Vấn đề giá xăng dầu đã được đưa ra bàn tại nghị trường ở kỳ họp Quốc hội vừa qua. Giá xăng dầu cao một phần do giá dầu thế giới tăng và phần còn lại là do thuế và phí đánh lên xăng dầu. Giảm giá xăng dầu là một cách chống lạm phát.
Ngày 25 Tháng Sáu, thông tin trên báo Tiền Phong cho biết các chuyên gia đề nghị nhà nước bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm hạ nhiệt giá xăng, giúp ổn định cuộc sống của người dân, vì xăng tăng giá thì đồng loạt hàng hóa cũng tăng theo. Tuy nhiên, phía Bộ Tài chính đang chần chừ không muốn bỏ, bởi theo ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính, “giảm giá xăng dầu thì sẽ làm cho tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới sẽ phức tạp”.
Sự leo thang của giá nhiên liệu thiết yếu là xăng, dầu đã khiến hàng hóa chịu sức ép tăng giá. Nhiều người dân thu nhập thấp phải chắt bóp mới đủ chi tiêu cho cuộc sống hằng ngày, còn doanh nghiệp thấp thỏm lo cạnh tranh khi giá đầu vào đồng loạt tăng…
Ngành sản xuất của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ 37% chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế; tỷ lệ này trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo – ngành có vai trò là động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế chiếm tới 50.98%. Mặt khác, sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch Covid-19 và xung đột Nga-Ukraine chưa khắc phục được. Điều này đẩy giá nguyên, nhiên, vật liệu và lạm phát thế giới tăng cao, lập kỷ lục trong mấy thập kỷ gần đây.
Thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế đánh vào một số hàng hóa, dịch vụ với mục đích không khuyến khích tiêu dùng vì có hại cho sức khỏe như thuốc lá, rượu, bia… Tuy nhiên, mặt hàng xăng dầu là mặt hàng thiết yếu nên nó không phải là hàng đặc biệt. Trong khi đó, Nhà nước vẫn đánh vào mặt hàng này với giải thích là nó có hại cho môi trường. Được biết, trong bốn loại thuế đánh vào xăng dầu đã có thuế bảo vệ môi trường.