Dự án thủy điện Đăk Bla 3 được tỉnh Kon Tum dự kiến cho triển khai gần làng du lịch của cộng đồng Kon Kơ Tu thuộc xã Đăk Rơ Wa, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Diện tích đất chiếm của dự án khoảng 49.33 ha ảnh hưởng trực tiếp về đất sản xuất trồng cây hằng năm, cây lâu năm, trồng lúa của 28 hộ dân với tổng diện tích khoảng 13.83 ha.
Sau khi có thông tin về việc thủy điện được phê duyệt quy hoạch, người dân Làng văn hóa du lịch Kon Kơ Tu, xã Đăk Rơ Wa đồng loạt có ý kiến phản đối. Bà Y Sech (SN 1953) cho biết: “Tôi đi họp làng hai lần rồi, bà con trong làng lo sợ làm thủy điện sẽ mất đất sản xuất, ảnh hưởng đến du lịch nên chúng tôi không đồng ý làm thủy điện”.
Cùng quan điểm, Già làng A Ben (SN 1961) cho hay: “Vừa qua, ngay tại làng đã nhiều lần tổ chức lấy ý kiến của người dân, bà con đều không đồng ý làm thủy điện. Vị trí dự kiến làm thủy điện cách làng chỉ vài trăm mét nên bà con sợ mất đất, không đi làm rẫy được, cảnh đẹp của làng cũng bị mất khi làm thủy điện”.
Làng Kon Kơ Tu hiện có hơn 140 hộ, hơn 700 nhân khẩu và được UBND tỉnh Kon Tum quyết định công nhận là Làng văn hóa du lịch cộng đồng từ Tháng Năm 2020. Sản phẩm chính được xác định tại làng Kon Kơ Tu là du lịch cộng đồng mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, các hoạt động đời sống sinh hoạt thường ngày của người dân gắn với dòng sông Đăk Bla như: Chèo thuyền, các loại hình tham quan trải nghiệm trên sông Đăk Bla…
Hiện làng Kon Kơ Tu đã hình thành nhiều homestay phục vụ du lịch, các dịch vụ kèm theo cũng ngày càng phát triển, khách du lịch trong và ngoài nước đã đến sống cùng, trải nghiệm cuộc sống cùng người dân.
Dự án Thủy điện Đăk Bla 3 được Bộ Công thương phê duyệt, bổ sung quy hoạch thủy điện nhỏ vào Tháng Tám 2020.
Thủy điện mang lại điện năng cho người dân, tuy nhiên hậu quả nó để lại thì không ít. Trong khi đó, du lịch sinh thái là loại công nghiệp không khói, chỉ có thu mà không gây tác hại gì. Xây đập thủy điện làm ảnh hưởng đến làng du lịch cộng đồng liệu có lợi không?
Tại Việt Nam, cứ mỗi khi vào mùa lũ thì các thủy điện thi nhau xả lũ, làm người dân miền Trung năm nào cũng chịu thiệt hại lớn về tài sản và nhân mạng. Nguyên nhân là do rừng bị phá, thủy điện phát triển tràn lan ngăn dòng chảy nên buộc phải xả lũ cứu đập. Ngoài ra, thủy điện chiếm đất rừng nên cũng ảnh hưởng nặng nề đến môi trường và mất tài nguyên rừng.