Sáng ngày 11 Tháng Bảy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nhà nước Cộng sản đã thông qua nghị quyết về quyết định xóa bỏ đất rừng và đất trồng lúa của Dự án xây dựng công trình cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Hơn 1,000 ha rừng sẽ bị xóa sổ để xây cao tốc Bắc Nam, trong đó có 112 ha rừng phòng hộ, 4.45 ha rừng đặc dụng, 803 ha rừng sản xuất và 135 ha rừng ngoài quy hoạch.
Ngoài việc đồng ý xóa sổ hơn 1,000 ha rừng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn cho phép lấy gần 1,900 ha đất lâm nghiệp và hơn 1,500 ha đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên để phục vụ dự án.
Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các tỉnh có dự án như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa thực hiện việc lập hồ sơ lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…, chuyển mục đích sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng rừng.
Ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Giao thông Vận tải cho biết bảy địa phương phải chuyển đổi đất rừng để làm cao tốc vì các vị trí đều trên đồi núi. “Chúng tôi đang chờ từng ngày, từng giờ để triển khai, nếu để lâu hơn lại phát sinh các vấn đề, như giá cả tăng”, ông Thể nói.
Ông Lê Văn Thành, Phó Thủ tướng cũng cho biết, hiện 12 tỉnh mà cao tốc đi qua “đang nằm im vì chưa có dự án đầu tư”. “Sau khi có nghị quyết của Thường vụ Quốc hội, chỉ một ngày là Bộ Giao thông Vận tải có thể phê duyệt dự án, triển khai công tác chỉ định thầu”.
Cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 có tổng chiều dài 729 km, đi qua 12 tỉnh, thành phố với sơ bộ tổng mức đầu tư gần 147,000 tỷ đồng (tương đương $6.39 tỷ), theo hình thức đầu tư công. Dự án được được chia 12 “dự án thành phần” vận hành độc lập, bắt đầu thi công năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào vận hành từ năm 2026.
Nạn phá rừng đã để lại hậu quả khôn lường cho Việt Nam. Chuyện lũ lụt không còn là vấn đề hiếm gặp. Trước đây những trận mưa lịch sử mới gây lũ lụt lớn, tuy nhiên, những năm gần đây, thảm họa lặp đi lặp lại hằng năm gây thiệt hại rất lớn. Thế mà người ta vẫn tiếp tục phá rừng!