nói với hãng tin nhà nước Nga RIA Novosti rằng Moscow có thể loại Lithuania ra khỏi mạng lưới cung cấp điện BRELL. Thủ tướng Kaja Kallas của Estonia – một nước Baltic lân cận thì nghĩ rằng sẽ không có tấn công quân sự mà Nga chỉ cố gây áp lực để buộc EU phải nới lỏng cấm vận kinh tế. “Nga rất giỏi lợi dụng nỗi sợ hãi của chúng ta để ép chúng ta phải lùi bước sau những quyết định của mình,” bà Kallas nói với hãng tin AP.

Ba nước nhỏ vùng Baltic – Lithuania, Latvia và Estonia – vẫn dựa vào nguồn điện của Nga. Nhưng từ năm ngoái, dự đoán trước quan hệ với Nga sẽ xấu đi, Lithuania đã chủ động tìm cách kết nối vào mạng lưới điện châu Âu qua ngả Ba Lan. Hôm Thứ Tư, Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda nói với Reuters rằng ông không nghĩ sẽ có chiến tranh với Nga nhưng đã sẵn sàng ứng phó nếu Nga cắt nguồn điện cung cấp cho nước ông. Nên để ý Lithuania là nước EU đầu tiên ngừng nhập cảng khí đốt của Nga và nước này cũng đã ngừng nhập cảng dầu, giảm bớt nhập cảng điện từ Nga.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: